(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ngày cuối năm 2016, khi những bông hoa mai, hoa đào đang đua nhau khoe sắc để đón mùa xuân về cũng là lúc dân làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định) đang tất bật sửa soạn cho lễ hội trò Chiềng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trò Chiềng - lễ hội cổ xưa và độc đáo

(VH&ĐS) Những ngày cuối năm 2016, khi những bông hoa mai, hoa đào đang đua nhau khoe sắc để đón mùa xuân về cũng là lúc dân làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định) đang tất bật sửa soạn cho lễ hội trò Chiềng.

Không khó để chúng tôi tìm được nhà cụ Trịnh Đình Quý, ở thôn 4, xã Yên Ninh - một trong số ít người còn nắm rõ về lễ hội trò Chiềng. Nhâm nhi tách trà cụ kể lại: Trò Chiềng là một trò diễn dân gian phát tích từ làng Trịnh Xá cách đây gần 1.000 năm lịch sử, gắn liền với tên tuổi của Tam công Trịnh Quốc Bảo, người được sắc phong làm Thành hoàng làng. Lễ hội trò Chiềng được khôi phục khoảng 8 năm nay và lưu giữ một cách nguyên vẹn.

Trò Chiềng khởi đầu từ trò voi trận - chọi voi và phát triển lên thành lễ hội với 12 trò diễn, trong đó có 4 phần rước gồm: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước Thành hoàng và lễ rước phụng hoàn. Ban đầu, trò Chiềng được dành để biểu diễn cho vua Lý và các đại thần trong dịp lễ hội đầu xuân. Về sau, Trịnh Quốc Bảo đã tổ chức cho con cháu ở quê nhà Trịnh Xá diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời tiếp thu thêm các trò diễn từ đất Thăng Long về truyền lại cho dân làng. Từ đó, lễ hội trò Chiềng được tổ chức hàng năm trong ngày hội làng với nhiều trò diễn phong phú và sinh động: “Đầu xuân mở hội diễn trò/ Chị em tôi múa uốn tay lượn vòng/ Ông từ mở cửa cho cao/ Cho chúng tôi vào để rước vua ra/ Rước vua ra tới sân đình/ Trống đánh rập rình vui thật là vui...”

Hình ảnh tại lễ hội trò Chiềng.

Theo quy định của làng, trò Chiềng được chia thành: đại trò, trung trò và tiểu trò. Năm nào được mùa, dân no đủ thì tổ chức đại trò: diễn cả 12 trò; còn năm nào mùa màng giảm sút thì làm trung trò: từ 5 đến 6 trò; năm nào mất mùa, thiên tai địch họa thì làm tiểu trò, chủ yếu là tế rước, để giữ lễ trò là chính. Người chỉ huy lễ hội là Thượng Soạn, còn lại gọi là Cái. Điều đặc biệt với những người tham gia cái chèo là con gái chưa xây dựng gia đình từ 18 đến 22 tuổi mới được chọn vào đội chèo của lễ hội chính thức. Đối với cái chèo thì con gái trong làng từ 14 tuổi trở lên đều phải học hết và học quanh năm. Nếu ai kế nghiệp thì được gọi là cái phó. Riêng con trai từ 17 đến 25 tuổi trước khi vào diễn trò nếu đã lập gia đình phải cách ly vợ trước 15 ngày.

Trong trò Chiềng, chọi voi là tiết mục khá độc đáo trong ngày hội làng. Có 3 loại voi: Voi Chầu gồm có 2 con to như voi thật, 2 con voi Bị để nhà nào có tang đội vào và voi Chọi. Voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và một lão nông khỏe mạnh, dày dạn kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi, toàn bộ thân voi có vải che kín và mỗi voi có màu vải khác nhau. Khi phát lệnh, 2 con voi xông vào nhau, chọi bằng hai chiếc ngà. Lệ xưa quy định chọi voi 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi, bị đánh đúng chữ “Đích” trên đầu thì thua cuộc. Sau khi trò kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng được đem hóa yết cáo trời đất tri ân công đức của cha ông và các thế hệ tiền nhân của dân làng Chiềng. Tương truyền, những cặp vợ chồng muộn con nếu chui qua bụng voi thì trong năm đó sẽ có con.

Trò Chiềng kết thúc bằng trò đốt pháo bông để ăn mừng. Cây pháo được dựng có 12 tầng với các ống và quả pháo có nhiều kích cỡ khác nhau, trên đỉnh chót vót của cây pháo là hình chú Tễu làm trò. Khi phát hỏa, ánh sáng muôn màu lóe lên và xuất hiện những cảnh: Tễu xay lúa giã gạo, đôi chim công bay múa, chim đẻ trứng và sau cùng hiện lên dòng chữ Hán “Như nhật chỉ thăng” với hàng loạt pháo thăng thiên bay lên, in trên nền trời nhiều hình thù và màu sắc lạ mắt.

Ngoài những nghệ nhân cao tuổi biết và hiểu sâu về trò Chiềng, ở Trịnh Xá hôm nay còn một “lớp trẻ” rất yêu và đam mê trò Chiềng. Dù đã dự hội, xem trò không biết bao nhiêu lần, nhưng người dân làng Trịnh Xá vẫn luôn háo hức, mê đắm khi mỗi độ xuân về lại nô nức, xúng xính trong những bộ trang phục để tham gia luyện tập chuẩn bị cho lễ hội sắp tới.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]