(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ hội nhập, những năm gần đây, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS được tỉnh Thanh Hóa quan tâm tổ chức với những nội dung mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, trong đó ấn tượng nhất là liên hoan văn hóa các DTTS.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vai trò của những ngày hội văn hóa

Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ hội nhập, những năm gần đây, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS được tỉnh Thanh Hóa quan tâm tổ chức với những nội dung mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, trong đó ấn tượng nhất là liên hoan văn hóa các DTTS.

Liên hoan văn hóa các dân tộc Thanh Hóa được tổ chức 2 năm một lần, có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 27 huyện, thị xã, thành phố, với khoảng 1.000 diễn viên, nghệ nhân dân gian và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tại liên hoan cũng diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn với những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi, trò diễn dân gian tiêu biểu cho mỗi dân tộc, như: Múa hát Pồn Pôông (Ngọc Lặc), lễ hội Chá Mùn (Lang Chánh), hát khặp dân tộc Thái, dân ca Đông Anh (Đông Sơn), hát Tú Huần (Quảng Xương), trò Xuân Phả (Thọ Xuân)... Đặc biệt, trò diễn Pồn Pôông đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Liên hoan văn hóa các dân tộc được tổ chức là dịp để các nghệ nhân sưu tầm, phục hồi, truyền dạy và thể hiện bản sắc của dân tộc mình, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Nhớ lại, những tiết mục tham dự Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII năm 2018, chắc hẳn hầu hết khách tham dự sẽ không hết ấn tượng với đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Ngọc Lặc, 3 trong 4 tiết mục dự thi trò chơi, trò diễn, văn nghệ được trao giải A là kết quả vô cùng xứng đáng. Đến với Liên hoan văn hóa lần này (được tổ chức năm 2018), huyện Ngọc Lặc mang theo trò diễn Pồn Pôông để giới thiệu với công chúng gần xa. Pồn Pôông là loại hình nghệ thuật không thể thiếu của người Mường, là lễ hội có từ xa xưa mang đậm bản sắc văn hoá Mường, bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước”. Pồn Pôông là lễ thưởng hoa, chơi hoa, thường được tổ chức vào mùa Xuân. Người Mường tổ chức lễ hội này với mong muốn mùa màng bội thu, bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc.

Liên hoan văn hóa các dân tộc được tổ chức 2 năm 1 lần góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.

Trong các tiết mục tham gia liên hoan không chỉ là các trò chơi, trò diễn được huyện Ngọc Lặc chuẩn bị rất công phu mà còn có sự đóng góp rất lớn của các hạt nhân văn nghệ đến từ xã Cao Ngọc. Đây cũng là địa phương mà đại đa số là người Mường sinh sống, có các giá trị văn hóa được bảo tồn khá nguyên vẹn. Điều đặc biệt, trong đoàn tham gia liên hoan này là sự quy tụ các nghệ nhân không chuyên ở nhiều lứa tuổi. Trong đó, cao tuổi nhất là nghệ nhân dân gian Phạm Thị Tắng (bà Máy) đã hơn 70 tuổi. Dù không phải người duy nhất, song nghệ nhân Phạm Thị Tắng được xem là người nắm giữ đầy đủ các nghi thức tâm linh trong lễ hội Pồn Pôông của người Mường huyện Ngọc Lặc nói chung.

Lấy cảm hứng từ chính chất liệu đời sống hằng ngày, với niềm đam mê và sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Quan Sơn mang đến liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII hai tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc, chinh phục khán giả có mặt. Trong đó, tiết mục “Tam tấu khèn Mông” do ba nghệ nhân: Thao Văn Dính; Thao Văn Chữ; Thao Văn Hơ của xã Na Mèo và Sơn Điện cùng phối hợp biểu diễn. Bên cạnh đó là tiết mục múa Khua luống của người dân ở hai bản Ngàm và bản Nhài (xã Sơn Điện). Dưới ánh đèn sân khấu lấp lánh, những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống thật đẹp và lộng lẫy, mang đến những câu chuyện kể về đời sống văn hóa của người dân bản địa.

Được biết, để các kỳ hội diễn, liên hoan văn hóa dân tộc, các lễ hội truyền thống thêm phong phú, đa dạng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL phục dựng lễ Cấp Sắc tại các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc trong cộng đồng người Dao. Cùng với đó là hướng dẫn, giúp các địa phương xây dựng, củng cố các loại hình câu lạc bộ (CLB), trong đó chú trọng đến CLB đặc thù của mỗi dân tộc như: CLB văn nghệ dân gian: Múa Rùa, múa Bát, Tết Nhảy của dân tộc Dao...

Có thể nói, liên hoan văn hóa các dân tộc là cầu nối giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về văn hóa cũng như sản xuất, từ đó tương trợ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, độc đáo của dân tộc tại cộng đồng dân cư đại diện cho các vùng miền xứ Thanh.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]