(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, kéo theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, kéo theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành...

Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) đã góp phần bảo tồn và phát huy sắc thái văn hóa xứ Thanh. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt nhiều kết quả tích cực

Thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam theo Quyết định số 581 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức kiểm kê 1.535 di tích lịch sử danh thắng, xây dựng hồ sơ xếp loại 842 di tích (bao gồm 141 di tích cấp quốc gia, 696 di tích cấp tỉnh); lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận 1 di sản văn hóa thế giới; đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật các loại, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và chống xuống cấp di tích ngày càng được đẩy mạnh. Việc triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của tỉnh về bảo tồn, tu bổ chống xuống cấp các di tích đã có hiệu quả, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu, Đình Phú Điền, đền Đồng Cổ, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, Đình Chung, Nghè Vẹt, đền thờ Trần Khát Chân và chùa Hoa Long... Những di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo ở tỉnh Thanh Hóa đang dần trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan, du lịch.

Cùng với đó, Thanh Hóa đã phối hợp khai quật khảo cổ các di tích: Hang Con Moong, Thành Nhà Hồ, Đàn Nam Giao, Di chỉ văn hóa Đông Sơn thuộc Khu di tích Lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Cồn Cổ Ngựa, di tích khảo cổ Núi Xuân Đài... Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, điền dã tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể cũng được tập trung triển khai. Các lễ hội dân gian, trò chơi, trò diễn được khôi phục; các làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển. Việc nghiên cứu sưu tầm, khai thác, biên soạn vốn văn hóa truyền thống được chú trọng, đã giới thiệu được các ấn phẩm, công trình nghiên cứu về các loại hình văn hóa như: Làng nghề truyền thống; Di sản văn hóa; Di tích và danh thắng Thanh Hóa; lễ hội truyền thống xứ Thanh...

Biểu diễn cồng chiêng là nét đặc sắc trong phong trào văn hóa - văn nghệ của nhiều huyện miền núi.

Triển khai 12 dự án về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số

Cùng với công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động đã được tổ chức trong suốt thời gian qua như: Định kỳ 2 năm một lần tổ chức "Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa", tạo môi trường diễn xướng, bảo lưu văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Những hoạt động đó đã tạo nên sự giao thoa, làm phong phú thêm vốn văn hóa cho từng dân tộc, vùng miền trên mảnh đất xứ Thanh, đồng thời cũng là dịp để bảo tồn, gìn giữ, tránh mai một nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Thanh Hóa cũng đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh và đã giao các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương tiến hành bảo tồn, từng bước phát huy giá trị di sản. Xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến hết năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Trò diễn Pồôn Pôông người Mường huyện Ngọc Lặc, trò diễn Kin Chiêng bọc mạy người Thái (Như Thanh)... Đặc biệt, tỉnh đã triển khai 12 dự án về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay Thanh Hóa đã có nhiều chính sách và cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương sưu tầm, lưu giữ truyền dạy tiếng dân tộc. Đến nay đã sưu tầm, bảo tồn tiếng Thái và chữ Thái; sưu tầm, biên soạn, xuất bản Từ điển song ngữ Việt - Mường, Mông - Việt, Việt - Thái; mở lớp dạy chữ Thái trên địa bàn các huyện miền núi.

Hoạt động văn hóa ở cơ sở được đặc biệt quan tâm

Phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm, trong những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở VH,TT&DL chỉ đạo trung tâm văn hóa xây dựng kế hoạch, thành lập các đội văn nghệ quần chúng tham gia trên 30 cuộc thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội toàn quốc và khu vực do Bộ VH,TT&DL tổ chức, đạt được nhiều thành tích cao với trên 20 HCV, 30 HCB, 35 giải Ba. Chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành công trên 60 hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng, thông tin tuyên truyền cổ động cấp tỉnh. Đồng thời mở các lớp nghiệp vụ cho cơ sở như lớp thanh nhạc truyền thống cho huyện Quảng Xương, lớp hát chèo huyện Hoằng Hóa...; làm tốt công tác bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ và duy trì hoạt động của các CLB và đội văn nghệ ở cơ sở. Nhìn chung, các lớp cũng như các CLB đều duy trì, hoạt động có hiệu quả.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa được toàn hệ thống chính trị, toàn dân quan tâm, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới đối với mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Các cơ quan quản lý luôn tích cực hướng dẫn nhân dân tổ chức xây dựng nếp sống, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào trong hương ước, quy ước làng, bản, xóm và của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Coi trọng công tác xây dựng các thiết chế văn hóa, công tác cán bộ văn hóa ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 10 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, 33 thiết chế văn hóa cấp huyện; 524 trung tâm văn hóa - thể thao xã, đạt tỷ lệ 76,6%; 5.684 nhà văn hóa - khu thể thao thôn... Qua đó đã góp phần thúc đẩy nhiều phong trào văn hóa, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính tự giác, tích cực của người dân đối với các hoạt động văn hóa. Đặc biệt là phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn hóa xã hội.

Hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển, số lượng tác phẩm có giá trị đạt giải thưởng khu vực, quốc gia tăng lên đáng kể. Nhiều văn nghệ sĩ tỉnh Thanh được Đảng, Nhà nước trao các loại huân chương bậc cao, trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật như: Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân, nhà thơ Vương Anh, cố Nhà văn Kiều Vượng. Các lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thư viện, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, nghiên cứu và đào tạo về văn hóa, nghệ thuật... cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Những kết quả trên là tiền đề quan trọng để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]