(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tốc độ phát triển KT-XH nhanh, mạnh, những năm qua, TP Thanh Hóa đang khẳng định vai trò đô thị trung tâm của tỉnh. Đời sống người dân trên địa bàn không ngừng được nâng cao, cùng với đó thiết chế văn hóa, thể thao được chú trọng xây dựng, hoàn thiện. Tuy nhiên, có một thực tế, việc xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao ở các xã, phường, thôn, phố chưa thực sự gắn với nhu cầu vui chơi của trẻ em. Hay nói cách khách, các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu vui chơi của con trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa: Đơn điệu thiết chế nhà văn hóa - khu thể thao cho trẻ em

Với tốc độ phát triển KT-XH nhanh, mạnh, những năm qua, TP Thanh Hóa đang khẳng định vai trò đô thị trung tâm của tỉnh. Đời sống người dân trên địa bàn không ngừng được nâng cao, cùng với đó thiết chế văn hóa, thể thao được chú trọng xây dựng, hoàn thiện. Tuy nhiên, có một thực tế, việc xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao ở các xã, phường, thôn, phố chưa thực sự gắn với nhu cầu vui chơi của trẻ em. Hay nói cách khách, các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu vui chơi của con trẻ.

Thiết chế nhà văn hóa - khu thể thao ở các xã, phường, thôn, phố khá đơn điệu, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu vui chơi thụ hưởng văn hóa của trẻ em.

Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, phố Nguyễn Sơn và Nam Thành, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) được sáp nhập thành phố Nguyễn Sơn. Nhà văn hóa phố Nguyễn Sơn trở thành nơi hội họp, còn nhà văn hóa phố Nam Thành cũ được sử dụng làm sân chơi thể thao cho người dân. Tuy vậy, mỗi buổi chiều tại đây, hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra chủ yếu cũng chỉ là đánh cầu lông, bóng chuyền của người cao tuổi. Còn trẻ em trong khu phố, gần như rất ít vui chơi tại khu vực này. Ở thời điểm hiện tại, cùng với sự hạn chế về không gian thì sân thể thao chỉ là khoảng trống được căng dây đánh cầu, điều này dễ hiểu vì sao không thể hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là các em nhỏ đến đây vui chơi.

Thực tế, thiết chế văn hóa, thể thao ở phố Nguyễn Sơn cũng là tình trạng chung ở nhiều thôn, phố trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện nay. Các thiết chế văn hóa thể thao sơ sài, đơn điệu, thiếu những hoạt động được tổ chức thường xuyên mang tính kết nối cộng đồng và hấp dẫn trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho thực tế nói trên. Trong đó, thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí, thiếu nhân lực vẫn được xem là nguyên nhân chính “bó chân” các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương gắn kết, đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em.

Trong khi đó, TP Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa với trên 94,5 nghìn hộ và trên 355 nghìn nhân khẩu, nhu cầu vui chơi, thụ hưởng văn hóa của người dân trên địa bàn vô cùng lớn. Ở thời điểm hiện tại, TP Thanh Hóa có 37 xã, phường với 311 thôn, phố. Từ năm 2015 đến nay, đã có 32/37 trung tâm văn hóa, thể thao phường, xã có quy hoạch quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó, chỉ có 2/32 trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VH,TT&DL. Và trong 311 thôn, phố thì có 227/311 nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn quy định.

Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, công tác quy hoạch mặt bằng, khu dân cư mới, thành phố đặt ra mục tiêu: 80% trung tâm văn hóa, thể thao xã phường và 100% nhà văn hóa - khu thể thao thôn, phố có quỹ đất độc lập đủ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Từ năm 2011 - 2017, ngân sách TP Thanh Hóa đã đầu tư trên 36 tỷ đồng cho việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Và phần lớn nguồn ngân sách được dùng để hỗ trợ đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ vận hành thiết chế.

Đến nay, với 37 xã, phường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa thì 100% các thôn, phố đã có nhà văn hóa (chuẩn và chưa chuẩn). Tuy nhiên, hệ thống thiết chế nhà văn hóa ở các phường, xã, thôn, phố đã thực sự quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em chưa thì lại là câu chuyện khác. Dù rằng, vui chơi, giải trí là một trong những nhu cầu thiết yếu của trẻ em. Và hệ thống văn bản Nhà nước cũng đã quy định rõ về việc dành 30% thời lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa, nhà văn hóa) cho con trẻ.

Theo bà Lê Thị Thanh - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng VH-TT TP Thanh Hóa: Đến nay, hầu hết các thiết chế nhà văn hóa ở địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, triển khai nghị quyết, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. Tuy nhiên, việc để các nhà văn hóa - khu thể thao thôn, phố thực sự đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thì cần đến sự đầu tư đồng bộ không chỉ để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và quan trọng chính là nguồn quỹ đất.

Trong khi các thiết chế văn hóa - thể thao công cộng còn nghèo nàn và thiếu hấp dẫn thì các điểm đến vui chơi giải trí do tư nhân quản lý vẫn không ngừng phát triển, thu hút đông đảo trẻ em đến đây. Vẫn biết, so sánh hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa Nhà nước với dịch vụ vui chơi, giải trí của tư nhân là điều khập khiễng. Tuy nhiên, làm thế nào để các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở không chỉ đơn thuần là nơi hội họp của người lớn? Đó phải là điểm đến vui chơi lành mạnh, thụ hưởng văn hóa tinh thần, gặp gỡ giao lưu của mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ thì thực sự rất cần đến sự tính toán, quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]