(vhds.baothanhhoa.vn) - Không tiếng súng, tiếng bom nhưng mặt trận chống “giặc dịch” Covid-19 không kém phần cam go, quyết liệt. Và trên mặt trận ấy, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên tiếp tục được phát huy, làm nòng cốt vững vàng ở cơ sở cùng nhân dân làm nên thành công bước đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan, bùng phát của cái chết mang tên Covid-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chống dịch Covid-19, nhìn từ vai trò cấp ủy cơ sở (Bài 2): Khi đảng viên đi trước

Không tiếng súng, tiếng bom nhưng mặt trận chống “giặc dịch” Covid-19 không kém phần cam go, quyết liệt. Và trên mặt trận ấy, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên tiếp tục được phát huy, làm nòng cốt vững vàng ở cơ sở cùng nhân dân làm nên thành công bước đầu trong cuộc chiến chống lại sự lây lan, bùng phát của cái chết mang tên Covid-19.

Chủ động lãnh đạo hệ thống chính trị vào cuộc

Ý thức chấp hành của người dân cùng sự chủ động, quyết liệt của chính quyền là liều vắc xin hiệu quả nhất phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa đã có được liều vắc xin đó nhờ phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Ông Lê Bá Dũng - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Ngay khi dịch bệnh bùng phát trong nước, Đảng ủy xã Hoằng Thành đã xác định phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nếu như trước đây, báo cáo hàng tháng của địa phương đầu tiên là về lĩnh vực nông nghiệp thì nay thay bằng công tác phòng dịch. Đảng ủy đã quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, tỉnh và huyện, chỉ đạo tất cả hệ thống chính trị trên địa bàn cùng tham gia, vào cuộc. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã nhanh chóng được thành lập với đầy đủ thành viên là các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt có sự tham gia của tất cả trưởng thôn trong xã”.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Thành, Lê Bá Dũng phân tích thì Ban chỉ đạo nên có sự tham gia của tất cả các trưởng thôn để nắm được tinh thần, chủ trương phòng, chống dịch của Trung ương, tỉnh mà không cần phải tổ chức thêm một cuộc họp triển khai đến thôn. Với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo, trong từng cuộc họp các thành viên sẽ cảm nhận rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, sự cần kíp của các biện pháp phòng dịch. Sức “nóng” từ các cuộc chỉ đạo sẽ là động lực để họ nêu cao tinh thần, trách nhiệm của bản thân. Không những thế, trưởng thôn là người gần dân, hiểu dân nhất để có những đề xuất phù hợp, điều chỉnh các biện pháp phòng dịch mang lại hiệu quả nhất ở địa phương mình.

“Trong 22 ngày cách ly xã hội, để tránh tụ tập đông người chúng tôi đã phải cài “tai mắt” khắp nơi, đặc biệt với những nơi có nguy cơ cao để chủ động nhắc nhở, ngăn chặn” - ông Lê Bá Dũng chia sẻ thêm. Theo đó, Đảng ủy xã đã lãnh đạo chính quyền xã phối hợp với thôn, tổ dân cư thống kê những địa điểm, hoạt động có khả năng tụ tập đông người. Từ đó tuyên truyền trên loa truyền thanh hoặc tổ chức đoàn thể đến từng hộ gia đình vận động. Đối với đám hiếu hỉ, xã đã vận động người dân tổ chức nhanh, gọn, không kéo dài. Đám cưới thì vận động ngay khi gia đình chưa phát giấy mời để gia đình có phương án hoãn đám cưới hoặc chỉ tổ chức nhưng không mời ăn uống và tránh tụ tập đông người. Đám hiếu thì hướng dẫn, phân chia người dân đến viếng theo khung giờ nhất định, thực hiện giãn cách, luôn đeo khẩu trang và có nhân viên y tế giám sát thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Ông Lê Bá Dũng (bên trái) đang trao đổi công việc phòng dịch với trưởng thôn.

Không chỉ riêng Đảng ủy xã Hoằng Thành đã phát huy được vai trò lãnh đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều Đảng ủy cơ sở đã vào cuộc quyết liệt cùng những biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng dịch xâm nhập, lây lan vào địa bàn. Trong đó, các Đảng bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đã phát huy tối đa vai trò của truyền thông truyền thống, qua loa phát thanh, tờ rơi, áp phích... Huy động sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội, như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... thực hiện tuyên truyền cho tất cả thành viên trong hội, đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực đến người thân trong gia đình. Nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, cập nhật thường xuyên và liên tục tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong cả nước, trong huyện và tại địa phương mình. Với phương châm “người dân cần biết để hiểu”, do vậy với mỗi trường hợp nghi nhiễm hoặc đang theo dõi cách ly, người dân trong xã đều được nắm rõ, kể cả việc nhân viên y tế thực hiện đo thân nhiệt hàng ngày cho những người đang cách ly tại xã.

Mình không đi đầu thì ai dám theo?

Ông Lê Như Hùng - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Tại thời điểm chúng tôi gặp gỡ thì anh và ekip y bác sỹ đã làm việc tại khu cách ly của bệnh viện hơn 10 ngày chưa được về thăm gia đình. Được biết, Bệnh viện Phổi có 2 kíp điều trị bệnh nhân Covid-19, mỗi kíp làm việc 14 ngày, rồi lại nghỉ để tự cách ly, hết thời gian cách ly lại tiếp tục vào mặt trận “chống dịch”. Vì vậy, họ chưa biết ngày nào được về gặp mặt gia đình. Tuy nhiên, khi được hỏi về nỗi vất vả, khó nhọc của lực lượng tuyến đầu thì anh cười: “Chuyện nhỏ”.

Anh Lê Như Hùng tâm sự: “Mình là bác sỹ, lại là người đảng viên, những lúc nước sôi lửa bỏng thế này mình không đi đầu thì ai dám theo”. Anh chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ những ngày tại khu điều trị: “Trường hợp bệnh nhân nữ ở Mường Lát đang cách ly tập trung bị trụy mạch, chửa ngoài dạ con bị vỡ, nguy hiểm vô cùng. Sau đó, nhờ sự phối hợp nhanh chóng kịp thời giữa các bệnh viện mà bệnh nhân được mổ thành công, niềm vui khi bệnh nhân được cứu như nguồn sống giúp đội ngũ y bác sỹ chúng tôi thêm động lực mà phấn đấu, hy sinh vì nghề”.

Còn với chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Thanh Hóa, cho biết: “Không như những bệnh nhân khác, bệnh nhân Covid-19 hoàn toàn do y bác sỹ chăm sóc, điều trị, người nhà không được ở bên. Vì vậy, là điều trị bệnh nhưng chúng tôi cũng như người thân trong lúc này, động viên, chia sẻ với họ những lo lắng, bất an về tâm lý”. Bệnh nhân nhập viện vào dịp Tết Nguyên đán nên toàn bộ y bác sỹ của khoa đều được cách ly và ăn tết tại bệnh viện. Đó là một cái tết đáng nhớ của y bác sỹ trong khoa”.

Với những đảng viên nữ khoác áo blu trắng làm “chiến sỹ chống dịch” thì phần vất vả, khó khăn nặng thêm rất nhiều. Nhưng lương tâm của một bác sỹ và trách nhiệm của người đảng viên khiến họ không bao giờ lùi bước, sẽ vẫn lao mình về phía trước, vững vàng ở tuyến đầu chống dịch.

Trên mặt trận chống dịch này, đội ngũ y bác sỹ không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà còn phải tập trung cao độ, không mắc sai sót nào để tránh lây nhiễm chéo. Trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, họ được tính là F1, vì vậy phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với người ngoài, đặc biệt là không được về nhà. Vì thế, nhiều y bác sỹ chỉ có thể gần gũi gia đình bằng chiếc điện thoại, hy sinh niềm vui, tự do, hạnh phúc bản thân vì công việc.

Lá chắn thép

Cùng với y bác sỹ thì các chiến sỹ công an, bộ đội ngày đêm dãi nắng, dầm mưa thực hiện nhiệm vụ “gác cổng” phòng, chống dịch tại cửa khẩu, chốt chặn, khu cách ly... đã tạo thành những “lá chắn thép” ở nơi tuyến đầu chống dịch.

Tại Chốt kiểm dịch số 1 (đoạn ngã tư cây xăng Hoằng Minh), huyện Hoằng Hóa, dù đêm đã khuya nhưng các thành viên vẫn miệt mài làm việc. Những ngày qua, thành viên trong tổ vẫn không quản ngày đêm thực hiện kiểm soát rất nghiêm túc, quyết liệt bởi đây là khu vực cửa ngõ chính đi vào huyện. Anh Trịnh Văn Chiến - Tổ trưởng, Cảnh sát giao thông Công an huyện Hoằng Hóa cho biết: “Hơn 20 năm trong nghề và 13 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi hiểu rõ nhiệm vụ và trọng trách của mình trong từng nhiệm vụ. Chúng tôi thường bảo nhau là đảng viên thì phải đi trước, phải đứng trước đầu ngọn sóng vì an toàn và bình yên của người dân”.

Lực lượng chức năng làm công tác kiểm dịch tại chốt chặn số 1, huyện Hoằng Hóa.

Còn với anh Lê Hữu Hiệp, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoằng Hóa, thành viên của chốt, chia sẻ: “Dù là những ngày nắng gắt hay mưa tầm tã thì chúng tôi vẫn luôn có mặt ở đó làm nhiệm vụ. Ban ngày lưu lượng xe đông thì 7 anh em mỗi người một việc làm, ban đêm ít xe hơn thì chia ca trực, đảm bảo luôn có người theo dõi, giám sát khi có phương tiện di chuyển vào huyện”.

Phòng, chống dịch Covid-19, Hoằng Hóa đã thành lập 4 chốt kiểm dịch tại các điểm: Hoằng Đức, Hoằng Thịnh, Hoằng Lộc và cầu Sài. Các chốt kiểm dịch đều “bật” chế độ trực 24/24h, kiểm soát chặt chẽ tất cả các phương tiện ra vào địa phương. Với xe ô tô có biển số ngoại tỉnh lực lượng chức năng đều cho dừng lại để đo thân nhiệt, phun khử khuẩn và đảm bảo đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển. Tất cả mọi trường hợp kiểm tra đều được ghi lại tên tuổi, biển số xe và lịch trình đi từ đâu đến khu vực cắm chốt để theo dõi. Nếu phát hiện có dấu hiệu sốt, ho, khó thở sẽ được nhân viên y tế điều tra yếu tố dịch tễ kỹ hơn đồng thời thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Cùng với các chốt kiểm dịch của tỉnh, các chốt kiểm dịch tại huyện đang tạo thành những tấm lá chắn vững chắc ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh, đảm bảo cho người dân phía “trong” được an toàn vượt qua cơn đại dịch.

Dù ở cương vị khác nhau cùng với những nhiệm vụ riêng biệt nhưng ông Dũng, chị Ánh, anh Hùng... đều là đảng viên, đều là những chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bằng những việc làm ý nghĩa, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên,... đã giúp Thanh Hóa nhanh chóng vượt qua đại dịch. Đến nay, Thanh Hóa chỉ ghi nhận 4 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 3 trường hợp tại khu cách ly tập trung, 1 trường hợp xâm nhập từ bên ngoài và không có ca bệnh nào lây nhiễm trong cộng đồng.

Vân Anh - Thu Thủy


Vân Anh - Thu Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]