(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là công trình có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, di tích Quốc gia Nguyễn Văn Nghi (người đã dạy học cho 2 vua nhà Lê) còn mang giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, thể hiện đạo lý “Tôn sư trọng đạo” và “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Chính bởi tầm vóc đó mà năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định đầu tư gần 53 tỷ đồng để tôn tạo lại di tích. Tuy nhiên, dự án cho đến nay vẫn chưa được triển khai khiến cho di tích ngày càng bị xuống cấp trầm trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tôn tạo lại di tích quốc gia Nguyễn Văn Nghi: Cần thêm những tấm lòng hảo tâm trong xã hội

Không chỉ là công trình có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, di tích Quốc gia Nguyễn Văn Nghi (người đã dạy học cho 2 vua nhà Lê) còn mang giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, thể hiện đạo lý “Tôn sư trọng đạo” và “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Chính bởi tầm vóc đó mà năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định đầu tư gần 53 tỷ đồng để tôn tạo lại di tích. Tuy nhiên, dự án cho đến nay vẫn chưa được triển khai khiến cho di tích ngày càng bị xuống cấp trầm trọng.

Bậc đại khoa lưu danh sử sách

Theo các tài liệu ghi chép lại, cụ Nguyễn Văn Nghi là con đầu trong một gia đình có 3 anh em. Cụ sinh năm Ất Hợi (1525). Năm 29 tuổi, cụ đỗ Đệ nhất Giáp chế khoa (Tiến sỹ), khoa thi năm Giáp Dần (1554) dưới thời vua Lê Trung Tông. Cụ là người đoan chính, cẩn thận, được chúa Trịnh Kiểm tin dùng, lúc đầu làm Hiệu lý viện Hàn Lâm. Năm Bính Thìn 1556, vua Lê Anh Tông lên ngôi, Nguyễn Văn Nghi được cử vào cung dạy học. Sang năm 1557, cụ được lên chức Cấp sự hộ khoa kiêm quản lý tài chính. Sau đó, Nguyễn Văn Nghi đổi sang làm Tả thị lang (Thứ trưởng) bộ Binh, Tổng ký lục chính dinh. Năm 1580 thời vua Lê Thế Tông, cụ sang làm Tả thị lang Bộ Lại, vào hầu vua trong điện kinh diên kiêm học sỹ Đông Các. Vua Lê Thế Tông còn trẻ, lại được cụ giảng dạy. Khi chết, cụ được vua Lê phong là Phúc Thần. Con trai Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Khải, người thông minh mưu lược, được phong đến Binh bộ Thượng thư, là bậc Quốc lão tham dự triều chính và được tôn xưng là Thánh Hẹ. Cháu nội là Nguyễn Văn Lễ, đỗ Hoàng Giáp (Tiến sỹ) khoa Nhâm Dần (1602) đời vua Lê Kính Tông và làm tới chức Hàn Lâm viện hiệu lý tước nam. Tên tuổi của Nguyễn Văn Nghi và dòng họ Nguyễn của cụ đã góp phần làm nên truyền thống khoa bảng ở làng cổ Bôn đúng như câu ca: “Đông Sơn Tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột”.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi cần sớm được đầu tư xứng tầm.

“Thành Nhà Hồ” thu nhỏ của huyện Đông Sơn

Cũng chính bởi tài năng, đức độ và những đóng góp lớn lao của Thái Phó Nguyễn Văn Nghi mà sau khi cụ mất, năm 1617, nhân dân làng Ngọc Bôi (nay là làng Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) đã lập đền thờ tự với diện tích là 26.345m2.

Theo quan sát, đền được thiết kế bao gồm 2 vòng thành khép kín: thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (thành nội) phía trong. Bên trong thành nội có gian nhà thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi. Trong khuôn viên đền thờ còn có nhiều tượng và hiện vật bằng đá được chạm khắc tinh xảo, thể hiện nét kiến trúc độc đáo hết sức uy nghi và cổ kính ít có di tích nào có được. Đặc biệt, cổng được các nghệ nhân xây theo kiểu mái vòm, có chốt bằng đá trông rất giống cổng Thành Nhà Hồ. Phía trên nóc cổng còn có cặp Rồng ấp rất độc đáo - điều rất hiếm thấy ở các di tích cổ.

Với những giá trị lịch sử - kiến trúc còn để lại, đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi được xếp là một trong những ngôi đền cổ lâu đời và độc đáo của Việt Nam đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia (1990). Tiếc là trải qua thăng trầm của thời gian, khu nhà chính đã bị sập đổ chỉ còn lại gian nhà nối phía sau được địa phương sử dụng làm nơi thờ tạm Thái phó Nguyễn Văn Nghi trong khi chờ các ngành chức năng trùng tu, tôn tạo. Đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên các khung, xà của gian nhà nối cũng đã bị mối mọt, khó có thể sử dụng được lâu dài. Trước thực trạng đó, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, xã Đông Thanh đã kêu gọi xã hội hóa được hơn 300 triệu đồng để chỉnh trang thay mới 2 bàn thờ ở khu chính điện; lát lại nền sân và đường chính dẫn vào đền thờ; xử lý mối mọt ở gian nối còn lại; lắp camera và giằng sắt thép ở các tượng chầu để chống trộm...

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết: “Để di tích được đầu tư đồng bộ xứng tầm, địa phương mong muốn sẽ có thêm nhiều những tấm lòng hảo tâm hơn nữa. Có như thế mới phát huy được giá trị của di tích, đưa nơi đây trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn không chỉ của người dân Đông Sơn và con cháu dòng họ Nguyễn, mà còn của cả du khách thập phương trong và ngoài tỉnh”.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]