(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cùng với trang phục truyền thống của các dân tộc trên vùng đất xứ Thanh, trang phục của người Khơ Mú đã góp phần làm cho vườn hoa dân tộc tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trang phục truyền thống của người Khơ Mú ở Thanh Hóa

(VH&ĐS) Cùng với trang phục truyền thống của các dân tộc trên vùng đất xứ Thanh, trang phục của người Khơ Mú đã góp phần làm cho vườn hoa dân tộc tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu về nguồn gốc tộc người Khơ Mú đều thống nhất ở ý kiến: dân tộc Khơ Mú có nguồn gốc bên Lào (tập trung ở Luông-pra-băng). Dưới tác động của lịch sử (có thể là do chiến tranh), họ từng bước rời khỏi quê hương, theo “sơn lộ” dịch chuyển dần sang Việt Nam.

Hai “điểm đến” của người Khơ Mú trên lãnh thổ Việt Nam là vùng rừng núi Tây Bắc và miền Tây Thanh - Nghệ. Khơ Mú trở thành tên gọi chính thức, được ghi trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam, công bố năm 1979.

RobeQuain.C trong sách tỉnh Thanh Hóa cho biết: Người Khơ Mú còn rất đông ở Hủa Phăn và một vài người đã tiến vào Thanh Hóa ở phía cực Tây châu Thanh Hóa. Theo RobeQuain.C, ít nhất đã có 4 chòm (18 nóc nhà) người Khơ Mú tụ cư trên sườn núi cạnh các bản làng người Thái. Trên tả ngạn sông Nậm Sim, những người (Khơ Mú - TG) ở đây mới vượt biên giới năm 1923, gồm 15 nhà (3 chòm - TG) trên hữu ngạn sông Luồng trong tổng Hữu Thủy ở các chòm Huối Pha, Cha Lúng và Piềng Luông. Trải qua thời gian chinh phục thiên nhiên, hòa nhập cộng đồng, người Khơ Mú trở thành một bộ phận quan trọng trong khối “đại đoàn kết” 7 dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Có thể khẳng định, người Khơ Mú vào Thanh Hóa qua hai con đường: từ nước Lào sang và từ Sơn La xuống, cách ngày nay chưa đầy một thế kỷ; so với các dân tộc cùng tụ cư trong khu vực như Mường, Thái, Mông... thì lịch sử cư trú của người Khơ Mú khá ngắn ngủi. Là “dân ngụ cư”, yếu và thiếu toàn diện về công cụ lao động, tư liệu sản xuất... không ngạc nhiên khi mới có mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người Khơ Mú đã hình thành cuộc sống du canh, du cư trong suốt thời gian dài. Theo tiết lộ của một số người Khơ Mú cao tuổi, thậm chí họ còn không nhớ hết được những nơi đã đi qua. Cuộc sống “nay đây mai đó” của người Khơ Mú chỉ thực sự chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Hiện nay, người Khơ Mú ở Thanh Hóa định cư ở hai bản: Đoàn Kết (xã Tén Tằn) và bản Lác (xã Mường Chanh) cùng thuộc huyện Mường Lát, với số dân cư tương đối nhỏ; tổng số dân cư là 607 người (số liệu năm 1999, tổng điều tra dân số và nhà ở - Tổng cục Thống kê).

Thiếu nữ người Khơ Mú.

Người Khơ Mú không có trang phục truyền thống. Như đã nói, trong hành trình di cư sang lãnh thổ Việt Nam, người Khơ Mú không “mang theo” bộ trang phục truyền thống; quãng thời gian đầu “định cư bắt buộc”, do đồng bào Khơ Mú phải lệ thuộc vào người Thái nên họ cũng lấy trang phục của người Thái làm trang phục cho mình. Thói quen ấy đã “bén rễ” trong suy nghĩ người Khơ Mú qua nhiều thế hệ nên ngay cả khi được Nhà nước công nhận là tộc người độc lập, người Khơ Mú vẫn không chú trọng phát triển nghề trồng bông, dệt vải; họ thường mang các sản vật thế mạnh của dân tộc mình để đổi lấy những bộ trang phục “may sẵn” của các dân tộc cư trú liền kề (chủ yếu là người Thái). Chỉ khoảng vài thập niên trở lại đây, khi cây bông bắt đầu hiện diện trên các nương rẫy, đồng thời trong các gia đình người Khơ Mú xuất hiện khung cửi thì nghề dệt vải mới manh nha hình thành. Trải qua thời gian, người Khơ Mú đã tự tay dệt cho gia đình những bộ trang phục hoàn chỉnh; tuy nhiên, nghiên cứu kỹthuật dệt cùng hoa văn trên tấm vải, dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng của các mô típ hoa văn trên trang phục người Thái.

RobeQuain.C không phải không có lý khi đưa ra nhận định: Quần áo của họ (người Khơ Mú) giống với người Thái nhưng đàn ông Khơ Mú thường mang vòng tai to bằng bạc. Trong cộng đồng người Thái, chắc chắn có khá nhiều người là người Khơ Mú.

Trang phục của người Khơ Mú hiện tại rất giống về kết cấu so với trang phục người Thái. Phụ nữ Khơ Mú mang trên mình một chiếc áo ngắn, bên trong có yếm, lưng thắt vải, váy dài, chân mang xà cạp, đầu đội khăn.

Đi vào chi tiết bộ nữ phục thì có những khác biệt nhất định. Nếu như chiếc áo của phụ nữ Thái thường được trang trí bằng một hàng cúc bạc hình con bướm thì phụ nữ Khơ Mú không tiếp thu hình thức trang trí này. Áo của phụ nữ Khơ Mú thường tối màu, cổ tròn, có đường xẻ ở trước ngực, hàng cúc áo hình chữ nhật dựng nghiêng 90 độ, chất liệu bằng bạc hoặc có thể bằng nhôm; nẹp cổ và nẹp ngực không có sự phân chia và chỉ dài tới ngang ngực.

Yếm của phụ nữ Khơ Mú khá đơn giản, chỉ là một vuông vải ngắn che phần trước cơ thể, bốn góc có dây để buộc vào nhau, ôm qua cơ thể. Màu yếm thường tương phản màu áo.

Thắt lưng bằng lụa, màu sáng, điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải.

Khăn đội đầu của phụ nữ Khơ Mú khá giống với khăn piêu của người Thái nhưng đã được giản lược đi rất nhiều: không thêu hoa văn trang trí, không có các cút đi kèm. Với người Khơ Mú, chiếc khăn đội đầu thiên về tính năng che mưa, che nắng hơn là vật dùng để trang trí.

Xà cạp là những đoạn vải màu đen, cuốn từ mắt cá chân lên tới sát đầu gối; xà cạp quấn chân phải được cuốn từ phải sang trái và ngược lại, xà cạp chân trái cuốn từ trái sang phải.

Váy của phụ nữ Thái không có những đặc trưng rõ rệt mà có nhiều nét tương đồng với váy của người Lào. Nhìn chung, trang phục của phụ nữ Khơ Mú khá “phức tạp”, nó là sự pha trộn nhiều đặc trưng của các dân tộc khác. Khảo sát bộ nữ phục Khơ Mú, dễ dàng nhận thấy yếu tố “tiếp thu” vượt trội, thậm chí là áp đảo các tiêu chí “cách tân, đổi mới”.

Nếu như trang phục phụ nữ Khơ Mú ít nhiều có sự khác biệt so với các vùng lân cận thì các bộ nam phục của người Khơ Mú hoàn toàn là sự “vay mượn” các dân tộc cận cư. Đàn ông Khơ Mú sử dụng song song các trang phục của đàn ông Mông, đàn ông Thái. Ngày nay, đàn ông Khơ Mú ăn mặc giống người Kinh.

Đồ trang sức của người Khơ Mú là các loại vòng tay, vòng tai, vòng cổ... chủ yếu được làm bằng bạc (có thể đeo nhiều vòng). Những chiếc vòng này được tạo hình tròn song không khép kín mà thường hở một đoạn nhất định. Không chỉ phụ nữ mà đàn ông Khơ Mú cũng sử dụng đồ trang sức.

Cùng với trang phục truyền thống của các dân tộc trên vùng đất xứ Thanh, trang phục của người Khơ Mú đã góp phần làm cho vườn hoa dân tộc tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc.

Mạnh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]