(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ hình ảnh “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Ông đồ - Vũ Đình Liên), sau này là hình ảnh thầy Quản (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân) “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là... Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời...”, mới thấy việc đến xin chữ, được cho chữ là cái duyên, cái tình, cái lễ của bao đời nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Từ hình ảnh “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Ông đồ - Vũ Đình Liên), sau này là hình ảnh thầy Quản (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân) “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là... Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời...”, mới thấy việc đến xin chữ, được cho chữ là cái duyên, cái tình, cái lễ của bao đời nay.

Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Hoạt động xin chữ đầu năm Canh Tý 2020. Ảnh: Đăng Việt

Nghề chơi... lắm công phu

Cầm trên tay tờ giấy đỏ có con chữ mình mong muốn và chờ đợi, nhất là thời điểm năm mới dường như trong lòng ai cũng khấp khởi mừng, khuôn mặt lộ rõ nét hân hoan, hy vọng một sự may mắn, hanh thông.

Chúng ta vẫn xem xin chữ là phong tục đẹp, bởi nó đã được đại chúng hóa, phổ biến trong dân gian. Ban đầu việc xin chữ đơn thuần để thể hiện sự hiếu học, sự trọng chữ, trọng tri thức. Theo các ông đồ, ngày xưa khi xin chữ, người dân rất chú ý đến người cho chữ bởi nét chữ thể hiện tinh thần, cốt cách, những người có tâm hồn đẹp thể hiện qua con chữ đẹp. Vì thế, họ thường tìm đến các vị túc nho, những người “có danh với núi sông”, hoặc là các thầy đồ để xin chữ. Chính sự trang trọng đó khiến người đi xin chữ phải thành tâm, thành kính, còn người cho chữ phải có cách hành xử thật nghiêm cẩn. Một số người, với quan niệm xin chữ là sự kiện đặc biệt, nên họ phải chọn ngày, chọn hướng, chọn người mà mình tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng để xin chữ, xin lộc. Theo thời gian, đối tượng xin chữ không chỉ là những người học hành chữ nghĩa, mà dù là ai, chỉ cần yêu, thích và có niềm tin vào việc xin chữ đều tìm đến các thầy vào mỗi dịp xuân mới. Sau khi xin được câu đối hay con chữ như ý, người ta đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, dễ ngắm nhìn, để cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và cho học hành thi cử.

Ngày xưa, người học chữ Hán phải luyện chữ rất công phu, chữ đẹp là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất của một con người. Và việc luyện tập chữ Hán người ta gọi là luyện thư pháp. Luyện thư pháp không phải ngày một ngày hai mà cần quá trình công phu và bài bản. Một bức thư pháp được coi là hoàn chỉnh phải hội đủ các yếu tố: Chính văn (phần chính của nội dung cần thể hiện), đề khoản (lạc khoản) và ấn chương. Nếu như phần chính văn được thể hiện tốt mà phần đề khoản lạc lõng rời rạc, hoặc nằm vào vị trí phá hư chương pháp toàn bức thì coi như tác phẩm đã thất bại. Khoản là nội dung cần phải có để người xem hiểu rõ ràng về tác phẩm, và chữ dùng đề khoản phải giản luyện, súc tích. Ngoài ra, người luyện thư pháp bắt buộc phải luyện qua chữ chân sau đó mới chọn cho mình chữ thảo, hay chữ hành...

Gần đây khi đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao, thú chơi chữ ngày càng được phổ biến hơn, ngoài nghệ thuật thư pháp chữ Hán, còn có thư pháp Việt được hầu hết các bạn trẻ yêu thích bởi sự đơn giản, gần gũi và dễ hiểu.

Nghệ thuật thư pháp luôn đòi hỏi sự khổ luyện và đề cao tâm hồn, tinh thần của người viết. Nghề nào cũng lắm công phu, nhưng nghề chơi chữ thì còn cần hơn hết ở sự tin yêu cái đẹp và đi đến tận cùng cái đẹp.

Hồn của chữ

Hình ảnh những ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, “Bày mực tàu giấy đỏ” hiện diện trong không gian đình chùa, hoặc các con phố đã ngày càng trở nên quen thuộc với dân thành thị. Chính họ mang tới cho người khác sự thư thái trong tâm hồn, ngoài ra, chuyển tải những ước vọng tốt đẹp, một năm mới hạnh phúc, bình an trong những nét mực uyển chuyển. Trước đây, việc xin chữ thường được người dân thực hiện vào ngày mùng 2 tết, nhưng hiện nay, việc xin chữ có thể kéo dài từ sau ngày ông Công, ông Táo cho đến rằm tháng Giêng.

Với mỗi thầy nho, cũng con chữ ấy, họ lại có cách thể hiện khác nhau, viết theo nhiều cách, có thể tùy tâm trạng, tùy hoa tay mà như rồng múa phượng bay, thật lạ mắt. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Thậm chí, có người còn gắn với tranh ảnh, tạo nên bức thư họa khiến người thưởng thức phải trầm trồ. Đương nhiên, để đạt đến trình độ này, người cho chữ phải là những người yêu thích, đam mê nghệ thuật, đã trải qua quá trình học tập, đồng thời phải có năng khiếu, có hoa tay, luôn đặt trong đầu hai chữ “kiên nhẫn”, bởi luyện một nét chữ có khi phải cầm bút lông cả nghìn lần.

Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, một phần do quan niệm của người phương Đông màu đỏ rực rỡ nhất và là màu của sự sống, sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên ngày tết, mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao lì xì... vừa mang tới sự tươi mới, viên mãn, lạc quan. Nhưng hơn hết trên nền đỏ, những con chữ được viết bằng mực Tàu thật nổi bật, và cũng không kém phần sang trọng.

“Tâm lý chung của người Việt Nam muốn một năm mới an khang thịnh vượng, bởi có bình an, mạnh khỏe mới làm ra của cải, vật chất - nhà thư pháp Hà Văn Bôn chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ. Người cho chữ ngoài việc hiểu chữ còn phải hiểu cả người xin chữ. Người đi xin chữ phải nói lên tâm tư của mình, còn người cho chữ đôi khi phải gợi lên cái chữ phù hợp với người xin.

Có thể khẳng định, tất cả các con chữ mọi người xin đều là những chữ hay, chữ đẹp. Xin chữ đầu năm không chỉ là thể hiện mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới thật nhiều điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy, mà còn là nét văn hóa truyền thống cần được giữ gìn phát triển, khiến trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ hòa vào nhau.

Bên vẻ trầm mặc, thiêng liêng của các ngôi chùa, “hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp” qua những nét thư pháp tài hoa của các ông đồ mới. Và đến hẹn lại lên, xuân qua rồi xuân tới, những ông đồ lại thủng thẳng bên nghiên mực Tàu, giấy đỏ và lắng hồn với con chữ.

Phương Hạ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]