(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu phải kể danh sách 10 nhà thơ thiếu nhi, chắc chắn trong đó phải có tên nhà thơ Định Hải. Từ khuôn mặt đến vóc dáng ông đều gần gũi với trẻ nhỏ. Mà đúng hơn là ông chọn trẻ nhỏ làm nơi neo lại, để gửi gắm những điều mình muốn nói. Tôi nhớ rất rõ có lần ông nói: "Một bài thơ viết cho thiếu nhi cũng có thể ví như một củ hành, người đọc sẽ bóc ra từng lớp, từng lớp. Cho đến khi nhìn thấy lõi trong cùng. Không có bài thơ hay nào là chỉ viết cho thiếu nhi ở ý nghĩa thuần túy. Chúng ta chọn lối viết để các em cảm nhận được. Nhưng một bài thơ viết cho các em hay cũng chính là một bài thơ mà mọi lứa tuổi đều cảm nhận thấy hay, đều yêu thích”. Hóa ra, chúng ta thường mặc định, thơ thiếu nhi là chỉ đối tượng tiếp nhận mà không nghĩ đến rằng, đó chỉ là đề tài. Người lớn đọc thơ thiếu nhi để thêm một lần nữa soi mình, hiểu con trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Định Hải - nhà thơ của thiếu nhi

Nếu phải kể danh sách 10 nhà thơ thiếu nhi, chắc chắn trong đó phải có tên nhà thơ Định Hải. Từ khuôn mặt đến vóc dáng ông đều gần gũi với trẻ nhỏ. Mà đúng hơn là ông chọn trẻ nhỏ làm nơi neo lại, để gửi gắm những điều mình muốn nói. Tôi nhớ rất rõ có lần ông nói: "Một bài thơ viết cho thiếu nhi cũng có thể ví như một củ hành, người đọc sẽ bóc ra từng lớp, từng lớp. Cho đến khi nhìn thấy lõi trong cùng. Không có bài thơ hay nào là chỉ viết cho thiếu nhi ở ý nghĩa thuần túy. Chúng ta chọn lối viết để các em cảm nhận được. Nhưng một bài thơ viết cho các em hay cũng chính là một bài thơ mà mọi lứa tuổi đều cảm nhận thấy hay, đều yêu thích”. Hóa ra, chúng ta thường mặc định, thơ thiếu nhi là chỉ đối tượng tiếp nhận mà không nghĩ đến rằng, đó chỉ là đề tài. Người lớn đọc thơ thiếu nhi để thêm một lần nữa soi mình, hiểu con trẻ.

Định Hải - nhà thơ của thiếu nhiNhà thơ Định Hải. (Ảnh do gia đình nhà thơ cung cấp)

Sinh ra ở làng Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định, Thanh Hóa, chính vì thế mà ông lấy tên quê hương làm bút danh (tên thật của ông là Nguyễn Biểu). Ông đến với văn chương từ rất sớm, từ khi học lớp 9 đã giành giải thưởng thơ của Báo Tiền Phong, được tham dự đại hội văn nghệ khu 4, gặp gỡ các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như: Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung... Sau khi tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH&NV), Định Hải có nhiều năm tháng đứng trên bục giảng. Ông từng giành giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ của báo “Người giáo viên nhân dân”. Tháng 6-1962, chuyển về làm việc tại Nhà Xuất bản Kim Đồng, cuộc đời và thơ ông gắn với trẻ nhỏ như một mối lương duyên.

Tôi còn nhớ, khi ông khoe với tôi tập sách thứ 50, cũng là kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà Xuất bản Kim Đồng (2007), và cũng là 50 năm ngày cưới của ông. Kể từ đó đến nay, dù không xuất bản thêm cuốn sách nào nhưng thơ của Định Hải vẫn là lời thì thầm, tiếng nói được trẻ nhỏ ngân nga đọc.

Ông tự nhận mình may mắn hơn đồng nghiệp, nhất là những nhà thơ chuyên về thiếu nhi. Số lượng nhà thơ nhiều, ấn phẩm thơ lại càng không ít, hầu hết phải bỏ tiền ra để in thơ, rồi mang đi tặng, đi cho, thậm chí ép người khác mua. "Tôi may mắn là chưa phải năn nỉ cơ quan, đơn vị, hay cá nhân nào mua thơ. Vì tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền in thơ. 50 cuốn đều có nhuận bút, trừ có một lần, tôi in ở Nhà Xuất bản Đồng Nai, họ trả nhuận bút bằng 150 cuốn sách”, ông tâm sự.

Dù đã gần 45 năm kể từ khi ra đời đến nay, bài thơ “Bài ca trái đất” vẫn được trẻ em rất yêu thích. Sáng tác này cũng được chọn là một trong 50 tác phẩm cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX... Sau này nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc, bài “Trái đất này là của chúng mình” luôn được trẻ em Việt Nam hát cả trong và ngoài nước ngân nga trong những dịp hội tụ.

Phải khẳng định, dù viết rất nhiều thơ lục bát, nhưng những bài thơ đáng yêu nhất của ông tập trung chủ yếu ở thể 2 chữ, 3 chữ và đặc biệt là thơ 4 chữ, 5 chữ. Những câu thơ như: Kìa nghe/ Mưa hát/ Tí tách/ Tí tách/ Bé bảo/ Mưa reo/ Thích thích/ Thích thích; hay: Đều đều/ Võng đưa/ Giữa trưa/ Êm ả/ Ru bé/ Ngủ sâu/ Sân tròn/ Bóng lá... Những câu thơ thật ngắn, thật giàu nhịp điệu. Người đọc cảm nhận sau con chữ là thanh âm cuộc sống và những sự háo hức rất trẻ thơ. Rồi những câu thơ 4 chữ: Nghé à, nghé ơi!/ Mùa xuân êm mát/ Cỏ xanh mượt đồi/ Đồng xanh bát ngát (Gọi nghé); Có bướm dập dìu/ Có ong tíu tít/ Có chim ríu rít/ Đang hát chung lời (Với cây em trồng); Én có gì lạ?/ Báo mùa xuân sang/ Đất có gì lạ?/ Nuôi cánh mai vàng/ Pháo có gì lạ?/ Cho tiếng nổ vang/ Tết có gì lạ/ Làm em rộn ràng (Bao nhiêu điều lạ). Hay Một đàn kiến nhỏ/ Chạy ngược chạy xuôi/ Không ra hàng một/ Chẳng thành hàng đôi/ Đang chạy bên này/ Lại sang bên nọ/ Cắm cổ cắm đầu/ Kìa trông xấu quá/ Chúng em vào lớp/ Sóng bước hai hàng/ Chúng em ra đường/ Đều đi bên phải/ Đẹp hàng đẹp lối/ Cô giáo khen ngoan/ Chẳng như đàn kiến/ Rối tinh cả đàn (Đàn kiến nó đi).

Chính cái lối ghép vần của đồng dao ấy mà thơ Định Hải dễ phổ nhạc. Ông cũng là người có nhiều thơ phổ nhạc nhất trong số các nhà thơ thiếu nhi với 50 bài thơ. “Thơ của tôi dễ phổ vì nó nôm na, không cao siêu, phù hợp với trẻ nhỏ”, ông khiêm tốn. Bởi điều quan trọng nhất là cái nhìn cuộc sống trong sáng, tình yêu với trẻ thơ và cảm xúc chân thành của một tâm hồn ấm áp tình đời, tình người. Hầu như bài thơ nào của ông, kể cả người lớn cũng có thể ngân nga.

Chả phải trẻ nhỏ, người lớn khi đọc thơ Định Hải đều cảm nhận như về với tuổi thơ, nơi ấy là tiếng cười ríu ran, là những con mèo nằm ườn lười biếng, là cảnh đuổi nắng rất trẻ thơ... Ông bộc bạch: “Tôi nghiệm ra rằng, nếu chúng ta quá nệ giáo dục khi sáng tác cho các em thì hiệu quả tiếp nhận từ phía các em sẽ không tốt lắm. Trẻ em cần được nhìn đời sống bằng đôi mắt hồn nhiên, trong sáng nhất, không nên áp đặt. Tôi thường dành nhiều thời gian để quan sát trẻ thơ, cố gắng hòa đồng để trở thành một người bạn của chúng. Sẽ là một thất bại nếu viết cho các em mà không được các em chấp nhận. Một tác phẩm chỉ thành công khi các em đọc và thấy chính mình ở trong đó”.

Sau này ông có làm một loạt thơ cho tuổi chanh cốm, thơ cho lứa tuổi choai choai, thơ cho cái tuổi sắp hết trẻ con nhưng chưa thành người lớn hay còn gọi là tuổi ẩm ương in trong tập “Nụ hôn học trò”. Có nhiều ý kiến cho rằng ông vẽ đường cho hươu chạy, ông chỉ cười buồn: “Tôi rất buồn lòng khi thấy thơ cho thiếu nhi ngày càng ít. Nhất là mảng thơ viết cho tuổi mới lớn đã mất hoàn toàn. Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đang bỏ rơi các em”.

Sự tâm huyết càng lớn thì nỗi buồn đeo bám ông càng nhiều. Ông nhìn thấy rõ rất nhiều năm rồi không còn ai chuyên viết cho thiếu nhi. Một số người, bắt đầu từ thơ thiếu nhi, rồi lại vội chuyển ngành, như làm báo chí, viết văn xuôi... Người ở lại với thơ thiếu nhi chỉ còn là mấy ông già, thậm chí không có. Ông quá hiểu, con đường mưu sinh của nhà thơ không thơ chút nào, đặc biệt, nhà thơ viết về thiếu nhi lại càng khắc nghiệt. Tôi hỏi đùa: Gắn với thiếu nhi, có phải là sự dại dột không? Ông cười nhẹ: “Tạng tôi nó thế, không viết được cái khác”.

Chọn viết cho thiếu nhi, con đường tưởng nhẹ nhàng hóa ra chẳng bằng phẳng. Không nhiều người “dự phần” vào mảnh đất ấy, nhưng lại khiến ông trăn trở. Cuộc sống xô bồ ngày hôm nay, nhịp sống sôi động và quay vòng, cùng với đó là rất nhiều công nghệ mới ra đời, thơ thiếu nhi nép mình đứng ké bên rất nhiều thể loại khác. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng phát biểu: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn Ban Văn học thiếu nhi. Sẽ xin phép các cơ quan quản lý thành lập Quỹ Văn học thiếu nhi. Chúng ta đang có nhiều sách thiếu nhi, nhưng rất nhiều sách đó lại là sách dịch. Những cuốn sách đó đều tốt, nhưng tôi nghĩ những đứa trẻ phải được lớn lên trong chính nền văn hóa của chúng chứ không phải nước khác. Đó mới là điều quan trọng. Chúng tôi sẽ xin ý kiến thành lập giải thưởng văn học thiếu nhi riêng ngoài giải thưởng hội nhà văn để đặt cược lòng tin vào những tác phẩm đó. Cho dù những tác phẩm đó có thể đầy mơ hồ, mong manh giữa ranh giới điều này hay điều khác”. Đó cũng là những nỗi buồn và sự hy vọng mà nhà thơ Định Hải mang gánh suốt gần hết cuộc đời mình. Ông lo âu, ông buồn bã vì quá nhiều năm, không một cuốn thơ nào thiếu nhi nào giành giải thưởng. Giải thích nguyên nhân có lẽ do sự chuyển động quá nhanh của đời sống, người sáng tác chưa đủ tài năng để tạo nên tác phẩm hay và những sự thờ ơ của độc giả.

Vài năm nay, những cơn đau vật vã bủa vây ông từng phút, từng giờ. Con người chẳng ai qua nổi tuổi già, bệnh tật, tôi cố quên hình ảnh ông nằm liệt một chỗ. Trong tôi chỉ dừng ở nụ cười hiền hậu của một nhà thơ tóc bạc, cả đời lo âu rồi mai này còn ai viết cho thiếu nhi nữa.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]