(vhds.baothanhhoa.vn) - Trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm

Trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm

Trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằmPhơi tơ. Ảnh minh họa: Trần Đàm

Trồng bông dệt vải

Thời kỳ 1946 - 1954, kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là vùng tự do, là hậu phương lớn. Đó là thời kỳ sản xuất tự cung, tự cấp. Làng tôi cũng vậy. Tự lo cái ăn, tự lo cái mặc, sống hoàn toàn tự nhiên. Cái ăn thì trồng lúa, trồng khoai, trồng sắn, trồng đậu… Còn cái mặc thì trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm. Hồi đó làng tôi dành hẳn một vùng đất rộng để trồng bông, gọi là “Đồng Bông”. Cái tên “Đồng Bông” vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ. Đó là những chân ruộng cao, thích hợp với trồng loại cây này. Bông thu hoạch vào tháng 5, tháng nắng nóng. Tôi cùng mẹ hàng ngày ra ruộng, hái những hoa bông xơ trắng nở bung, cho vào hai cái giành to rồi gánh về nhà. Thu hoạch xong vụ bông, việc tiếp theo là cán bông. Nghĩa là dùng máy cán tách hạt ra khỏi bông. Rồi đến khâu cung bông, hay còn gọi là bật bông. Cung bông là cách làm tơi sợi bông thu hoạch từ cây bông. Người cung bông tay trái cầm cần cung, sao cho dây cung chạm sát vào đống bông xơ, tay phải cầm chiếc cán đập bằng gỗ, to bằng chiếc dùi đục, đập mạnh vào dây cung, tạo rung. Người thợ cung bông đập ba lần nhẹ và một lần mạnh vào dây cung, tạo nên tiếng “bật, bật, bật, bung” và cứ thế “tác nghiệp” cho đến khi toàn bộ đống bông xơ tơi hết ra. Hồi đó trong xóm tôi có hai ông thợ cung bông, đó là ông Cò Nhất và ông Cò Khếnh. Nhà ông Cò Khếnh ở ngay sau nhà tôi. Cho nên ngày nào tôi cũng nghe tiếng “bật, bung” lặp đi lặp lại, từ sáng đến trưa, rồi lại từ trưa đến chiều, nghe như một bản nhạc đơn điệu mà tôi gọi là “nhạc cung bông”.

Công đoạn tiếp theo là xe chỗ bông đã cung thành những “con cún”. Bằng cách dùng chiếc thớt gỗ, đặt lên đó một lượng bông nhỏ, đặt chiếc đũa tre dọc theo chỗ bông này, dùng bàn tay xe đi xe lại cho bông quấn quanh đũa tạo thành “con cún”, rút đũa ra, ta được một “con cún” rỗng ruột, dài gần bằng chiếc đũa ăn cơm. Từ những “con cún” người ta dùng xe kéo để biến bông thành sợi như sợi chỉ và được cuốn lại thành cuộn gọi là cuộn sợi. Hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi và các bà, các chị trong xóm tối tối rủ nhau tụ tập tại sân nhà tôi kéo sợi từ những con cún, mà làng tôi gọi là “kéo xa”. Mỗi người mang đến một chiếc xa kéo sợi tự tạo, một chiếc đèn dầu lạc, dưới ánh đèn dầu mờ mờ ảo ảo tay họ kéo sợi miệng họ hát hò, cò lả, trống cơm… Những đêm trăng sáng, sân nhà tôi càng thêm lãng mạn, đắm chìm trong những làn điệu dân ca đậm chất quê, do các bà, các chị phường vải tự vui với nhau.

Công đoạn cuối cùng là dệt vải trên khung dệt từ những cuộn sợi bông nhờ con thoi. Vải dệt từ bông tự trồng được dùng may quần áo cho mọi người dân trong làng, bất kể nam nữ, già trẻ, giàu nghèo. Vải thường được nhuộm nâu trước khi đem may quần áo, cho thêm bền và sạch. Vả lại, để tránh bị máy bay Pháp phát hiện, hồi đó hoàn toàn cấm mặc quần áo trắng. Sau này, khi hòa bình lập lại, đám thiếu nhi chúng tôi cực thích mặc áo trắng đi học. Váy phụ nữ quê tôi mặc là váy màu đen. Để có vải đen may váy mẹ tôi chỉ cần nhuộm nâu miếng vải, rồi lấy bùn ao trát đầy, đem phơi nắng, sau đó giặt sạch bùn. Cũng có thể nhuộm đen vải bằng lá sòi. Quần áo may bằng vải sợi bông mặc mát, rất “sinh thái”. Bây giờ, quần áo may bằng sợi bông tự nhiên đắt gấp ba bốn lần so với quần áo may bằng vải sợi tổng hợp polyester. Thì ra hồi nhỏ đi chăn bò, tôi đã được “mặc sang” mà không hề hay biết, cứ ngỡ quần áo mình mặc may bằng loại vải “xoàng”, “vải nhà quê”, nhất là khi được nhuộm nâu. Quanh năm tôi và người làng tôi mặc quần áo nâu: “Thuở còn đi chăn trâu/ Bốn mùa mặc áo nâu...”.

Trồng dâu nuôi tằm

Trong những năm kháng chiến chống Pháp làng tôi có phong trào trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Mẹ tôi cũng nuôi tằm lúc nông nhàn. Tục ngữ có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”. Nuôi tằm quả là vất vả, cực nhọc hơn làm ruộng nhiều. Một năm có 3 vụ nuôi tằm chính, đó là: vụ tằm xuân (hai lứa), vụ tằm hè (ba lứa) và vụ tằm thu (hai lứa). Mỗi năm có thể nuôi 7 - 8 lứa tằm. Từ khi tằm nở đến khi tằm nhả tơ, tạo kén là khoảng 25 ngày. Tằm bốn lần lột xác trong vòng đời. Việc hái lá dâu cho tằm ăn phải căn cứ vào tuổi lớn của tằm. Tằm nhỏ hái lá non, tằm lớn hái lá bánh tẻ. Được cái may là cây dâu phát triển rất nhanh, nếu hái hết sạch lá trên cành thì chỉ sau một tuần cây dâu lại mọc đầy lá. Lá dâu cho tằm ăn phải tươi, sạch, không được rửa nước vì tằm rất kỵ nước. Khi tằm còn nhỏ thì mẹ tôi nuôi trong mẹt, lớn hơn nuôi trong nia và cuối cùng nuôi trong những cái nong rộng. Tằm tuổi 4 cần lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm. Tằm tuổi 5 cần lá dâu nhiều chất xơ hơn nhưng tránh cho ăn lá dâu già, vàng, bẩn, lá bị bệnh. Mỗi ngày cho ăn 4 - 5 bữa. Ở tuổi 4 thái đôi lá dâu, tằm tuổi 5 có thể ăn cả lá, thậm chí cả cành. Tằm ăn suốt ngày đêm, tằm ăn bốn ngày thì nằm yên không ăn nữa, gọi là “tằm ngủ”, tằm ngưng ăn dâu, hầu như không động đậy, đầu ngẩng cao. Sau hai ngày ngủ, tằm lột xác và chuyển sang tuổi tiếp theo. Tằm có năm độ tuổi. Tằm lên năm ăn rất nhiều lá dâu, để tích lũy dinh dưỡng trước khi nhả tơ, đây là giai đoạn người ta gọi là “tằm ăn rỗi”. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi mẹ tôi rất vất vả. Phải lo đủ dâu cho tằm ăn, dâu vườn nhà không đủ thì phải đi xa để mua. Những khi như vậy mẹ tôi thường phải đi đến các bãi dâu của mấy làng ven sông Chu, như làng Khoai, làng Vạc, làng Hồng Đô, cách làng tôi chừng 3 – 4 cây số, để mua dâu nuôi tằm. Sáng tinh mơ mẹ tôi đã phải đi để kịp có dâu cho tằm ăn trong ngày. Tằm không chịu được đói, bị đói là chúng chết ngay lập tức. Còn điều này nữa, tằm rất nhạy cảm với thời tiết. Tằm không ưa ánh sáng mạnh, do vậy buồng nuôi cần hơi tối, tránh gió lùa. Đặc biệt gió đông thổi mạnh lúc giao mùa xuân - hè rất có hại đối với tằm. Tại vì nhiệt độ, độ ẩm tăng cao đột ngột làm cơ thể tằm suy nhược, nếu tằm đang ăn thì ứa nước bọt teo đít rồi chết. Nếu tằm chín thì đứng né rồi chết đen. Có lần do động trời, thời tiết xấu, mấy nong tằm sắp làm kén của mẹ tôi chết sạch, nằm co quắp trong nong. Toàn bộ công sức gần tháng trời của mẹ tôi đổ hết xuống sông xuống biển. Mẹ tôi buồn, thở dài não nuột, đêm không ngủ được. Những khi như vậy tôi thương mẹ lắm, nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì để giúp mẹ. Rất may, những tai họa như vậy không phải thường xuyên. Sau khoảng ba tuần nuôi nấng đến nơi đến chốn, tằm phát triển đến kích thước tối đa, mình tròn, da căng bóng, phớt hồng, tằm ngừng ăn, đó là lúc gọi là “tằm chín”, lúc cơ thể tằm chứa đầy dịch trong suốt, tằm có xu hướng ngoi đầu lên, bò tìm nơi thích hợp để làm tổ, nhả tơ, tạo kén. Đây cũng là lúc mẹ tôi rải rơm vào những cái nong, thả tằm vào đó cho tằm làm tổ. Những con tằm nhiều đốt, béo mập, bò khắp nong, nhả tơ làm tổ, nhìn y như những con sâu, lắm khi tôi phát sợ. Khắp nhà tôi, trong nhà, ngoài hè, dưới bếp, ngổn ngang những nong tằm, thoạt đầu chưa thấy gì, nhưng chỉ sau vài hôm hiện ra một nong kén vàng, trông thích mắt, chứ không còn đáng sợ như khi khắp nong bò lổn nhổn những con sâu. Tôi thường giúp mẹ tôi thái dâu, rắc dâu, rải dâu cho tằm ăn và gỡ kén vàng bám vào những cọng rơm để mẹ ươm tơ. Thấy con trai chăm chỉ giúp đỡ, mẹ tôi động viên: “Mi chịu khó giúp mẹ, sau vụ tằm ni tau sẽ may cho mi một bộ quần áo nái”. Ươm tơ chính là việc kéo sợi tơ từ kén vàng thành sợi tơ tằm. Sau khi gỡ kén đã đóng ra khỏi nong, trong vòng 5 ngày số kén này phải được ươm tơ, nếu chậm tằm nằm trong kén sẽ biến thành con ngài, con ngài sẽ cắn kén chui ra theo quy luật của vòng đời con tằm, làm sợi tơ bị cắn đứt và không thể ươm tơ được nữa. Mỗi lần mẹ tôi ươm tơ, tức là cho kén vàng vào nồi nước sôi để làm công việc kéo tơ, là một lần tôi thích, vì bữa đó nhất định sẽ được ăn nhộng. Nhộng từ kén tằm thơm, ngậy, ngon và bổ như thế nào thì chắc tôi khỏi cần phải kể. Huyện Thiệu Hóa chúng tôi có làng Hồng Đô là một làng nghề thủ công truyền thống, chuyên trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt nhiễu. Lụa, nhiễu Hồng Đô nổi tiếng khắp cả nước, sánh ngang với lụa Hà Đông và Nam Định. Loại nhiễu tơ tằm rất đẹp và cực mịn của làng Hồng Đô ngày xưa được dùng để tiến vua, cho nên người ta gọi nhiễu Hồng Đô là “nhiễu tiến vua”.

Làng tôi và cả mẹ tôi nữa, chỉ nuôi tằm dệt nái. Tức là làm ra thứ vải gọi là “vải nái”, sợi to hơn, thô hơn vải lụa. Vì trình độ chỉ đến thế. Cái chính là “tự cung, tự cấp”. Tôi vẫn còn nhớ, tết âm lịch năm học lớp bốn, lúc 12 tuổi, tôi được mẹ may cho chiếc áo nái, thích ơi là thích. Tôi mặc ngay chiếc áo nái mới may và đi khoe khắp xóm. Đúng là “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Bây giờ, năm nào tôi cũng diện comple đón tết. Tuy nhiên, tôi chẳng thể quên chiếc áo nái mẹ may cho tôi diện tết năm nào.

Truyện ký của Lê Bá Thự



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]