(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi trở lại Quan Sơn sau những ngày mưa dầm dề, đất trời như vừa được gột rửa khỏi bụi bặm, oi nực, cho mầm măng khỏe khoắn xuyên qua những đất đá lên nền trời xanh thẳm. Bên sườn núi, một sơn nữ ngân nga câu hát “Bạn ơi, chim Nộc Thua đợi mùa nắng ấm, cánh hoa rừng đợi mùa xuân sang, cá Nặm mo đợi mùa nước mới, người Quan Sơn đợi bạn xa gần...” làm cả đoàn chúng tôi xuyến xao, quên đi mệt nhọc đường dài để hướng về phía trước, nơi của những con người đang tự rũ bỏ đói nghèo, lạc hậu, xây dựng một vùng biên ấm no, bản làng rộn rã tiếng cười.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nắng lên Quan Sơn (Bài cuối): Tin ở một ngày mai

Tôi trở lại Quan Sơn sau những ngày mưa dầm dề, đất trời như vừa được gột rửa khỏi bụi bặm, oi nực, cho mầm măng khỏe khoắn xuyên qua những đất đá lên nền trời xanh thẳm. Bên sườn núi, một sơn nữ ngân nga câu hát “Bạn ơi, chim Nộc Thua đợi mùa nắng ấm, cánh hoa rừng đợi mùa xuân sang, cá Nặm mo đợi mùa nước mới, người Quan Sơn đợi bạn xa gần...” làm cả đoàn chúng tôi xuyến xao, quên đi mệt nhọc đường dài để hướng về phía trước, nơi của những con người đang tự rũ bỏ đói nghèo, lạc hậu, xây dựng một vùng biên ấm no, bản làng rộn rã tiếng cười.

Đương đầu với đá núi

Bẵng gần 3 năm, gặp lại tôi ở vùng biên này, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Lê Văn Thuận hồ hởi kể về những đổi thay ở Quan Sơn. Tôi nhận rõ sự đổi thay đó có ở những cây cầu kiên cố vượt qua sông suối cho đường nhựa gánh theo những điểm chợ, nhà tầng, nhà sàn kiên cố vươn lên các bản làng tít tận đường biên giới. Những người sản xuất, kinh doanh ở phố huyện mấy năm nay cũng khá giả hơn vì giao thương, buôn bán phát triển. Niềm vui ấy là thành quả của sự cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân huyện vùng cao biên giới Quan Sơn không chấp nhận đói nghèo, luôn suy nghĩ, tìm tòi hướng đi, cách làm hiệu quả. Nghị quyết 07, ngày 4/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá” (gọi tắt là Nghị quyết 07 - PV) là đáp án đúng cho bài toán tìm khâu đột phá để phát triển vùng biên này.

Theo Nghị quyết 07, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thẳng thắn nêu rõ những tồn tại kìm hãm sự phát triển bấy lâu của huyện, và chỉ ra 12 biểu hiện về tư tưởng, tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Trong số này có tình trạng người dân có điều kiện thoát nghèo nhưng không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chi tiêu không hợp lý “làm ra bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu", không tích lũy, tái đầu tư sản xuất và phòng thân; không nghiêm túc chấp hành pháp luật và thực hiện hương ước làng bản; uống rượu say, bê tha, gây mất trật tự công cộng...

Tôi nhớ, từ nhiệm kỳ trước, Quan Sơn đã xác định được nứa, vàu là cây chủ lực để phát triển KT-XH, rồi tự làm một phép tính đơn giản: Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều có rừng nứa, vàu. Một người dân đi rừng chặt nứa, vàu, cưa, chẻ thành nan thanh mang về bán cho thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Vào ngày nghỉ, học sinh lớp 9 đã có thể theo bố mẹ vào rừng chặt nứa, vàu và thu nhập không kém là bao. Nhiều chủ thu mua, chủ cơ sở chế biến sản phẩm từ nứa, vàu đã giàu lên nhanh chóng. Từ năm 2014, dân các huyện Bá Thước, Quan Hóa đã đến chặt nứa vàu thuê cho người dân Quan Sơn. Trong khi đó, 1 năm, chỉ có 2 tháng mùa măng họ tạm dừng khai thác cây này. Ông Nguyễn Đức Hiệp - Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm Quan Sơn cũng thừa nhận với tôi rằng: “Người dân Quan Sơn được trời phú cho cây nứa, vàu. Chỉ cần nhờ cây này họ đã có thể thoát nghèo”. Nhưng thực tế tỷ lệ hộ nghèo của huyện nhiều năm trước vẫn cao.

Không ngoa ngôn, những tồn tại, hạn chế trên vốn là đá tảng hóa núi, chặn đứng con đường phát triển KT-XH của cả vùng miền Tây Thanh Hóa, nhiều huyện miền núi cả nước chứ không riêng gì Quan Sơn. Nhưng Đảng bộ Quan Sơn đã dám thẳng thắn nhìn nhận, từng đảng viên thẳng thắn nhìn nhận, từng người dân thấy đúng đắn để đương đầu.

Chỉ ra tồn tại, xác định là vấn đề nhạy cảm, khó khăn, phức tạp, Quan Sơn đã kiên trì trong thực hiện, “mưa dầm thấm lâu”, huy động cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc, làm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài với phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi người cùng thực hiện, cán bộ, đảng viên gương mẫu xung kích đi đầu. Qua đó nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển KT-XH, đến năm 2020 phấn đấu đưa Quan Sơn thoát nghèo.

Ra đời khi Đảng bộ huyện Quan Sơn đang thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và quy định của tỉnh Thanh Hóa về công tác cán bộ, kỷ luật kỷ cương hành chính và phát triển KT-XH... nên Nghị quyết 07 đã có thêm điều kiện, động lực để phát huy vai trò hiệu quả. Trong số này có Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 04 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Chỉ thị số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, chất có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực”...

Bí thư - Trưởng bản Sại, xã Tam Lư Hà Văn Thọ (bên phải): Thực hiện Nghị quyết 07, năm 2017, bản Sại có 7 hộ dân tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo.

Người dân tự nguyện xin thoát nghèo

Hơn một năm sau ngày Nghị quyết 07 đi vào cuộc sống, tôi ngược lên tận biên giới, đến thăm bản Sại, xã Tam Lư trù phú nằm sát bên con sông Lò ào ào nước đổ. Không phải suy nghĩ lâu khi tôi hỏi, Bí thư - Trưởng bản Sại Hà Văn Thọ cho biết: "Nhiều Nghị quyết đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, nhưng Nghị quyết 07 là hiệu quả nhất. Nghị quyết đã chỉ ra những tồn tại hạn chế trong suy nghĩ, đời sống của người dân Quan Sơn, trong đó có cả cán bộ. Tự rũ bỏ lạc hậu trong tư tưởng, tập quán sản suất và sinh hoạt, năm 2017, 7 hộ dân bản Sại đã tình nguyện nộp đơn xin rút khỏi hộ nghèo, gỡ khó cho cả bản về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhờ nghị quyết này, việc tổ chức ma chay, cưới xin cũng đã được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm và lành mạnh hơn. Trong bản không còn cảnh uống rượu say, bê tha, gây mất an ninh trật tự. Đó là một nghị quyết đúng, hợp lòng dân".

Cũng theo ông Hà Văn Thọ, thực hiện Nghị quyết 07 và các nghị quyết của Đảng, bản Sại đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế. Trong đó có mô hình sản xuất rau an toàn của thanh niên, mô hình dòng họ giúp nhau phát triển kinh tế, mô hình sản xất giống nứa, vàu...

Cũng từ Nghị quyết 07, lề lối làm việc ở công sở xã Tam Lư cũng quy cũ, nền nếp hơn. Khác hẳn hơn 7 năm trước, chiều mùa hè, 3 giờ tôi đến, UBND xã đã không còn bóng người. Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Tý khoe rằng: "Tam Lư đã được chọn là xã điểm để huyện chỉ đạo hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018. Thực hiện Nghị quyết 07, xã đã vận động nhân dân xóa bỏ những lạc hậu, xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Họ chuyên tâm phát triển kinh tế để tự thoát nghèo với thu nhập khá. Đến nay Tam Lư chỉ còn thiếu 2 tiêu chí nữa sẽ đạt Bộ tiêu chí quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới".

Và để thực hiện thành công các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã xây dựng và triển khai thành công mô hình "3+1". Có nghĩa rằng, trong tháng có 4 tuần làm việc thì lãnh đạo huyện Quan Sơn phải có số ngày làm việc tại cơ sở là một tuần. Ở Quan Sơn, từ Bí thư Huyện ủy đến các trưởng, phó phòng chuyên môn đã thường xuyên, trực tiếp đến tận các bản, làng vùng sâu, vùng xa, cùng với cán bộ xã, thôn, bản giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Cứ thế mà lãnh đạo huyện đã trở nên gần gũi và giúp đỡ nhân dân được nhiều hơn.

Không riêng ở Tam Lư, dẫu chỉ mới hơn một năm ra đời, Nghị quyết 07 đã và đang ăn sâu, bám rễ vào đời sống cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện Quan Sơn. Qua đó tạo được phong trào sâu rộng, khí thế quyết tâm cao tự rũ bỏ đói nghèo, dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống. Thực tế là 2017, Quan Sơn là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất cả tỉnh Thanh Hóa với 7,12%.

Và nay mai

Hơn nửa nhiệm kỳ nhìn lại, kể từ khi được hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã đề ra nhiều chủ trương, cách làm mới với sự đồng bộ, bài bản, khoa học, huy động cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân quyết tâm cao phát triển KT-XH, sớm đưa huyện thoát khỏi huyện nghèo. Đây là hạt nhân, nền tảng cho những đổi thay mà người ta có thể nhìn được bằng quan sát hay thông qua những con số. Cụ thể, trong số 26 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến nay đã có 15 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 13,4%, vượt chỉ tiêu nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2018, Quan Sơn đã thu hút được 505,2 tỷ đồng để đầu tư công trung hạn. Từ nguồn vốn này đã có nhiều con đường, cây cầu, nhà văn hóa, trường học được kiên cố mới... cơ bản đáp ứng nhu cầu của sự phát triển.

Phải khẳng định rằng, những thành công hôm nay trên vùng đất Quan Sơn là cả mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước các cấp đối với nhân dân các dân tộc thiểu số. Nhưng trong đó người ta thấy rõ vai trò công tác cán bộ của Đảng. Bởi chỉ có con người giỏi, có môi trường tốt mới có chính sách hay, thiết thực và tổ chức thực hiện tốt. Đó còn là tâm huyết, trí tuệ, ý chí quyết tâm sắt đá của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy để Quan Sơn phát triển.

Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt bộc bạch: "Dẫu đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nhưng Quan Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức về điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng. Chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa".

Tôi về thành phố trên Quốc lộ 217 mới được đầu tư nâng cấp rộng rãi, phảng lì men theo con sông Lò cuồn cuộn xuyên qua những đất đá núi đồi để đưa nước về xuôi. Tôi thầm nghĩ, vùng đất nơi tôi vừa qua cũng có những con người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với đá núi để đổi thay. Và tôi tin, rồi nay mai Quan Sơn sẽ khác, đó là khi hệ thống giao thông, công trình phúc lợi được hoàn thiện, phát huy vài trò hiệu quả, là khi từng người dân theo Đảng, quyết tâm và rũ bỏ được những thiệt thòi trong suy nghĩ để tự thoát nghèo.

Đỗ Đức


Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]