(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi cùng đoàn công tác của huyện Thường Xuân vào Kon Tum thăm và tặng quà đồng bào các dân tộc của mấy xã vùng lòng hồ thủy điện. Chuyến đi này ngoài nhiệm vụ của một phóng viên đài truyền thanh huyện tôi còn phải giúp cậu tôi tìm kiếm phần mộ của một nữ chiến sĩ quân giải phóng mà nếu còn sống chắc chắn người ấy đã là mợ của tôi.

Người của ngày xưa

Tôi cùng đoàn công tác của huyện Thường Xuân vào Kon Tum thăm và tặng quà đồng bào các dân tộc của mấy xã vùng lòng hồ thủy điện. Chuyến đi này ngoài nhiệm vụ của một phóng viên đài truyền thanh huyện tôi còn phải giúp cậu tôi tìm kiếm phần mộ của một nữ chiến sĩ quân giải phóng mà nếu còn sống chắc chắn người ấy đã là mợ của tôi.

Người của ngày xưa

Minh họa của Hoàng Hân

Trưởng đoàn là vị chủ tịch có tác phong năng nổ và đầy tinh thần trách nhiệm nên đến nơi tối hôm trước hôm sau ông yêu cầu mọi người bắt tay vào việc luôn. Sau hai ngày thì toàn bộ chương trình làm việc đã hoàn thành. Đoàn dành hẳn một ngày để đi tham quan một số địa danh lịch sử theo lời mời của lãnh đạo địa phương. Tôi có chủ ý sẽ dành hai mươi bốn giờ quý báu này đi đến mấy nghĩa trang liệt sĩ trong vùng để thực hiện lời hứa với cậu tôi. Rủi thay sáng hôm ấy tôi đùng đùng lên cơn sốt. Trưởng đoàn định cho lái xe đưa tôi lên bệnh viện tỉnh, nhưng cô văn thư nhà khách bảo bệnh của tôi chỉ nên sang trạm y tế xã Đak-Sia để điều trị vì ở đó có bài thuốc chữa sốt rét rất hay. Để không làm vỡ kế hoạch chung, tôi xin phép trưởng đoàn được sang đó mua thuốc uống với hy vọng nếu bệnh tình lui sớm sẽ tiếp tục thực hiện chương trình của mình.

Đak-Sia tuy chỉ là trạm y tế của một xã miền núi nhưng khá khang trang, sạch đẹp. Y sĩ trưởng trạm là một phụ nữ đã có tuổi trực tiếp khám và cắt thuốc, sắc cho tôi uống. Cô nói để tôi yên tâm: “Chỉ là do em lần đầu đi xa nên cơ thể không chịu được. Uống hết ấm thuốc này rồi nghỉ một ngày sức khỏe sẽ trở lại bình thường ngay thôi”. Tôi thật sự ngạc nhiên thấy trạm trưởng nói tiếng phổ thông khá chuẩn, đặc biệt chất giọng nghe rất gần với cách phát âm của những người phụ nữ sống ở hai bờ sông Chu. Tôi nôn nóng hỏi: “Liệu sau một hai giờ nữa cháu đã đi lại được chưa cô?”. “Một hai giờ thì thuốc chưa có công hiệu. Nhanh cũng phải đến trưa. Mà em nôn nóng làm gì, yên tâm điều trị cho khỏi để mai còn ra Bắc”. “Nhưng cháu có một việc rất cần phải làm trong ngày hôm nay cô ạ”. “Việc gì mà quan trọng thế?”. “Cháu cần tìm mộ chí của một liệt sĩ”. Trạm trưởng nhìn tôi: “Em có người thân hi sinh ở đây à? Là ai vậy?” “Cô ấy là bộ đội, hy sinh tháng 5-1970”. Tôi vừa nói vừa đưa mảnh giấy cậu tôi ghi những thông tin cần thiết cho cô xem. Đọc xong cô sững người một lúc lâu rồi run run hỏi: “Thế... em với người có tên trong đây quan hệ thế nào?”. Tôi trả lời: “Giữa cháu với cô ấy thật ra không có quan hệ gì. Nhưng đấy là người yêu của cậu cháu. Nghĩa là nếu còn sống cô ấy chắc chắn sẽ là mợ dâu của cháu. Cậu cháu cho đến bây giờ vẫn độc thân và vẫn dành trọn tình yêu cho cô ấy”. Tôi thao thao nói mà không để ý sắc mặt trạm trưởng cứ dần tái nhợt đi. Rồi đột ngột cô ôm mặt ngồi phịch xuống giường khóc rưng rức... “Ôi! Cô làm sao thế?” - tôi hoảng thật sự vì không ngờ những điều mình vừa nói lại gây xúc động cho cô mạnh đến thế. Một lúc lâu sau cô mới đứng dậy rút khăn lau nước mắt rồi nói: “Cháu không phải đi đâu nữa. Người cháu cần tìm chưa chết đâu! Cô... cô là Trịnh Thị Lài”.

Người tôi đột ngột nóng ran khiến mồ hôi vã ra đầm đìa. Tôi không biết mình nên buồn hay vui. Người con gái ngày xưa của cậu tôi vẫn còn sống và đang hiện hữu trước mặt tôi đây. Thì ra cái nhận xét ban đầu khi mới gặp cô của tôi là có cơ sở. Gương mặt và đặc biệt đôi mắt tuy đã có tuổi vì thời gian song vẫn lưu lại những nét thân quen so với những gì tôi cảm nhận được từ bức chân dung cậu vẽ ở nhà. Theo suy luận chủ quan của mình tôi tin chắc rằng trạm trưởng đã lấy chồng và có một gia đình hạnh phúc. Có nghĩa là cậu tôi đã bỏ phí cả cuộc đời để thủy chung với một người đàn bà mà người ấy không hề quan tâm đến mình. Lòng tôi trào lên một nỗi xót xa vì thương cậu. Trạm trưởng ngồi xuống giường nói giọng buồn buồn trong nước mắt: “Thật không ngờ cô lại làm lỡ cả một đời trai của cậu cháu. Nhưng hoàn cảnh của cô lúc ấy cũng không thể làm khác được. Giá như sau giải phóng cô đừng mặc cảm mà vẫn cứ về quê nói cho anh biết sự thật và xin anh tha thứ cho mình thì...”. Tôi không kìm nổi bức xúc, vùng dậy chất vấn: “Vậy điều gì đã xảy ra mà năm ấy cô vẫn được người ta báo tử, còn thực tế thì...”. Cô đỡ tôi nằm xuống, dịu dàng nói: “Chuyện dài lắm. Để rồi cô sẽ kể cháu nghe...”.

...

- Ngày ấy bọn cô được phân công giữ một kho vũ khí nhỏ trong rừng. Tháng nào ba chị em cũng phải thay nhau đi lấy lương thực. Mỗi lần như vậy thường cứ hai người đi một người ở lại. Lần ấy trên đường về hai chị em gặp một toán lính ngụy phục kích. Bọn cô chỉ có một khẩu AK và một băng đạn. Không thể để cả hai lọt vào tay giặc. Cô quyết định để đồng đội gùi gạo luồn rừng về trước còn mình thì tìm cách dụ địch sang hướng khác. Cầm cự với chúng một khoảng thời gian đủ an toàn cho đồng đội cô quyết định liều mạng mở đường máu để phá vây. Nhưng vì địch quá đông, địa hình lại bất lợi nên bắn hết viên đạn cuối cùng cô vẫn hoàn toàn nằm trong vòng vây của bọn lính rằn ri. Mấy thằng lên trước hùng hục xấn đến định đè cô ra để dở trò thú vật. Cô vừa chống trả vừa thề sẽ cắn lưỡi tự tử nếu chúng làm nhục cô. Cùng lúc ấy thằng chỉ huy chạy đến. Nó ra lệnh nếu đứa nào đụng đến người cô thì lập tức sẽ bị bắn bỏ. Cô thật sự bị bất ngờ trước việc làm ấy của viên chỉ huy và nghĩ bụng hay là nó dẹp bọn đàn em để chiếm đoạt cô cho riêng mình? Viên chỉ huy là người dân tộc thiểu số. Cô nhận ra điều đó qua giọng nói và hai cái tai có lỗ xâu rất to. Sự việc diễn ra sau đó làm cô yên tâm hơn. Nó bảo cô không lo bị giết hoặc bị làm nhục vì hiện chúng đang rất cần người để trao đổi tù binh. Chúng trói tay, bịt mắt cô lại rồi đẩy lên một chiếc xe Zép. Chỉ có thằng lái xe, viên chỉ huy và một tên lính nữa áp giải cô đi. Xe chạy ước chừng hơn một giờ thì dừng lại. Viên chỉ huy mở cửa, đẩy cô xuống và nói: “Từ đây đường rất khó đi. Cô muốn nhanh chóng trở về với chiến hữu của mình thì phải tự giác đi nhanh lên”.

Được trở về trong vòng tay đồng đội dù đó là đơn vị nào đối với cô lúc ấy cũng quý lắm rồi. Không cần nó động viên cô vẫn hăm hở bước theo tiếng bước chân của chúng. Thêm gần nửa giờ leo dốc nữa thì cô nghe có tiếng thác nước đổ ầm ào. Viên chỉ huy bảo cô dừng lại: “Đến nơi rồi. Chỉ một lúc nữa là cô sẽ được tự do thôi!”.

Hắn cởi băng bịt mắt cho cô rồi khum hai tay làm loa hướng lên vách đá dựng đứng nói to: “Y-Sắc! Y-Sắc à! Mày có nhà không đấy?”. Cô nhìn lên và nhận ra trên vách đá có một cái cửa hang khá rộng. Sau tiếng gọi của viên chỉ huy trên hang thấy lấp ló một cái đầu bù xù rồi một giọng nói có âm lượng rất cao hỏi lại: “Mày lại lên đấy à? Tao đã nói tao không đồng ý còn cứ lên làm gì cho mất công?”. Viên chỉ huy đáp lại: “Nhưng hôm nay tao mang lên thứ mày cần đây này. Nhìn xem. Ưng thì đổi cho tao đi!”.

Cô giận điên người khi biết mình đã bị thằng chỉ huy lừa. Không biết chúng định dùng cô để trao đổi thứ gì đây. Hắn xoay mặt cô lên cửa hang nói to: “Mày nhìn rõ chưa? Đẹp không? Bộ đội Bắc Việt thứ thiệt đấy! Đúng yêu cầu nhé!”. Tiếng người trên hang nói vọng xuống: “Được! Mày đưa cô ấy lên một nửa đường rồi để đấy. Nhận người xong tao sẽ đưa hàng cho”.

Cô bị thằng chỉ huy đẩy vào con đường độc đạo dẫn lên cửa hang. Đúng nửa đường nó để cô đứng lại rồi trở xuống. Một lúc sau thì Y-Sắc xuất hiện. Trông anh ta tóc tai bù xù chẳng khác người rừng. Điều làm cô bớt sợ hãi là Y-Sắc có đôi mắt rất hiền lành và nhân hậu. Câu đầu tiên Y-Sắc nói với cô là: “Bộ đội đừng sợ. Mình không phải người xấu đâu. Lên nhà đi!”.

Dù chưa biết Y-Sắc là người thế nào, nhưng thoát khỏi tay bọn ngụy cô vẫn cảm thấy yên tâm hơn. Cô theo Y-Sắc leo nốt quãng dốc cheo leo để lên hang. Y-Sắc để cô ngồi lại một mình trên phiến đá rồi bỏ đi đâu mất. Dưới kia viên chỉ huy thỉnh thoảng lại ngẩng lên tỏ ra rất sốt ruột. Khá lâu sau Y-Sắc mới xuất hiện, hai tay khệ nệ ôm đôi ngà voi trắng muốt. Cô chợt hiểu thứ mà viên chỉ huy cần đem mình để đổi cho Y-Sắc chính là đôi ngà voi kia. Thật khốn nạn! Giá hai tay không bị trói chặt chắc lúc ấy cô sẽ nạy cho tảng đá lớn trước mặt lăn xuống đè chết mấy thằng ác ôn mất. Y-Sắc lấy một cuộn dây buộc chặt đôi ngà voi rồi mang ra trước cửa hang dòng xuống, vừa thả vừa nói: “Này, đón lấy!”.

Tên chỉ huy có lẽ chỉ cần có được đôi ngà voi quý nên nhận xong nó sai hai thằng lính vác đi trước rồi mới ngẩng lên vẫy tay nói: “Được rồi! Tao về đây. Chúc mày vui vẻ nhé!”.

Núi rừng trở lại yên tĩnh. Chỉ còn tiếng thác nước đổ ầm ào, Y-Sắc quay vào ngồi xuống vừa cởi trói cho cô vừa nói: “Bộ đội thông cảm nhé! Mình quên mất. Mình không cố ý để bộ đội bị trói lâu thế này đâu”.

Bị trói suốt mấy tiếng đồng hồ hai tay cô đau tê dại. Khi các mạch máu đã lưu thông trở lại cô bắt đầu quan sát xung quanh tìm kiếm một vật gì đó để lúc cần có cái mà chống lại con người xa lạ đang đứng trước mặt mình kia. Nhưng sự đề phòng của cô thật ra không cần thiết vì Y-Sắc không những không có hành động gì đáng để cô phải lo ngại mà trước mặt cô anh ta còn tỏ ra rất nhút nhát. Y-Sắc vào bếp đem ra một củ sắn nướng thơm phức nói: “Bộ đội ăn tạm củ mì cho đỡ đói. Chỗ tôi không có gạo”. Cô hỏi: “Anh sống ở đây lâu chưa? Làm sao họ biết anh có cặp ngà voi ấy để đem tôi đến đổi. Anh ra điều kiện với họ à?”. Mặt Y-Sắc đỏ bừng lên. Lúc lâu sau anh mới trả lời: “Chuyện không phải thế đâu. Bộ đội từ từ rồi tôi sẽ giải thích”. Cô đặt củ mì xuống phiến đá trước mặt Y-Sắc, giận dỗi nói: “Nếu anh không nói rõ ngọn ngành tôi sẽ nhảy xuống kia tự tử cho mà xem!”. “Ấy, đừng mà!”. Y-Sắc hốt hoảng đứng dậy chắn ngang đường ra cửa hang như sợ cô liều mình thật “Bộ đội cứ ăn đi, ăn đi rồi tôi sẽ nói rõ ngọn ngành câu chuyện ngay bây giờ đây”.

Và Y-Sắc kể:

Y-Sắc ở trên cái hang này mới được một năm. Nguyên nhân anh bỏ buôn làng lên sống biệt lập nơi rừng sâu heo hút này là do bị thất tình. Y-Sắc và Y-Lem yêu nhau từ ba mùa rẫy trước, vì còn phải lo đánh giặc nên họ chưa làm đám cưới được. Năm ngoái trên cử về một cán bộ người Kinh để giúp buôn xây dựng đội du kích. Y-Lem đem lòng yêu cán bộ và càng ngày càng tỏ ra lạnh nhạt với Y-Sắc. Y-Sắc theo dõi thì thấy hình như cán bộ cũng có tình cảm với Y-Lem. Giận Y-Lem, giận cán bộ nhưng không thể làm gì được Y-Sắc đã bỏ buôn làng, bí mật tìm đến cái hang đá giữa đại ngàn này để sống. Một lần đi săn Y-Sắc thấy một con voi già có đôi ngà rất lớn nằm chết giữa rừng. Y-Sắc mừng quá liền xả thịt con voi lấy đôi ngà quý đem về hang cất giấu. Y-Sắc không ngờ con voi ấy chính là mục tiêu săn bắn của một tốp lính ngụy mà tên chỉ huy hồi nhỏ từng là bạn của Y-Sắc tên là Kso-Nóp. Kso-Nóp là con nhà giàu, được bố mẹ cho xuống thị xã học rồi đi lính ngụy. Khi biết đôi ngà voi quý hiếm phải mất bao công sức săn lùng để làm quà biếu cấp trên đã lọt vào tay Y-Sắc và đang được cất giấu rất kỹ bọn Kso-Nóp đã đem nhiều thứ đến đề nghị trao đổi, nhưng lần nào cũng bị Y-Sắc khước từ. Cuối cùng Y-Sắc đưa ra điều kiện nếu chúng kiếm cho Y-Sắc được một nữ bộ đội Bắc Việt Y-Sắc sẽ đồng ý đổi cặp ngà quý ấy cho.

Cô hỏi Y-Sắc: “Anh đem cặp ngà đổi lấy một người con gái như tôi với mục đích gì? Để làm vợ thay Y-Lem à?”. Y-Sắc bối rối trả lời: “Bộ đội đừng nghĩ xấu cho tôi. Tôi chỉ nghĩ mình đưa ra điều kiện ấy thì bọn chúng nó sẽ khó mà thực hiện được. Không ngờ... Vì sao bộ đội lại rơi vào tay chúng?”.

Cô kể lại hoàn cảnh không may của mình rồi hỏi Y-Sắc: “Anh có thể giúp tôi trở lại khu vực kho hoặc đến một đơn vị bộ đội giải phóng nào được không?”. Y-Sắc lắc đầu: “Khó lắm! Địa bàn này ngày nào chúng nó cũng có lực lượng lùng sục. Bộ đội cứ hãy tạm ở lại đây ít hôm, sau này có điều kiện rồi sẽ tính”.

Cô không còn cách nào khác đành chấp nhận đề nghị của Y-Sắc.

Những ngày tạnh nắng cuối cùng của mùa khô qua đi nhanh chóng. Mùa mưa với những cơn mưa dầm dề kéo suốt ngày suốt đêm đã làm tiêu tan mọi hy vọng trở về với đồng đội của cô. Cả ngày cô ngồi bó gối trước cửa hang nhìn sang cánh rừng nguyên sinh xem thác nước đổ ầm ầm như bom dội, lòng ngao ngán nghĩ cuộc đời thế là hết. Sống tù túng trong cái hang này chả nói lâu dài, chỉ năm bữa nửa tháng thôi rồi mình cũng sẽ trở thành người rừng như Y-Sắc mất. Y-Sắc hình như trước đó đã có sự chuẩn bị cho những ngày khó khăn này. Trong hang anh trữ rất nhiều củi và mì, lại cả thịt một con nai được xả thành nhiều tảng treo trên bếp nữa. Cô phải chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách thích nghi dần với điều kiện sống. Ăn uống kham khổ mấy cô cũng chịu được. Cực nhất là cái mặc. Cô chỉ có một bộ duy nhất còn Y-Sắc cũng chỉ có mấy cái khố và áo cộc tay dệt từ sợi Brai (sợi thổ cẩm). Những hôm cô có nhu cầu tắm giặt dù mưa to thế nào Y-Sắc cũng kiếm lý do ra khỏi hang, chờ cô hong khô quần áo mới về. Cô thấy thật ái ngại và thương Y-Sắc. Tình thương ấy mỗi ngày lại được nhân lên như ngọn lửa nồng ấm Y-Sắc giữ trong hang khi mọi hy vọng trở về với đồng đội trong cô cứ dần tan đi. Rồi trong một lần không làm chủ nổi bản thân cô đã phó thác số phận cho cuộc đời... Hết những ngày buồn lê thê của mùa mưa khốc liệt thì cái thai trong bụng cô cũng đã được sáu tháng. Cô cố gắng gom nhặt những thứ có thể được và dặn Y-Sắc một số việc cần làm khi cô sinh nở. Không lâu sau bé Y-Linh ra đời...

Tôi nôn nóng hỏi: “Cô có nhớ mình đã sống trên cái hang ấy mấy năm không?”. “Năm năm! Cứ mỗi mùa Pơ-lang (hoa gạo) nở cô lại khắc vào gốc cây một cái vạch. Lúc bọn cô rời hang thì số vạch đã là năm cái”. Tôi nhẩm tính rồi thốt lên: “Vậy lúc cô rời hang thì miền Nam đã giải phóng rồi à?”. “Giải phóng được hơn một tháng rồi”. “Làm sao hai người biết được thông tin ấy?” “Cũng chỉ là sự tình cờ may mắn thôi. Bữa ấy Y-Sắc kêu nóng ruột. Y-Sắc bảo có lẽ ở nhà bố hoặc mẹ gặp chuyện không hay nên chuẩn bị các thứ chu đáo rồi dặn hai mẹ con ở lại để anh về buôn một chuyến. Y-Sắc đi hết hai ngày hai đêm. Lúc lên anh vui mừng báo tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng từ 30 tháng Tư. Ở nhà bố ốm nặng nhưng đã được chữa khỏi. Anh lấy trong gùi ra hai bộ quần áo cho cô và Y-Linh mặc rồi giục mọi người xuống đường đón xe về buôn. Khi cô hỏi thăm tình hình Y-Lem và anh cán bộ người Kinh, Y-Sắc buồn bã nói cả hai đều đã hy sinh từ ba năm trước rồi. Nhờ cái vốn văn hóa cô dạy mấy năm ở trong hang nên Y-Sắc được cử ra làm một số việc cho buôn. Cô cũng được xã yêu cầu lên làm việc trên trạm xá. Sau đó cô được cử đi học một lớp đào tạo y sĩ. Tốt nghiêp cô trở về xã làm việc rồi được cử làm trạm trưởng cho đến ngày nay. Y-Linh bây giờ cũng đã là bác sĩ, đang công tác ở bệnh viện huyện”.

...

Tôi mở toang cửa sổ nhìn ra ngoài. Tháng Tư, trời cao nguyên xanh lồng lộng. Cây Pơ-lang trước cổng trạm y tế hoa nở từng chùm đỏ rực như đốt lửa vẫy gọi hè về. Cơn sốt tan biến tự lúc nào khiến tôi cảm thấy trong người rất dễ chịu. Câu chuyện thật sự đã làm tôi xúc động. Tự nhiên tôi thấy mình đã quá vô lý và khắt khe khi đưa ra những lời trách cứ cô. Bây giờ tôi thương cậu tôi bao nhiêu thì cũng thương người đàn bà ngày xưa của cậu bấy nhiêu. Tôi đến bên cô tìm lời an ủi: “Cô ạ, dù sao thì chuyện cũng đã rồi. Biết cô còn sống và có một gia đình hạnh phúc chắc cậu cháu sẽ mừng lắm. Trở về cháu sẽ kể chuyện này cho cậu cháu nghe. Khi nào có điều kiện cháu sẽ thu xếp để đưa cậu cháu cùng vào thăm cô một chuyến”.

Truyện ngắn của ĐÀO HỮU PHƯƠNG


Truyện ngắn của ĐÀO HỮU PHƯƠNG

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]