(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa đã bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương ở gần 82% cấp huyện, hơn 66% cấp xã. Trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, người đứng đầu càng phải nêu gương, giữ gìn, phấn đấu, cống hiến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương (Bài 2): Người đứng đầu giữ gìn, phấn đấu, cống hiến

Thanh Hóa đã bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương ở gần 82% cấp huyện, hơn 66% cấp xã. Trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, người đứng đầu càng phải nêu gương, giữ gìn, phấn đấu, cống hiến.

Gắn bó, sâu sát, dám nghĩ, dám làm

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã bố trí một trong ba chức danh thường trực cấp ủy không phải là người địa phương ở 22 trong tổng số 27 huyện, thị xã, thành phố. Huyện Ngọc Lặc là một trong những địa phương sớm thực hiện, đã hai nhiệm kỳ, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều không phải người địa phương. Đồng chí Bùi Huy Toàn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, các đồng chí luân chuyển về địa phương giữ vị trí chủ chốt đã cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; ban hành các chủ trương, quyết sách đúng, lựa chọn nội dung trọng tâm, vấn đề trọng điểm, dồn sức thực hiện đi đôi với tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn. Hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở chuyển biến tích cực.

Là Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, luân chuyển, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc, đồng chí Mai Xuân Bình dành nhiều thời gian xuống cơ sở nắm bắt tình hình, dư luận xã hội, đồng cam, cộng khổ, chia sẻ vất vả với nông dân; nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, định hướng nông hộ liên kết, hợp tác với doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa theo quy hoạch, gắn với bao tiêu sản phẩm. Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận cao, thực hành nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Vĩnh Lộc tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, khai thác tiềm năng du lịch ở địa phương, cải thiện môi trường làng nghề, chăm lo, phát triển nguồn thu ngân sách, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đã đề ra. Cấp ủy, chính quyền huyện đang giao Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ khảo sát, đánh giá công chức xã phục vụ điều động, luân chuyển, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ở Như Xuân, huyện miền núi phía tây nam tỉnh Thanh Hóa mấy năm gần đây có những chuyển biến, đổi thay toàn diện. Các trường học, công trình công cộng, diện mạo các cơ quan, công sở từ huyện đến xã được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp, duy trì nền nếp, kỷ cương. Lãnh đạo, cán bộ cấp huyện hướng hoạt động về cơ sở, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương; chăm lo phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đầu năm nay, Như Xuân đã được công nhận thoát nghèo. Ngoài phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; tinh thần xung kích, đồng hành của đội ngũ cán bộ, trong đó có nỗ lực phấn đấu, cống hiến của những cán bộ không phải người địa phương trên cương vị, trọng trách được giao đã góp làm nên thành tựu chung mà huyện Như Xuân đạt được.

Theo Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Nguyễn Ngọc Tiến, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã không là người địa phương hạn chế nể nang, né tránh, ảnh hưởng của mối quan hệ thân tộc, dòng họ, tộc người len lỏi trong tư duy, tác động tới công tác lãnh đạo, điều hành. Bản thân cán bộ được điều động, luân chuyển, đảm đương chức danh chủ chốt ở địa phương, đơn vị mới phải nỗ lực, cố gắng hơn, nhất là trăn trở, dám nghĩ, dám làm nhằm tạo ra chuyển biến tích cực ở địa phương, đơn vị công tác mới. Nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện đẩy mạnh điều động, luân chuyển cán bộ, đã bố trí các chức danh chủ chốt không là người địa phương ở 9/13 xã, thị trấn, trong đó có năm bí thư, chủ tịch xã không phải người địa phương. Đảng bộ huyện Quan Sơn còn in tập tài liệu tổng hợp các chủ trương, nghị quyết, chương trình công tác trọng tâm, cấp phát đến các tổ chức cơ sở đảng từ huyện đến xã, thị trấn để cán bộ nắm bắt, tổ chức thực hiện; yêu cầu hằng tháng cán bộ huyện, xã tập trung giải quyết các công việc chuyên môn trong ba tuần, dành một tuần (mô hình 3+1) xuống cơ sở lãnh, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm. Sau khi thí điểm thực hiện mô hình ở bốn xã, từ đầu năm nay huyện Quan Sơn triển khai thực hiện trên địa bàn toàn huyện. Biện pháp này hiện nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, gắn với lấy hiệu quả công tác làm thước đo để đánh giá cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu.

Nông dân xã Điền Hạ, huyện Quan Sơn chăm sóc rau an toàn trồng trên đất bãi ven sông Lò.

Cán bộ giữ gìn, phấn đấu, cống hiến

Những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2018, lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành, đơn vị, bộ phận chuyên môn từ tỉnh đến các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định xung kích, đồng hành cùng nhân dân ứng phó, khắc phục mưa to, lũ lớn. Hơn 5000 lượt cán bộ, viên chức, các lực lượng vũ trang đã chung tay, góp sức cùng nhân dân các địa phương ứng phó với mưa lũ, tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, nỗ lực khôi phục, phát triển KT-XH. Trách nhiệm nêu gương và truyền thống đoàn kết, hợp sức chống thiên tai, trợ giúp nhau ổn định cuộc sống tiếp tục nhân thêm sức mạnh mới từ hành động không quản ngại khó khăn, gian khổ, tiên phong, xung kích, đồng hành của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở tỉnh Thanh Hóa. Đang tham dự lớp bồi dưỡng đối tượng nguồn, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Cao Văn Cường vượt các điểm ách tắc do sạt lở đất trên quốc lộ 15C, lên huyện chỉ đạo hoạt động cứu trợ ổn định đời sống nhân dân, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hay khi tiếp xúc với đồng chí Trương Nho Tự, quê ở huyện Hậu Lộc, gia đình riêng ở TP Thanh Hóa được luân chuyển, tín cử giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa chúng tôi cảm nhận sâu hơn về trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu. Ngoài chỉ đạo khẩn trương sơ tán gần 400 hộ dân khỏi khu vực sạt lở đất, ngập lũ; đôn đốc giải phóng nhanh những điểm sạt lở, ngập bùn đất trên Quốc lộ 15A, khu vực xã Trung Thành, nhanh chóng bồi trúc đoạn Tỉnh lộ 251 bị lũ cuốn trôi mất nền đường ở bản Pó để bảo đảm vận chuyển hơn 40 tấn gạo cứu trợ các hộ phải sơ tán đến nơi an toàn, các xã, thôn, bản bị cô lập, là hàng loạt công việc cấp bách cần giải quyết ngay sau mưa lũ. Đó là huy động cán bộ, viên chức, quân - dân ra quân làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh thường phát sinh sau mưa lũ; kiến nghị đơn vị quản lý thủy điện Trung Sơn khắc phục nhanh điểm sạt vai phải hạ lưu đập, thủy điện Thành Sơn tạo điều kiện cho nhân dân xã Trung Thành lưu thông qua đường đập thủy điện, khắc phục cầu treo bị lũ cuốn hư hỏng; tìm địa điểm xây dựng mới Trường Tiểu học Trung Sơn bị sập do sạt lở đất, bố trí nơi cư trú ổn định, lâu dài cho các hộ bị sập nhà ở do sạt lở đất, lũ cuốn trôi....

"Giữ gìn, phấn đấu, cống hiến" được ghi nhận, đánh giá khái quát về các cán bộ luân chuyển, điều động giữ các vị trí chủ chốt tại các địa phương của Thanh Hóa trong những năm vừa qua. Nhìn chung các cán bộ được điều động, luân chuyển đều có tinh thần khắc phục khó khăn; định hình trong nhận thức đến hành động: giữ gìn, phấn đấu, cống hiến tại môi trường công tác mới. Trách nhiệm nêu gương thường trực, rõ, cụ thể hơn từ mỗi hành vi, tác phong, đến hiệu quả làm việc, công tác. Qua việc luân chuyển, điều động, các cán bộ được rèn luyện, đào tạo, trưởng thành trong thực tiễn; nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ các cương vị cao hơn, được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, hoặc rút về làm trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện. Thực tế cho thấy, bố trí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện, xã không phải người địa phương đã góp phần khắc phục đáng kể biểu hiện trì trệ, tư tưởng bảo thủ, bè phái, cục bộ địa phương, tạo những thay đổi tích cực về tác phong, phương pháp, lề lối làm việc đến chuyển biến toàn diện ở mỗi địa phương. Liên thông trong công tác cán bộ thể hiện rõ nét vai trò phân công của tổ chức, tác động đến tư duy hành động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cùng trách nhiệm nêu gương của các đồng chí được điều động, luân chuyển; đồng thời thúc đẩy các cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao, xung kích, tiên phong trong các phong trào thi đua. Các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn bố trí lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương đều có những chuyển biến rất tích cực trong giải quyết vấn đề nổi cộm, tồn đọng; KT-XH phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; nhiều xã, thôn vượt khó vươn lên đạt chuẩn NTM và Như Xuân đã thoát khỏi nhóm 62 huyện nghèo trong cả nước.

Đồng chí Lại Thế Nguyên - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa trao đổi: Cụ thể hóa Nghị quyết 04 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến, trong đó xác định đánh giá và điều động, luân chuyển cán bộ là hai khâu đột phá, từ năm 2012 cùng với việc ban hành hai quy chế về đánh giá tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh điều động, luân chuyển cán bộ. Đây là việc làm thường xuyên, thống nhất trong quan điểm, nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Cùng với nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân sở tại, ở những địa phương có cán bộ điều động, luân chuyển, các phong trào thi đua, lĩnh vực công tác có những chuyển biến tích cực. Phần lớn các cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tập thể tín nhiệm cao, các tầng lớp nhân dân ghi nhận qua những việc làm cụ thể. Nhiều cán bộ, đảng viên được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn. Thanh Hóa mới điều động, luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện, huyện lên tỉnh và giữa các huyện ở hơn mười vị trí chủ chốt cấp huyện, ngành. Kết quả đạt được trong điều động, luân chuyển, bố trí lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương rất khả quan, là cơ sở vững chắc để Thanh Hóa thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành bố trí bí thư, chủ tịch không là người địa phương ở 100% cấp huyện, xã, chủ động tạo nguồn cán bộ cho các nhiệm kỳ tới.

Viễn Phương


Viễn Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]