(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những tiêu chí khó trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tuy nhiên, hơn 4 năm qua, hệ thống thiết chế, cơ sở vật chất văn hoá trên địa bàn tỉnh đang dần được hoàn thiện với sự cố gắng rất lớn của nhiều địa phương. Song, nhìn lại bức tranh về hệ thống thiết chế, cơ sở vật chất văn hóa không khó để nhận thấy rõ sự chênh lệch nhất là “nút thắt” trong vấn đề quản lý, phát huy công năng sử dụng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiết chế, cơ sở vật chất văn hóa: Nghịch lý thiếu - thừa

Là một trong những tiêu chí khó trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tuy nhiên, hơn 4 năm qua, hệ thống thiết chế, cơ sở vật chất văn hoá trên địa bàn tỉnh đang dần được hoàn thiện với sự cố gắng rất lớn của nhiều địa phương. Song, nhìn lại bức tranh về hệ thống thiết chế, cơ sở vật chất văn hóa không khó để nhận thấy rõ sự chênh lệch nhất là “nút thắt” trong vấn đề quản lý, phát huy công năng sử dụng.

Nơi... thừa, lãng phí

Thời gian qua, việc các địa phương chú trọng đầu tư xây dựng đầy đủ hệ thống từ nhà văn hóa đến các trung tâm văn hóa... đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Nhiều địa phương xây dựng xong rồi để đó, thậm chí không ít nơi thừa hệ thống thiết chế văn hóa.

Chúng tôi tìm đến Trung tâm Văn hóa (TTVH) xã Yên Trường (Yên Định), vốn được đầu tư xây dựng rất khang trang, tuy nhiên hoạt động lại thiếu hiệu quả. Trao đổi với một số người dân được biết: TTVH xã rất ít khi mở cửa, hoạt động cũng chỉ gói gọn là những buổi hội họp ở hội trường; lâu lâu lại có những buổi văn nghệ quần chúng. Còn theo cán bộ văn hóa xã Yên Trường, cho hay: sự ra đời của trung tâm VH-TT xã đã giải quyết đáng kể nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương. Nhiều hoạt động văn hóa, xã hội lớn của xã được tổ chức ở trung tâm VH-TT này. Song, trên thực tế, việc duy trì hoạt động của trung tâm VH-TT xã cũng gặp không ít khó khăn. Một phần do các thôn đều có nhà văn hóa nên người dân ít đến trung tâm VH-TT của xã. Nguồn vốn để duy trì cho các hoạt động cũng không được thường xuyên, do đó, khi nào có hội họp thì TTVH xã mới mở cửa.

Không chỉ ở Yên Trường, mà nhiều địa phương khác hoạt động của TTVH cũng không khá hơn là mấy. Theo anh Chu Minh Thanh, cán bộ văn hóa xã Yên Phong (Yên Định), thì: TTVH xã các ngày lễ, hội họp thì tấp nập, nhộn nhịp, còn ngày thường mọi người đều sinh hoạt ở NVH thôn nên khá tiêu điều. Mặc dù biết hoạt động của TTVH xã khó hiệu quả, dễ gây lãng phí nhưng vẫn phải đầu tư nếu muốn được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Còn đối với nhà văn hóa thì hiện tại hầu hết các địa phương đều đang xoay quanh với đề án sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố. Với đề án đó thì rõ ràng ở những địa phương đã xây mới khi sáp nhập hai thôn lại thành một thì ắt hẳn việc thừa NVH là điều đương nhiên. Ví như, tại xã Yên Thọ (Yên Định), sau khi xã này sáp nhập từ 12 thôn xuống còn 7 thôn, như vậy xã sẽ giảm được 5 thôn và chắc chắn sẽ thừa 5 NVH, vì theo cán bộ xã cho biết 12/12 thôn của xã đã có NVH. Hay đối với xã Đông Khê (Đông Sơn) về đích NTM năm 2014. Toàn xã hiện có 7 NVH đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL. Trước đó có 2 thôn do NVH không đủ diện tích nên buộc xã phải chuyển vị trí để xây mới. 2 NVH cũ của thôn này đành phải thanh lý cho dân. Như vậy, với NVH thừa sẽ xử lý ra sao? Theo ông Lê Lệnh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê (Đông Sơn): Hiện xã chưa biết tính toán thế nào và cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của huyện. Và rõ ràng những xã về đích trước năm 2017, sẽ khó khăn hơn trong việc “ứng xử” với NVH thôn thừa hay thiếu khi thực hiện đề án sáp nhập thôn.

...Nơi lại thiếu

Hiện nay, đối với những địa phương đang phải đi mượn tạm thiết chế văn hóa để sinh hoạt thì lại rất nan giải. Chẳng hạn như, hàng chục thôn, làng ở xã Xuân Thắng (Thọ Xuân), vốn tách từ Công ty TNHH Hai thành viên Lam Sơn - Sao Vàng (tiền thân là Nông trường Sao Vàng) về các xã lân cận đã được 9 năm, nhưng hiện vẫn sử dụng nhà văn hóa, trường mầm non, khu thể thao... của doanh nghiệp cho mượn. Điều đó, nảy sinh rất nhiều bất cập. Ông Phan Trọng Nhạn, trưởng thôn 13, xãXuân Thắng, cho biết: Một số lần, thôn, các đoàn thể hay chi bộ định tổ chức họp tại NVH, song lại trùng với một cuộc họp nào đó của người lao động công ty, chúng tôi đành phải hoãn lại bởi NVH là của họ. NVH của thôn đang mượn cũng được xây dựng từ năm 1991, khá cũ nhưng nay nhân dân cũng không muốn xin sửa chữa...

Dù NVH đã xuống cấp, xập xệ thế nhưng người dân ở thôn Seo, xã Xuân Chinh (Thường Xuân), vẫn còn may mắn hơn các thôn khác là có nơi để tổ chức hội họp, giao lưu văn nghệ.

Còn đối với xã Xuân Chinh (Thường Xuân), hiện nay mới chỉ có 2/7 thôn có NVH. Ông Lục Văn Chiến - Trưởng thôn Seo, xã Xuân Chinh cho biết: Thôn Seo may mắn hơn các thôn khác trên địa bàn xã là có NVH, tuy rằng nó chỉ là nhà tranh tre, tạm bợ; nhưng khi có dịp hội họp hay triển khai các nghị quyếtbà con đến đây còn có chỗ ngồi. Nhiều thôn còn phải mượn tạm nhà dân hoặc sử dụng chung với di tích. Điều đó, làm hạn chế rất nhiều trong việc phát huy đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong thôn.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 5.600 thiết chế văn hóa (TCVH -TT), trong đó có 9 TCVH -TT cấp tỉnh, 33 TCVH -TT cấp huyện; 432/ 635 trung tâm VH -TT xã; 5.280/5.971 NVH thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 3.360 NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL.

Để giải thích cho những hạn chế, bất cập trên có nhiều ý kiến đưa ra từ khách quan đến chủ quan. Trước hết về vấn đề tài chính, nguồn kinh phí hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thực sự còn rất eo hẹp. Ở cấp huyện, phần lớn các TTVH, nhà văn hóa hoạt động dựa vào kinh phí do Nhà nước cấp để duy trì hoạt động, việc tạo nguồn thu rất hạn chế. Ðặc biệt ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh phí để chi lương cho cán bộ và hành chính phí, còn lại chỉ đủ tổ chức vài hoạt động trong năm. Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất vẫn là từ những con người vận hành và sử dụng hệ thống thiết chế này, cụ thể là đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở. Ðội ngũ này đang vừa thiếu, vừa yếu, phải sử dụng cả cán bộ kiêm nhiệm, trái ngành nghề.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, thực trạng thiết chế văn hóa bên cạnh việc sử dụng không hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí rất nhiều thì việc thiếu phải đi mượn tạm nơi khác để sinh hoạt cũng chiếm đa số. Nhận định về vấn đề này, ông Trịnh Trọng Định - Trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Định, cho biết: Để xây dựng thiết chế văn hóa cấp cơ sở cần có sự đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, con người quản lý và tổ chức các hoạt động. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế về việc này. Xây dựng xong thì ai là người quản lý, cơ quan nào sẽ trả chế độ cho họ và kinh phí để tổ chức các hoạt động? Ngoài ra, cũng cần có cuộc khảo sát về nhu cầu sử dụng của người dân đối với các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Hiện tại, nhu cầu của người dân chưa cao thì có thể tận dụng các cơ sở vật chất khác làm nơi sinh hoạt. Nhưng trong tương lai, khi nhu cầu tăng cao, rất cần có nhà văn hóa, nhà SHCĐ đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Còn ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng Văn hóa huyện Thường Xuân, cho biết: “Việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở tại các cộng đồng dân cư là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế quản lý, tổ chức các hoạt động để thu hút người dân đến sinh hoạt vẫn còn nhiều bất cập”. Theo ông trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Để đạt tiêu chí này, các xã phải có 100% thôn đạt chuẩn của Bộ VH,TT&DL phải có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức và kinh phí hoạt động. Song hầu hết các thiết chế văn hóa cơ sở sau khi được đầu tư, xây dựng chỉ sử dụng cho 1 hoặc vài hoạt động mang tính chính trị, rất ít có các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ để có thể thu hút nhân dân đến các nhà sinh hoạt này. Bởi vậy, cần đầu tư dứt điểm và có trọng tâm. Với các huyện miền núi, không chỉ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa bằng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia mà còn có thể lồng ghép với các nguồn đầu tư của các chương trình khác.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]