(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cuộc kháng chiến của nhà Hồ chống lại 80 vạn quân xâm lược nhà Minh hung bạo, thiện chiến vào cuối năm 1406 nhanh chóng thất bại bởi lòng dân không theo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi - Ông tổ Trung Hưng quốc gia Đại Việt

(VH&ĐS) Cuộc kháng chiến của nhà Hồ chống lại 80 vạn quân xâm lược nhà Minh hung bạo, thiện chiến vào cuối năm 1406 nhanh chóng thất bại bởi lòng dân không theo.

Cha con Hồ Quý Ly bị bắt và giải về Kim Lăng (Trung Quốc). Giặc Minh thực hiện chính sách cai trị rất tàn bạo, hà khắc nhằm hủy diệt, đồng hóa nước ta. Tội ác của giặc đầy rẫy. Chúng đào mồ mả của ta, bắt bớ dân ta, chém giết người trung lương, ngược đãi kẻ cô đơn, góa bụa, nhân dân trong nước không thể sống nổi. Pháp luật và hình phạt của chúng thì hà khắc và càn rỡ, chẳng gì là chúng không làm, nào cấm mắm muối khiến cho dân ta khốn đốn về việc ăn uống, nào phu phen, thuế má nặng nề làm cho của cải trong dân cạn kiệt. Bất kể là thứ gì ta có là chúng cố hết sức vơ vét không bỏ sót tí nào để lấp cái lòng ham muốn sâu như hang hốc.

Còn người dân nước ta thì chúng lại bảo là bọn phản trắc khó trị. Chúng xảo quyệt đặt dinh này, ấp nọ, xếp đặt nào quan, nào tước, bắt bớ sĩ phu ta đem về triều rồi đem họ đi an trí ở đất Bắc. Trước nỗi thống khổ của dân ta đã có trên 200 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của các vương hầu, quí tộc, sỹ phu ở khắp các vùng miền chống giặc Minh xâm lược nhưng đều nhanh chóng thất bại do không qui tụ được lòng dân, chỉ ra đường hướng rõ ràng cứu nước, cứu dân.

Sinh ra, lớn lên từ một gia đình mà ông tổ bốn đời, ông nội, cha đẻ đều làm quân trưởng ở đất Khả Lam, là những người hay làm việc thiện, sẵn lòng cưu mang giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn nên Lê Lợi đã tiếp thu, phát huy truyền thống gia đình. Làm phụ đạo đất Khả Lam ông nổi tiếng là người có đức độ, giàu lòng nhân nghĩa chăm lo làm ăn gây dựng sản nghiệp.

Được chứng kiến nỗi khổ cực, cảnh đàn áp, chém giết dã man của giặc ông đã dùng lời lẽ nhún nhường, dùng nhiều vàng bạc, châu báu hối lộ lũ tướng giặc nhưng cũng chẳng được yên. Với lòng yêu nước thương nòi ông thề không đội trời chung với lũ giặc, song thế và lực còn yếu nên đành phải náu mình nơi quê hương hoang dã chờ thời cơ. Lê Lợi ngày đêm miệt mài đọc sách thao lược, nghĩ suy về lẽ hưng phế. Ông dốc sạch của cải trong nhà đãi khách rất hậu, đón mời người trốn tránh, thu nạp kẻ chống đối nhà Minh, ngấm ngầm nuôi giấu những kẻ mưu trí. Ông đạo Cham luôn đôn đốc mọi người trong nhà, gia nhân chăm lo việc cày cấy, tích trữ lương thảo, rèn sắm vũ khí để khi có thời cơ là phất cao cờ đại nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược cứu nước, cứu dân.

Mùa xuân năm Bính Thân (1416) ông cùng 18 người bạn thân tín tổ chức hội thề tại Lũng Nhai (Ngọc Phụng, Thường Xuân) thề cùng trời, đất, núi, sông… nguyện đồng lòng đánh đuổi giặc Minh xâm lược để giành lại cõi bờ. Sau hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi khẩn trương chuẩn bị lực lượng và chính thức phất cao cờ đại nghĩa vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) ngay tại đất Lam Sơn. Ông xưng là Bình Định Vương và được tướng sỹ tin tưởng tôn là chủ soái tối cao, người tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đánh giặc.

Lê Lợi nghe Nguyễn Trãi đọc Bình Ngô đại cáo (tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai).

Dõi theo quá trình hình thành và phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chúng ta ngày càng khâm phục và tự hào về tài năng kiệt xuất của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Từ lực lượng ban đầu chỉ có 35 quan văn, quan võ, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sỹ, 200 dũng sỹ và số người tham gia khởi nghĩa chỉ khoảng 2.000 người. Trong khi đó số quân Minh đông tới 450.700 tên quả là quá chênh lệch. Nhưng với ý chí: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung/ Căm giặc nước thề không cùng sống” ông vẫn giữ vững lòng tin vào đội ngũ tướng sỹ. Đặc biệt ông hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân những người “manh lệ” có thân phận bình thường nhưng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

Chính nhờ nhãn quan chính trị sáng suốt đó đã giúp ông tập hợp, qui tụ, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân quanh cờ đại nghĩa tạo thành sức mạnh vô địch đè bẹp kẻ thù. Sự đức độ, lòng nhân nghĩa, khoan dung cùng lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quyết tâm đánh giặc đến cùng được vợ con, gia đình và những người thân đồng lòng ủng hộ ngay từ những ngày đầu.

Các cháu gọi ông là chú ruột như Lê Thạch, Lê Khang, Lê Khôi, gọi ông là cậu ruột như Đinh Lễ, Đinh Liệt… hoặc những người bạn như gia đình Lê Lai ở Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Lê Sao, Lê Văn Linh ở Thọ Hải, Phạm Vấn, Lê Bôi ở Nguyên Xá, Nguyễn Thận ở Mục Sơn, Thọ Xuân hay Lê Cố ở Nhân Trầm, Thường Xuân Lê Tông Kiều ở Quảng Xương, Trịnh Khả, Võ Uy ở Vĩnh Lộc, Trịnh Đồ, Đồ Bí, Hà Mộng, Lê Khương, Hà Độ ở Nông Cống đều kéo về Lam Sơn tụ nghĩa. Nhiều hào kiệt các nơi nghe tin cũng tìm về đất Lam Sơn như Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc, Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng ở Hà Nội, Nguyễn Xí ở Nghệ An, Lưu Trung ở Thái Nguyên… Mỗi người đều có thân phận địa vị xã hội khác nhau nhưng họ đều gửi gắm đặt niềm tin ở vị chúa Lam Sơn con người đức độ, nhân nghĩa, khoan dung mà họ đã cảm nhận được qua lời nói, việc làm của ông.

Đội quân “phụ tử” đó trên dưới cùng một lòng giữ vững niềm tin son sắt vào vị chủ soái tối cao của mình trong những năm tháng đầu chống giặc tại vùng núi rừng miền Tây Thanh Hóa. Nghĩa quân đã phải trải qua bao gian nan thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng với lòng tin tuyệt đối vào vị chủ soái của các tướng sỹ, sự chở che đùm bọc, cưu mang hết lòng của nhân dân các dân tộc Kinh, Mường, Thái, nơi nghĩa quân trú quân hoặc đi qua nên Lê Lợi đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt hiểm nghèo nhất như: “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/ Lúc Khôi huyện quân không một lữ”.

Sau một thời gian tạm hòa hoãn để bổ sung củng cố lực lượng, lương thảo, vũ khí, theo kế của Nguyễn Chích ông đã tiến quân vào Nghệ An… Các trận đánh lẫy lừng ở Trà Long, Bồ Ải vào năm Giáp Thìn (1424) rồi đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hóa năm Ất Tỵ (1425) tiến đại quân ra Thanh Hóa và đất Bắc vào mùa thu Bính Ngọ (1426) bao vây thành Tây Đô, Đông Quan, Cổ Lộng, Chí Linh. Với tư tưởng: “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” ông ngày càng thu phục nhân tâm, củng cố lòng tin trong nhân dân nên càng đánh càng mạnh. Lúc bao vây thành Đông Quan đội quân của Lê Lợi đã có tới 30 vạn người là một sự phát triển thần kỳ so với buổi ban đầu.

Những trận đánh diệt viện vây thành lừng lẫy ở Ninh Kiều, Tốt Động, Chúc Động đưa giặc vào thế bị động khiến tướng giặc phải cố thủ trong thành Đông Quan. Tiếp đó quân ta đánh tan 15 vạn viện binh giặc do các tướng đầu sỏ của giặc là Liễu Thăng, Mộc Thạnh cầm đầu ở các trận Chi Lăng, Xương Giang, Lãnh Câu, Đan Xá buộc tổng binh giặc là Vương Thông phải ký hội thề Đông Quan. Với khát vọng yêu hòa bình, ghét chiến tranh cũng là để dứt mối chiến tranh muôn thuở, Lê Lợi đã mở đường hiếu sinh cấp ngựa, thuyền, lương thảo cho bọn Vương Thông dẫn toàn bộ tàn quân hơn 30 vạn người theo hai đường thủy bộ rút về nước vào ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1427).

Sau 10 năm trải qua bao nỗi gian lao vất vả, sau hơn 20 năm chịu ách đô hộ, thống trị tàn bạo, hà khắc của giặc Minh, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Lê Lợi đã giành lại giang sơn, đất nước. Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, thuận theo lẽ trời, hợp với lòng người ông lên ngôi Hoàng đế vào ngày 15 tháng 4 năm 1428 đặt niên hiệu Thuận Thiên, quốc hiệu là Đại Việt, mở ra vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm, là triều đại dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Với tấm lòng yêu nước, thương dân trong gần 6 năm trị vì nhà vua luôn thức khuya, dậy sớm, giữ nếp sống kiệm cần, chăm lo việc triều chính. Vua thi hành chính sự thực rất khả quan như ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học…

Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn đời sống người dân được no ấm, yên vui. Cuối đời ông có phạm một số sai lầm nghe lời xiểm nịnh mà giết hại một số công thần. Nhưng nhận ra lỗi lầm đó nên trước khi qua đời ông dặn con cháu tuyệt đối không sử dụng những kẻ ấy. Với những công lao, sự nghiệp lẫy lừng đó ông xứng đáng là anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất.

Đánh giá, khẳng định những đóng góp lớn lao, vĩ đại của ông với nước, với dân các sử gia như Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú dùng nhiều lời lẽ hết mực ca tụng công đức của một vị vua khai sáng vương triều. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX đã lập một bảng vàng các anh hùng dân tộc đã gọi các vua Hùnglà “Tổ mở nước” gọi Ngô Quyền là “Tổ Trung hưng thứ nhất”, Lê Lợi là “Tổ Trung hưng thứ hai”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa khi nhắc đến những anh hùng cứu nước tiêu biểu nhất của dân tộc ta đã nhắc đến những Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… Những sự ghi nhận, khẳng định trên hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp lớn lao của Lê Lợi với nước, với dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc đầu thế kỷ XV.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]