Tọa đàm trao đổi, góp ý hoàn thiện dự thảo chuyên đề số 19 về “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” do Viện VHNT Quốc gia Việt Nam chủ trì đã diễn ra chiều qua 22.3 tại Hà Nội. Các Tổng cục, Cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng hệ giá trị con người gắn với hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Tọa đàm trao đổi, góp ý hoàn thiện dự thảo chuyên đề số 19 về “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” do Viện VHNT Quốc gia Việt Nam chủ trì đã diễn ra chiều qua 22.3 tại Hà Nội. Các Tổng cục, Cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung dự thảo.

Tọa đàm. (Ảnh: Trần Huấn)

Đây cũng là chuyên đề mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ báo cáo Hội đồng Lý luận Trung ương trước khi trình Bộ Chính trị.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam- nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 33 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đề tài “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” nằm trong khuôn khổ các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước của Hội đồng Lý luận Trung ương mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ là người báo cáo.

PGS.TS Từ Thị Loan, Thư ký chuyên đề số 19 nhấn mạnh những điểm mấu chốt của chuyên đề, bao gồm: Nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; căn cứ xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; nội hàm hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam; giải pháp xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

“Ban soạn thảo mong muốn lắng nghe các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo, đặc biệt về các khái niệm và nhóm giải pháp sao cho đáp ứng được các tiêu chí khoa học, ngắn gọn và khả thi. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu báo cáo Bộ trưởng cũng như chỉnh sửa dự thảo...”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Theo dự thảo, nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam được xác định trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống, trong đó một số giá trị lỗi thời thì cần sàng lọc, loại bỏ. Bên cạnh đó, tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại, những giá trị mới, tiến bộ của thời đại.

Dự thảo cũng dành một dung lượng lớn để chuyển tải nội dung về những biến động của hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người ở Việt Nam hiện nay. Đó là sự suy giảm, thay đổi một số giá trị truyền thống, trong đó có sự mai một, phai nhạt và suy thoái một số giá trị vốn được coi trọng như chung thủy, tiết kiệm, cần cù, giản dị, khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhấn mạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp được bảo lưu và sự xuất hiện một số giá trị mới. “Những tác động của xã hội hiện đại đã mang đến nhiều thay đổi về hệ giá trị con người, từ đó tác động đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Do đó, Ban soạn thảo đã tập trung nghiên cứu, khái quát, chắt lọc để đúc rút các khái niệm, hệ giá trị một cách cụ thể, có tính khả thi...”, bà Từ Thị Loan cho hay.

Theo đó, hệ giá trị văn hóa bao gồm các giá trị: Dân tộc, Dân chủ, Nhân văn, Pháp quyền, Hòa hợp. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế bao gồm các giá trị: Yêu nước, Trung thực, Sáng tạo, Trách nhiệm, Kỷ luật.

Đi kèm là các nhóm giải pháp: Hoàn thiện thể chế, cơ chế ở tầm vĩ mô; nêu cao vai trò gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội; tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò của gia đình; phát huy vai trò của nhà trường; phát huy vai trò của môi trường xã hội; nâng cao vai trò của ngành văn hóa.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm nhấn mạnh, dự thảo chuyên đề có tầm bao quát và sức tác động, ảnh hưởng lớn, do vậy phải đảm bảo tính khái quát, khoa học, logic và ngắn gọn. Trong đó, chú ý phần giải trình các khái niệm về các giá trị chuẩn mực, bám sát tinh thần Nghị quyết số 33.

Một số ý kiến lưu ý nội dung dẫn nối từ yếu tố truyền thống đến hiện đại cần được tách bạch, rõ ràng. Đơn cử như giá trị “hòa hợp” trong phần hệ giá trị văn hóa, cần khẳng định sự cần thiết của giá trị này đối với nền văn hóa Việt Nam với đặc thù của một quốc gia đa dân tộc. Tuy nhiên, “hòa hợp” không phải là “không cạnh tranh”, dự thảo cần thể hiện rõ yếu tố “cạnh tranh để phát triển” trong hệ giá trị này.

Các yếu tố liên quan đến hệ thống giải pháp cũng được đặc biệt quan tâm. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung dày dặn hơn các giải pháp cụ thể thuộc từng nhóm. Ví dụ, trong nhóm giải pháp phát huy vai trò của gia đình thì các giải pháp cụ thể để khẳng định giá trị cốt lõi của gia đình, nơi đầu tiên xây dựng nhân cách của mỗi con người cần được thể hiện rõ ràng hơn.

Nhấn mạnh giá trị lý luận và khoa học của chuyên đề và mục đích hướng đến là phải tạo sự đồng thuận, tính khả thi, ý kiến tại tọa đàm cũng lưu ý cần đúc kết, thể hiện nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người. “Hệ giá trị con người phải được gắn kết với hệ giá trị văn hóa, bởi từ giá trị của từng con người cụ thể mới tạo nên hệ giá trị của một nền văn hóa. Bên cạnh tính duy lý, gắn với những giá trị pháp quyền, dự thảo cần bổ sung thêm các yếu tố gắn với những giá trị nhân văn, tình yêu thương con người. Bên cạnh giải pháp về tính nêu gương của các tầng lớp lãnh đạo, quản lý thì cũng rất cần thiết nêu gương, nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt trong cuộc sống, bởi những yếu tố bình dị đó lại tác động thiết thực đến việc xây dựng những hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay...”, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Phương Hòa góp ý.

Theo baovanhoa.vn


Theo baovanhoa.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]