(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể khẳng định công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc. Nhưng thành quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở miền Tây đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của cán bộ, nhân dân không còn, thay vào nó là tinh thần, khát vọng vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình, cho quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm nghèo ở vùng đất khó (Bài 2): “Nút thắt” đã được tháo gỡ

Có thể khẳng định công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc. Nhưng thành quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở miền Tây đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của cán bộ, nhân dân không còn, thay vào nó là tinh thần, khát vọng vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình, cho quê hương.

120 lá đơn xin thoát nghèo

Gia đình anh Vi Văn Nự (sinh năm 1986) ở bản Păng, xã Sơn Lư (Quan Sơn) là một trong 24 gia đình ở xã đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Những năm trước đây, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cơm ăn buổi sáng chưa no đã phải lo buổi chiều, cũng vì nghèo khó nên việc chăm sóc cho các con bữa ăn, tiền học hành cũng trở nên vất vả. Nhưng được sự vận động, tuyên truyền của cán bộ địa phương, vay vốn ưu đãi của Nhà nước và ý chí quyết tâm vượt lên cái khó, cuộc sống từng bước được cải thiện. Để có được sự thay đổi này, sau khi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách huyện Quan Sơn, gia đình anh Nự đã đầu tư vào chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng. Với bản tính cần cù, chịu khó, sau 3 năm vợ chồng anh đã tiết kiệm được một số tiền và tiếp tục vay vốn đầu tư mua xe tải có hướng làm ăn mới để có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Mặc dù cuộc sống của anh cũng còn những khó khăn nhất định, nhưng anh Nự đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Anh Nự cho biết: Trước kia do nhận thức có hạn, gia đình không biết cách làm ăn, đời sống gặp nhiều khó khăn, lúc nào cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều năm qua, được sự quan tâm động viên, tuyên truyền của cán bộ bản, xã, gia đình đã thay đổi tư duy làm ăn, nỗ lực vượt khó vươn lên có cuộc sống ổn định. Nhận thấy kinh tế từng bước ổn định và có khả năng của gia đình, nên năm 2018 gia đình đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo và được bản, xã thẩm định và cho ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Gia đình anh Lò Văn Nự (SN 1984), bản Sại, xã Tam Lư, cũng là một điển hình trong số 42 hộ có đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Sau khi xây dựng gia đình và được bố mẹ cho ở riêng, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, 5 thành viên trong gia đình chỉ trông vào hơn 1 sào ruộng. Nhưng được vay vốn ưu đãi, gia đình anh đầu tư vào chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng và bước đầu đã thu về những kết quả khả quan, cuộc sống gia đình đã được cải thiện hơn trước.

Anh Lò Văn Nự cho biết: Chúng tôi còn trẻ, xây dựng gia đình và ra ở riêng gặp khó khăn là điều đương nhiên, nhưng không thể cứ trông chờ, ỷ lại Nhà nước mãi được, mình phải chịu khó lao động sản xuất thì mớithoát nghèo bền vững được, Nhà nước hỗ trợ chỉ là chia khó ban đầu cho mình thôi. Vì vậy, gia đình chúng tôi đã chủ động viết đơn ra khỏi hộ nghèo năm 2018, đểNhà nước bớt đi gánh nặng.

Gia đình anh Hà Văn Nự ở xã Sơn Lư và Lò Văn Nự ở Tam Lư là 2 trong 120 hộ gia đình đã tiên phong viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Việc làm này, đã khẳng định nhận thức của đồng bào các dân tộc huyện Quan Sơn đã được nâng lên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận hộ nghèo đã được khắc phục. Có được kết quả trên là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây trong công tác xóa nghèo trên địa bàn huyện.

Đơn xin thoát nghèo của hộ dân ở xã Sơn Lư (Quan Sơn).

Những năm qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo được huyện Quan Sơn rút ra với bài học kinh nghiệm, trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân như: Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 4/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá”; Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 10/4/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy “Về phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên ở cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững”. Đây là 2 trong số các nghị quyết chuyên đề tạo nên sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Quan Sơn.

Xác định kinh tế lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển KT-XH, huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Hiện nay, diện tích có nứa, vầu chiếm tới gần 49% diện tích rừng của toàn huyện. Để nâng cao giá trị cho 2 loại cây này, những năm qua, huyện Quan Sơn đã tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng cho cây nứa, vầu thông qua thực hiện các biện pháp phát dọn vệ sinh rừng nứa, vầu, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi và những gốc khai thác quá cao, tạo đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cho cây, kỹ thuật bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho đất để cây sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật ươm hạt vầu giống để trồng thay thế cho diện tích cây vầu đang bị thoái hóa. Trên địa bàn cũng đã có hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản. Bình quân, mỗi cơ sở sản xuất giải quyết việc làm cho 10-15 lao động, với mức thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, huyện Quan Sơn còn chú trọng tới chăn nuôi. Hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tập trung phát triển vườn đồi, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi được tư duy manh mún, tự cung tự cấp chuyển sang nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, như mô hình chăn nuôi bò, vịt, dê...

Với vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo huyện Quan Sơn đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn có có nhiều đổi thay, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện chiếm 41,87%, thì đến cuối năm 2018, giảm xuống còn 17,95%; bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,97%.

Được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, hàng nghìn hộ dân đầu tư vào chăn nuôi, phát triển sản xuất đã vươn lên thoát nghèo.

Kỳ tích giảm nghèo Như Xuân

Vốn dĩ là vùng đất khó, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân bộn bề những khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, nhận thức của bộ phận nhân dân còn hạn chế... vì vậy, cái nghèo từ năm này, đến năm sau vẫn “đeo bám” đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân. Với sự phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, tháng 3/2018, huyện Như Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 8 huyện thoát nghèo của cả nước giai đoạn 2018 - 2020.

Để đạt được kết quả trên UBND huyện Như Xuân xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn; điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; thực hiện lồng ghép các hoạt động giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức tuyên truyền và phổ biến chính sách về giảm nghèo nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hiểu biết về những chính sách của Nhà nước, từ đó nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Như Xuân đã ban hành chương trình hành động số 109 nhằm tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích mía, sắn kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao được nhân ra diện rộng. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...

Trong 10 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư khoảng 320 tỷ đồng để xây dựng 32 công trình gồm 8 công trình hồ đập, 11 công trình giao thông, 12 trạm y tế và 1 trường học. Bên cạnh đó, huyện cũng phân bổ trên 64 tỷ đồng cho các xã thực hiện các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Điển hình như, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các dự án hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và đất để trồng rừng sản. Đặc biệt, với số vốn tỉnh giao hơn 23 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ trâu, bò cho người dân nghèo, huyện đã mua trên 3.800 con trâu, bò để cấp cho các hộ dân.

Cùng với đó, huyện đã cấp 3.257 con lợn giống, 1.483 con dê cái sinh sản, 1.920 con thỏ New Zealand và hướng dẫn người dân thực hiện 11 mô hình phát triển kinh tế. Qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2010 - 2015 giảm 6,7%/năm; giai đoạn 2016 đến nay giảm 7,57%/năm.

Sự chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Quan Sơn, Như Xuân cũng là những thay đổi chung của các huyện miền núi của tỉnh. Đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc trên bàn các huyện miền núi đã làm cho công tác giảm nghèo ở nơi đây “gặt hái” được nhiều “quả ngọt”. Đây là tín hiệu vui trong phát triển KT-XH ở miền Tây xứ Thanh và không lâu nữa nơi đây sẽ trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh góp phần củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]