(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 8 năm triển khai Kết luận số 50-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá về “Phát triển đảng viên và chi bộ Đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, công tác phát triển đảng viên và chi bộ tại các thôn, bản huyện miền núi Thanh Hóa đã đạt được những kết quả to lớn. Đáng chú ý là sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, những “hạt giống đỏ” là đảng viên trẻ điển hình trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, bí thư chi bộ thôn, bản năng nổ... Chính từ công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ vùng biên, vùng đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, “xoá đói, giảm nghèo”, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội xã bản vùng biên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “hạt giống đỏ” vùng biên (Bài 1): Nữ bí thư 8x - “bông hoa” hiếm của núi rừng Thanh Hóa

Sau hơn 8 năm triển khai Kết luận số 50-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá về “Phát triển đảng viên và chi bộ Đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, công tác phát triển đảng viên và chi bộ tại các thôn, bản huyện miền núi Thanh Hóa đã đạt được những kết quả to lớn. Đáng chú ý là sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, những “hạt giống đỏ” là đảng viên trẻ điển hình trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, bí thư chi bộ thôn, bản năng nổ... Chính từ công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ vùng biên, vùng đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, “xoá đói, giảm nghèo”, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội xã bản vùng biên.

Tôi gặp chị Lò Thị Thiết - Bí thư Đảng uỷ xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa những ngày vùng biên đầy nắng. Chị là một trong những nữ Bí thư Đảng uỷ xã 8x trẻ nhất trên vùng cao mà tôi gặp. Không chỉ là “bông hoa rừng” xinh đẹp, có trình độ học thức được bà con dân bản tin yêu, trước khi đảm trách chức vụ Bí thư Đảng uỷ xã, chị từng là một cô giáo, một cán bộ Hội phụ nữ, một Bí thư Huyện Đoàn. Dù ở cương vị nào, chị cũng năng nổ, nhiệt huyết hết mình với công việc cơ sở được bà con dân bản tin yêu.

Chị Lò Thị Thiết (ngoài cùng bên trái) trong lần trao nhà khăn quàng đỏ cho học sinh Thao Chí Công, xã Pù Nhi (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Đam mê, nhiệt huyết - “chìa khoá” thành công

Qua những lần ngược biên Mường Lát, dù là tác nghiệp ở bản người dân tộc Mông hay bản người Thái, người Mường, Dao, Khơ Mú... cái tên Lò Thị Thiết nhiều lần vô tình gián tiếp trở thành nhân vật “không hẹn trước” trong những bài viết của tôi. Có lúc chị xuất hiện trong chủ đề về phát triển đảng viên trẻ vùng đồng bào dân tộc Mông. Có khi chị trở thành nhà thiện nguyện trong câu chuyện về "Ngôi nhà khăn quàng đỏ" của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Thậm chí trong những phong trào bài trừ mê tín, xoá bỏ hủ tục, tôi cũng thấy hình ảnh của chị, đại diện cho thế hệ trẻ... Và rồi, đó cũng chính là cái lý do tôi ngược ngàn gần 300km để gặp lại chị trong bài viết này.

Lò Thị Thiết trước mắt tôi với dáng người cao, nước da trắng cùng gương mặt khả ái, tác phong nhanh nhẹn. Chưa kịp hàn huyên, chị đã rằng: “Tôi đi đường đồi núi quen rồi, anh yên tâm, bám chắc, chúng ta lên Pù Nhi với mấy cán bộ đoàn anh nhé! Có nhiều hoạt động vui lắm!”. Hoá ra, nay mấy anh chị em Huyện Đoàn Mường Lát nhân ngày nghỉ cuối tuần thống nhất lên thăm gia đình học sinh Thao Chí Công (khu Pù Ngùa, xã Pù Nhi).

Nữ bí thư cho hay, trường hợp em Công có hoàn cảnh éo le đặc biệt khi bố mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa! Hiện, Công cùng 3 anh em sống cùng bà nội đã già, sức khỏe yếu. Căn nhà 5 khẩu trước khi được làm mới là túp lều tranh tre vách nứa không che được nắng, được mưa. Vì hoàn cảnh khó khăn mà nhiều lần em Công muốn từ bỏ việc học hành. Nhờ sự động viên, khích lệ của thầy cô, các anh chị đoàn viên thanh niên xã, huyện đã giúp em tiếp tục duy trì việc học.

Căn nhà gỗ chừng 60m2 kiên cố trước mặt. Công và bà nội cùng các anh chị đoàn viên thấy xe chúng tôi chạm đầu ngõ đã hớn hở: “Chị Thiết đến rồi bà ơi”. Anh Hùng - Phó Bí thư Huyện Đoàn Mường Lát vỗ vai bảo: "Chị Thiết là vậy đấy! Hiện đồng chí đã được phân công giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã Tam Chung nhưng nhiều hoạt động của đoàn chị vẫn năng nổ tham gia; đặc biệt là công tác thiện nguyện. Chị được bọn trẻ quý".

Trường hợp nhà em Công là một trong những trường hợp khó khăn được hỗ trợ xây dựng "Ngôi nhà khăn quàng đỏ” với trị giá 50 triệu đồng, năm 2019. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn Mường Lát vận động đoàn viên, thanh niên giúp ngày công xây dựng và các tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt, trong đó vai trò chị Thiết là chủ đạo...

Thông qua anh Phó Bí thư Huyện Đoàn Mường Lát, tôi hiểu thêm về chị Thiết, Bí thư Đảng uỷ xã Tam Chung. Chị sinh năm 1983, trong gia đình có truyền thống. Bản thân là bông hoa của bản Mường, chị Thiết là trường hợp hiếm hoi của địa phương có thành tích học tập xuất sắc, có ước mơ và lý tưởng cho tương lai. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị được phân công về công tác giảng dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, rồi cán bộ hội phụ nữ huyện. Nhờ tinh thần nhiệt huyết trong các công tác đoàn thể, công tác thiện nguyện, chị được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện Đoàn Mường Lát đúng với sở trường.

Tôi nghĩ, làm đoàn đã khó, làm Bí thư huyện đoàn vùng cao lại càng khó hơn, đặc biệt lại là nữ giới. Thế nhưng, từ khi Lò Thị Thiết đảm trách Bí thư Huyện Đoàn, đơn vị luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh về các phong trào hoạt động. Điển hình như công tác vận động kêu gọi hỗ trợ học sinh, gia đình khó khăn; chương trình làm giao thông; chương trình chung tay xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, đẩy mạnh nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá...

Gần đây nhất là sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ, vùng bị sạt lở. “Những ngày ấy, chị Thiết gần như không ngủ, quên ăn để nhắn tin, trả lời, kêu gọi các tổ chức về cứu trợ đồng bào vùng lũ! Khi các đoàn lên, chị lại hăm hở phối hợp cùng đoàn đi cơ sở. Có lần tôi đèo chị lên khu Sài Khao, khi xuống xe đứt phanh tôi bảo chị nhảy xuống để tôi xử lý. Kết quả chị bị trầy xước khắp người, hai đầu gối không thể đứng dậy. Lần đó thấy chị khóc, những tưởng sẽ chẳng còn dám lên Sài Khao lần nữa! Ấy vậy mà, đúng 1 tuần sau chị lại rủ bảo, đèo chị lên thăm gia đình lần trước được hỗ trợ!” - anh Hùng - Phó Bí thư Huyện Đoàn Mường Lát kể lại.

Cũng chính từ sự nhiệt huyết, năng nổ trong công việc, chị Thiết cũng chính là người chèo lái đưa các phong trào, hoạt động trở nên sôi nỗi như: Phong trào 5 xung kích phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc, phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp... Đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo của Kết luận số 50 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa, với nhiều giải pháp sáng kiến trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng các đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp gắn với triển khai cuộc vận động “ĐVTN phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam”. Trung bình mỗi năm, huyện có hàng chục đoàn viên thanh niên ưu tú được xem xét kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, trong đó có nhiều đồng chí được kết nạp theo Kết luận 50.

Gặp chị, nói chuyện với chị và thấy được những thành công của chị trong cuộc sống, tại cơ sở, tôi nghĩ có lẽ câu trả lời cho những thành công ấy chính là tinh thần nhiệt huyết và sự đam mê ở người đảng viên trẻ này.

Và những kế sách phát triển Đảng viên trẻ

Chiều tối hôm đó, ngồi trò chuyện với chị trong nếp nhà sàn người Thái ở thị trấn Mường Lát, tôi thấy được "bí mật" của chị. Đó là ở cái tuổi của chị, nhiều người đã con bồng, con bế, còn chị vẫn chưa chịu lấy chồng?! Tôi gạn hỏi, chị chỉ cười giòn tan: Có lẽ do nhiều việc mà quên mất phải yêu.

Tôi hỏi, cương vị mới là Bí thư Đảng uỷ xã, chị có gặp khó khăn gì? Chị khẳng định có nhiều khó khăn, tuy nhiên bản thân hào hứng muốn vượt qua! Đơn cử, địa bàn xã Tam Chung lâu nay vốn "nóng" về tệ nạn ma tuý. Thống kê đến thời điểm hiện tại là hơn 90 trường hợp nghiện ma tuý, trong đó chủ yếu là thanh niên. Bản thân từng làm đoàn nên chị định hướng sẽ lấy đoàn viên thanh niên làm lực lượng nòng cốt để đẩy lùi, ngặn chặn tệ nạn này.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác xây dựng nguồn đảng viên trẻ từ cơ sở, cần phải theo dõi bồi dưỡng đoàn viên ưu tú từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Phải xây dựng Chi bộ Đảng cơ sở vững mạnh với sự gắn kết chặt chẽ giữa những đảng viên lão thành với đảng viên trẻ trong các hoạt động. Theo chị Thiết, nhất thiết phải có sự gắn kết trên bởi nó phụ trợ lẫn nhau.

“Đảng viên trẻ cho tinh thần nhiệt huyết, sự sáng tạo, trình độ và khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Những đảng viên lão thành, già làng, người uy tín vừa là điểm tựa cho thế hệ trẻ, vừa hỗ trợ trong định hướng tư tưởng cho bà con" - chị Thiết cho biết.

Tuy nhiên, nữ bí thư trẻ cũng không khỏi lo lắng khi mà nguy cơ các Chi bộ cơ sở thiếu đảng viên, thiếu nguồn xây dựng. Hiện, tổng số đảng viên của xã là 253 đảng viên. 6 tháng đầu năm 2019 xã Tam Chung kết nạp được 2 đảng viên, phát hiện giới thiệu 6 quần chúng ưu tú. Số lượng đảng viên trẻ có phần giảm, đảng viên là nữ lại càng hiếm hoi. Khó khăn trên xuất phát từ thực tiễn tầng lớp thanh niên ly hương xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa. Đối với nữ thì việc học hành chưa được các gia đình chú trọng, tư tưởng lấy chồng sớm và vào Đảng không để làm gì... đang là vấn đề nan giải.

Để giải quyết tức thì bất cập trên là điều không thể, theo chị Thiết cần phải có thời gian, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Lý do vì sao thanh niên rời quê là vì địa phương không có nhà máy, khu công nghiệp. Trước mắt, ngân hàng CSXH, ngân hàng Agribank đóng trên địa bàn có vai trò hết sức quan trọng. Việc triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi chính sách đã, đang góp phần xây dựng nhiều điển hình kinh tế, nhiều mô hình VAC cho thu nhập cao và ổn định...

“Cần phải xây dựng nhiều mô hình kinh tế hơn nữa để níu chân tầng lớp thanh niên ở lại. Đó chính là chìa khoá để phát triển đảng viên trẻ tại các chi bộ cơ sở. Có đảng viên trẻ, có chi bộ mạnh, có vốn vay ngân hàng thì kinh tế địa phương sẽ phát triển” - chị Thiết tin tưởng.

“Với sự năng nổ, nhiệt huyết trong công việc, chị Lò Thị Thiết đã nhiều lần được tặng Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện. Chị vui mừng vì mảnh đất vùng biên nơi chị sinh ra, lớn lên đã có nhiều thay đổi, nhất là tư tưởng nhận thức của người dân. Đã có nhiều đoàn viên trẻ năng động, có nhận thức muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng, một bộ phận không nhỏ thanh niên tri thức lấy tiêu chí trở thành đảng viên là thước đo giá trị trong cuộc sống”.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]