(vhds.baothanhhoa.vn) - Xây dựng thiết chế văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia góp phần nâng cao chất lượng sống. Song, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự phát huy hết công năng sử dụng, nhiều nơi còn gây lãng phí.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiết chế văn hóa - thể thao: Kém hiệu quả!

Xây dựng thiết chế văn hóa là một nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia góp phần nâng cao chất lượng sống. Song, trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự phát huy hết công năng sử dụng, nhiều nơi còn gây lãng phí.

Nhiều nhà văn hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất còn rất sơ sài nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Luôn được quan tâm

Dù kinh phí, nguồn lực vẫn còn nhiều khó khăn, song công tác đầu tư, xây dựng và sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao (TCVH-TT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua luôn được quan tâm đẩy mạnh; đồng thời tranh thủ các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển và sử dụng có hiệu quả các TCVH-TT. Có thể nói, những kết quả đạt được trong việc đầu tư xây dựng các TCVH cơ sở trong thời gian qua rất đáng ghi nhận.

Điển hình, ở huyện Yên Định đến nay đã có 100% xã, thị trấn hoàn thành quy hoạch trung tâm VHTT xã, nhà văn hóa (NVH) - khu thể thao thôn gắn với quy hoạch NTM; gần 70% NVH đạt chuẩn về quy mô, diện tích theo quy định sau khi sáp nhập thôn. Công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế VHTT thường xuyên được quan tâm. Ngoài ngân sách của Nhà nước cấp, các địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế VHTT. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, bà con nhân dân trong huyện đã tự đóng góp, xây mới được 4 NVH thôn; 1 nhà thi đấu đa năng xã; nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 40 NVH, sân thể thao thôn, làng, với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng... Trong đó tiêu biểu như các xã: Yên Lạc, Yên Thịnh, Định Công, Định Liên... Các thiết chế VHTT từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của người dân. Hàng năm có trên 40% người dân tham gia tập luyện và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại các NVH - khu thể thao thôn.

Hay như tại huyện Thọ Xuân thực hiện Kế hoạch số 119 ngày 11/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân đã triển khai thực hiện các bước quy hoạch xây dựng khu trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao cấp huyện. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn quy hoạch các khu VHTT cấp xã và các nhà văn hóa thôn, khu phố, cơ bản phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng được nhu cầu hoạt động, sinh hoạt của nhân dân. Tính đến tháng 12/2018, 41/41 xã, thị trấn trên địa bàn đã có trung tâm VHTT và có 390 nhà văn hóa thôn, khu phố, 142 khu thể thao thôn riêng biệt. Sau sáp nhập, toàn huyện có 272/274 thôn, khu phố có nhà văn hóa (đạt 99,2%), trong đó, 90% nhà văn hóa bảo đảm quy mô, diện tích và hầu hết được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ hội nghị, tập huấn và hoạt động VHTT.

Các hoạt động còn sơ sài

Ông Trịnh Trọng Định - Trưởng phòng VHTT huyện Yên Định thẳng thắn nhìn nhận: Sở dĩ công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã hiện nay đang còn yếu cái chính là do cán bộ văn hóa - xã hội hoặc cán bộ truyền thanh xã kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách. Nhà sinh hoạt cộng đồng (hội trường) thôn, tổ dân phố được giao cho cán bộ thôn, tổ bảo quản; phần lớn đội ngũ cán bộ này (trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, trưởng ban mặt trận) chưa được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, lại thường xuyên biến động hoặc kiêm nhiệm nhiều việc và không có phụ cấp trong việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa nên khó phát huy lòng nhiệt tình và trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút quần chúng nhân dân.

Theo nhận định của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, việc đầu tư xây dựng các thiết chế VH-TT của tỉnh tuy đã được quan tâm nhưng hiện nay việc tổ chức các hoạt động tại chỗ hầu như còn rất sơ sài. Biên chế phục vụ tại các TCVH-TT hiện chưa ổn định, kinh phí cho hoạt động của các TCVH-TT còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Ở cấp xã, phường, thị trấn, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TCVH-TT ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn thiếu một số các hạng mục chức năng theo quy định, phương tiện trang thiết bị không bảo đảm về mặt kỹ thuật. Điều quan trọng là quy chế hoạt động của Trung tâm VH-TT xã đến nay vẫn chưa được ban hành nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức hoạt động, nhất là về kinh phí và biên chế.

Theo đó, đối với mỗi TCVH-TT, muốn hoạt động hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động phải đầy đủ, công tác quản lý và khai thác, sử dụng cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được điều đó, mỗi TCVH cần có tổ chức bộ máy phù hợp. Hiện tại, ở một số trung tâm VH-TT cấp xã cán bộ phụ trách đều kiêm nhiệm. Do đó, công tác tổ chức bộ máy trong thời gian tới cần lưu ý bố trí cán bộ chủ chốt là biên chế sự nghiệp làm việc tại trung tâm và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách để họ yên tâm làm việc lâu dài. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn về kinh phí, nội dung hoạt động tại các trung tâm. Bởi kinh phí phải đầy đủ, nội dung phải phong phú, đa dạng thì các TCVH-TT cơ sở mới thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng tham gia sinh hoạt. Đó mới chính là cái đích hướng đến của các TCVH-TT ở cơ sở.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]