(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi trở lại huyện vùng biên Quan Sơn trong một ngày nắng rát kèm theo những trận gió Phơn ràn rạt thổi giữa hạ. Cũng là nắng nóng ở miền Tây xứ Thanh thôi, nhưng ở Quan Sơn thì dịu hơn, chứ không gay gắt, bỏng rát như ở Mường Lát, Quan Hóa, Thạch Thành. Nhiều cán bộ trong ngành Kiểm lâm lý giải là do Quan Sơn có độ che phủ rừng đạt tới trên 88%, cao nhất toàn tỉnh và nằm trong tốp đầu cả nước. Tôi nghĩ đó là thành công lớn, qua những đóng góp, chắt chiu của cán bộ, đảng viên và người dân Quan Sơn, làm của để dành cho con cháu mai sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi nghị quyết hợp lòng dân

Tôi trở lại huyện vùng biên Quan Sơn trong một ngày nắng rát kèm theo những trận gió Phơn ràn rạt thổi giữa hạ. Cũng là nắng nóng ở miền Tây xứ Thanh thôi, nhưng ở Quan Sơn thì dịu hơn, chứ không gay gắt, bỏng rát như ở Mường Lát, Quan Hóa, Thạch Thành. Nhiều cán bộ trong ngành Kiểm lâm lý giải là do Quan Sơn có độ che phủ rừng đạt tới trên 88%, cao nhất toàn tỉnh và nằm trong tốp đầu cả nước. Tôi nghĩ đó là thành công lớn, qua những đóng góp, chắt chiu của cán bộ, đảng viên và người dân Quan Sơn, làm của để dành cho con cháu mai sau.

Ông Vũ Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy (người thứ hai bên trái), cùng lãnh đạo huyện Quan Sơn đến thăm người dân vùng lũ Sa Ná tại khu tái định cư mới. (Ảnh: Tiến Anh)

Xây dựng Đảng là then chốt

Tôi gặp lại Cao Văn Tùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quan Sơn bên cánh đồng bản Tân Sơn bời bời lúa chín. Mấy đận trước, anh cứ khoe với tôi mãi về giống lúa mới được nhập khẩu về huyện để thoát nghèo cho bà con, mà mãi hôm nay tôi mới được tận mắt chứng kiến. Anh kể: Sau khi được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quan Sơn đã đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa Nhật, bản Tân Sơn xã Sơn Điện theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện. Ban đầu mô hình gặp rất nhiều khó khăn do người dân không hào hứng tham gia và tập quán canh tác lạc hậu. Cán bộ của trung tâm đã phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền, vận động, rồi lội tận ruộng hướng dẫn, người dân mới mạnh dạn trồng giống lúa mới của cán bộ đưa vào. Từ 5kg giống với 5 hộ trồng 2 sào ruộng ban đầu, đến nay mô hình này đã có tới 50 hộ dân tham gia trồng hơn 10ha.

Vừa kể, Cao Văn Tùng vừa mở bao gạo Nhật Quan Sơn được đóng gói cẩn thận với mẫu mã bắt mắt, rồi bốc từng nắm gạo trắng ngần giới thiệu với tôi. Tùng bảo, gạo Nhật có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, hình dáng đẹp. Hiện tại sản phẩm đã được cấp Chứng nhận sản xuất gạo theo chuỗi an toàn thực phẩm và được phân phối ở các siêu thị, trung tâm thương mại, được người tiêu dùng thông thái lựa chọn.

Tôi với cán bộ Tùng đã ra tận cánh đồng Tân Sơn, gặp những hộ dân đã trực tiếp tham gia trồng giống lúa Nhật. Đã gần 2 năm tham gia mô hình, nhưng nhiều người trong số họ vẫn không tin đã trồng được giống lúa khó tính này. Giờ thì sản phẩm làm ra, bán được giá cao hơn hẳn giống lúa truyền thống, họ vui lắm.

Mô hình sản xuất lúa Nhật, bản Tân Sơn chỉ là một trong số ít mô hình mà Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn tập trung chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng; mô hình trồng cây nứa vầu... đều là những mô hình được triển khai thành công, đã được nhân rộng ra địa bàn.

Tuy vậy, nhưng nhiều lãnh đạo tiền nhiệm ở Quan Sơn cho rằng: Cái khó trong phát triển KT-XH ở Quan Sơn không hẳn là thiếu mô hình phát triển kinh tế. Làm sao để người dân có ý chí thoát nghèo mới là vấn đề khó hơn.

Hiểu được vấn đề, trong 5 năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã lãnh đạo hệ thống chính trị huyện thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thực hiện các chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nổi bật trong đó, ngày 4/4/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 07, về “Tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá”. Đây có lẽ là đáp án đúng cho bài toán tìm khâu đột phá để phát triển vùng biên này.

Nói là đáp án đúng bởi lẽ, Nghị quyết 07 đã thẳng thắn nêu rõ những tồn tại kìm hãm sự phát triển bấy lâu của huyện, và chỉ ra 12 biểu hiện về tư tưởng, tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Đó là người dân có điều kiện thoát nghèo nhưng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chi tiêu không hợp lý “làm ra bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu", không tích lũy, tái đầu tư sản xuất và phòng thân; không nghiêm túc chấp hành pháp luật và thực hiện hương ước làng bản; uống rượu say, bê tha, gây mất trật tự công cộng...

Chỉ ra tồn tại, xác định là vấn đề nhạy cảm, khó khăn, phức tạp, Quan Sơn đã kiên trì trong thực hiện, “mưa dầm thấm lâu”, huy động cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc, làm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài với phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi người cùng thực hiện, cán bộ, đảng viên gương mẫu xung kích đi đầu. Qua đó nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển KT-XH, phấn đấu sớm đưa Quan Sơn thoát nghèo.

Thêm một chủ trương khác, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã xây dựng và triển khai thành công mô hình "3+1". Có nghĩa, trong tháng có 4 tuần làm việc thì lãnh đạo huyện Quan Sơn phải có số ngày làm việc tại cơ sở là một tuần. Thế rồi ở Quan Sơn, từ Bí thư Huyện ủy đến các trưởng, phó phòng chuyên môn đã thường xuyên trực tiếp đến tận các bản, làng vùng sâu, vùng xa, cùng với cán bộ xã, thôn, bản giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Cứ thế mà lãnh đạo huyện đã trở nên gần gũi và giúp đỡ nhân dân được nhiều hơn.

Có lẽ, nhiệm kỳ vừa qua là quãng thời gian ghi nhiều dấu ấn nhất của Đảng bộ huyện Quan Sơn trong hành trình lãnh đạo hệ thống chính trị huyện thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và làm tốt công tác đối ngoại với nước bạn Lào. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và nêu gương. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cấp ủy viên cơ sở được quan tâm. Đã phân công cấp ủy viên cấp trên và cán bộ cấp huyện dự sinh hoạt với chi bộ bản, khu phố gắn với thực hiện mô hình "3+1"; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo đối với các tổ chức Đảng, đảm bảo sựlãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực, vừa có trọng tâm, trọng điểm...

Đáng nói, sau sáp nhập thôn bản, tổ dân phố, Quan Sơn là huyện đi đầu của tỉnh về việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Bố trí chức danh Bí thư Đảng ủy, hoặc Chủ tịch UBND không phải là người địa phương ở 9/12 xã, thị trấn. Huyện cũng thực hiện hợp nhất bí thư là người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện; 100 công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng, Phó Công an xã; sáp nhập 5 đơn vị sự nghiệp công lập thành 2 đơn vị;...

Và những quả ngọt đầu mùa

Qua đi một nhiệm kỳ, kể từ khi được kiện toàn bộ máy tổ chức, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã đề ra nhiều chủ trương, cách làm mới với sự đồng bộ, bài bản, khoa học, lãnh đạo hệ thống chính trị, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân phát triển KT-XH, sớm đưa huyện thoát khỏi huyện nghèo. Từ đây, đã có một phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, khí thế quyết tâm cao tự rũ bỏ đói nghèo, dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống trong mỗi người dân Quan Sơn.

Hãy điểm qua một vài con số để thấy sự đổi thay ấy, của công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh của Đảng bộ huyện Quan Sơn. Đó là tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 134,7%. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30,2 triệu đồng, tăng 14,2 triệu so với năm 2015. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng năm 2020 ước đạt 451 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2015. Trong 5 năm qua, huyện đã huy động 3,672 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển; có nhiều dự án hứa hẹn sẽ đổi thay diện mạo Quan Sơn như: Dự án thủy điện 3 bậc thang Trung Xuân - Sơn Lư - Tam Thanh; Dự án chế biến lâm sản Ngọc Sơn...

Đi qua những bản làng trên huyện vùng biên Quan Sơn giờ đây đã nhận thấy đổi thay rõ nét, tích cực từ những con đường nhựa, bê tông trải dài đi qua trường học kiên cố khang trang đến tận những mái nhà. Những ruộng đồng trù phú dưới những rừng nứa vầu đang vươn mình lên trời cao,là "cơ ngơi" để người dân thoát nghèo. Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Sại xã Tam Lư Hà Văn Thọ cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Đảng, người dân bản Sại đã dần rũ bỏ lạc hậu trong tư tưởng, tập quán sản xuất, sinh hoạt, vươn lên phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, đã có hàng chục hộ dân trong bản tự nguyện làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo.

Giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng Nông thôn mới và phát triển du lịch là một trong 3 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong lãnh đạo thực hiện, Huyện ủy Quan Sơn đã ban hành nghị quyết chuyên đề. Do vậy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đã giảm sâu, từ 41,87% (năm 2015) xuống còn dưới 5% (năm 2020). Đây là thành công mang tính đột phá, khẳng định cả mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ cán bộ, đảng biên và nhân dân, của sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước các cấp đối với nhân dân các dân tộc thiểu số. Đó còn là tâm huyết, trí tuệ, ý chí quyết tâm sắt đá của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy để Quan Sơn phát triển.

Ông Vũ Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy Quan Sơn, chia sẻ: “5 năm qua trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, đan xen, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu cao, toàn huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Một số lĩnh vực nổi bật là: Kinh tế luôn duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu hút đầu tư xây dựng các dự án lớn, luôn giữ vững độ che phủ rừng, duy trì độ che phủ ở mức cao và bảo vệ tốt hệ sinh thái đầu nguồn; mức thu nhập người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; công tác giáo dục và đào tạo chuyển biến mạnh về chất lượng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới... Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, tiền đề để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Quan Sơn tiếp tục vững bước tiến lên trong giai đoạn mới.”

Theo kế hoạch, trong các ngày từ 27-29/5, Đảng bộ huyện Quan Sơn tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là đại hội điểm cấp huyện của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Đỗ Đức


Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]