(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt vai trò của lực lượng biên phòng đã góp phần phát triển tình hình KT-XH, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa. Chủ trương đưa cán bộ sỹ quan biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy xã biên giới được xem là giải pháp sáng tạo, thiết thực để phát huy hơn nữa vai trò của bộ đội biên phòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh (Bài 1): Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt vai trò của lực lượng biên phòng đã góp phần phát triển tình hình KT-XH, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa. Chủ trương đưa cán bộ sỹ quan biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy xã biên giới được xem là giải pháp sáng tạo, thiết thực để phát huy hơn nữa vai trò của bộ đội biên phòng.

Những người lính biên phòng mà tôi gặp trên hành trình tác nghiệp đã để lại những cảm xúc đặc biệt trong tôi. Dù ở lĩnh vực nào những người lính mang quân hàm xanh khi được tổ chức phân công đều tận tâm, tận lực, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới tỉnh Thanh Hóa vững mạnh.

27 năm gắn bó mảnh đất biên cương Mường Lát

Điểm đầu tiên trên hành trình gặp gỡ những người lính biên phòng, tôi dừng chân ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Chính trị viên phó Đồn cửa khẩu Tén Tằn - Thiếu tá Lê Văn Kiên nở nụ cười tươi đón khách. Mặc dù mới lên công tác ở đồn chưa lâu nhưng khi được hỏi về đặc điểm tình hình địa bàn đồn phụ trách, anh kể cho tôi nghe rành mạch như anh đã gắn bó ở mảnh đất biên cương này lâu lắm rồi. Và không quên dí dỏm, muốn biết thêm về mảnh đất nơi đây và những gì bộ đội biên phòng đang làm, mời nhà báo gặp gỡ Thiếu tá Trần Đình Cần - cán bộ biên phòng của đồn, hiện đang tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tén Tằn, anh đã công tác ở Mường Lát gần 30 năm.

Sinh năm 1970, Thiếu tá Trần Đình Cần quê xã Xuân Lập, Thọ Xuân. Tháng 3/1989 anh nhập ngũ vào Trường huấn luyện D19 Ngọc Lặc, đến năm 1992 được điều động lên Đồn Biên phòng 485 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn) rồi làm cán bộ tăng cường xã Tam Chung. Đến tháng 4/2008, anh được điều động làm Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Tén Tằn. Anh chia sẻ: Mặc dù gắn bó với mảnh đất Mường Lát đã lâu nhưng khi nhận nhiệm vụ mới về làm Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy là thử thách, nhiệm vụ mới nên còn nhiều bỡ ngỡ, bởi vậy trong quá trình công tác mình phải vừa làm, vừa học hỏi, nắm chắc tình hình thực tế rồi tham mưu cho cấp ủy ra nghị quyết sát thực với tình hình địa phương.

Thiếu tá Trần Đình Cần hiện làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tén Tằn.

Tén Tằn có 23,52 km đường biên giới giáp với cụm bản Sốp Hào, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) và 9 mốc quốc giới, 1 cửa khẩu, có 7 bản, 6 dân tộc anh em sinh sống là: Thái, Khơ Mú, Kinh, Mường, Dao, Mông. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trên địa bàn còn thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các tệ nạn xã hội như buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn diễn ra, các hủ tục lạc hậu còn chưa được xóa bỏ... Anh tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền nên đưa các giống lúa có năng suất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây như DT52, N97, khoanh vùng chăn nuôi gia súc, xây dựng nông thôn mới... Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như giống lúa phù hợp nên năng suất lúa từ 25 tạ/ha tăng 50 tạ/ha, diện tích lúa nước hiện nay toàn xã đạt 100 ha cấy 2 vụ; bà con biết xây dựng chuồng trại, chăn thả gia súc theo vùng, trồng cỏ lấy thức ăn, mua bán trao đổi trâu bò ngoài địa bàn để tăng năng suất, chất lượng giống gia súc; trồng mới 1.600 ha rừng; nhà cửa bê tông hóa 70%. Năm 2017, bản Piềng Mòn được công nhận bản NTM. Sau khi Piềng Mòn được công nhận, hiện bản Bún đang đẩy mạnh xây dựng hoàn thành các tiêu chí và dự kiến hoàn thành tiêu chí NTM trong 11/2019. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người trong xã mới chỉ 3,6 triệu đồng thì hơn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/ người/ năm. Trong công tác QP-AN, thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn tuần tra biên cương, cột mốc, thực hiện công tác huấn luyện hằng năm. Trong công tác xây dựng Đảng, năm 2008 khi anh nhận công tác, xã mới chỉ có 147 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ thì nay tăng lên 243 đảng viên. Nhiều quần chúng ưu tú được anh giới thiệu, giúp đỡ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng cũng đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người đảng viên như đồng chí Vi Văn Cồng hiện là Phó Bí thư chi bộ bản Chiềng Cồng; Vi Văn Thần - Phó Bí thư chi đoàn Chiềng Cồng; Hà Thị Tiệp, chi hội trưởng chi hội phụ nữ Chiềng Cồng... Những việc làm của anh đã góp phần đem lại sức sống, diện mạo mới cho mảnh đất anh đã gắn bó suốt 27 năm qua và xem nơi đây như quê hương thứ 2 của mình.

Muốn dân tin Đảng, đảng viên phải đi đầu

Chia tay Tén Tằn, tôi về xã Nhi Sơn. Tiếp tôi tại phòng làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Nhi Sơn Lầu Mai Dơ rất hồ hởi điểm qua một số nét nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, xây dựng Đảng của Nhi Sơn và nhấn mạnh: Để có được kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người lính biên phòng. Từ khi thành lập Đảng bộ xã Nhi Sơn năm 2009 đến nay, có 3 đồng chí biên phòng tăng cường Phó Bí thư Đảng ủy xã. Trung tá Phạm Văn Cương, Đồn Biên phòng Pù Nhi mới tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã tháng 3/2018. Nhi Sơn có đồng bào Mông chiếm 98% tổng dân số cả xã, đời sống người dân còn khó khăn, nhiều phong tục còn lạc hậu. Đồng chí Cương tham mưu cấp ủy, trực tiếp chỉ đạo trồng rừng, mở rộng phát triển trồng cây đào, cây mận cho năng suất cao. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về “Lãnh đạo thực hiện nếp sống văn hóa mới trong cưới và tang ma của dân tộc Mông xã Nhi Sơn, giai đoạn 2016 - 2020”. Đến nay 100% dòng họ Mông ở Nhi Sơn đã thực hiện thành công việc đưa người chết vào hòm, góp phần thực hiện có hiệu quả và cụ thểhóa nội dung Nghị quyết số 02 ngày 23/12/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Mường Lát giai đoạn 2015 - 2020”.

Trung tá Phạm Văn Cương phát lương thực quần áo cho bà con bản Chim xã Nhi Sơn trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 năm 2018.

Qua lời nhận xét của Bí thư Đảng ủy Lầu Mai Dơ và đã từng tiếp xúc với Trung tá Phạm Văn Cương, anh đã để lại hình ảnh tốt đẹp của người lính biên phòng trong tôi. Đó là đợt mưa lũ cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2018. Mường Lát là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuyến đường 15C bị sạt lở nghiêm trọng. Sau cơn lũ dữ, Nhi Sơn quá hoang tàn, bộn bề. Và tôi đã gặp Trung tá Phạm Văn Cương, khi ấy anh mới nhận nhiệm vụ lên tăng cường Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhi Sơn. Anhdẫn tôi đến nơi vừa diễn ra trận lũ kinh hoàng nhấn chìm 3 gia đình tại bản Chim và chiếc cổng vào trụ sở xã cũng bị lẫn trong đống bùn đất; đưa tôi đến thăm một số gia đình có nhà sập, hư hỏng, rồi tất tả quay lại nhà văn hóa bản Chim cấp phát lương thực, thực phẩm cùng các đoàn từ thiện.

Trung tá Cương chia sẻ: 29 năm trong quân đội, những người lính biên phòng, khi trải qua cuộc sống với bà con miền núi mới càng thấm và cảm nhận hết ý nghĩa của câu khẩu hiệu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương. Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Khi nhận nhiệm vụ xuống xã Nhi Sơn, mất 3 tháng tìm hiểu phong tục tập quán địa phương. Khi ấy hoàn toàn “không nghe, không hiểu” tiếng đồng bào Mông, nên anh chủ động năng đi, năng đến, thông qua gặp gỡ trưởng bản, người có uy tín để nắm bắt tâm tư bà con. Muốn dân tin vào Đảng thì người đảng viên phải hòa đồng với quần chúng nhân dân, tiên phong trên mọi lĩnh vực. Đến nay, bà con các bản Lốc Há, Kéo Té, Kéo Hượn, Cặt, Chim, Pá Hộc của xã Nhi Sơn đã quen với hình ảnh Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh Phạm Văn Cương.

Nếu như Trung tá Cương, Thiếu tá Cần là những người quê dưới xuôi lên công tác thì Thiếu tá Thao Văn Đua là người con quê hương Mường Lát. Sinh năm 1976, Thao Văn Đua quê ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh về công tác tại các Đồn Biên phòng ở Mường Lát. Tháng 8/2018, anh được phân công về làm Phó Bí thư tăng cường Đảng ủy xã Pù Nhi (thuộc Đồn Biên phòng Pù Nhi). Là người dân tộc Mông nên phong tục, tập quán của đồng bào hơn ai hết anh là người hiểu rõ. Anh đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, trồng cây ăn quả, cây lâu năm vừa chống xói mòn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay mô hình trồng mận ở Pù Tong diện tích 30 ha; mô hình trồng chuối ở Đông Ban diện tích gần17 ha. Tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không khai thác rừng phòng hộ, không phát nương làm rẫy trên đất rừng phòng hộ. Bên cạnh đó Thiếu tá Thao Văn Đua là thầy giáo dạy tiếng Mông cho cán bộ, chiến sỹ biên phòng tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi với tôi, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lương Minh Thông khẳng định: Mường Lát có chiều dài 100 km đường biên giới, có 7 xã có đường biên giới. Hiện có 8 đồng chí sỹ quan biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã (Mường Lý không có vùng biên nhưng điều kiện khó khăn, phức tạp tình hình an ninh trật tự nên hiện có 1 đồng chí làm Phó Bí thư tăng cường xã). Chủ trương đưa cán bộ sỹ quan biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã là điều hết sức cần thiết. Các đồng chí đều là những người nhiệt tình, tâm huyết, có mối quan hệ tốt đẹp trong đối nội, đối ngoại với các địa bàn giáp biên với nước bạn Lào. Cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nhận định đánh giá tình hình, đặc điểm của từng địa phương để xây dựng kế hoạch, nghị quyết, phương án, xây dựng các mô hình phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng và phong tục, tập quán, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên biên giới. Từ khi có cán bộ sỹ quan biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, có nền nếp, khoa học, đi vào chiều sâu, thay đổi tác phong lề lối làm việc cán bộ công chức cấp xã; tạo sự ổn định tình hình chính trị, KT-XH, QP-AN của địa phương, đồng thời phát huy vai trò bộ đội biên phòng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc trên địa bàn huyện.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]