(vhds.baothanhhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Trong những nhiệm kỳ gần đây, các cấp ủy ở Thanh Hóa đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đội ngũ cán bộ các cấp phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, để có đội ngũ cán bộ tốt và công tác cán bộ tốt là cả một cuộc hành trình dài...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại công tác cán bộ ở Thanh Hóa (Bài 1): Quy hoạch cán bộ: Thuận và khó

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Trong những nhiệm kỳ gần đây, các cấp ủy ở Thanh Hóa đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đội ngũ cán bộ các cấp phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, để có đội ngũ cán bộ tốt và công tác cán bộ tốt là cả một cuộc hành trình dài...

Yên Định được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới có vai trò rất lớn của công tác cán bộ.

Quy hoạch cán bộ (QHCB) là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác quy hoạch cán bộ ở Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới, góp phần chủ động được nguồn nhân sự khi cần bổ nhiệm, thay thế, bố trí cán bộ. Dù vậy, xoay quanh công tác quy hoạch cán bộ, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít những hạn chế, bất cập...

Bí nguồn trẻ

Theo đánh giá của Ban tổ chức Huyện ủy Yên Định, trong nhiệm kỳ trước, từ khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ dù đã làm được nhiều nội dung nhưng cũng không bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từnăm 2015 đến nay, công tác quy hoạch được làm chặt chẽ, đúng quy trình, quy hoạch có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng nên không có tình trạng “chạy” quy hoạch, quy hoạch mang tính cục bộ, khép kín... Nhưng cái khó trong (QHCB) ở Yên Định lại chính là nguồn trẻ. Ở cấp huyện, trong giai đoạn tinh giảm biên chế, cắt giảm cán bộ hợp đồng nên tìm cán bộ trẻ là cả một vấn đề. Theo bà Quách Thị Hương - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Định: "Hiện nay đang có một bất cập nếu như theo biên chế được giao thì tổ chức Đoàn đang rất khó khăn về cán bộ. Đoàn huyện chỉ có 4 người nhưng tất cả đều đã cao tuổi so với quy định của điều lệ Đoàn. Chúng tôi cũng đã có báo cáo với Thường trực để đi tìm cán bộ Đoàn ở Huyện ủy, khối ủy ban nhưng không tìm được. Nếu tính tuổi sinh năm 1995, mới tốt nghiệp đại học cũng là hiếm ở trong các cơ quan đảng, chính quyền. Ở các cơ quan, đơn vị xung quanh cũng rất ít vì các cháu ra trường về công tác cũng không nhiều, bởi trong thời điểm này không được tuyển dụng, thành ra không những thiếu mà cán bộ lại cao tuổi nên không bố trí được. Nếu chuyển đi thì không ai làm công tác đoàn vì không có nguồn để đưa vào mà hợp đồng lại không được phép".

Cũng theo bà Hương, để bố trí cán bộ nữ vào cấp ủy, đáp ứng cơ cấu cấp ủy nữ từ 15% trở lên, đặc biệt ở cấp xã là khó đạt. Trong nhiệm kỳ tới, vấn đề này lại càng phải tính. Theo nhận định thì cán bộ nữ ở các xã đều đang có nguồn nhưng cán bộ nữ trẻ lại tương đối khó, bởi theo vị trí công tác, theo lĩnh vực ngành nghề, theo cơ cấu tổ chức trong hệ thống chính trị để cơ cấu vào cấp ủy chứ không phải thích trẻ là có.

Ngay tại xã Định Hưng, huyện Yên Định, các nhiệm kỳ gần đây, lực lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy đều không đạt. Hiện cán bộ nữ vào cấp ủy chỉ có 1 đồng chí là Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Trên thực tế, nguồn tại đây không phải không có, nhưng số công chức làm lĩnh vực chuyên môn lại không muốn chuyển ngành, không muốn làm cán bộ xã. Vì theo họ, làm công chức vẫn đỡ lo hơn khi làm cán bộ.

Trong những năm gần đây, Định Hưng cũng quan tâm gửi cán bộ đi đào tạo nhưng có những trường hợp đi đào tạo về thì quá tuổi, chuyển về cơ sở rèn luyện một thời gian rồi bỏ cuộc, không muốn tham gia. Cũng có chị em rất tích cực tham gia công tác, nhưng khi gửi đi đào tạo lại không muốn đi vì còn liên quan đến gia đình. Ông Trịnh Tuấn Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Định Hưng, cho biết: "Trong quy hoạch, khóa nào cũng có đủ theo quy định nhưng khi áp vào thì không thiếu cái này cũng thiếu cái khác, đặc biệt là bằng cấp. Trước đây Yên Định có đề án tạo điều kiện giải quyết việc làm cho đội ngũ giáo viên chấm dứt hợp đồng, chúng tôi cũng mời các cô ấy lên xã làm, nhưng hầu như họ không tâm huyết lắm. Có trường hợp về công tác ở Hội Nông dân được thời gian, vừa rồi cũng xin ra khỏi Đảng do điều kiện gia đình. Hiện nay, xã đang gửi một cán bộ nữ đi đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị tập trung. Đồng chí ấy cũng đang rất hào hứng và chúng tôi cũng đang có niềm tin. Tới đây, quy hoạch đưa vào nguồn rồi còn rất nhiều vấn đề khác, chúng tôi cũng đang cố gắng thực hiện đúng theo quy định. Có niềm tin nhưng vẫn đang lo vì không biết vào đại hội sẽ thế nào, nên cán bộ chủ chốt cũng phải tính toán làm sao trong tổ chức, ra hội nghị, cán bộ phải thông. Chúng tôi vẫn luôn động viên đồng chí, quan trọng vẫn là sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân được thể hiện bằng hiệu quả công việc".

Tại huyện Nga Sơn, huyện đã làm tốt công tác rà soát, quy hoạch. Đối với cấp cơ sở, huyện đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện và đã tiến hành phê duyệt. Cấp huyện cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ văn bản, báo cáo tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát cũng nổi lên một vấn đề, đó là khó về nguồn trẻ. Vài năm nay, do Huyện ủy Nga Sơn không tuyển dụng nên nguồn trẻ không có. Chính vì vậy, nhân sự trẻ để quy hoạch các chức danh đều khó khăn. Ông Phạm Đình Tố - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nga Sơn, chia sẻ: "Chính vì nguồn khó nên khi chúng tôi quy hoạch một chức danh, ví dụ như trưởng phòng tư pháp là phải “lục” tất cả các cơ quan, đơn vị xem có ai học đại học Luật không mà vẫn bí nguồn. Chuẩn bị nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tới Nga Sơn vẫn vướng vào nhân sự ở các phòng, ban; trưởng, phó phòng dưới 45 tuổi, yêu cầu bằng đại học chính quy".

Đối với xã Nga Thủy của huyện Nga Sơn, một trong những xã có 2 cán bộ nữ/14 ủy viên ban chấp hành. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch xã này: "Nếu cơ cấu thêm sẽ khó, vì cán bộ bán chuyên trách, cơ cấu vào nguồn khóa tới cũng vướng. Cấp ủy đã bàn bạc, xét thấy đối với cơ cấu này không phải là cơ cấu cố định cho đại hội vì đại hội tới đây định hướng ai làm gì, thế nào cũng phải theo định hướng của huyện. Trước mắt, chúng tôi sẽ cơ cấu thêm ngành giáo dục, kể cả quan điểm cho cơ cấu về nữ, chúng tôi vẫn tâm huyết cơ cấu một đồng chí hiệu trưởng để tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng".

Quan hệ anh em, dòng tộc ảnh hưởng đến quy hoạch, sử dụng cán bộ

Đây là tình trạng thường xảy ra ở cấp xã, theo đó sẽ dẫn đến những hiệu ứng không tốt trong quy hoạch. Chính vì vậy, mới có chuyện, khi ra đại hội, người nằm trong nguồn, người làm được việc thì không trúng, người không được việc lại được bầu vào ban chấp hành. Với một số xã, đây thực sự là một vấn đề khó giải quyết. Nhớ lại tình trạng này đã từng xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện mình, ông Phạm Hồng Hạnh - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nông Cống vẫn còn cảm thấy ngại cho nhiệm kỳ sắp tới. Ông Hạnh cho biết: “Bầu không trúng là do tính chất cục bộ địa phương vẫn còn tồn tại. Đó là điều chúng tôi lo ngại nhất. Nếu cán bộ ở xã bầu không trúng thì đưa người ta đi đâu. Ở cấp xã bầu không trúng thì sẽ rất khó khăn cho một số người mà chúng tôi sẽ không biết giải quyết thế nào. Mục tiêu xây dựng nguồn cứng, nguồn dư là thế đến lúc ra đại hội lại hoàn toàn khác cũng bởi dòng tộc, anh em. Nếu cán bộ chủ chốt bầu không trúng và không thể sắp xếp, bố trí thì coi như chúng tôi mất trắng cán bộ. Tới đây chúng tôi sợ sẽ vướng như thế”.

Để dẫn chứng cho chia sẻ này, ông Hạnh đưa ra trường hợp của Bí thư Đảng ủy xã Minh Nghĩa khi qua các cuộc bỏ phiếu đều đạt 100% nhưng khi vào đại hội thì lại không được bầu. Sau đó ông Bí thư được bố trí sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Nhưng để sắp xếp vào vị trí này, Huyện ủy Nông Cống cũng phải xoay đủ đường nên ông bí thư mới tham gia được Hội nông dân. Hay như trường hợp của một vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy ở một xã khác được đưa nguồn làm Bí thư nhưng cũng bị rớt từ cấp ủy mà sự rớt này cũng vì sự tính toán của người khác muốn đưa anh em, dòng tộc vào làm cán bộ chủ chốt...

Theo ông Vũ Đức Soãn - Trưởng phòng Huyện cơ sở và đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa: Công tác quy hoạch cán bộ trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã có nhiều đổi mới, liên thông - động - mở. Số lượng nguồn quy hoạch đảm bảo theo quy định, việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy trình. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đều quy hoạch có người dân tộc thiểu số, một số đơn vị đã làm tốt việc giới thiệu nguồn cán bộ từ nơi khác vào quy hoạch. Tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi một số hạn chế khi ở một số địa phương, quy hoạch cán bộ chưa đảm bảo tính khả thi, quy hoạch có nơi còn khép kín... Quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ chưa được đồng bộ...

Hoàng Việt Anh - Kiều Huyền


Hoàng Việt Anh - Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]