(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến trò Xuân Phả, không thể không nhắc đến ông. Dù tuổi đã cao nhưng giọng ông vẫn sang sảng, tay vẫn dẻo để biểu diễn trò... Ông là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đỗ Đình Tạ.

Trò Xuân Phả và người nghệ nhân già

Nhắc đến trò Xuân Phả, không thể không nhắc đến ông. Dù tuổi đã cao nhưng giọng ông vẫn sang sảng, tay vẫn dẻo để biểu diễn trò... Ông là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đỗ Đình Tạ.

Trò Xuân Phả và người nghệ nhân giàNNƯT Đỗ Đình Tạ diễn lại trò Xuân Phả bằng tình yêu của người nghệ sĩ.

“Được diễn trò là thấy vui rồi”

NNƯT Đỗ Đình Tạ người xã Xuân Trường (Thọ Xuân), năm nay 86 tuổi. Hơn 30 năm về trước, ông tham gia đội trò Xuân Phả. Trước đó, ông là người hát chèo có tiếng trong vùng.

Nhớ lại những năm tháng đầu tiên tham gia đội trò, NNƯT Đỗ Đình Tạ bồi hồi: “Năm 1990 là mốc thời gian đáng nhớ. Vì trước đó, rất nhiều lần đã khôi phục trò nhưng không thành công. Trong năm này, đội văn nghệ của xã Xuân Trường cũng chuyển thành đội trò. Tôi cũng từ đội văn nghệ sang. Thời điểm đấy, tôi chưa thạo trò. Về sau được các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy, tôi mới thuần thục múa và đánh trống”.

Hơn 30 năm - cuộc hành trình đầy dấu ấn khôi phục và phát huy trò Xuân Phả. Đến năm 2016, trò Xuân Phả đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Đỗ Đình Tạ là một trong những nghệ nhân có đóng góp quan trọng cho niềm tự hào này.

Trò Xuân Phả mang đậm dấu ấn của lịch sử và đời sống xã hội thời Lê Sơ. Trò gồm 5 điệu múa đặc biệt: Hoa Lang, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc và Chiêm Thành. 5 điệu múa là những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các quốc gia, thường gọi là “Lân Bang Ngũ Quốc Đồ Tiến Cống”, chúc mừng nhà vua và triều đình Đại Việt... Với NNƯT Đỗ Đình Tạ từng nhiều năm là đội trưởng đội trò, là người múa đẹp, đánh trống giỏi.

Hơn 30 năm, đội trò Xuân Phả vinh dự được chọn làm đại diện cho văn hóa dân gian xứ Thanh ở các sự kiện lớn của đất nước như “Chào thiên niên kỷ mới”, “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”... rồi của tỉnh là lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn... Từ đội trò của xã, đến năm 2003, các thôn ở xã Xuân Trường đều thành lập được đội trò. NNƯT Đỗ Đình Tạ cùng các thành viên đã về từng thôn để dạy múa, đánh trống cho người dân biểu diễn. Bản thân ông còn đi truyền dạy trò Xuân Phả ở nhiều địa phương, trường học trên địa bàn huyện Thọ Xuân.

Hiện nay, trong đội trò Xuân Phả, NNƯT Đỗ Đình Tạ là người cao tuổi nhất. Hơn 30 năm gắn bó với trò, chưa lúc nào ông ngừng “say” với điệu múa, tiếng trống. Hôm chúng tôi đến, ông vừa đi khám sức khỏe định kỳ về. Ông vồn vã, hồ hởi và càng hào hứng hơn khi nói về trò Xuân Phả. Trước chúng tôi, ông diễn lại trò bằng tình yêu của người nghệ sĩ, tay múa, miệng làm trống. Ông nói: “Lâu không đi diễn lại nhớ trò. Tôi khỏe là diễn xa cũng đi. Được diễn trò là thấy vui rồi”.

"Tôi đã và đang rất cố gắng truyền dạy lại cho thế hệ sau"

Múa đẹp, đánh trống giỏi, thời gian sau này, NNƯT Đỗ Đình Tạ lại chuyên về đánh trống. Với ông, đánh trống trò không quá khó nhưng phải nhớ được trò, biết được trò, vì nhạc trống không chỉ cất cánh cho múa mà còn điều khiển điệu múa. Nhịp trống lỗi thì điệu múa lỗi.

5 điệu múa với nhịp điệu nhạc khác nhau, đòi hỏi người đánh trống phải có kỹ năng. NNƯT Đỗ Đình Tạ chia sẻ: “Nói đến trống trò thì về đạo cụ rất đơn giản chỉ 1 trống lớn, mõ tre, thanh la, nhưng khi nổi trống thì có sức hút lạ thường. Đánh 5 nước trò với nhịp phách, trường độ, cao độ khác nhau. Tiếng trống phải có nghệ thuật. Tôi giờ nằm nhà cũng đánh được trống, trống miệng thôi bởi tôi thuộc điệu trò”.

Trò Xuân Phả và người nghệ nhân già

Hơn 30 năm qua, người nghệ nhân vẫn hừng hực lửa nghề. Ông mải miết với cuộc hành trình gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. NNƯT Đỗ Đình Tạ tự hào: “Ở xã tôi, từ người già, con trẻ ai cũng quý trò, biết diễn trò. Lễ Thành Hoàng làng mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm là dịp để mỗi thôn “trổ tài” các nước trò. Tôi múa và đánh được trống trò là nhờ cụ Thuyết, cụ Đãi, cụ Tuần. Các cụ giờ đã mất. Bản thân tôi đã và đang rất cố gắng truyền lại cho thế hệ sau để trò Xuân Phả mãi trường tồn”.

Nhưng, vẫn còn đó ở ông những trăn trở. Ở mỗi thôn đều có người biết đánh trống nhưng chỉ đánh trò của thôn đó còn đánh cả 5 nước trò chỉ có 2 người là ông và NNƯT Bùi Văn Hùng. Ông tuổi đã cao, để tìm người kế tiếp không dễ: “Không thiếu người múa chỉ thiếu người đánh trống. Người nhiệt tình để học đánh trống thì rất ít, phải đam mê, nhiệt huyết mới đánh được. Thiếu người đánh trống thì không thể múa được trò”.

Sự lo lắng ấy không chỉ riêng ông mà còn là nỗi niềm của một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]