(vhds.baothanhhoa.vn) - Thăng Long ngàn năm là kết quả phát triển nghìn năm của văn minh sông Hồng. Văn hóa Thăng Long không phải là sự phát triển có tính đột biến của văn minh Đại Việt mà là sự phát triển có tính quy luật của văn hóa trên nền tảng các nền văn hóa tiền Thăng Long, trong một không gian rộng mà trung tâm là châu thổ sông Hồng - quê hương buổi đầu của lịch sử dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh trong dòng chảy ngàn năm văn hóa Thăng Long

Thăng Long ngàn năm là kết quả phát triển nghìn năm của văn minh sông Hồng. Văn hóa Thăng Long không phải là sự phát triển có tính đột biến của văn minh Đại Việt mà là sự phát triển có tính quy luật của văn hóa trên nền tảng các nền văn hóa tiền Thăng Long, trong một không gian rộng mà trung tâm là châu thổ sông Hồng - quê hương buổi đầu của lịch sử dân tộc.

Hồ Gươm (Hà Nội) ghi đậm dấu ấn của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi).

Tài liệu lịch sử đã khẳng định: Trước khi văn hóa Thăng Long hình thành phát triển và tỏa sáng trên không gian của văn minh Đại Việt, từ kinh đô của các vua Hùng (vùng Bạch Hạc - Việt Trì) đến kinh đô Cổ Loa của Thục Phán An Dương Vương đã hình thành, phát triển các nền văn hóa với những bản sắc văn hóa đặc sắc. Hệ thống các nền văn hóa cổ từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn đã hình thành, phát triển trong mối liên hệ văn hóa dân tộc người này ngày càng rộng mở. Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao văn minh của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên. Trống Đông Sơn là tiêu biểu tài năng, trí sáng tạo của tổ tiên ta thời kỳ mở nước, tạo dựng văn minh đã trở thành di sản văn hóa nhân loại, góp mặt cùng những di vật tiêu biểu của các nền văn minh lớn trên thế giới. Hệ thống các nền văn hóa phát triển trên châu thổ sông Hồng là cơ sở cho văn minh Văn Lang - Âu Lạc ra đời, phát triển và trở thành nguồn cội để châu thổ sông Hồng sớm trở thành cái nôi của văn hóa dân tộc(1).

Văn minh Văn Lang - Âu Lạc với những thành tựu về nông nghiệp, luyện kim, văn hóa đã trở thành nền tảng vững chắc, đưa đất nước ta vượt qua đêm trường Bắc thuộc để bước vào thời kỳ xây dựng nền độc lập, tự chủ, phục hưng văn hóa dân tộc.

Với thành Cổ Loa, kinh đô của Thục Phán An Dương Vương và sau đó ngàn năm là kinh đô của vương Ngô Quyền, đất Thăng Long đã có chiều sâu lịch sử Kinh đô ngàn năm”.

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là giai đoạn tiếp nối của lịch sử dân tộc với những nét văn hóa nổi trội và những đỉnh cao văn minh, văn hiến.

Lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội từ thuở Lý Công Uẩn định đô nghìn năm trước đến thời đại “Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” là cả một quá trình phát triển liên tục theo dòng chảy của lịch sử dân tộc và chiều rộng của không gian văn hóa Thăng Long.

Thăng Long theo cách nhìn của các nhà địa lý là thủ đô tự nhiên của miền Bắc Việt Nam: các mạch núi đều chầu về đây, các con sông đều tụ hội về đây rồi lan tỏa về biển cả. Nét đặc trưng địa lý trường tồn của nghìn năm xưa Thăng Long và Hà Nội hôm nay là cái đặc trưng của thành phố sông: thành phố ngã ba sông, trong vùng tứ giác, nếu lấy sông Hồng, sông Tô làm hệ quy chiếu, làm trục chỉ đạo(2). Cho đến khi vị khai sáng vương triều Lý chọn nơi này định đô thì vùng đất cửa sông Tô, bên bờ sông Hồng đã là nơi “địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật đều phong phú, tốt tươi... là chốn bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”(3).

Thăng Long theo tâm thức văn hóa dân gian là nơi trung tâm của trời đất có cái thế “rồng cuộn hổ ngồi”, nơi hội tụ của thần linh nước Việt. Cùng với “thần Long Đỗ”, “thần sông Tô”, các vị thần linh các vùng, miền của quốc gia Đại Việt từ thần Đồng Cổ xứ Thanh, Phù Đổng Thiên Vương vùng trung châu, Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương... đã được cung thỉnh về kinh đô phụng thờ để đất Thăng Long thêm “chất” địa linh.

Thăng Long, địa linh nhân kiệt với những trầm tích văn hóa Lý - Trần - Lê và các thời kỳ lịch sử đã tạo nên một Thăng Long ngàn năm văn vật. Trên nền tảng của văn minh nông nghiệp lúa nước, các sinh hoạt văn hóa dân gian từ các làng văn, làng nghề, phố nghề của đất kinh kỳ, kẻ chợ được triều đình Lý - Trần - Lê nâng lên thành “quốc lễ” đã làm cho diện mạo văn hóa dân gian kinh thành thêm phong phú. Văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, văn chương bác học, văn chương bình dân, trí tuệ dân gian hòa quyện với nhau làm cho “vùng văn hóa dân gian Thăng Long” thêm đặc sắc.

Thăng Long - Đông Đô với hào khí Đông A, hào khí Lam Sơn, với Đông Bộ Đầu, Đống Đa lịch sử, hùng khí Hà Nội: "Sống mãi với thủ đô” thời kháng chiến chống thực dân Pháp và một “Điện Biên Phủ trên không” thời đánh Mỹ và thắng đế quốc Mỹ là cơ sở để Hà Nội trở thành thủ đô anh hùng, “Thủ đô của phẩm giá con người” thành phố vì hòa bình.

Thăng Long nghìn năm văn vật là thủ đô văn hóa của đất nước, thành phố của những di sản văn hóa nổi tiếng, trong đó trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã trở thành di sản văn hóa nhân loại.

Với vị thế ở “nơi trung tâm của trời đất... chốn tụ hội của bốn phương đất nước”(4), trong một quốc gia được xem là “Ngã tư của các nền văn minh”, Thăng Long - Hà Nội có sự giao lưu rộng với các khu vực. Sự giao thoa, tiếp biến, giao lưu văn hóa với các địa phương cùng các yếu tố ngoại sinh, tiếp thu từ Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á, văn minh phương Tây... đã kết tinh thành văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đó là sắc thái tiêu biểu của văn hóa Việt Nam.

Thời kỳ Lý - Trần, trong điều kiện Phật giáo phát triển và trở thành quốc giáo đã tạo nên nét “văn hóa Phật giáo” trên đất Thăng Long. Trong không gian ngày càng rộng mở của văn hóa Thăng Long, cùng với “Tứ đại khí” (Tháp Báo thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, chuông chùa Quỳnh Lâm), các di tích, lễ hội như chùa Trấn Quốc, chùa Diên hựu, các lễ hội Phật giáo ở kinh thành Thăng Long và các cửa ô đã làm cho diện mạo văn hóa trên đất Thăng Long xưa thêm đa dạng, tạo nên nét nổi trội của Thăng Long ngàn năm văn vật.

Trong “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” của thời Hậu Lê với sự phát triển của Nho học, “văn hóa Nho học” đã tạo thêm chiều sâu văn hiến của đất Tràng An. Hệ thống bia tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương, góp phần vào văn hiến Thăng Long ngàn năm.

Quá khứ oai hùng của Thăng Long thời Lý - Trần - Lê còn ảnh xạ lên tinh hoa phong cách của văn hóa Hà Nội. Lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với những truyền thống văn hóa ngàn xưa đã hun đúc cho người Hà Nội một nếp sống hào hoa, duyên dáng, thanh lịch từ lời ăn tiếng nói đến phong cách làm suy nghĩ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là một hằng số tuyệt vời của văn hóa Việt Nam(5). Thăng Long ngàn năm hội tụ và tỏa sáng. Sự hội tụ và tỏa sáng của Thăng Long ngàn năm có sự phát triển, thăng hoa nội tại của vùng đất địa linh núi Nùng - sông Nhị, có sự đóng góp của tứ trấn, của các vùng, miền trên đất nước với kinh đô, thủ đô, trung tâm của đất nước. Trong đó có sự đóng góp của châu thổ sông Mã, xứ Thanh từ những nền văn hóa tiền Thăng Long cho đến buổi định đô và cả nghìn năm văn hiến.

Từ buổi đầu tạo dựng văn minh, châu thổ sông Mã đã sớm trở thành một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc. Cùng với châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Mã với văn hóa Đông Sơn đã góp phần vào bản anh hùng ca mở đầu lịch sử dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc. Châu thổ sông Mã, đất Cửu Chân, xứ Thanh đã có nhiều nguồn lực đóng góp vào sự phát triển Thăng Long để cùng với Thăng Long, thủ đô và cả nước hội nhập phát triển trong bối cảnh chung của thời đại và khu vực.

Nhân tài xứ Thanh từ võ tướng Lê Phụng Hiểu (đời Lý), nhà sử học danh tiếng Lê Văn Hưu (đời Trần), Tiến sỹ Nho học, tể tướng Nguyễn Quán Nho (đời Hậu Lê)... cho đến những vị hoàng đế khai sáng vương triều Hậu Lê, văn võ song toàn đã lưu danh sử sách cùng với văn hóa Thăng Long. Con số hơn 100 vị Tiến sỹ Nho học thời Hậu Lê được vinh danh trên bia Nghè Quốc Tử Giám Thăng Long đã khẳng định đóng góp của người xứ Thanh vào văn hiến Thăng Long.

Căn cứ địa Ái Châu (Thanh Hóa) trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai đã góp phần quan trọng để vua tôi nhà Trần, quân dân Đại Việt tấn công quét sạch quân xâm lược ra khỏi đất nước.

Thành Tây Đô (Thành Nhà Hồ) - một kiệt tác của văn hóa Thăng Long thời kỳ cực thịnh, được tạo dựng trên đất xứ Thanh không chỉ cho thấy sự mở rộng của trung tâm văn hóa Thăng Long mà còn khẳng định mối liên hệ lịch sử giữa xứ Thanh và Thăng Long trong kỷ nguyên của văn minh Đại Việt.

Hào khí Lam Sơn, chiến thắng quân Minh xâm lược không chỉ là tấm gương để “muôn đời soi chung” mà còn để lại những dấu ấn văn hóa đậm nét trên kinh thành Đông Quan. Cho dù vật đổi sao dời thì huyền thoại trả gươm thần cho rùa vàng và di tích hồ Hoàn Kiếm giữa Thăng Long mãi mãi tỏa sáng gắn liền với sự nghiệp của Lê Thái Tổ (Lê Lợi) - Người anh hùng giữa hai huyền thoại nhận gươm thần và trả gươm thiêng.

Nguồn đá quý và nghệ nhân xứ Thanh không chỉ góp phần tạo dựng những công trình văn hóa nổi tiếng trên đất Thăng Long ngàn năm mà còn vinh dự đóng góp vào việc xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong “Chiếu dời đô” lịch sử cách đây vừa tròn một thiên niên kỷ, người sáng lập vương triều Lý đã “Tuyên ngôn” hai vấn đề lớn, có ý nghĩa với vận mệnh, tương lai của đất nước: Thăng Long ở trung tâm, giữa bốn phương đất nước; Định Đô là để mưu toan việc lớn, lâu dài.

Các thế hệ người Việt đã đổ mồ hôi, xương máu để giữ gìn, xây dựng cho Thăng Long, thủ đô ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước, thủ đô của những di sản văn hóa, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau “dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, thủ đô của nước Việt Nam. Thăng Long nghìn năm là kết quả của quá trình phát triển của lịch sử trên nền tảng của các nền văn hóa tiền Thăng Long mà trung tâm là châu thổ sông Hồng.

Trong dòng chảy của Thăng Long ngàn năm, xứ Thanh đã có những đóng góp quan trọng về nhiều phương diện góp phần vào sự hình thành và phát triển của dòng chảy nghìn năm văn hóa Thăng Long.

-------------

(1) Phạm Văn Đấu - Phạm Võ Thanh Hà, những nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở Việt Nam (2006), Nxb VHTT, Hà Nội, tr.16

(2, 5) Trần Quốc Vượng, Hà Nội như tôi hiểu (2005), Nxb Tôn giáo, tr.25&262

(3, 4) Lý Công Uẩn, Chiếu dời đô. Nguồn: Thơ văn Lý Trần (1977), Nxb KHXH, Hà Nội, tr.231

Trần Thị Liên


Trần Thị Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]