(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, đóng góp của văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa tập trung, chú trọng nhiệm vụ nâng cao năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT.

Nâng cao năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật xứ Thanh

Nhằm tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, đóng góp của văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa tập trung, chú trọng nhiệm vụ nâng cao năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT.

Nâng cao năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật xứ ThanhHội VHNT Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực sáng tác, lý luận phê bình cho hội viên.

Với cội nguồn lịch sử - văn hóa độc đáo, “địa linh nhân kiệt”, sự vận động sôi động, mạnh mẽ kinh tế - xã hội, xứ Thanh luôn được xem là “mảnh đất màu mỡ” cho VHNT phát triển. Đến nay, Hội VHNT Thanh Hóa có gần 500 hội viên thuộc 11 ban chuyên ngành. Trong 5 năm qua, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của hội, sự nỗ lực, phấn đấu từ mỗi cá nhân, hơn 5 nghìn tác phẩm thuộc lĩnh vực VHNT đã ra mắt công chúng.

Có những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhạc sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn... dù đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn nhiệt huyết, say mê cống hiến và giành những giải thưởng danh giá của Nhà nước, của hội chuyên ngành Trung ương, của tỉnh như: nhạc sĩ Văn Hòe, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm, nhà văn Hà Thị Cẩm Anh, nhà nghiên cứu Trịnh Hoành, họa sĩ Đỗ Chung, họa sĩ Xuân Quảng, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, nhà viết kịch Vũ Quang... Có những nghệ sĩ tham gia nhiều cuộc thi, triển lãm ảnh, hội họa; nhiều hội viên đang tham gia các công trình nghiên cứu, khoa học, dự án trong lĩnh vực VHNT; gần 200 tác phẩm được tài trợ, hỗ trợ, sáng tạo tác phẩm VHNT. Chỉ tính riêng năm 2022, VHNT Thanh Hóa đã gặt hái nhiều kết quả đáng ghi nhận với các giải thưởng quốc tế, khu vực, quốc gia...

Hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm diễn ra sôi nổi. Hiện nay các tác phẩm không chỉ được đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh mà còn đăng trên báo Thanh Hóa, phát công bố trên đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa, các báo, tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương... Giai đoạn 2017-2022, VHNT Thanh Hóa có nhiều hoạt động giao lưu, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, không chỉ số lượng mà chất lượng ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, VHNT xứ Thanh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đến nay, VHNT Thanh Hóa vẫn đang trong quá trình tìm kiếm những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ghi dấu ấn trên khu vực, thế giới. Hoạt động quảng bá tác phẩm chưa xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh. Hoạt động giữa các ban chuyên ngành chưa đồng đều, lý luận, phê bình VHNT phát triển khá mạnh nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Các cơ chế, chính sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ trẻ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức...

Để tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng sáng tác, quảng bá tác phẩm, trên quan điểm phát huy những thế mạnh, kết quả đạt được, bên cạnh việc tiếp tục củng cố, xây dựng hội phát triển về đội ngũ, vững vàng về tổ chức, Hội VHNT đặc biệt quan tâm, chú trọng đổi mới phương pháp sáng tác, kịp thời quảng bá VHNT góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Thanh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh và đất nước. Các tác phẩm VHNT phải bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh sinh động, kịp thời sự năng động, phát triển của đất và người xứ Thanh, cổ vũ, động viên cán bộ, Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực luôn là cốt lõi, giá trị bền vững. Để có được những tác phẩm hay, chất lượng thì cần có đội ngũ, lực lượng sáng tác dồi dào bút lực, đam mê, nỗ lực sáng tạo, cống hiến. Trong đó, công tác đào tạo là một trong những hoạt động then chốt, nền tảng ban đầu tạo nên chất lượng nguồn nhân lực.

Nhận thức được điều đó, xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Trường Đại học Hồng Đức nói chung, Khoa Khoa học xã hội nói riêng luôn là một trong những cơ sở giáo dục uy tín, đào tạo nhiều gương mặt tiêu biểu, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực VHNT. PGS.TS Lê Tú Anh, Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “Thông qua quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh) có niềm đam mê, năng khiếu trong lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình... Bên cạnh việc tập trung vào công tác đào tạo, khoa luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động về VHNT của tỉnh, cả nước”.

Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức là “cái nôi” đào tạo, chắp cánh cho nhiều cây viết lý luận phê bình tên tuổi và bước đầu khẳng định mình trong đời sống VHNT xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung như: Nguyễn Thanh Tâm, Phạm Tiến Triều, Quách Lan Anh, Phạm Văn Dũng, Lê Đáng... Đội ngũ giảng viên có năng lực, trình độ, tâm huyết, hoạt động khoa học sôi nổi, công bố các công trình, tác phẩm cũng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp thành tựu vào sự phát triển VHNT như: PGS.TS Hoàng Thị Mai, PGS.TS Lê Tú Anh, TS. Hoàng Thị Huệ, TS. Vũ Thanh Hà, TS. Nguyễn Thị Hạnh, TS. Lê Thị Nương, Ths. Nguyễn Thị Quế, Ths. Vũ Ngọc Định... PGS. TS Lê Tú Anh chia sẻ: Việc nâng cao năng lực, chất lượng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Theo đó, tỉnh cần có sự quan tâm, khích lệ đội ngũ những người làm văn hóa văn nghệ, tạo điều kiện cho họ tham gia các lớp chính quy và không chính quy. Cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa Hội VHNT Thanh Hóa với các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu các nhân tố kế cận, xây dựng đội ngũ vững mạnh. Đa dạng các hoạt động VHNT, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia nhằm đưa VHNT đến gần hơn với công chúng...

Hội VHNT cũng cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức hiệu quả các chương trình sáng tác, các trại sáng tác. Hằng năm, hội kết nối, tổ chức các chương trình sáng tác trong cả nước và tại các địa phương trong tỉnh. Từ nguồn quỹ hỗ trợ sáng tác VHNT và các nguồn khác, tập trung đầu tư theo hướng "quý hồ tinh bất quý hồ đa” để có nhiều tác phẩm, công trình chất lượng, gây tiếng vang trong cả nước, khu vực... Hội cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi về VHNT nhằm tìm kiếm tài năng, khơi nguồn sáng tạo, cổ vũ, động viên những người sáng tác...

Đối với hoạt động đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tác phẩm, công trình VHNT, thời gian tới, hội cần năng động, sáng tạo hơn trong phương thức hoạt động, tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia; tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu các công trình, tác phẩm VHNT đến bà con vùng sâu, vùng xa để mọi tầng lớp Nhân dân đều được thụ hưởng giá trị VHNT; đầu tư nhân lực, vật lực nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát hành tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - cơ quan ngôn luận của hội phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế... Đẩy mạnh công tác xã hội hóa VHNT; phối hợp hiệu quả với các cơ quan thông tấn, báo chí trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng là một hướng đi thiết thực, hiệu quả...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]