(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Năm 2016 khép lại với nhiều dấu ấn, thành tích trong hoạt động văn hóa xứ Thanh. Đó là hang Con Moong đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt; trò diễn Xuân Phả chính thức được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Thành Nhà Hồ nhìn lại chặng đường 5 năm được công nhận di sản thế giới... Rất nhiều niềm vui và cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm phát huy giá trị di sản xứng tầm khi văn hóa xứ Thanh đang từng bước “hòa mình vào biển lớn”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa xứ Thanh hòa mình vào biển lớn

(VH&ĐS) Năm 2016 khép lại với nhiều dấu ấn, thành tích trong hoạt động văn hóa xứ Thanh. Đó là hang Con Moong đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt; trò diễn Xuân Phả chính thức được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Thành Nhà Hồ nhìn lại chặng đường 5 năm được công nhận di sản thế giới... Rất nhiều niềm vui và cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm phát huy giá trị di sản xứng tầm khi văn hóa xứ Thanh đang từng bước “hòa mình vào biển lớn”.

Thành Nhà Hồ - dấu mốc di sản thế giới

Người dân Thanh Hóa hẳn vẫn nhớ sự kiện, năm 2011, Thành Nhà Hồ là di sản thứ bảy của Việt Nam chính thức ghi tên mình lên bản đồ di sản thế giới. Một công trình kiến trúc xây dựng tiêu biểu và phi thường của dân tộc Việt cuối thế kỷ XIV. Công trình ấy, đại diện cho sức mạnh, ý chí và sự nỗ lực của người dân Việt, để lại cho nhân loại sự ngưỡng mộ, cảm phục.

Có vô vàn điều kì vĩ về công trình mà hẳn, không phải ai cũng biết rõ. Với tuổi đời gần 600 năm, đây được xem là tòa thành đá cổ nhất Đông Á và Đông Nam Á. Và phía sau câu chuyện xây thành, là những bí mật dần được hé lộ. Thành Nhà Hồ được một vương triều chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm xây dựng trong vòng 3 tháng. Độc đáo hơn khi ngày đó, chỉ với sức người, những phiến đá nặng hàng tấn, không vôi vữa lại được ghép với nhau một cách hoàn hảo. Nếu được, nhiều người hẳn muốn tin rằng, đó không phải là sản phẩm của con người, đó là bàn tay tạo hóa sắp đặt. Nói vậy để thấy, bậc tiền nhân đã phải nỗ lực đến nhường nào. Sự nỗ lực đó, không chỉ đong đếm bằng mồ hôi, công sức. Dưới bức tòa thành uy nghi, thách thức thời gian, chắc chắn có nước mắt, máu xương, hi sinh của biết bao phu xây Thành ngày ấy, để làm nên công trình vĩ đại. Công trình ấy, còn là minh chứng hùng hồn cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam.

Tồn tại cùng lịch sử dân tộc, chống lại sức mạnh thời gian, tòa thành đá ngày nào giờ vẫn sừng sững, là di sản thế giới trên đất Thanh Hóa. Cùng với niềm tự hào thì đó còn là trách nhiệm với một công trình kiến trúc lịch sử được xây dựng bởi bàn tay, khối óc của cha ông.

Sau 5 năm được công nhận di sản thế giới, Thành Nhà Hồ giờ đây đã và đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên bản đồ di sản thế giới, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Với hàng nghìn hiện vật đã được khai quật, cùng sự vào cuộc của các nhà khoa học, lịch sử, những bí mật về tòa thành đá đang dần được hé lộ.

Và, nếu như năm 2010, mới có khoảng 40 nghìn lượt du khách đến với Thành Nhà Hồ thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên khoảng 100 nghìn. Có thể, đó chưa phải là con số gây ấn tượng, nhưng thay đổi sau 5 năm đó đã khẳng định sự phát triển, giá trị di tích đang được phát huy đúng hướng. Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”. Quyết định của Thủ tướng là tiền đề mở ra cơ hội phát triển cho Thành Nhà Hồ: phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Từ đây, chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng, di sản thế giới Thành Nhà Hồ sẽ trở thành trung tâm du lịch của xứ Thanh và cả nước trong tương lại không xa.

Hang Con Moong - địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách

Từ di chỉ hang Con Moong, các nhà khoa học đã phát hiện những điều thú vị về sự phát triển của loài người từ xa xưa. Đó là chìa khóa để người làm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về diễn trình phát triển lịch sử, văn hóa của nhân loại... Công việc của các nhà khoa học sẽ còn kéo dài với những nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những kết luận trên cơ sở khoa học.

Hang Con Moong (tiếng Mường nghĩa là con thú) thuộc địa phận bản Mọ xưa, nay là thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, độ cao tuyệt đối 147m so với mực nước biển nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, niên đại khoảng 240 triệu năm. Độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong nổi bật với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều bí ẩn ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Nếu nhìn trên khía cạnh văn hóa, du lịch thì đây quả thực là cơ hội tuyệt vời cho hoạt động văn hóa phát triển. Bởi nếu các nhà khoa học tìm đến với di chỉ này để nghiên cứu thì nơi đây sẽ là địa điểm hấp dẫn khách tham quan, tìm hiểu. Một loại hình du lịch đặc biệt và không phải địa phương nào cũng có. Tuy nhiên, vì sự đặc biệt, mà di tích hang Con Moong chắc chắn cũng cần đến những cách làm đặc biệt, cho sự phát triển bền vững, chiều sâu.

Niềm vui Xuân Phả

Niềm vui với hoạt động văn hóa tỉnh nhà năm 2016 như được nối dài và rực rỡ hơn khi trò Xuân Phả (Thọ Xuân) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Và đây là di sản phi vật thể đầu tiên của xứ Thanh được vinh danh trong cả nước. Đó là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của người dân làng Xuân Phả mà còn với cộng đồng người dân Thanh Hóa. Bởi từ trước đến nay, Thanh Hóa được biết đến với những công trình, di tích kiến trúc lịch sử vô cùng nổi tiếng. Nhưng trong đó lại chưa có một di sản văn hóa phi vật thể nào được vinh danh, mặc dù số lượng các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của Thanh Hóa được thống kê rất nhiều. Các hoạt động văn hóa truyền thống làm nên nét riêng có của mỗi tộc người, vùng đất xứ Thanh rộng lớn, trong đó, trò Xuân Phả là một trong những nét đặc trưng văn hóa độc đáo của mảnh đất Thọ Xuân. Từ một trò diễn vốn ở chốn cung đình, đến nay đã được các nghệ nhân dân gian và người dân phát huy thành trò diễn độc đáo đại diện cho vùng đất hai vua. Và hơn thế, di sản văn hóa phi vật thể trò Xuân Phả còn có cơ hội được biết đến trong cả nước thông qua các hội thi, hội diễn... để bạn bè trong và ngoài nước biết đến, ở Thanh Hóa, có những giá trị văn hóa dân gian độc đáo, trường tồn như trò Xuân Phả.

Trò Xuân Phả là di sản phi vật thể cấp Quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận.

Hoạt động văn hóa của tỉnh Thanh năm 2016 còn ghi dấu ấn bởi những công trình, di tích, lễ hội... được quan tâm, tổ chức và phát huy giá trị đúng hướng. Hòa mình vào biển lớn sự phát triển văn hóa cả nước và nhân loại, đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng cùng với đó là trách nhiệm vô cùng lớn lao.

Thành Nhà Hồ làm thế nào để phát triển xứng tầm một di sản thế giới? Hướng đi nào để hang Con Moong phát huy giá trị, được cộng đồng đón nhận nhưng không làm ảnh hướng tới việc nghiên cứu của các nhà khoa học? Để trò diễn Xuân Phả được bảo tồn và phát huy, sẽ còn cần đến những cách làm, sự quan tâm thiết thực... hàng loạt những vấn đề được đặt ra đối với hoạt động văn hóa tỉnh nhà. Cùng với đó, đòi hỏi về việc phát huy các giá trị văn hóa là yêu cầu tất yếu, tuy nhiên, phải làm thế nào để việc phát triển đi đúng hướng, đúng cách, phát triển nhưng không làm mất đi giá trị vốn có... Tất cả những yêu cầu đó, đòi hỏi ngành văn hóa với những con người và cách làm chuyên nghiệp, chuyên sâu, nghiêm túc, thực sự trăn trở. Có như vậy văn hóa xứ Thanh mới thực sự tìm được chỗ đứng xứng tầm và đáp ứng được yêu cầu phát triển tất yếu của xã hội. Khép lại năm 2016 với nhiều thành công, dấu ấn trong hoạt động văn hóa, ngành văn hóa và người dân cả tỉnh cùng kì vọng về năm 2017 với nhiều sự phát triển hơn nữa.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]