(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể khẳng định, công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng thực tế, những hộ dân đã thoát nghèo chủ yếu dựa vào phát triển chăn nuôi, trồng lúa mà trong chăn nuôi và trồng lúa tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ tái nghèo rất cao. Vì vậy, tìm hướng đi mới để giảm nghèo bền vững là "bài toán” cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và sự thay đổi tư duy trong cách làm ăn của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm nghèo ở vùng đất khó (Bài cuối): Mạnh dạn tìm sinh kế mới

Có thể khẳng định, công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng thực tế, những hộ dân đã thoát nghèo chủ yếu dựa vào phát triển chăn nuôi, trồng lúa mà trong chăn nuôi và trồng lúa tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ tái nghèo rất cao. Vì vậy, tìm hướng đi mới để giảm nghèo bền vững là "bài toán” cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và sự thay đổi tư duy trong cách làm ăn của người dân.

Cách làm mới để xóa nghèo bền vững

Nhận thức rõ về vai trò của người dân là chủ thể trong công tác giảm nghèo nên huyện Cẩm Thủy đã có cách làm sáng tạo phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong công tác xóa nghèo bền vững và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Hơn 10 năm trở về trước gia đình ông Hà Văn Sơn, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) thuộc diện hộ cận nghèo, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được tư vấn, tuyên truyền lợi ích của việc XKLĐ, vợ chồng ông Sơn đã bàn bạc và cho người con trai đầu đăng ký học tiếng để có đủ điều kiện để xuất cảnh. Sau một thời gian người con trai đi XKLĐ cuộc sống của gia đình ông đã có sự đổi thay rõ nét. Ông Sơn cho biết: "Trong lúc khốn khó nhất, vợ chồng tôi đã quyết định vay tiền cho con trai cả là Hà Văn Tài đi XKLĐ ở Đài Loan. Do có chút hiểu biết về cơ khí nên Tài được tiếp nhận vào bộ phận sản xuất các chi tiết máy của một công ty cơ khí với thu nhập bình quân 30-40 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Tài đã gửi tiền về để bố mẹ trả nợ. Thấy hiệu quả rõ rệt từ đi XKLĐ, vợ tôi và hai đứa con dâu cũng sang Đài Loan làm việc với thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/tháng. Từ nguồn tiền của vợ và các con, tôi đã sửa lại nhà, mua sắm được các vật dụng có giá trị; mua thêm vài suất đất và mở thêm cửa hàng bán tạp hóa. Khi đời sống được nâng lên, gia đình tích cực đóng góp cùng với thôn xây dựng nông thôn mới".

Ông Dương Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: "Thấy rõ hiệu quả của việc XKLĐ, người dân trong xã đã mạnh dạn chuẩn bị điều kiện cần thiết để sang nước ngoài lao động, nâng cao thu nhập; có thời điểm địa phương chúng tôi có khoảng 1.000 người lao động ở nước ngoài".

Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều hộ nghèo ở huyện Cẩm Thủy xây dựng được những căn nhà khang trang, đời sống ngày được cải thiện.

Có thể khẳng định, những năm qua huyện Cẩm Thủy trở thành điểm sáng trong công tác XKLĐ ở miền núi nói riêng và cả tỉnh nói chung. Hiện nay, huyện có trên 2.500 lao động ở nước ngoài, hàng năm mang về một khoản ngoại tệ lớn cho địa phương. Năm 2018, lao động ở nước ngoài đã gửi trên 5 triệu USD về cho gia đình. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 11.9% , thu nhập bình quân đầu người 21,73 triệu đồng thì năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,52, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,8 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo mới chỉ là kết quả bước đầu, để tạo sự đột phá, huyện Cẩm Thủy đã xác định XKLĐ là hướng đi đúng đắn, đồng thời là đòn bẩy trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho người dân. Do đó huyện Cẩm Thủy đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, thủ tục hành chính cho người nghèo đi XKLĐ. Qua đó giúp cho các hộ nghèo và cận nghèo tìm được thị trường xuất khẩu phù hợp, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Vì vậy chỉ tiêu XKLĐ của huyện đều vượt so với kế hoạch tỉnh giao, chỉ tính 9 tháng năm 2019, toàn huyện có 305 người đi XKLĐ.

Cũng như Cẩm Thủy, những năm qua, huyện Bá Thước đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giảm nghèo bằng việc mạnh dạn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ KH-KT trong sản xuất, chủ động triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân. Huyện đặc biệt chú trọng tới việc phát huy tiềm năng, lợi thế mà trọng tâm là lĩnh vực du lịch.

Ông Trương Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy Bá Thước, cho biết: Những năm qua, huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng, thế mạnh để xóa nghèo. Trong đó, huyện chú trọng chỉ đạo các xã có tiềm năng, thế mạnh về di tích, văn hóa, cảnh quan đẹp để phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ phát triển văn hóa, du lịch, góp phần quan trọng trong công tác xóa nghèo bền vững.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã xác định ba khâu đột phá, trong đó có hai nhiệm vụ trọng tâm để phát triển KT-XH của huyện gắn với phát triển du lịch là: Tập trung vào phát triển vùng KT-XH đặc thù khu vực Quốc Thành, trọng tâm là trồng dược liệu và phát triển du lịch sinh thái; quản lý và sử dụng có hiệu quả vùng lòng hồ thủy điện Bá Thước II vào phát triển kinh tế du lịch và nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng làm đòn bẩy giúp người dân từng bước thoát nghèo, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, những năm gần đây du lịch của huyện Bá Thước có những bước tiến quan trọng. Việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng đã mở ra hướng đi mới cho các làng nghề phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng đã tạo việc làm cho hơn 150 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh phát triển du lịch tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Hiện nay, phát triển du lịch ở Bá Thước đã và đang có bước phát triển mạnh, 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động du lịch trên địa bàn thu hút được gần 36 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế là 9.000 lượt người. Năm 2019, huyện Bá Thước đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận 3 điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Kho Mường (xã Thành Sơn) và bản Đôn (xã Thành Lâm). Đây không chỉ là cơ hội giúp Bá Thước quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển du lịch, góp phần tích cực trong công tác xóa nghèo bền vững của huyện.

Cần giải pháp đồng bộ

Về các huyện miền núi Thanh Hóa hôm nay, ai cũng sẽ nhận ra sự đổi thay rõ rệt, hiển hiện trên từng con đường, nhà cửa và các công trình phục vụ dân sinh. Đạt được kết quả này là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực của người dân vươn lên trong hành trình xóa nghèo bằng sức mạnh tổng hợp. Các dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi phương thức hỗ trợ theo hướng giảm “cứu trợ”, hỗ trợ trực tiếp và chuyển dần sang phương pháp tăng cường hỗ trợ cách tổ chức, quản lý sản xuất để thực hiện hiệu quả hơn các mô hình giảm nghèo. Trong 5 năm trở lại đây, các mô hình theo hình thức đối ứng - Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đóng góp một phần, đã và đang phát huy hiệu quả. Cũng từ hình thức vốn đối ứng người dân có trách nhiệm hơn trong sản xuất.

Ông Lương Văn Tưởng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Trước đây, nhiều trường hợp nhận được sự hỗ trợ, người dân thường ỷ lại, không duy trì được mô hình. Vì thế, mô hình hỗ trợ theo kiểu đối ứng này, bước đầu đã thành công, làm thay đổi nhận thức cho người dân, giúp người dân có trách nhiệm với sự hỗ trợ của Nhà nước nên càng quyết tâm thoát nghèo. Trong thời gian tới, các huyện miền núi cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất; hướng dẫn người dân miền núi áp dụng mô hình giống lúa lai đạt năng suất cao, chăn nuôi cá nước ngọt, mô hình cơ giới hóa khâu làm đất...

Bí thư Huyện ủy Bá Thước Trương Văn Lịch cũng khẳng định, đối với công tác giảm nghèo điều quan trọng, cốt yếu đó là tuyên truyền, vận động các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo. Từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sựhướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho rằng: Để công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao hơn nữa, các huyện miền núi cần đẩy mạnh công tác XKLĐ và nỗ lực vượt khó phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương mình để phát triển KT-XH. Thực tế cho thấy, đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn các huyện miền núi đã thoát nghèo, có của ăn, của để nhờ vào XKLĐ; cũng có hàng nghìn hộ dân được sự hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với những tiềm năng, thế mạnh của gia đình mình cũng vươn lên thoát nghèo.

Có thể khẳng định trong công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi đã có sự khởi sắc rõ nét trong cách nghĩ, cách làm của người dân điều đó minh chứng qua những sự việc cụ thể như 120 hộ dân ở Quan Sơn xin được thoát hộ nghèo; huyện Như Xuân thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhất cả nước; hàng nghìn hộ dân ở Cẩm Thủy thoát nghèo nhờ XKLĐ; hàng trăm hộ dân ở Bá Thước biết tận dụng lợi thế phát triển du lịch cộng đồng để thoát nghèo...Đây chính là kết quả của sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cấp ủy, chính quyền, nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới để công tác giảm nghèo đạt được kết quả cao hơn nữa, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, thì sự nỗ lực vượt khó vươn lên của hộ nghèo sẽ là yếu tố quyết định trực tiếp tới sự thành hay bại của công cuộc giảm nghèo ở miền Tây xứ Thanh. Vì vậy, các địa phương cần “đả thông” tư tưởng của hộ nghèo, để họ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó phấn đấu thoát nghèo.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]