(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, đến nay 2 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội Trò Chiềng và Trò diễn dân ca Đông Anh đã hoàn thành và được UBND tỉnh trình Bộ VH,TT&DL thẩm định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thêm cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể

(VH&ĐS) Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, đến nay 2 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội Trò Chiềng và Trò diễn dân ca Đông Anh đã hoàn thành và được UBND tỉnh trình Bộ VH,TT&DL thẩm định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại Quyết định số 136 ngày 27/4/2016, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản tỉnh lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong đó có lễ hội Trò Chiềng và dân ca Đông Anh. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai việc bảo tồn 2 di sản này trên một bình diện mới.

Lễ hội Trò Chiềng làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định) với 4 lễ rước và 8 trò diễn đã phản ánh nhiều chủ đề khác nhau một cách sinh động cuộc sống lao động, chiến đấu, bảo vệ đất nước, quê hương và vui chơi, giải trí của nhân dân cũng như tưởng nhớ công lao to lớn của Tam công Trịnh Quốc Bảo.Với quy mô tương đối lớn và hoành tráng, lễ hội Trò Chiềng đã mang đến cho văn hóa dân gian một hệ thống những trò diễn hay, đặc sắc và độc đáo, được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, sáng tạo từ chính những vật liệu bằng tre quen thuộc với làng quê Việt Nam.

Lễ hội Trò Chiềng.

Hồ sơ khẳng định: Lễ hội Trò Chiềng là điển hình cho nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân đồng bằng sông Mã. Nó tổng hợp nhiều tiết mục mang đậm nét văn hóa và văn học nghệ thuật dân gian. Thông qua các trò diễn trong lễ hội, người ta có thể đạt tới niềm vui bất tận trong không khí cộng cảm sâu sắc của cộng đồng làng xã, nhắc lại thuần phong mỹ tục dân tộc, giữ lấy những nét đẹp của làng quê. Lễ hội còn là dịp để cho mọi người xa quê trở về gặp mặt, tụ họp với gia đình trong niềm vui và tình cảm sâu lắng.

Mặc dù bị gián đoạn trong ba thập niên, nhưng đến năm 2007, với sự quan tâm của Sở Văn hóa- Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở VH,TT&DL), Lễ hội Trò Chiềng được đưa vào chương trình phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị. Một số nghệ nhân cao tuổi ở làng đã hăng hái tham gia sưu tầm tư liệu, hồi ức lại những lời ca trong các bài hát và kỹ thuật làm các đạo cụ trong lễ hội, góp phần phục hồi di sản ngày càng có giá trị nguyên gốc hơn.

Trò diễn dân ca Đông Anh hay dân ca, dân vũ Đông Anh là hệ thống các trò diễn xướng đi kèm các bài dân ca, lưu hành chủ yếu ở thôn Viên Khê, xã Đông Anh (Đông Sơn). 12 trò diễn Đông Anh phản ánh đời sống sinh hoạt và tâm tư tình cảm của người nông dân Việt Nam xưa, mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Trong những năm qua, trò diễn dân ca Đông Anh, đặc biệt là Múa đèn- Dân ca Đông Anh và một số trò diễn xướng khác đã được tổ chức công diễn trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã gặt hái được những thành công đáng kể. Hiện nay, một số nghệ nhân do sức khỏe yếu nên việc truyền dạy trực tiếp rất khó khăn. Kinh phí để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân ca, dân vũ Đông Anh còn rất hạn chế, không phát huy được rộng rãi tới quần chúng nhân dân trong toàn huyện nói riêng và cả nước nói chung.

Tổ khúc Múa đèn Đông Anh là một hình thức diễn xướng dân gian vô cùng độc đáo trên quê hương Thanh Hóa.

Sau một thời gian lập hồ sơ khoa học với nhiều nội dung: nội dung về lý lịch di sản; phân bố vị trí di sản; cam kết của cộng đồng trong trao truyền di sản; dựng phim khoa học…, đến nay, 2 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Trò Chiềng và Trò diễn dân ca Đông Anh đã hoàn thành và được UBND tỉnh trình Bộ VH,TT&DL thẩm định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh: Cái khó nhất trong quá trình làm hồ sơ chính là dựng phim khoa học về di sản. Bởi các trò diễn trong di sản đã bị mai một, nhiều người không nhớ được nữa và một số nghệ nhân của các làng cũng đã mất. Vì vậy, phải từ những mảnh vụn của di sản, từ ký ức của người trong làng để làm sao tái hiện lại một cách sinh động nhất, chân thực nhất về các trò. Phục hồi lại được những chân giá trị của di sản là cả một câu chuyện.

Nếu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Trò Chiềng và trò diễn dân ca Đông Anh không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân mà sẽ còn góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản…

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]