(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều người đọc và mê văn của Hà Thị Cẩm Anh, thường so sánh vẻ đẹp của những người phụ nữ tươi vui, phiêu du trong không khí ngày xuân tưng bừng rộn rã của tiếng cồng chiêng và tiếng hát xường khác xa hoàn toàn cái dáng gầy guộc, đượm buồn của chính nhà văn. Nhưng không ít người biết chị không chỉ viết về phụ nữ, chị còn có gia tài truyện thiếu nhi dày dặn và đầy đặn. Cầm và đọc “Tuyển tập Văn học Thiếu nhi” (đề tài miền núi và dân tộc thiểu số), Nxb Thanh Hóa, 2020, tôi thực sự bất ngờ vì sáng tác đầu tay về thiếu nhi được chị viết khi gần 50 tuổi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hà Thị Cẩm Anh: Vơi vợi nỗi đau với những đứa trẻ

Nhiều người đọc và mê văn của Hà Thị Cẩm Anh, thường so sánh vẻ đẹp của những người phụ nữ tươi vui, phiêu du trong không khí ngày xuân tưng bừng rộn rã của tiếng cồng chiêng và tiếng hát xường khác xa hoàn toàn cái dáng gầy guộc, đượm buồn của chính nhà văn. Nhưng không ít người biết chị không chỉ viết về phụ nữ, chị còn có gia tài truyện thiếu nhi dày dặn và đầy đặn. Cầm và đọc “Tuyển tập Văn học Thiếu nhi” (đề tài miền núi và dân tộc thiểu số), Nxb Thanh Hóa, 2020, tôi thực sự bất ngờ vì sáng tác đầu tay về thiếu nhi được chị viết khi gần 50 tuổi.

Hà Thị Cẩm Anh: Vơi vợi nỗi đau với những đứa trẻ

Sinh năm 1948 ở mảnh đất Cẩm Thủy, văn hóa Mường đã ngấm sâu vào máu thịt, vào tâm hồn và trang văn của Hà Thị Cẩm Anh. Nhà văn không chỉ tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thổi vào đó linh hồn, sức sống của dân tộc mình. Chính cái hiện thực khắc nghiệt cuộc sống ngày nay đã dự phần, đánh cắp cái nguyên sơ, nguyên bản. Và đó cũng là nỗi đau mà nhà văn Cẩm Anh luôn nhói lên. Nếu trước đây, cuộc sống nơi bản mường: “Đàn ông làng này nhàn nhã quanh năm. Ban ngày vào núi đi săn, ban đêm nếu không xuống sông Mã đánh chài, đánh xúc thì ới nhau đến uống rượu cần ở bếp khách nhà nào đó trong làng...”. “Trong rừng có gỗ thơm, có gỗ pơ mu, còn có rất nhiều cây cổ thụ đã nhiều trăm năm tuổi. Chúng đều là con là cháu của cây Chu Đá lá Chu Đồng có bông thau quả thiếc mà ngày xửa ngày xưa nhà Lang Cun Cần đã đem binh, đem mường đến để chặt Chu, kéo Chu về làm nhà sàn dát bạc, cung điện dát vàng ở Mường Ca Da” (Con đường dài lắm).

PGS.TS Đào Thủy Nguyên đã nhận xét: "Trong sáng tác của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh nhiều khi thiên nhiên và con người có sự hòa nhập đến mức tuyệt đối”. Thiên nhiên không chỉ ban tặng con người thức ăn để tồn tại, lá thuốc quý để chữa bệnh mà còn trở thành mái nhà che nắng, che mưa. Khi con người ta không còn chỗ nào bấu víu thì thiên nhiên giống như người mẹ hiền dang rộng vòng tay ôm đứa con vào lòng vỗ về che chở.

Hầu hết các trang văn của Hà Thị Cẩm Anh đều như muốn gửi gắm và giáo dục con trẻ biết yêu rừng, gắn bó với văn hóa của dân tộc mình. 6 truyện trong đó có 4 truyện dài: Chẫu chàng, cóc tía, và những cư dân xóm bờ ao; Những đứa trẻ mồ côi; Lão thần rừng nhỏ bé; Người anh hùng và con cọp và 2 truyện ngắn: Con đường dài lắm; Thằng Chinh ngốc đã giúp người đọc nhận ra giữa cơn lốc đô thị, những người miền rừng có vẻ là thiệt thòi hơn cả. Họ phải chứng kiến sự đổi thay từ không gian sống đến sự kiệt quệ trong đời sống tâm hồn. Đau đớn nhất chính là phải chứng kiến sự phản bội của con người. Những đứa trẻ hiền lành trước đây, nay cũng chỉ vì sự đua đòi mà thằng Bàng, thằng Chinh đã bỏ học để đi bán lẻ ma túy (Thằng Chinh ngốc), người ta sẵn sàng phá rừng, giết hại động vật hoang dã. Đọc Con đường dài lắm dẫu Hà Thị Cẩm Anh viết từ năm 2008 mà tôi cứ ngỡ như chuyện của bản Sa Ná mới xảy ra năm 2019 khi cơn lũ cuốn đi tất cả mọi thứ, người ở lại đau đớn đến tận cùng chứng kiến người thân ra đi.

Từng trang văn của Hà Thị Cẩm Anh lóe rọi cho người đọc tính dự báo về những mất mát của núi rừng, sự cuồng nộ của thiên nhiên. “Núi biến thành đồi trọc. Rừng biến thành những bãi đất trống chỉ trơ ra toàn đá là đá. Người ta không thể gặm đá mà sống được”; “Làng dưới chân núi mà núi không còn là núi. Rừng không còn là rừng nữa thế này thì nguy hiểm lắm” (Con đường dài lắm); “Rừng xanh hoàn toàn biến mất. Những khe núi biến thành những con suối rất dốc và rất hung hãn vào mùa mưa nhưng lại rất khô cằn vào mùa hanh hao, nắng gắt. Những khu rừng tẻ nhạt xác xơ và nghèo kiệt... tiếp tục bị nước lũ đục khoét đào bới, rửa sạch cuốn trôi năm này qua năm khác nữa cho biến thành những vùng đồi trống, núi trọc rộng bát ngát mênh mông” (Người anh hùng và con cọp). Vấn đề môi trường được đặt ra, trong đó là nạn phá rừng, là săn bắt động vật. “Mấy con voọc đuôi trắng, những con voọc quý hiếm nhất còn sót lại của rừng xanh ở xứ Mường này mà nó cũng muốn bắt luôn sao? Rõ là đồ trộm cướp” (Những đứa trẻ mồ côi); “Rừng Chuông Cò lắm cọp nhiều beo cứ thu hẹp lại. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm việc phá rừng làm rẫy càng trở nên rầm rộ, càng trở nên khốc liệt hơn. Người ta vào rừng chặt một cây gỗ thì phát mất cả trăm cây gỗ nhỏ để có không gian mà lấy gỗ, có đường mà kéo gỗ về làng. Các ngọn núi, quả đồi nhanh chóng biến thành núi trống đồi trọc trơ trụi và cằn cỗi” (Con đường dài lắm). Các trang văn của chị nhắc đi nhắc lại hình ảnh làng Chiềng Và, thung lũng Si Dồ, thậm chí con cọp có tên là Tấc, thằng Đa... nhưng người đọc không cảm thấy khó chịu, đơn điệu... mà còn ngỡ mình được sống trong chính không gian ấy.

Thiên nhiên trước đây là người bạn gắn bó hòa hợp nhất với con người. Trong Những đứa trẻ mồ côi thiên nhiên luôn gắn bó và chia sẻ những niềm vui cũng như nỗi buồn, đau đớn, bất hạnh với con người. “Những con suối ngàn năm tuổi như mất hồn, cứ ngơ ngơ ngác ngác trước nỗi cô đơn, khốn khổ của hai mế con thằng In” (Lão thần rừng bé nhỏ). Và hình ảnh “nắng vỡ đầu không một bóng mát cây rừng mà che”, “ruộng có sẵn nước để cấy mỗi năm hai vụ lúa, nhưng ruộng thì không biết đẻ mà đàn bà làng Chiềng Va thì cứ đẻ sòn sòn” chẳng những là nỗi buồn của những con người gắn bó với thung lũng Si Dồ nữa mà còn là nỗi lo sau này con cháu họ có còn được rừng chở che.

Nỗi cô đơn khiến con người đôi khi dựa dẫm, nương tựa, ẩn náu vào những con vật thân yêu. Hầu hết các nhân vật thiếu nhi trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh là những đứa trẻ khốn khó, cô độc, bố mẹ không còn... chúng sống nhờ núi rừng, sống cùng thiên nhiên, muông thú... Hình ảnh con cọp khóc khi em gái của Đa mất trong “Người anh hùng và con cọp” khiến ta đọc đến vừa nghẹn ngào lại vừa cảm nhận rằng đó là may mắn của những đứa trẻ. Con Tấc (con cọp) đã trở về để chịu tang, tiếng “khóc hoài, khóc mãi” của nó khiến bóng đêm võng xuống, tiếng kêu la thảm thiết của các loài thú hoang và "những cây cổ thụ già nua, lười nhác trở nên cáu bẳn vặn mình kêu răng rắc khiến cho các cơn gió xoáy đột ngột nổi lên, giông bão lại sầm sập đổ về”. Những thanh âm đồng vọng ấy khiến “nỗi đau đớn trong lòng Đa được dịu bớt. Nỗi cô đơn sợ hãi của Đa cũng vơi vợi được một phần”. Tình yêu ấy mãnh liệt hơn nhiều bởi Đa hiểu lòng tham, sự tàn bạo của con người mới thực sự đáng sợ: “Làm sao mới có thể bảo vệ được con Tấc ở giữa cõi người đang rất đói khát này?”. “Làm sao mới có thể cứu được con Tấc bây giờ?”.

Nếu nhân vật phụ nữ Mường là thành trì cuối cùng để bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh thì nhân vật thiếu nhi là nguồn sáng, sự tiếp nối, đồng thời giữ vai trò “hòa nhập” với cuộc sống hiện đại, với những thách thức, hiểm nguy. Cuốn sách dày 450 trang giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo về những đứa trẻ ở miền núi, không hoàn toàn được hưởng cuộc sống bình yên, êm đềm, thơ mộng bên những con suối và những cánh rừng mà còn phải đối mặt với sự đô thị hóa, sự tàn ác của con người. Chẳng biết khi nào có thể vơi vợi những nỗi đau, những lo lắng về một thế hệ đang gánh chịu hậu quả do người lớn gây ra. Tuy vậy, như nhận định của PGS.TS Trần Thị Việt Trung: "Cái nhìn đa chiều và khách quan ấy về hiện thực cuộc sống, con người trong tác phẩm của chị lại không lạnh lùng, vô cảm, mà nó đã được thẩm thấu và phản ánh qua sự rung động của tâm hồn, lòng trắc ẩn của một người phụ nữ Mường”. Chính những nỗi niềm đau đáu, những xót xa, trăn trở, những sẻ chia chân thành... ấy là hấp lực để bạn đọc yêu quý trang văn giàu cảm xúc của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh.

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]