(vhds.baothanhhoa.vn) - Một ấn tượng khó quên trong những ngày ngược biên lần này với tôi, mặc dù cái khó trong phát triển đảng viên nữ ở huyện vùng biên Mường Lát là rõ, chỉ 18% như lời ông Triệu Minh Xiết - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy thông tin, vậy nhưng, tôi đã may mắn được gặp nhiều người trong số họ, những đảng viên nữ ít ỏi. Ngoài trường hợp chị Thiết, cũng tại mảnh đất vùng biên này, tôi còn được biết đến bác sỹ Phúc là “điểm tựa” của những bệnh nhân người Lào, người góp phần tô thắm mối tình gắn kết giữa hai dân tộc. Còn đó một "nữ thủ lĩnh" cũng thế hệ 8x từ miền xuôi lên đây cắm bản, từng ngày miệt mài trong công tác “gieo chữ” nơi đại ngàn sỏi đá. Gặp, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với các chị, tôi mới thấu cảm những khó khăn, vất vả mà các chị phải đối mặt! Những hy sinh, đóng góp thầm lặng ấy đã và đang góp phần nhân lên những điển hình tiên tiến mới, những “hạt giống đỏ" vùng biên”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “hạt giống đỏ” vùng biên (Bài cuối): Thầm lặng trên đất khó

Một ấn tượng khó quên trong những ngày ngược biên lần này với tôi, mặc dù cái khó trong phát triển đảng viên nữ ở huyện vùng biên Mường Lát là rõ, chỉ 18% như lời ông Triệu Minh Xiết - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy thông tin, vậy nhưng, tôi đã may mắn được gặp nhiều người trong số họ, những đảng viên nữ ít ỏi. Ngoài trường hợp chị Thiết, cũng tại mảnh đất vùng biên này, tôi còn được biết đến bác sỹ Phúc là “điểm tựa” của những bệnh nhân người Lào, người góp phần tô thắm mối tình gắn kết giữa hai dân tộc. Còn đó một "nữ thủ lĩnh" cũng thế hệ 8x từ miền xuôi lên đây cắm bản, từng ngày miệt mài trong công tác “gieo chữ” nơi đại ngàn sỏi đá. Gặp, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với các chị, tôi mới thấu cảm những khó khăn, vất vả mà các chị phải đối mặt! Những hy sinh, đóng góp thầm lặng ấy đã và đang góp phần nhân lên những điển hình tiên tiến mới, những “hạt giống đỏ" vùng biên”.

Khi “nữ thủ lĩnh” là người miền xuôi

Chị Hàn Thị Giang - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn (xã Nhi Sơn) cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Điều đầu tiên tôi biết, chị là giáo viên miền xuôi lên huyện vùng biên Mường Lát cắm bản, gieo chữ từ những ngày nơi này còn gian khó nhất. Thứ đến, là những nỗ lực, sự cống hiến của chị nhiều lần được huyện, tỉnh trao tặng giấy khen, bằng khen. Cao hơn cả, như lời ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát chia sẻ là sự tin yêu, trao trọng trách Bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường cho chị.

Chị Hàn Thị Giang - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn.

Thuộc thế hệ 8x trẻ, năng động, chị Giang toát lên vẻ nhẹ nhàng qua từng cử chỉ, giọng nói mang cái chất của một giáo viên mầm non. Gặp chị, tôi hỏi, quyết định nào khiến chị dời quê lên mảnh đất vùng biên này? Chị cười bảo: “Lý tưởng của thanh niên bấy giờ đồng chí ạ! Mình không có tiền hỗ trợ những phận đời cùng khổ thì tại sao khi có kiến thức, được đào tạo lại không lên với bà con”. Lên với bà con vùng cao, chị có lường trước những khó khăn, thử thách nơi mình sẽ đến? Chị Giang lại cười: “Dĩ nhiên điều đó mình rõ hơn ai hết! Vậy nhưng, khi lần đầu đặt chân lên đây công tác, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, mình đúng thật không lường hết được”.

Chị Giang kể, năm 2004, sau khi tốt nghiệp sư phạm ra trường, chị lên dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Tam Chung, huyện Mường Lát với mức hỗ trợ là 120.000 đ/tháng. Bà con dân bản hỗ trợ thêm khoảng 10 kg gạo cho mỗi giáo viên như chị. Dẫu vậy, vượt qua những khó khăn, điều kiện, hoàn cảnh, năm 2005 chị là giáo viên đầu tiên của bậc học mầm non huyện Mường Lát đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tháng 1/2008 chị được điều động về phòng GD&ĐT huyện công tác. Chị chia sẻ: “Thời gian công tác tại phòng cho mình những kinh nghiệm quản lý nhất định, nhưng mục tiêu lên với vùng cao, từng ngày nuôi dạy, ươm mầm những đứa trẻ, bản thân lại thấy tù túng”. Thoả tâm nguyện của chị, tháng 12/2009 UBND huyện Mường Lát đã phân công chị đảm trách vị trí mới, chức vụ Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn.

Sau khi được điều động, ngôi trường thuộc vùng khó khăn nhất nhì của huyện, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Mông khiến chị cảm thấy hào hứng. Chị kể, mới đầu bản thân gặp phải không ít những khó khăn như: nơi làm cách nhà 24 km, đường đi lại khó khăn, chia cắt, 1 tuần chị được về với gia đình vào thứ 7 và chủ nhật. Tuy nhiên, điều đó cũng không thường xuyên, bởi chỉ cần trời đổ mưa, đất sạt lở, chị lại phải ở lại với trường lớp, mọi công việc từ chăm sóc con cái, việc nhà cửa đều phó mặc cho chồng...

Ngôi trường mà chị tiếp quản, khi mới thành lập có vỏn vẹn 12 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó biên chế là 5 người. Nói là trường nhưng chỉ có 3 phòng cấp 4; 4 phòng học tạm tranh tre, 1 phòng học mượn học trường tiểu học, mỗi lớp chỉ lưa thưa vài cháu, ở nhiều độ tuổi... Tuy nhiên, đó chưa phải khó khăn nhất, như lời chị Giang, quá trình vận động học sinh đến trường mới thực sự là thử thách. Mọi vấn đề từ phong tục, tập quán du canh du cư, ngôn ngữ... nhiều khi tạo áp lực cho chị. Muốn vận động bà con cho con em đến lớp là cả 1 ban bệ, có trưởng bản phiên dịch, có giáo viên chủ nhiệm, có hiệu trưởng,... được huy động đến từng nhà.

Chị Giang chụp ảnh cùng với các học sinh tại hội thi “Bé khoẻ, bé ngoan”.

Chị nhớ, gần đây thôi, sau khi nghe giáo viên báo cáo lại việc huy động trẻ ra lớp tại bản Pá Hộc về khu chính, có 5 cháu bình thường vẫn đến điểm lẻ học, nhưng khi ra điểm chính thì bỏ học. Thế là tờ mờ sáng hôm sau, mấy thầy cô lại tìm đường đến từng hộ gia đình. Mất nhiều giờ cuốc bộ, leo núi, đến nơi mới tỏ, hoá ra lý do các hộ không cho con tới lớp vì nhà nằm ở tít tắp trên núi cao của dãy đại ngàn Nhi Sơn. Khi đó, gặp các hộ, họ bảo khi nào lớn thì mới cho đi học, giờ trường xa quá! Sau 1 hồi vận động thì giải pháp đưa ra, các hộ cứ cho con đến lớp, trưa bận trên rẫy thì cô giáo cho ăn cơm cùng, ở với cô, rồi chiều đến lớp đón con về cũng được, họ mới đồng ý. “Cũng may, bấy giờ đa phần các cô đều là những giáo viên miền xuôi lên cắm bản nên cũng thuận lợi mà hứa” - chị Giang chia sẻ.

Xây dựng trường lớp, vận động các cháu đến trường thường xuyên, duy trì nền nếp học tập, thành tích thi đua... tất tật ở xã vùng biên này, không nói chắc mọi người cũng hiểu về một phần rất lớn công sức của chị. Khó khăn hơn nữa khi bản thân chị còn trẻ, lại là người miền xuôi. Chị nói, cũng may có một thời gian làm công tác quản lý ở phòng, chị tích luỹ được chút ít kinh nghiệm nhất định mà áp dụng. Theo chị, 1 tập thể muốn vững mạnh thì tập thể đó trước hết phải đoàn kết. Trong đó, nhiệm vụ phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ vững mạnh chính là mục tiêu, nhiệm vụ một nữ Bí thư chi bộ như chị phải chú tâm. Nhờ tinh thần đó, từ một chi bộ chỉ 3 đảng viên nay đã có 12/19 đảng viên. Vui hơn, khi chị là số ít người miền xuôi còn bám trụ với mảnh đất vùng biên còn nhiều gian khó này. Tôi tò mò điều đó, hoá ra giáo viên miền xuôi ít bởi số giáo viên miền núi tăng. Điều đó đồng nghĩa, giáo dục vùng biên đã có sự phát triển...

Người tô thắm nghĩa tình nơi phên dậu

Người mà tôi muốn nhắc tới chính là bác sỹ Hà Thị Phúc (SN 1981, bản Chiềng Cồng, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát). Chị là một cán bộ lãnh đạo thuộc thế hệ 8x người dân tộc Thái, với chức danh Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mường Lát. Tôi biết đến chị qua sự giới thiệu của bác sỹ Nguyễn Huy Văn - Giám đốc bệnh viện. Ông tiết lộ, ở bệnh viện vùng biên này không chỉ khám chữa bệnh cho người Việt mà mỗi năm có tới cả nghìn bệnh nhân người Lào sang khám, điều trị thường xuyên. Đó chính là điều đặc biệt thể hiện sự gắn kết giữa 2 nước Việt - Lào. Bác sỹ Phúc là người duy nhất được tặng giấy khen từ nước bạn Lào về công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân nước bạn.

Bác sỹ Nguyễn Huy Văn cũng cho biết, nói riêng về chỉ số khám chữa bệnh, riêng năm 2016 đến nay, bác sỹ Phúc luôn đạt trên 100% so với kế hoạch. Tổng số lượt khám bệnh 26.190 lượt (bằng 138% kế hoạch), trong đó 923 lượt khám và điều trị bệnh nhân Lào... Con số “khủng” trên của một nữ bác sỹ người dân tộc Thái, thế hệ 8x tại một huyện miền biên quả thực hiếm!

Bác sỹ Phúc thăm khám bệnh nhân người Lào.

Trước mắt tôi, bác sỹ Phúc trông trẻ hơn tôi nghĩ. Với trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa I, chuyên ngành sản phụ khoa, chị chia sẻ về lựa chọn nghiệp cầm dao mổ: “Câu chuyện về phong tục tập quán, điều kiện đi lại khó khăn kèm tâm lý ngại tới bệnh viện hẳn tôi không nói ai cũng rõ ở mảnh đất vùng biên này. Đã có rất nhiều các ca sinh đẻ của bà con dân bản họ dựa vào kinh nghiệm, thậm chí áp dụng những biện pháp phi y tế dẫn đến nhiều rủi ro, thương tâm, đáng tiếc. Để những đứa trẻ vùng cao được sinh ra an toàn, đó là lý do tôi chọn cho mình chuyên sản”.

Đi theo chị, một vòng thăm khám, quan sát cách chị tận tuỵ với bệnh nhân của mình mới hay chị là người hiếm hoi biết nói thông thạo nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Lào. Chị bảo: “Phần lớn các bệnh nhân người Lào sang ta khám chữa bệnh là những ca khó, nặng, phía các bệnh viện huyện bạn không làm được. Trong khi đó, không phải bác sỹ nào của ta cũng biết nói tiếng nước bạn, cũng trực tiếp có chuyên môn đứng mổ. Nhiều khi người nhà bệnh nhân lên tận phòng yêu cầu mình mổ, người mổ có khi thấy mình mới đồng ý cho mổ bụng mình".

Kể về kỷ niệm, có lẽ chị nhớ nhất ca mổ đẻ cho bệnh nhân người Lào - Dao Nàng Liễu (25 tuổi, bản Piềng Phường, huyện Sốp Bâu tỉnh Hủa Phăn, Lào), đó là trường hợp chửa ngoài tử cung. Tình trạng bệnh nhân khi tiếp nhận rất nặng, nguy cơ đến tính mạng. Trước đó, bệnh nhân này đã đi cúng bái, chữa trị bằng thuốc của lang đạo suốt 3 tháng không khỏi. Đến khi nặng không thể chữa được thì mới chuyển đi viện của mình. Khi đó, trong người cặp vợ chồng này chỉ vỏn vẹn 100 nghìn tiền Lào (tương đương 150 nghìn đồng tiền Việt Nam). Chưa bàn tới vấn đề viện phí, sau hơn 4 giờ đồng hồ phẫu thuật, ca mổ thành công “mẹ tròn con vuông”, cho tới khi ra viện, tổng viện phí của bệnh nhân hết 12 triệu đồng. Lúc này, chị đã tham mưu cho Ban giám đốc miễn viện phí, mua sữa bồi dưỡng, đồ ăn hỗ trợ bệnh nhân xuất viện về nước và đã được chấp thuận.

Sau ca mổ này vài tháng, trong một lần sang huyện bạn Sốp Bâu để họp, đích thân Bí thư huyện là ông Bông Phít đã nêu tên “Doctor Phúc” biểu dương trước hội nghị, trao giấy khen. Đến tận bây giờ, hễ có bệnh nhân ở Piềng Phường sang khám chữa bệnh họ đều nhắc đến “Doctor Phúc”.

Chị Phúc chia sẻ, làm bác sỹ ở mảnh đất vùng biên này không phải lúc nào cũng khám chữa bệnh tại bệnh viện. Nhiều trường hợp, vì nhiều lý do kíp mổ phải di chuyển xuống dân để cứu người. Thậm chí, đó là những trường hợp phải “vượt biên” sang đất bạn. Những lúc đó, sự vất vả, khó nhọc của người bác sỹ là không thể đo đếm, đem ra than thở.

Chị kể tiếp, hồi tháng 8/2016, chị sang bên huyện bạn để chữa trị cho bệnh nhân tên Nàng Khằm (20 tuổi). Sản phụ này sau khi sinh nhưng rau thai ở trong tử cung không ra được, máu chảy nhiều, không thể di chuyển bệnh nhân. Lúc đó, lãnh đạo huyện bạn có cuộc gọi khẩn thiết cho đích thân Bí thư huyện Mường Lát mong các bác sỹ bên huyện sang cứu người. “Ngay lập tức, mình được phân công lên đường. Do tính chất thời gian cấp bách, mọi thủ tục giấy tờ khi qua cửa khẩu đều không kịp hoàn tất. Sau khi thông báo với cán bộ Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn thì được các đồng chí linh động cho qua, hoàn thành thủ tục sau. Khi ca mổ thành công trở về, ai cũng bảo như thế là mình “vượt biên” - mà đúng mình “vượt biên” thật” - Bác sỹ Phúc cười.

Với nhiều cố gắng, nỗ lực, chị Phúc đã được tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua. Nhiều năm liền, chị là chiến sỹ thi đua cơ sở, được UBND huyện tặng giấy khen, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen, được Chủ tịch huyện Sốp Bâu (tỉnh Hủa Phăn, Lào) tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân Lào... Dù ở cương vị nào, vai trò của người bác sỹ trong công tác chuyên môn; trên cương vị lãnh đạo của một phó giám đốc bệnh viện hay vai trò phó bí thư chi bộ, bác sỹ Phúc luôn là người năng nổ, nhiệt huyết, là tấm gương, điển hình, và là “điểm tựa” cho những bà mẹ, đứa trẻ vùng biên được ra đời mạnh khoẻ.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]