(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp các nhiệm kỳ đều quan tâm đề ra các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mỗi nhiệm kỳ và cho giai đoạn tiếp theo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại công tác cán bộ ở Thanh Hóa (Bài 2): Chuẩn hóa bằng cấp hay chỉ là điều kiện đủ?

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp các nhiệm kỳ đều quan tâm đề ra các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mỗi nhiệm kỳ và cho giai đoạn tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên đạt loại xuất sắc của lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn BCH Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2016 - 2021 (lớp 2).

Chuẩn hóa về bằng cấp

Đại hội VI (tháng 12/1986) là một bước đột phá trong công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng với việc xác định: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Đó là kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn”, “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu”.

Đặc biệt kể từ Nghị quyết số 03 ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, sau hơn 20 năm, đội ngũ cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương đã có những bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ở Thanh Hóa, Đông Sơn là huyện mới nhất vừa đón nhận huyện NTM sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia. Một diện mạo nông thôn với sự thay đổi toàn diện từ đời sống vật chất đến việc giữ gìn các giá trị truyền thống trong nhân dân. Đông Sơn là một trong số ít huyện ở Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2018 cao, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể 43,5 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo tính đến tháng 9/2019 giảm còn 0,63%. Phấn đấu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54,5 triệu đồng/năm và không còn hộ nghèo. Đặc biệt, Bộ VH,TT&DL cũng đã công nhận Ngũ trò Viên Khê là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để đạt được những kết quả quan trọng đó, một phần có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ nhanh nhạy và kịp thời.

Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo thống kê từ phía Huyện ủy Đông Sơn, đã có 81 cán bộ được đào tạo chuyên môn trong đó cấp cơ sở là 73 người; 133 cán bộ được cử đi đào tạo chính trị, trong đó cấp cơ sở là 87 người. Đó là chưa kể có tới 1.455.000 lượt cán bộ được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, nghiệp vụ đoàn thể chính trị, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng cập nhật kiến thức QP-AN. Tính đến thời điểm này, huyện Đông Sơn đã phổ cập đại học cho 100% cán bộ chủ chốt các ban, ngành đoàn thể, và hơn 90% cán bộ công chức.

Còn tại huyện Thạch Thành, ông Lê Xuân Bình - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, cán bộ người DTTS là nhiệm vụ hàng đầu và luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó, huyện tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, bảo đảm theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện và cấp cơ sở. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thành đã ban hành chương trình “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực huyện Thạch Thành”, giai đoạn 2016 - 2020. Huyện đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức và Trường Chính trị tỉnh mở các lớp đào tạo chuyên môn và chính trị; cử cán bộ thuộc diện quản lý tham gia học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức ngoài huyện. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đi tham quan, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm hay ở các địa phương, nhằm bổ sung kiến thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Không ít cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã đã có trình độ chuyên môn thạc sĩ, có đồng chí đã có trình độ tiến sĩ và trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện năm 2015, Nga Sơn đã chuẩn hóa về bằng cấp, cán bộ công chức cơ bản đảm bảo về chuyên môn, và trình độ chính trị. Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Nga Sơn, ông Phạm Đình Tố cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua huyện mở khá nhiều lớp trung cấp chính trị. Riêng năm 2019, mở 2 lớp ngoài kế hoạch, đào tạo cho cả cán bộ quy hoạch, các chức danh của huyện cũng như của xã. Mở 1 lớp chuyên viên, 1 lớp quản lý Nhà nước ngành giáo dục. Công tác chuẩn bị cho nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 làm khá tốt và cố gắng chuẩn hóa cho đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Đến nay, cơ bản đã chuẩn hóa.

Như vậy, từ Nghị quyết số 04 ngày 12/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020, Thanh Hóa cơ bản chuẩn hóa bằng đại học chính quy với cán bộ từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

Đến những trăn trở

Càng chú trọng đến công tác cán bộ thì việc sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ càng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chất lượng thực tế và đáp ứng công việc. Ông Lê Quang Trường - Phó Bí thư Thường trực xã Đông Anh (Đông Sơn) cho biết: Trước đây người ta quy hoạch để đào tạo bồi dưỡng ngay tại chỗ nhưng giờ quy hoạch chỉ là để quy hoạch chứ chưa phải để sử dụng vì quy hoạch 4 người cho một vị trí nhưng có thể không lấy ai vì tất cả các chức danh chủ chốt hiện nay ở Đông Sơn hầu như đều do Huyện ủy quyết định. Ông Trường cũng cho biết đó là nguyên nhân mà không ít cán bộ đi đào tạo cho đủ tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Trọng Dưỡng - Trưởng ban Tổ chức huyện Hậu Lộc cũng trăn trở: Tiêu chuẩn phải có bằng đại học chính quy, khiến không ít cán bộ tự liên hệ với các trường có điều kiện mở lớp chính quy. Hiện nay, không ít trường thiếu sinh viên, họ cần người để dạy, họ chấp nhận tuyển sinh và đào tạo dưới mọi hình thức.

Đây tất nhiên không chỉ là câu chuyện của riêng một xã hay một huyện ở Thanh Hóa. Việc được quy hoạch sẽ tạo động lực để cán bộ nỗ lực hơn trong công việc đồng thời cũng thấy những mục tiêu phấn đấu của mình là đúng và trúng. Tuy vậy, cán bộ trong nguồn quy hoạch, đi bồi dưỡng đào tạo nhiều khi phải bỏ tiền, bỏ thời gian, nhưng học mãi, chờ mãi cũng vẫn chưa được bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, việc đào tạo không đúng vị trí việc làm, nguồn quy hoạch cũng gây khó khăn trong công tác nhân sự. Ở huyện Đông Sơn - theo chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Quang - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Hiện nay, bên khối Đảng, rất khó để tìm người có trình độ đào tạo về kinh tế và luật. Vì đây là nhóm trường nằm trong danh mục các ngành xã hội có nhu cầu lớn. Ngoài ra, yếu tố thu nhập thấp cũng khiến họ không có nguyện vọng. Các bạn trẻ không muốn làm công chức đặc biệt là công chức cấp xã. Hơn nữa, nhiều năm nay việc tuyển dụng mới không có, cán bộ nghỉ chế độ bảo hiểm nhiều mà chỉ có thể chuyển cán bộ các đơn vị sự nghiệp như giáo viên và các ngành nghề khác sang. Ngay cả cơ quan cấp huyện như Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức cũng rất cần 2 ngành này.

Còn ở huyện Nông Cống, ông Phạm Hồng Hạnh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Việc đào tạo không đúng vị trí việc làm vẫn có. Ngay tại huyện, có cán bộ làm công tác tuyên giáo lại đi học đại học kinh tế chính quy, cán bộ phòng nội vụ lại đi học báo chí - tuyên truyền. Ông khẳng định đây là thực trạng chung của tỉnh chứ không phải chỉ riêng Nông Cống.

Quả thực, vấn đề bằng cấp, mỗi cán bộ công chức bao xung quanh là các loại văn bằng, chứng chỉ cũng có phần của việc đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với chức danh quy hoạch, bổ nhiệm. Tiện đâu học đấy, học cho đủ chứ không phải vì cần mà học. Điều này dẫn đến chất lượng đáp ứng công việc còn kém, còn yếu và thiếu trách nhiệm. Dù khẳng định tạm thời chấp nhận được sự đáp ứng công việc, nhưng ông Nghiêm Quốc Mạnh - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Triệu Sơn vẫn rụt rè: Đánh giá chất lượng thì hơi khó. “Phủ xanh đất trống đồi trọc” là thực tế của nhiều địa phương trong công tác đào tạo bồi dưỡng. Đáp ứng chuẩn nhưng gõ một văn bản không nổi, nói gì đến sử dụng công nghệ thông tin, hay 4.0 gì đó. Nhiều địa phương, số lượng cán bộ làm được việc chỉ chiếm hơn 50%, nhiều cán bộ công chức vẫn phải cầm tay chỉ việc, mà có khi chỉ việc rồi vẫn không biết làm.

Phải khẳng định rằng, với 32 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa (27 đảng bộ cấp huyện, thị, thành phố và 5 đảng bộ trực thuộc) có 226.158 đảng viên (tính đến 31/12/2018) hằng năm kết nạp mới 6.000 đảng viên, rõ ràng nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ là rất lớn. Đặc biệt là việc đào tạo bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị. Trong khoảng 2 năm từ 2017 - 2019, số lượng đảng viên tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị của tỉnh là vô cùng lớn. Ông Thịnh Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Công tác đào tạo cán bộ luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và chú trọng. Tôi khẳng định rằng, thể chế về đào tạo bồi dưỡng cho đến bây giờ là tốt nhất. Cụ thể Đảng bộ tỉnh đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến. Theo đó, quy định nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, cấp ngành trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Các lớp đào tạo về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, xây dựng Đảng, đoàn thể được tập trung đưa về Trường Chính trị tỉnh thực hiện. Đây cũng là giai đoạn mà Trường Chính trị tỉnh có đội ngũ cán bộ, giáo viên tốt nhất từ trước đến nay, cơ bản được chuẩn hóa trình độ thạc sĩ, có nhiều tiến sĩ, nghiên cứu sinh. Giáo viên của nhà trường tâm huyết với nghề, có kiến thức thực tiễn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Chính điều đó mà việc đào tạo bồi dưỡng của nhà trường đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo cán bộ cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau thành công của 2 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026, tính đến nay đã có 22/27 huyện, thị đã mở lớp nguồn cấp huyện. Điều này là cơ sở thuận lợi để tổ chức thành công đại hội các cấp trong năm 2020.

Trong hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao những kết quả Thanh Hoá đạt được trong những năm qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2019 và cho rằng: Thanh Hoá hoàn toàn đủ cơ sở để tự tin trở thành tỉnh khá vào năm 2020 và sớm trở thành tỉnh thịnh vượng.

Đứng trước nhiệm kỳ 2020 - 2025, giai đoạn của sự bùng nổ KH-CN, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực, chúng ta không thể chỉ coi đào tạo bồi dưỡng cán bộ là điều kiện đủ, thực sự đó còn là điều kiện cần để Thanh Hóa có thể đẩy nhanh quá trình phát triển KT-XH.

Hoàng Việt Anh - Kiều Huyền


Hoàng Việt Anh - Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]