(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên mới, nhưng nhiều Đảng bộ, chi bộ cơ sở đã và đang quyết tâm cao, cùng nhiều giải pháp quan trọng phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Vấn đề phát triển đảng viên trẻ ở các chi bộ khu phố cũng đang thu hút được sự quan tâm của nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo và lãnh đạo các địa phương và tổ chức chính trị - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghịch lý: Thiếu đảng viên trẻ ở các khu phố (Bài cuối) Tích cực bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên mới

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên mới, nhưng nhiều Đảng bộ, chi bộ cơ sở đã và đang quyết tâm cao, cùng nhiều giải pháp quan trọng phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Vấn đề phát triển đảng viên trẻ ở các chi bộ khu phố cũng đang thu hút được sự quan tâm của nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo và lãnh đạo các địa phương và tổ chức chính trị - xã hội.

Tạo nguồn tại chỗ từ lực lượng bộ đội xuất ngũ

(Ông Văn Như Tước - Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa)

Việc thiếu nguồn đảng viên trẻ tại các khu phố ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức hoạt động, triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các khu phố. Có những công việc mà những đảng viên già do sức khỏe đã kém nên không thể đảm đương nổi như, giữ gìn an ninh trật tự khu phố, phòng chống thiên tai, bão lụt và các sự cố khác... Vấn đề là tạo nguồn thế nào? ở đâu?

Do đặc điểm ở các khu phố có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, trình độ dân trí cao, vì vậy lớp sinh viên ra trường đều đã tìm cho mình một công việc ổn định tại địa phương hoặc nơi khác. Tuy nhiên, còn một lực lượng, ở các khu phố, tổ dân cư nào cũng có và ổn định đó là lực lượng thanh niên là bộ đội xuất ngũ. Với những đối tượng này, cán bộ đảng viên cần tìm đến đặt vấn đề, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng và hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cho họ ở khu phố. Phối hợp cùng với gia đình tạo điều kiện, giúp đỡ họ hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn của người đảng viên. Và trong quá trình rèn luyện, cán bộ hướng dẫn phải tuyên truyền, giúp đối tượng có tư tưởng đúng đắn, hiểu Đảng, mến Đảng để từ đó nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Một nguyên nhân quan trọng khiến cho một số người trẻ không tha thiết, phấn đấu vào Đảng đó là sự tha hóa của một bộ phận cán bộ đảng viên. Vì thế, để thu hút người trẻ vào Đảng thì cán bộ đảng viên tại các khu phố phải gương mẫu, thể hiện mình là những đảng viên chân chính, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, cán bộ hướng dẫn nên là những người có tinh thần trách nhiệm, uy tín cao trong cộng đồng, có như thế mới hấp dẫn người khác vào Đảng.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... phát hiện nguồn giới thiệu vào Đảng, đồng thời là tổ chức giúp Đảng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên.

Nâng cao chất lượng hoạt động Chi đoàn địa bàn dân cư

(Anh Lê Văn Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Thanh Hóa)

Chi đoàn ở địa bàn dân cư nói chung, các khu phố nói riêng không những là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh, thiếu niên, mà còn là tổ chức đáng tin cậy để tạo nguồn đoàn viên thanh niên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Trước thực trạng, một số chi đoàn ở địa bàn dân cư chưa phát huy hiệu quả hoạt động, thậm chí có những nơi “trắng” chi đoàn, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở đoàn địa bàn dân cư” và “Hướng dẫn thí điểm thành lập mới chi đoàn trên cơ sở kiện toàn sáp nhập các chi đoàn yếu kém, ít đoàn viên thanh niên ở địa bàn dân cư”. Đặc biệt, để thu hút và “giữ chân” đoàn viên thanh niên ở lại quê hương, tập hợp trong các tổ chức Đoàn thì Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, triển khai xây dựng mô hình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”... ở tất cả 27 huyện, thị, thành phố. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng cường nguồn vốn cho thanh niên vay học tập, sản xuất kinh doanh; phối hợp cùng chính quyền địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên được vay vốn, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giảm dần tình trạng “ly hương”.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã và đang triển khai “Hướng dẫn xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động”, giai đoạn 2018 - 2022”, theo đó Đoàn cơ sở sẽ chủ động thực hiện quản lý đoàn viên và chăm lo nắm bắt tình hình thanh niên ở địa phương, đơn vị; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác... Từ đó, thu hút đoàn viên thanh niên tham gia tổ chức Đoàn, phát huy hiệu quả hoạt động, tạo nguồn và giới thiệu đoàn viên thanh niên ưu tú cho Đảng.

Cần thêm sự vào cuộc

Cán bộ phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) trao đổi về công tác phát triển Đảng tại khu phố Lập Công. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Sầm Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020, mỗi năm kết nạp 170 đảng viên, phấn đấu 5 năm kết nạp 900 đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay, công tác phát triển đảng viên mới của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt số lượng đảng viên kết nạp hằng năm ở các chi bộ phố, thôn còn ít, không đồng đều, có xu hướng ngày một giảm; nhiều chi bộ thôn, khu phố nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới.

Bà Vũ Thị Suất - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Sầm Sơn cho biết: Nguyên nhân chủ yếu chính là khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn để kết nạp Đảng. Trên thực tế, với đối tượng đoàn viên, thanh niên, học sinh thì đa phần các bạn trẻ sau khi học xong trung học phổ thông đều tiếp tục học lên cao hơn; những thanh niên không có điều kiện học lên thì lại chú trọng tìm kiếm việc làm nhiều hơn là tham gia hoạt động ở địa phương, chưa có ý thức rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Mặt khác, tại các chi bộ khu dân cư, đại đa số đảng viên là những người đã nghỉ hưu, trong đó có khá nhiều người cao tuổi, tuổi đời quá chênh lệch cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thanh niên “ngại” phấn đấu, kết nạp Đảng ở chi bộ khu dân cư, không muốn bị gò ép vào khuôn khổ, nền nếp trong sinh hoạt Đảng và sự soi xét của những đảng viên cao tuổi. Nhiệm vụ kết nạp đảng viên mới ở nhiều chi bộ chưa thật sự được quan tâm đúng mực, chưa xây dựng được nguồn cảm tình đảng, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên ở nhiều khu phố phong trào hoạt động yếu, không thu hút được lực lượng thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn; các chi bộ khu phố chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên...

Đứng trước khó khăn, thách thức trên, Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành Đoàn Sầm Sơn hằng năm mở từ 2-3 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú. Hướng dẫn tổ chức cơ sở Đảng xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên, quan tâm kết nạp đảng viên ở khu phố, thôn,... với phương châm đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần, nhờ đó chất lượng đảng viên ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, Thành ủy quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ chi ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ, chỉ đạo các chi bộ thôn, khu phố chuẩn bị nguồn nhân sự bí thư chi bộ có chất lượng; phấn đấu đến năm 2020 thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố ở tất cả các thôn, khu phố. Tăng cường luân chuyển cán bộ, công chức phường, xã về sinh hoạt, tham gia cấp ủy chi bộ thôn, khu phố, vừa đào tạo bồi dưỡng nguồn cán bộ cho phường, xã, vừa tăng cường sức mạnh cho thôn, khu phố...

Cũng theo bà Vũ Thị Suất, trong thời gian tới, để vừa đảm bảo chất lượng, số lượng đảng viên mới kết nạp, căn cứ Nghị quyết Đại hội, các Đảng bộ cụ thể hóa kế hoạch phát triển đảng viên của Ban Thường vụ Thành ủy, xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên của Đảng bộ phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của phường, xã; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chi bộ trực thuộc xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên, thẩm định kế hoạch phát triển đảng viên ở các chi bộ trực thuộc. Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả phát triển đảng viên hằng năm của đơn vị; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới đến từng chi bộ thôn, khu phố; triển khai kế hoạch phát triển đảng viên tới các tổ chức đoàn thể. Hằng quý ít nhất 1 lần cấp ủy chi bộ phải dự sinh hoạt với các tổ chức đoàn thể để lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, hội viên đối với công tác phát triển đảng viên của chi bộ;...

Thành ủy TP Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác phát triển đảng viên. Để giải bài toán khó khăn, thách thức đó, Thành ủy TP. Thanh Hóa đã xây dựng nhiều giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng, đặc biệt ở các khu phố, tổ dân phố.

Ông Đào Quyết Chiến - Phó Ban Tổ chức Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết: Đảng bộ TP Thanh Hóa có tổng số 2.000 đảng viên sinh hoạt tại 83 tổ chức cơ sở Đảng, 37 Đảng bộ xã, phường, 610 chi bộ trực thuộc xã, phường, 421 chi bộ trực khu phố, thôn. Ban Thường vụ Thành ủy có Chỉ thị số 05 ngày 29/9/2011 về việc nâng cao công tác phát triển đảng viên. Nhờ đó, công tác phát triển đảng viên được nâng lên.

Cũng theo ông Đào Quyết Chiến, để công tác phát triển đảng viên ngày càng hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các Đảng bộ cơ sở thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, phấn đấu 30% số chi bộ kết nạp đảng viên, đưa chỉ tiêu đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hằng năm. Chỉ đạo các đoàn thể tổ chức hoạt động hiệu quả, thành lập chi đoàn, tránh tình trạng trắng chi đoàn ở một số khu phố hiện nay. Phân công cụ thể giao trách nhiệm cho cấp ủy, phường xã có trách nhiệm, kế hoạch phát triển đảng viên, xây dựng, lựa chọn những quần chúng tiêu biểu đưa vào danh sách cảm tình đảng của chi bộ; thường xuyên rà soát, bổ sung vào danh sách những quần chúng mới có triển vọng, đưa những quần chúng không có ý chí phấn đấu, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn ra khỏi danh sách cảm tình đảng. Bên cạnh đó, mở lớp đào tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới, giáo dục tư tưởng, nhận thức. Đồng thời hằng năm Đảng ủy phường, xã tổ chức nói chuyện chuyên đề về Đảng nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên và hội viên về công tác phát triển đảng. Phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở trong việc tích cực tham gia công tác xây dựng đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên nói riêng ở thôn, khu phố.

Vân Anh - Ngọc Huấn


Vân Anh - Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]