(vhds.baothanhhoa.vn) - Được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của hai triều đại phong kiến trong lịch sử: Tiền Lê và Hậu Lê. Thọ Xuân còn là địa phương sở hữu số lượng lớn với hơn 200 di tích đã kiểm kê, trong đó có 53 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt và 5 di tích quốc gia). Đây là niềm tự hào song cũng là “áp lực” của địa phương trong việc bảo tồn gắn với phát huy giá trị di tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thọ Xuân bảo tồn giá trị di tích từ nguồn xã hội hóa

Được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của hai triều đại phong kiến trong lịch sử: Tiền Lê và Hậu Lê. Thọ Xuân còn là địa phương sở hữu số lượng lớn với hơn 200 di tích đã kiểm kê, trong đó có 53 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt và 5 di tích quốc gia). Đây là niềm tự hào song cũng là “áp lực” của địa phương trong việc bảo tồn gắn với phát huy giá trị di tích.

Đã hàng trăm năm đi qua, đến nay dấu tích của bậc tiền nhân vẫn còn lưu giữ trên đất Thọ Xuân. Đó là di tích quốc gia đền thờ Lê Hoàn (Xuân Lập), vị vua sáng lập ra triều đại phong kiến nhà Tiền Lê và khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Xuân Lam), nơi được xem là kinh đô thứ hai của nhà Hậu Lê - triều đại phát triển rực rỡ bậc nhất cùng nhiều đóng góp trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Cùng với đó là hàng loạt các di tích lịch sử, cách mạng giá trị. Đó là mộ và đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm; cụm di tích cách mạng xã Xuân Minh; di tích cách mạng nhà ông Hồ Sĩ Nhân. Và về thăm Thọ Xuân, du khách xa, gần đừng vội rời đi nếu chưa ghé thăm chùa Tạu cổ kính nằm cạnh trung tâm huyện ồn ào, náo nhiệt.

Cùng với niềm tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của các di tích thì việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, gìn giữ nguyên vẹn di tích đang thực sự là khó khăn với huyện Thọ Xuân. Ông Đỗ Đình Tám - Trưởng phòng VH-TT huyện Thọ Xuân cho biết: “Với số lượng trên 200 di tích đã kiểm kê và 53 di tích được xếp hạng, từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 3 di tích được hỗ trợ kinh phí trùng tu. Tuy nhiên, thực tế các di tích xuống cấp đòi hỏi được đầu tư kinh phí khá nhiều. Trong khi điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, lại đang tập trung cho mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước năm 2020. Vì vậy, nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ của huyện trực tiếp cho các di tích lại càng hạn chế. Việc kêu gọi nguồn xã hội hóa là giải pháp tất yếu hiện nay. Trong đó, với các di tích dòng họ thì gần như nguồn kinh phí 100% là xã hội hóa. Còn với các di tích đình làng chiếm số lượng lớn, tùy thuộc điều kiện của mỗi địa phương mà có những cách làm, huy động nguồn kinh phí khác nhau”.

Trước thực tế đó, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã lựa chọn không trông chờ, ỷ lại vào “bầu sữa” kinh phí Nhà nước và huy động nguồn xã hội hóa hợp lý để đạt hiệu quả tích cực.

Đình làng Yên Lược xã Thọ Minh (Thọ Xuân) được trùng tu hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa năm 2017 đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương.

Tháng 4/2017, đình làng Yên Lược xã Thọ Minh (Thọ Xuân) đã cơ bản hoàn thiện trùng tu với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Ông Nguyễn Bá Vụ - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Minh chia sẻ: Đình làng Yên Lược là di tích có lịch sử lâu đời. Nơi đây thờ Thành hoàng làng và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tâm linh của người dân địa phương. Qua thời gian di tích xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, Đảng ủy, HĐND, UBND đã họp và thống nhất ý kiến người dân về việc đóng góp kinh phí trùng tu đình. Trước tiên, phải tuyên truyền để người dân hiểu di tích là tài sản của cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân. Việc kêu gọi nguồn kinh phí đóng góp được huy động tối đa từ nhiều nguồn: người dân sống tại địa phương, con em xa quê...và được đồng thuận, hưởng ứng. Người đóng tiền, người góp của...cùng chung tay để trùng tu di tích. Toàn bộ nguồn kinh phí nhân dân đóng góp cho việc trùng tu đình làng Yên Lược được công khai, minh bạch.

Hiện hữu trước mắt chúng tôi là đình làng Yên Lược nằm trong khu vực khuôn viên UBND xã Thọ Minh được trùng tu khang trang, trở thành điểm đến sinh hoạt tâm linh của người dân trong làng. Dẫu không nguy nga, lộng lẫy, đồ sộ, nhưng hình ảnh di tích hôm nay là sự đoàn kết đóng góp kinh phí, cùng chung tâm huyết... của những người dân nơi vùng quê còn nhiều khó khăn. Thật sự rất đáng trân trọng.

Nhắc đến Xuân Phả, ta nhớ đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận, một loại hình trình diễn dân gian sống động, đặc trưng và hấp dẫn. Và gắn với không gian trình diễn trò diễn Xuân Phả chính là nghè Xuân Phả (xã Xuân Trường). Theo thời gian, nghè Xuân Phả đã xuống cấp, đòi hỏi được trùng tu là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên trong điều kiện khó khăn của ngân sách Nhà nước và địa phương thì việc kêu gọi nguồn xã hội hóa đã thực sự phát huy hiệu quả. Được biết, việc trùng tu nghè bắt đầu từ năm 2016 với nguồn kinh phí dự toán khoảng 5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nghè Xuân Phả đã cơ bản được trùng tu các hạng mục chính với kinh phí kêu gọi xã hội hóa trên 3,5 tỷ đồng. Và trong thời gian tới, bằng nguồn xã hội hóa di tích sẽ tiếp tục được hoàn thiện các hạng mục liên quan (sân nghè, khuôn viên...). Và sau khi hoàn thiện, nơi đây sẽ thực sự là không gian truyền thống cho trình diễn trò Xuân Phả.

Cụm di tích cách mạng Xuân Minh (xã Xuân Minh) đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Nơi đây được xem là cái nôi của cách mạng tỉnh nhà thời kỳ 1930 - 1945. Nhận thức tầm quan trọng và giá trị di tích, năm 2017, bằng nguồn ngân sách xã và kêu gọi xã hội hóa, địa phương đã đầu tư kinh phí trùng tu nhà thờ cụ Nguyễn Xuân Thúy, một trong 13 điểm thuộc cụm di tích cách mạng Xuân Minh.

Thọ Xuân không phải huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh đối mặt với khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích đang xuống cấp hiện nay. Tuy vậy, để giải quyết bài toán khó, rõ ràng đã có những hướng giải tuy không mới song thực sự hiệu quả, kịp thời trùng tu, bảo vệ di tích trước những nguy cơ nhãn tiền. Vẫn biết, điều kiện thực tế ở mỗi địa phương không giống nhau. Tuy nhiên, trong khi “bầu sữa” ngân sách Nhà nước cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay còn hạn hẹp. Nếu mỗi địa phương không vận động để tìm hướng giải thì hàng trăm di tích đình, nghè cổ đang xuống cấp hiện nay... sẽ ra sao!

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]