(vhds.baothanhhoa.vn) - Chống “giặc” Covid-19, cuộc chiến còn lâu dài. Nhưng điều đáng mừng là các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đạt được những kết quả, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chống dịch Covid-19, nhìn từ vai trò cấp ủy cơ sở (Bài 1): Chủ động phòng, chống dịch Covid-19

Chống “giặc” Covid-19, cuộc chiến còn lâu dài. Nhưng điều đáng mừng là các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đạt được những kết quả, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao...

Thanh Hóa được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) xếp vào tỉnh nhóm nguy cơ thấp, tức là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng. Có được những kết quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của cấp ủy cơ sở.

Bàn tư vấn hướng dẫn bệnh nhân khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa.

Chống “giặc” Covid-19

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được phát hiện vào ngày 24/1/2020 (tức 30 Tết Nguyên đán). Bệnh nhân tên Tr. 25 tuổi ở xã Định Hòa, huyện Yên Định, là công nhân Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản, được cử đi công tác tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong 2 tháng. Ngày 23/1/2020 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), bệnh nhân bắt xe về bến xe Giáp Bát (Hà Nội) và đi trên xe khách về Thanh Hóa. 22 giờ ngày 23/1/2020 bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau ngực và đến 13h45’ ngày 24/1/2020 (30 tết) bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Yên Định khám. Kết quả xét nghiệm ngày 24/1/2020 dương tính; xét nghiệm lần 2 ngày 31/1/2020 âm tính và ngày 3/2/2020, bệnh nhân đã xuất viện.

Ngay sau khi nhận được báo cáo từ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định về trường hợp bệnh nhân từ vùng dịch Covid-19 Vũ Hán vào viện. Sở Y tế đã báo cáo lãnh đạo tỉnh và chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Yên Định cách ly và chuyển bệnh nhân đến Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cách ly, theo dõi và điều trị đúng quy trình của Bộ Y tế. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Yên Định tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại gia đình bệnh nhân và Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, nơi bệnh nhân được khám ban đầu; khử trùng đối với xe khách, xe cấp cứu đã vận chuyển bệnh nhân; tổ chức điều tra, giám sát cộng đồng, lập danh sách 28 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân từ lúc xuống xe; những hành khách đi cùng chuyến xe khách với bệnh nhân...

Trong thời gian qua, kể từ những ngày đầu mới xuất hiện dịch Covid - 19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động đáp ứng với các cấp độ của dịch và ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chú trọng các giải pháp về giám sát, cách ly ngăn ngừa lây lan nguồn bệnh. Do công tác chỉ đạo, phát hiện kịp thời, ý thức của người nhiễm bệnh rất tốt, cùng với phản ứng và xử lý hiệu quả của các cơ quan y tế nên đã đạt được những kết quả đáng kể.

Toàn tỉnh đã thành lập 4 trạm kiểm soát cấp tỉnh tại Dốc Xây (Bỉm Sơn), Khe nước lạnh (Tĩnh Gia), Bãi Trành (Như Xuân), Thạch Quảng (Thạch Thành). 100% các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập các tổ giám sát cấp huyện và chỉ đạo cấp xã, thôn, bản, khu phố thành lập các tổ giám sát nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án điều trị bệnh Covid-19 tại các bệnh viện với 3 cấp độ: 1.000 giường, 2.000 giường và 4.000 giường.

Đồng thời đã đầu tư, nâng cấp các bệnh viện, Bệnh viện Phổi trở thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 tập trung tại tỉnh với quy mô có khả năng thu dung 500 bệnh nhân; chuẩn bị các điều kiện thu dung bệnh nhân Covid-19 tại một số bệnh viện. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng công suất xét nghiệm Covid-19 của trung tâm lên 350-450 mẫu/ngày; đầu tư, nâng cấp bổ sung trang thiết bị cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, Sư đoàn 390 của Bộ Quốc phòng và các cơ sở của huyện, thị xã, thành phố; mua sắm trang thiết bị y tế. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 117 khu cách ly tập trung (bao gồm các khu cách ly tập trung tại các bệnh viện, trường học, các công sở cũ, khách sạn ở 27 huyện, thị xã, thành phố) đảm bảo khả năng thu dung khoảng 7.826 người...

Linh hoạt trong cách làm

Kiểm soát thành công dịch bệnh còn nhờ vào sự chủ động ứng phó của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa. Bám sát các chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế, ngay từ đầu mùa dịch, các đơn vị đã tập trung nhiều nguồn lực, lên phương án cho công tác chống dịch trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra, liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh để điều chỉnh, bổ sung phương án kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định là một trong những đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Ông Hà Minh Tuấn - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Trong quá trình chống dịch, đòi hỏi tính nhanh nhạy và quyết đoán. Ngay ngày 30 Tết khi có bệnh nhân nghi nhiễm Covid – 19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) về, bệnh viện đã triệu tập mọi người đến họp và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Trong phòng, chống dịch theo quan điểm chung thì nhiệm vụ này của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của tất cả ban ngành, đoàn thể, của cả cộng đồng, của mỗi người dân và toàn xã hội. Trong đó, ngành y tế phải là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khỏe của người dân.

Ông Hà Minh Tuấn cho rằng, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đầu tiên phải lưu ý về chất lượng khám, chữa bệnh nhằm phát hiện dịch ngay để khoanh vùng dập dịch. Điều quan trọng tiếp theo là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế, vì đây là lực lượng nòng cốt, nếu không cẩn thận thì sẽ mất lực lượng ngay khi “ra trận”. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần thay đổi nhận thức là phải sống chung với dịch cho đến lúc giải quyết khống chế được dịch. Bởi kẻ thù là vô hình, trong lúc chưa có vắc xin thì vấn đề phòng hộ là quan trọng nhất. Hiện tại trang thiết bị điều trị bệnh nhân được trang bị đầy đủ, sẵn sàng để cấp cứu cho bệnh nhân, bệnh viện cũng được trang bị thêm máy thở, các máytheo dõi bệnh nhân...

Tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, ngay từ đầu tháng 4/2020, trước diễn biến tình hình dịch bệnh, tỉnh Thanh Hoá đã chuyển đổi công năng của Bệnh viện Phổi thành cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với 100/500 giường bệnh đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Ông Lê Bật Tân - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cho biết: Để có kết quả tốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng. Tổ chức các phương án phòng, chống dịch để làm sao kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm người bị bệnh và tránh việc lây nhiễm với các bệnh nhân khác; tổ chức xây dựng phương án chặt chẽ; chỉ đạo các phòng, ban xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là tăng cường chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế. Quan trọng nữa là người đứng đầu đưa ra phương án đảm bảo chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch; đảm bảo hậu cần cho người cách ly trong bệnh viện...

Bác sĩ Lê Bật Tân chia sẻ, trong quá trình làm công tác phòng, chống dịch Covid-19, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. Còn nhớ, trường hợp bệnh nhân huyện Nga Sơn đã từng mổ đẻ 1 lần, mổ ghép thận, mổ u nang buồng trứng thực hiện cách ly tại Bệnh viện Phổi. Trong thời gian ở đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt và đau bụng, lãnh đạo bệnh viện đã nhanh chóng quyết định triển khai hội chẩn liên bệnh viện tuyến tỉnh để tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị thích hợp kịp thời. Sau đó bệnh nhân ổn định và xét nghiệm đều âm tính với Covid-19 và đã ra viện. Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Phổi Thanh Hóa hội chẩn liên bệnh viện bằng hình thức trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.

Thời gian qua, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp tích cực trong công tác chống dịch Covid-19. Bên cạnh việc theo dõi, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú, đã chuẩn bị các phương án để cách ly, điều trị tại chỗ, chuyển viện hoặc theo dõi điều trị tại nhà trong bối cảnh dịch lan rộng. Tại huyện Nga Sơn đã chuẩn bị cơ sở vật chất đủ điều kiện cách ly, gồm 9 cơ sở cách ly tập trung; 300 giường cách ly; trong đó, 180 giường tại khách sạn,120 số giường tại cơ quan nhà nước. Số ca nghi ngờ hiện được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế là 18 người, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Số người hiện đang cách ly tập trung tại tuyến huyện, tổng lũy kế số người được cách ly là 14 người, số người đã hết thời gian cách ly là 14 người...

Có thể khẳng định, những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự chủ động, nghiêm túc của mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân chính là yếu tố quyết định sự thắng lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]