(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tôi đứng giữa đại ngàn Thường Xuân vi vu gió thổi, giữa hương thơm phảng phất của hoa dại, được nhìn những công trình xây mới tua tủa mọc lên phục vụ nhu cầu cuộc sống. Bao năm qua, trên mảnh đất đầy rẫy những khó khăn, các thế hệ cán bộ đảng viên và người dân nơi đây đã nỗ lực vượt khó, tự lực cánh sinh vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản, làng ngày một giàu đẹp, khang trang. Họ biết tìm tòi và suy ngẫm ra những cách làm mới, hướng đi mới. Và tôi biết có một cơn gió khác thổi từ ngàn Ta Leo hùng vĩ, đang mang hơi mát, làm thay đổi dáng vẻ và diện mạo quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gió ngàn Ta Leo

(VH&ĐS) Tôi đứng giữa đại ngàn Thường Xuân vi vu gió thổi, giữa hương thơm phảng phất của hoa dại, được nhìn những công trình xây mới tua tủa mọc lên phục vụ nhu cầu cuộc sống. Bao năm qua, trên mảnh đất đầy rẫy những khó khăn, các thế hệ cán bộ đảng viên và người dân nơi đây đã nỗ lực vượt khó, tự lực cánh sinh vươn lên thoát nghèo, xây dựng bản, làng ngày một giàu đẹp, khang trang. Họ biết tìm tòi và suy ngẫm ra những cách làm mới, hướng đi mới. Và tôi biết có một cơn gió khác thổi từ ngàn Ta Leo hùng vĩ, đang mang hơi mát, làm thay đổi dáng vẻ và diện mạo quê hương.

Từ việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Tôi đến Công sở xã Xuân Cẩm một ngày thu nắng dìu dịu. Khác với lần trước, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã sạch đẹp, ngăn nắp hơn. Trong các phòng làm việc, cán bộ xã làm việc nghiêm túc, nhiều người dân đến giải quyết thủ tục hành chính ra về với nét mặt vui vẻ. Ngày tôi đến cũng vừa tròn 1 năm, ông Cầm Bá Nguyên - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã được Huyện ủy Thường Xuân điều động về từ Trưởng phòng GD&ĐT. Tôi đem câu chuyện về lề lối làm việc ở các cơ quan hành chính cấp xã ở Thường Xuân kể, ông Nguyên không phủ nhận.

Đó là chuyện, cách đây không lâu, ở nhiều xã còn xảy ra tình trạng cán bộ sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc. Một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc cho công dân, doanh nghiệp. Đáng nói là có cả trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia đánh bạc, vi phạm chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, bị kỷ luật Đảng và xử lý theo quy định của pháp luật...

Nói về nền nếp làm việc ở nhiều xã ở huyện vùng cao này không ít người lạ lẫm, gần 10 năm gắn bó, tôi cũng không ít lần dài cổ đợi cán bộ đến muộn giờ làm vì con ma men. Có những cuộc họp muộn cả giờ đồng hồ vì cán bộ đến muộn, nhất là cán bộ thôn, bản...

Ông Cầm Bá Nguyên cho rằng: “Chỉ thị 08 ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân về Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực sự là một bước đi đột phá để nâng cao ý thức trách nhiệm, nền nếp làm việc, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ xã nói chung.”

Thực hiện Chỉ thị 08 và các chỉ thị, Nghị quyết khác của Đảng các cấp, Đảng ủy xã Xuân Cẩm đã đặt ra mục tiêu và giải pháp là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, người lao động đó là không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong ngày làm việc; không đánh bạc dưới mọi hình thức. Lề lối làm việc phải khoa học. Từng đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn tự giác, gương mẫu thực hiện...

Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Xuân Cẩm đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ, đảng viên thực hiện. Tiến hành phê bình, nhắc nhở những đảng viên vi phạm trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp BCH; huy động cán bộ đóng góp ngày công dọn dẹp vệ sinh cơ quan, đơn vị. Xã Xuân Cẩm cũng tuyệt đối không tổ chức tiệc tùng, liên hoan, nhất là trong giờ nghỉ trưa... Sau thời gian triển khai không lâu, giờ giấc làm việc, kỷ luật, kỷ cương ở Công sở xã Xuân Cẩm đã được thực hiện nghiêm túc và được duy trì. Cán bộ năng động, nhiệt tình vì trách nhiệm và quyết tâm cao xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm Cầm Bá Nguyên thăm hỏi, động viên người dân thôn Thanh Xuân làm du lịch cộng đồng.

Không riêng ở xã Xuân Cẩm, ngày nay đến nhiều xã ở huyện Thường Xuân tôi cảm nhận khác. Đã không còn vẻ ồn ào náo nhiệt ở các nhà hàng, quán xá vào buổi trưa. Cũng không còn cảnh người dân đợi cán bộ đến để giải quyết thủ tục hành chính. Và tôi cũng không phải dài cổ đợi cán bộ đến muộn vì "ma men"...

Ông Đỗ Xuân Nam - Bí thư Huyện ủy Thường Xuân cho rằng: Chỉ thị 08 ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân về Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương là việc làm thiết thực của huyện trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp. Sau hơn 1 năm thực hiện chỉ thị này, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ trong các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kỷ luật, kỷ cương ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được đảm bảo và duy trì. Từ đó tác động tích cực đến hiệu quả giải quyết công việc, hiệu lực hành chính công, được đông đảo nhân dân đánh giá cao.

Đến việc thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ

Tôi vượt thêm hơn 30 cây số từ phố huyện Thường Xuân tìm về xã Tân Thành giữa những cơn mưa rừng nối tiếp nhau ào ào trút nước. Trầy trật vượt qua con đường nhỏ gồ ghề những ổ gà, ổ voi dẫn từ đường Hồ Chí Minh, nhưng tôi vẫn kịp nhận ra một công trình công sở xã mới sừng sừng giữa một bãi đất trống. Người ta nói, công trình này được hoàn thành đưa vào sử dụng có vai trò rất lớn của Bí thư Đảng ủy xã Lê Anh Tuấn được Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân điều động về.

Công trình này vốn được khởi công từ khoảng năm 2013, nhưng do nhà thầu không đủ năng lực, nên cứ dùng dằng, dây dưa mãi. Đến tháng 7/2015, ông Lê Anh Tuấn được điều động về thì công trình này mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Tuấn nói: "Công trình được làm có vốn ngân sách mà xây mãi không xong buồn lắm chứ. Ngày về đây, tôi đã cùng với lãnh đạo xã, xin chủ trương của huyện thanh toán khối lượng công việc cho nhà thầu cũ và thay thế nhà thầu khác. Nhờ vậy mà công trình mới xong".

Hỏi thêm mới biết, hơn hai năm trước, từ "cái ghế" Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy được điều động về Tân Thành làm Bí thư, ông Tuấn cũng mỗi ngày đánh vật với con đường mà chúng tôi đã đi qua để về phố huyện với gia đình. Nhưng ông vẫn miệt mài nỗ lực, cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng quy định về nền nếp kỷ cương làm việc, nêu cao tính gương mẫu của cán bộ theo tinh thần Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thực hiện nghiêm và duy trì việc cơ quan chào cờ vào thứ 2 hàng tuần...

Từ sự chuyển biến trong tác phong, lề lối, kỷ luật, kỷ cương làm việc, cán bộ xã Tân Thành đã có nhiều cách làm hay trong chỉ đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Như: Áp dụng các ứng dụng mới của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng các mô hình nuôi lợn nái sinh sản, bò cái sinh sản, cải tạo vườn tạp trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... Tính đến 6 tháng đầu năm 2017, xã Tân Thành đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng NTM, 2 thôn đạt 11/14 tiêu chí, 8 thôn đạt 10/14 tiêu chí. Đây là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cán bộ và nhân dân xã Tân Thành trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn.

Tôi trở lại Xuân Cẩm, thôn Thanh Xuân xanh mướt một màu với cây cầu treo bắc ngang sông Chu đẹp như một bức tranh. Những ngôi nhà sàn uốn lượn theo thớ ruộng bậc thang điểm thêm cho bức tranh thôn quê màu cuộc sống no đủ, sinh sôi. Lần này đến, tôi được biết chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở đây đang phát huy hiệu quả thực sự khi có hàng nghìn lượt khách đến mỗi năm.

Ông Vi Văn Tiên, hộ dân được quy hoạch làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng trong thôn Thanh Xuân bộc bạch: "Bao đời này, trong bản có ai biết làm du lịch để có tiền. May mà nhờ có Bí thư Nguyên (Cầm Bá Nguyên - PV) được huyện luân chuyển về, có thêm cán bộ đề án 600 nên chúng tôi mới biết làm du lịch".

Từ khi được huyện điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Cẩm, ông Cầm Bá Nguyên đã bắt tay ngay cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng nền nếp kỷ cương làm việc, phát huy tinh thần, trí tuệ của cán bộ đảng viên và sự chung tay của nhân dân thực hiện các mục tiêu của xã đã đề ra.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong gần 1 năm qua, xã Xuân Cẩm đã có thêm gần 3km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hoặc cấp phối; xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn để trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia giai đoạn 2; tổ chức nuôi ăn bán trú cho học sinh mầm non. Điểm du lịch cộng đồng tại thôn Thanh Xuân được quy hoạch chuồng trại, trồng hoa tạo cảnh quan, quy hoạch hộ dân làm du lịch. Và trong tháng 9 này, xã sẽ tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm VH - TDTT xã đảm bảo tiêu chí xây dựng NTM... Đó là những đổi thay rõ nét, đang mang lại niềm vui cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Xuân Cẩm.

Những chuyển biến rõ nét ở các xã: Tân Thành, Xuân Cẩm có vai trò rất lớn của cá nhân ông Lê Anh Tuấn và ông Cầm Bá Nguyên. Nói đúng hơn là vai trò của công tác điều động, luân chuyển cán bộ của huyện Thường Xuân. Đây là 2 trường hợp được Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân luân chuyển về cơ sở thử thách, nâng cao năng lực, kinh nghiệm nhằm tạo nguồn kế cận cho lãnh đạo huyện trong thời gian tới.

Trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, xét thấy có nhiều bất cập trong lề lối, tác phong làm việc, hạn chế trong công tác cán bộ, mới đây Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đã thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển, điều động cán bộ giữa các xã, thị trấn. Việc làm này đã và đang tạo ra sự chuyển biến thực sự ở cơ sở. Ví như, ở thị trấn Thường Xuân xảy ra tình trạng phức tạp kéo dài, nội bộ mất đoàn kết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển Phó Bí thư Thường trực thị trấn đi xã Ngọc Phụng, điều Phó Bí thư Thường trực từ xã Xuân Dương về thị trấn. Từ đó thị trấn Thường Xuân ổn định hơn, không xảy ra tình trạng phức tạp, kiện cáo kéo dài.

Trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cán bộ quy hoạch, cán bộ chủ chốt cấp huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngoài những tiêu chuẩn theo quy định đều phải qua thời gian công tác ở cơ sở; gắn công tác luân chuyển, điều động với kế hoạch đào tạo, thực hiện quy hoạch cán bộ, đến năm 2020 các xã, thị trấn bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không phải là người địa phương.

Từ năm 2013 - 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân đã thực hiện 4 đợt luân chuyển, điều động cán bộ; luân chuyển 12 đồng chí lãnh đạo cấp huyện về xã làm cán bộ chủ chốt, trong đó có 8 đồng chí bí thư, 3 đồng chí Chủ tịch UBND, 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã; 6 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ tốt ở cơ sở về huyện được bố trí làm Phó Chủ tịch UBND huyện, Chánh Thanh tra huyện,…Cấp xã, thị trấn đã điều động 3 đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, 8 đồng chí Chủ tịch UBND xã, 4 đồng chí trưởng Công an xã từ xã này sang xã khác công tác; cán bộ công chức kế toán ngân sách, địa chính thực hiện theo Nghị định 158/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Đỗ Xuân Nam - Bí thư Huyện ủy Thường Xuân cho biết: Công tác luân chuyển, điều động cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng đó là: Nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác luân chuyển, điều động cán bộ có bước chuyển biến rõ nét; đồng tình với chủ trương, kế hoạch, biện pháp luân chuyển, điều động cán bộ của Ban Thường vụ Huyện ủy, được nhân dân đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Các cán bộ luân chuyển từ huyện về cơ sở đã tác động tích cực, làm chuyển biến rõ nét trong phong cách, phương pháp, lề lối làm việc; làm thay đổi căn bản nếp nghĩ, cách làm của cán bộ cơ sở; thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính đi vào nền nếp; cán bộ được điều động từ xã này sang xã khác đã tạo môi trường công tác mới, tạo động lực mới, tinh thần trách nhiệm được nâng lên, tránh tư tưởng bảo thủ, trì trệ, khép kín, cục bộ địa phương.

Hiệu quả của việc ban hành và thực hiện Chỉ thị 08 và thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ của Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân sẽ còn lan tỏa trong thời gian tới, là minh chứng rõ nét về hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống. Những việc làm này thể hiện ý chí quyết tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, khẳng định như chưa từng có sự ngắt quãng giữa quá khứ và hiện tại về ý chí cách mạng tiến công của các thế hệ đảng viên huyện Thường Xuân. Đó là cơn gió ngàn thực sự, đang làm chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi tích cực đời sống kinh tế - xã hội ở huyện giáp biên này.

Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]