(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đều do những người có tuổi nắm giữ và duy trì. Việc truyền dạy cho thế hệ trẻ là yêu cầu tất yếu song không phải chuyện giản đơn nếu cứ... bỏ mặc cho các CLB.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

(VH&ĐS) Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đều do những người có tuổi nắm giữ và duy trì. Việc truyền dạy cho thế hệ trẻ là yêu cầu tất yếu song không phải chuyện giản đơn nếu cứ... bỏ mặc cho các CLB.

CLB Chèo Phượng Mao xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) nổi tiếng với những làn điệu chèo mượt mà, thấm đẫm. Chị Nguyễn Thị Oanh, là hạt nhân của CLB và cũng được xem là người còn “trẻ” thì cũng đã ở tuổi ngoài 60. Chị nhiệt tình, chị đam mê nhưng thực ra, CLB cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn. Vẫn chỉ có những gương mặt vốn đã quen mới đủ sức “làm ấm” sân khấu, tìm kiếm vài gương mặt trẻ đam mê sinh hoạt cũng là điều không dễ.

Bác Nguyễn Như Chi - Chủ nhiệm CLB Chèo Bút Sơn (Hoằng Hóa) vốn không còn xa lạ với nhiều người. Gắn bó với CLB từ những ngày đầu tiên thành lập và đến tận bây giờ, sau gần 20 năm, bác vẫn là người thủ lĩnh đầy trách nhiệm, trách nhiệm của một người đam mê, yêu thích nghệ thuật truyền thống. Chia sẻ với chúng tôi về việc truyền dạy cho thế hệ trẻ kế cận, bác trăn trở: Để có được CLB Chèo Bút Sơn như hiện tại là công sức của rất nhiều người, qua nhiều năm. Những thành viên trong CLB như bác rồi sẽ đến lúc “không đủ sức” để sinh hoạt nữa, việc đào tạo thế hệ kế cận là đòi hỏi tất yếu. Nhưng để có thể đào tạo một thành viên có thể tự tin đứng hát, biểu diễn trên sân khấu, hát cho say lòng khán giả ở dưới cũng cần thời gian vài năm, đó không phải chuyện dễ dàng. Bác đang có ý tập hợp những người trẻ ở gần khu vực CLB sinh hoạt, rồi mở lớp truyền dạy, chỉ khoảng mươi người thôi nhưng nếu tốt thì đây sẽ là thế hệ kế cận cho CLB. Tuy nhiên, cũng theo bác, việc mở lớp, truyền dạy sẽ thực sự ý nghĩa hơn khi có sự động viên, quan tâm từ phía cơ quan chức năng...

Trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) mới đây đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là niềm vinh dự, tự hào với người dân xứ Thanh. Anh Bùi Văn Hùng, nghệ nhân dân gian của trò diễn Xuân Phả cho biết: Để duy trì và phát triển trò diễn Xuân Phả thì yêu cầu về việc truyền dạy là đòi hỏi cần thiết, trong đó việc truyền dạy đặc biệt hướng tới thế hệ trẻ (học sinh, thanh thiếu niên), bởi đây không chỉ là thế hệ kế cận mà còn là những hạt nhân tương lai mang niềm tự hào về trò diễn đến khắp mọi miền Tổ quốc. Để khi nhắc tới Thanh Hóa, sẽ nhớ tới trò diễn Xuân Phả và ngược lại.

Được biết, việc bảo tồn và phát triển trò diễn Xuân Phả đã được đưa vào nghị quyết Huyện ủy Thọ Xuân và các kỳ họp HĐND huyện. Đó là tín hiệu vui cho Di sản văn hóa phi vật thể Xuân Phả. Tuy nhiên, không phải loại hình nghệ thuật truyền thống nào cũng may mắn nhận được sự quan tâm như trò diễn Xuân Phả.

Thực tế hiện nay, hầu hết các CLB văn hóa, dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống đều chủ yếu dựa vào những người đã có tuổi. Việc truyền dạy cho thế hệ kế cận cũng trên tinh thần tự phát và nhu cầu từ CLB, rất ít có sự định hướng, quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn vô cùng hạn chế. Ngậm ngùi hơn khi không ít cán bộ làm văn hóa, cơ quan phụ trách lĩnh vực văn hóa còn tỏ ra thờ ơ và xem đó không phải việc của mình, rằng “CLB thích thì tự làm thôi, có ai bắt buộc đâu”!

Thiết nghĩ, văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống là tài sản quý giá mà thế hệ cha ông đã để lại, dung dưỡng và tưới mát bao tâm hồn người Việt. Đó không phải là ngọn nguồn của sự sống nhưng lại nuôi dưỡng, làm nên những nét văn hóa truyền thống riêng biệt của một địa phương hay vùng đất. Để rồi, nhắc đến Vĩnh Lộc người ta nhớ đến tuồng, nói đến Hoằng Hóa là nghĩ ngay đến chèo... Và chính những thế hệ kế cận sẽ duy trì và phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của vùng đất mình sinh sống. Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra khi đến một ngày, chính người Việt lại xa lạ với chèo, diễn trò Xuân Phả... Lúc đó, chúng ta liệu còn gì để “khoe” với bạn bè quốc tế?

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]