(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu sử gia Lê Văn Hưu được ví như người “khai dựng” quốc sử, đặt nền móng cho bộ sử nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam - “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Tể tướng (Tham Tụng) Lê Hy lại góp công quan trọng cho việc hoàn thành bộ quốc sử vô giá. Hai bậc danh thần xứ Thanh bằng tài năng xuất chúng đã ghi tên mình vào lịch sử nước nhà. Về thăm di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Hy ở làng cổ Thạch Khê (nay là thôn 2, xã Đông Khê, Đông Sơn) ta thêm phần cảm phục trước tài năng của vị Tể tướng từng đứng đầu lục bộ (lục bộ Thượng thư) thời Lê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về thăm di tích đền thờ Lê Hy, nhớ lời Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nếu sử gia Lê Văn Hưu được ví như người “khai dựng” quốc sử, đặt nền móng cho bộ sử nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam - “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Tể tướng (Tham Tụng) Lê Hy lại góp công quan trọng cho việc hoàn thành bộ quốc sử vô giá. Hai bậc danh thần xứ Thanh bằng tài năng xuất chúng đã ghi tên mình vào lịch sử nước nhà. Về thăm di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Hy ở làng cổ Thạch Khê (nay là thôn 2, xã Đông Khê, Đông Sơn) ta thêm phần cảm phục trước tài năng của vị Tể tướng từng đứng đầu lục bộ (lục bộ Thượng thư) thời Lê.

Năm 1967, bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư do Cao Huy Du phiên dịch và Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản. Ở ngay đầu bộ sách đã khẳng định: “Trong các sách lịch sử của ta thì Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử lớn chép từ Hồng Bàng đến năm Ất Mão (1675) đời vua Gia Tôn nhà Lê. Đại Việt sử ký toàn thư, đầu tiên là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên dựa vào bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên viết vào hồi nửa cuối thế kỷ XV. Đến năm Ất Tỵ (1665) đời vua Lê Huyền Tôn, Tây Vương Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ khảo đính bộ Sử ký toàn thư của họ Ngô và viết thêm phần Bản kỷ tục biên. Đại Việt sử ký toàn thư được Phạm Công Trứ sửa chữa và bổ sung, mười phần mới in được năm, sáu phần. Đến năm Đinh Sửu (1697, Định vương Trịnh Căn sai bọn Lê Hy và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và làm nốt phần Bản kỷ tục biên từ năm 1663 đến 1675”.

Và ở “Tựa Đại Việt sử ký tục biên” do các danh thần đương thời biên soạn, đứng đầu là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, tham tụng Hình bộ Thượng thư tri Trung thư giám, Lai sơn tử Lê Hy cũng viết rất rõ: “Đến triều ta, khi Huyền Tôn Mục Hoàng đế ta mới lên ngôi, nhờ có Hoằng tổ Dương vương (Trịnh Tạc) dựng nghiệp trị bình, tạo nền học vấn, sai tề thần là bọn Phạm Công Trứ tham khảo sử cũ, như Sử ký ngoại kỷ bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục, đều y theo danh lệ của sách sử trước và tham xét biên chép từ quốc triều Trang Tôn Dụ Hoàng đế đến Thần Tôn Uyên Hoàng đế để thêm vào quốc sử, gọi là Bản kỷ tục biên, cho đem khắc in, mười phần mới được độ năm, sáu phần, việc chưa làm xong, vẫn còn để ở Bí các. Cầu cho được nối theo chí trước làm theo việc nước, tóm điều cốt yếu mà thành bộ sử đầy đủ, tất còn phải đợi đến ngày nay”. Dẫn cứ liệu sử sách để thấy rằng, người xưa khi soạn quốc sử đâu phải chỉ có tài năng, mà còn đó gửi gắm cả tâm huyết để đời nối đời, hậu thế hiểu về lịch sử quốc gia dân tộc.

Trở về làng Thạch Khê Thượng, xã Đông Khê trong một sự tình cờ không hẹn trước. Con đường làng sạch sẽ dẫn kẻ viễn khách tìm đến đền thờ Tể tướng Lê Hy. Không quá bề thế, nguy nga như công trạng của bậc đại thần trong lịch sử, song có lẽ, bậc hiền nhân đã khuất cũng chẳng lấy đó làm muộn phiền. Một tấm lòng thành kính tưởng nhớ người xưa có lẽ cũng đã đủ. Bác Lê Huy Khải, người trông coi di tích không quản trưa nắng ngày hè, mở cửa để chúng tôi vào tham quan di tích.

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Hy được trùng tu tôn tạo năm 2001.

Sinh ra ở đất cổ Thạch Khê (nay là xã Đông Khê). Từ nhỏ, câu bé Lê Hy (hiệu là Trạm Khê) đã nổi danh thần đồng với trí thông minh xuất chúng. Và tại kì thi Hội năm Giáp Thìn, mới 19 tuổi đã đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ). Vì đỗ Tiến sĩ ở tuổi quá trẻ nên triều đình đã cho ở nhà tu dưỡng thêm. Sinh thời, nơi quan trường ông nổi tiếng bởi sự thẳng thắn, không ngại va chạm. Cũng chính vì thế mà ông được vua Lê và nhà Chúa hết sức tin tưởng, giao giữ nhiều trọng trách. Nhờ sự thông minh và tài năng của mình, năm 1667, khi mới 34 tuổi ông đã nhận chức Hình khoa cấp sự trung (chức vụ đứng đầu khoa giám sát bộ Hình); năm Giáp Tý (1684) thăng Hữu Thị lang Bộ Binh; rồi Tả Thị lang Bộ Lễ; Tả Thị lang Bộ Lại; và năm 1693 thăng Thị Tham Tụng (còn gọi là Tể tướng), Thượng thư bộ Hình, tước Lai Sơn nam, được giao trấn thủ Cao Bằng và đi sứ 3 năm; trở về triều đình, năm 1698, ông được thăng Thượng thư bộ Binh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay), đặc phong Kim tử Vinh Lộc đại phu, Tham tụng Thượng thư bộ Lại kim giữ chức Thượng thư lục bộ, Tri trung thư giám (giữ việc ghi chép tiền vàng), Tổng tài quốc sử (đứng đầu tổ chức ghi chép, biên soạn lịch sử đất nước).

Chốn quan trường, ông kinh qua nhiều vị trí, đảm trách không ít việc quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, điều để hậu thế nhớ đến vị Tể tướng tài năng không phải ở những tước vị mà chính là những cống hiến cho việc hoàn thành bộ Quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư: “Trong 13 năm soạn Bản kỷ tục biên, phần biên soạn mới của Lê Hy và cộng sự là 19 quyển... tháng 11 năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa (1697) việc biên soạn hoàn thành”. Giới sử học nhận định: “Từ khi Lê Văn Hưu viết xong Đại Việt sử ký (1272) cho đến nhóm Lê Hy hoàn thành là quá trình dài 425 năm. Người đặt nền móng cơ sở là Lê Văn Hưu và người tổng hợp cuối cùng là Lê Hy”. Biết được điều này, có lẽ không chỉ riêng người dân đất cổ Thạch Khê, Đông Sơn mà mỗi người xứ Thanh, có lẽ cũng xem đó như niềm tự hào.

Sau khi mất (năm 1702), quan đại thần Lê Hy được triều đình ban tặng chức Thiếu bảo, truy tặng Thái bảo (phẩm cao nhất) Vinh quận công. Đền thờ ông được lập dựng ngay tại quê nhà. Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng những biến động lịch sử, vào cuối thế kỷ XX, di tích phần nhiều chỉ còn nền móng cũ cùng tấm văn bia cổ về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời làm quan của ông được dựng dưới thời vua Tự Đức (1870). Tuy nhiên, chỉ với từng ấy cứ liệu khắc trên văn bia cũng đủ để hậu thế hiểu và tỏ lòng kính ngưỡng trước vị quan đại thần. Với đầy đủ những giá trị vốn có, năm 1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử đền thờ Lê Hy xã Đông Khê, huyện Đông Sơn. Cùng với đó, quyết định cũng nêu rõ việc nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng.

Tuy vậy, điều đáng tiếc, vì những biến động khiến cho địa điểm di tích cùng tấm văn bia cổ ở thời điểm ấy thực tế lại thuộc diện tích sử dụng của một nhà dân. Phải làm thế nào để bảo vệ nguyên trạng di tích, lại giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân thực sự là bài toán khó với nhiều cấp ngành, địa phương. Và theo ông Lê Khắc Hiệp - nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Khê cho biết: “Năm 2001, di tích đền thờ Lê Hy được chính thức trùng tu, tôn tạo và vào đầu năm 2003 thì chính thức khánh thành, phục vụ người dân đến dâng hương, chiêm bái. Trước đó, trong những lần về thăm quê, bác Phiêu (Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu) vẫn đau đáu về việc Di tích đền thờ Lê Hy chưa được tôn tạo xứng tầm. Vì thế, bác đã động viên người dân trong việc di dời chỗ ở, trả lại nguyên trạng đất nền thuộc di tích. Không bằng mệnh lệnh, bác ân cần nói về giá trị, về tầm quan trọng của di tích với nhân dân, chỉ vậy mà những gia đình có đất đã nghe và trả lại đất cho di tích”.

Bút tích Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết khi về tham dự khánh thành trùng tu di tích đền thờ Lê Hy.

Và đọc những dòng lưu bút mà cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết ngày 18/2/2003 khi về tham dự khánh thành trùng tu đền thờ Lê Hy chúng ta lại hiểu thêm về tâm tư của người lãnh đạo cao nhất của Đảng với những giá trị văn hóa của không chỉ đất nước mà ở ngay quê hương mình: “Đất Thanh là đất Văn hóa. Trong nhân dân có câu Văn Hoằng Hóa, Khóa Đông Sơn. Lê Hy là một trong những người nổi tiếng về trình độ học vấn của huyện Đông Sơn thời bấy giờ. Lê Hy đã từng làm sứ giả của triều Lê sang nhà Thanh Trung Quốc, là người có công trong việc biên soạn và chỉnh lý bộ Đại Việt sử ký toàn thư của nhà sử học Ngô Sĩ Liên. Đầu năm nay, thôn Thạch Khê, xã Đông Khê huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa khánh thành trùng tu đền Lê Hy, đây là việc làm có ý nghĩa. Trân trọng học tập gương sáng người xưa. Mỗi chúng ta bây giờ hãy giữ gìn phát huy giá trị truyền thống hiếu học của cha ông để ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi hoàn toàn”.

Đọc những dòng chữ giản dị mà gửi gắm đầy tâm tư của Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại đền thờ Lê Hy. Là cảm xúc rưng rưng xúc động về tấm lòng của người lãnh đạo Đảng với những giá trị văn hóa của người xưa. Để từ đấy, thấy mỗi chúng ta, có lẽ cũng không thể thiếu ý thức trách nhiệm đối với di sản, lịch sử và truyền thống cha ông.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]