(vhds.baothanhhoa.vn) - Điều động, luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa cũng nảy sinh những vấn đề đặt ra, là thử thách không nhỏ với lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương. Tập thể lãnh đạo, tổ chức, nhân dân luôn công tâm, dân chủ, sáng suốt trong nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương (Bài cuối): Cán bộ tiên phong nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, có thể được bổ nhiệm vượt cấp

Điều động, luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa cũng nảy sinh những vấn đề đặt ra, là thử thách không nhỏ với lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương. Tập thể lãnh đạo, tổ chức, nhân dân luôn công tâm, dân chủ, sáng suốt trong nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ.

Với diện tích tự nhiên hơn 11 nghìn km2,dân số gần 3,6 triệu người, phân bố ở ba vùngmiền, Thanh Hóa mang đặc trưng “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, trong đó 11 huyện miền núi có địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Đơn vị hành chính trải rộng,khi bố trí lãnh đạo chủ chốt ở các huyện, xãkhông là người địa phương dù đã tính toán, cân nhắc, nhưng không ít cán bộ xã phải di chuyển hàng chục cây số từ nơi cư trú đến nơi công tác; nhiều cán bộ huyện xa gia đình hàng trăm cây số. Riêng cơ động từ TP Thanh Hóa lên đếnxã Mường Chanh, huyện vùng cao biên giới Mường Lát phải vượt qua chiều dài 300 km, gấp đôi quãng đường từ TP Thanh Hóa đến Hà Nội. Ngay khi điều động, luân chuyển cán bộ huyện, dù tính toán, cố gắng bố trí cán bộ chỉ phải di chuyển từ nơi cư trú đến đơn vị công tác dưới 10 km, nhưng một số cán bộ xã vẫn phải di chuyển từ 20 km đến 40 km. Tại huyện Như Xuân, ông Hà Văn Thi từ xã Xuân Bình, luân chuyển sang xã Thanh Phong phải di chuyển tới 40 km. Hay ở Bá Thước, ông Bùi Văn Sâm từ thị trấn Cành Nàng luân chuyển về xã Cổ Lũng, giữ chức Chủ tịch UBND xã cho biết: Phải di chuyển gần 35 km trong ngày nên hiện tại anh tạm thời lưu trú tại trạm y tế xã. Ngoài chính sách hiện hành đối với công chức, anh được hưởng hơn 2,8 triệu đồng/tháng theo chính sách thu hút cán bộ về công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa. Anh thường ở lại nơi công tác để có thêm thời gian giải quyết công việc thường kỳ, phát sinh trong ngày, nắm bắt tình hình địa bàn, đời sống dân sinh, nhất là cùng các chi ủy thôn, bản chỉ đạo, đôn đốc thực thi các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, phân công đảng viên, hội viên trợ giúp hộ nghèo vươn lên cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều ghi nhận là ở phần lớn các địa phương, nhất là các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn, thiếu nhà công vụ, nơi ăn, nghỉ nhưng mỗi cán bộ chủ động khắc phục, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác ở lâm trường Như Xuân, chuyển về làm việc ở các ban xây dựngĐảng thuộc Huyện ủy Quan Sơn rồi luân chuyển về xã Trung Hạ, hiện giữ cương vị Bí thư, Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Sinh phải di chuyển hơn 20 km trong ngày. Trưa ở lại công sở, báo cơm người quen và ngày tháng thoi đưa với những công việc bộn bề ở cấp xã. Ông Sinh cho biết: Hiện cấp ủy, chính quyền chú trọng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh các loại cây trồng, sử dụng phân viên nén dúi sâu trong chăm sóc lúa, cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn gia súc, xây dựng, nhân rộng mô hình rau sạch, rau an toàn, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, phát triển nghề rừng hàng hóa. Đảng cử, dân bầu, người đứng đầu càng phải cố gắng, nhất là thực thi các giải pháp thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Cán bộ huyện Quan Hóa trao đổi với hộ có nhà hư hỏng do sạt lở đất ở bản Khằm, xã Hồi Xuân về biện pháp khắc phục khó khăn về nhà ở.

Qua khảo sát cho thấy, luân chuyển nhằm đào tạo cán bộ theo quy hoạch nên phần lớn cán bộ xác định rõ mục tiêu, có động cơ phấn đấu cùng triển vọng tương lai. Cán bộ đảm đương vị trí chủ chốt đã lâu, gần đến tuổi nghỉ chế độ cần điều động để luân chuyển, đào tạo nguồn, hoặc tăng cường cán bộ cho nơi thiếu, yếu, hoạt động cầm chừng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị đạt thấp, nơi có vấn đề nảy sinh cần tăng cường sự đoàn kết thống nhất của tập thể lãnh đạo, phát huy vai trò người có uy tín trong tập hợp, nhân thêm sức mạnh tổng hợp nhằm tạo ra chuyển động tích cực ở các địa phương. Đều phục tùng phân công của tổ chức nhưng khả năng tạo ra động lực trong mỗi cán bộ diện điều động, luân chuyển khác nhau. Ở cấp tỉnh đến tuyến huyện, số lượng cán bộ điều động, luân chuyển từdưới lên không nhiều. Điều động, luân chuyển từ cấp xã lên huyện gặp vướng mắc về tiêu chuẩn, chức danh công chức; nhiều vị trí bắt buộc cán bộ phải có trình độ chuyên môn nên số lượng cán bộ luân chuyển ngang giữa khối đảng, đoàn thể và các chức danh chính quyền và ngược lại còn hạn chế. Phân tích thêm về vấn đề này, lãnh đạo ban xây dựng đảng, các địa phương, bộ phận tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ chỉ rõ: Ở một số huyện, xã, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuy có tiến bộ nhưng số lượng cán bộ đưa vào diện quy hoạch còn mỏng; thực hiện kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ chưa thường xuyên do bất cập về trình độ năng lực, khả năng đảm nhiệm công việc được giao. Mặt khác, các địa phương đều phải quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Nhiều huyện muốn đưa cán bộ trẻ từ các phòng, ban về cơ sở để đào tạo, rèn luyện, nhưng không thể bố trí do các vị trí ở cơ sở đều đã kín chỗ, buộc phải chờ các cán bộ gần đến tuổi nghỉ hưu. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt ở các cấp còn thấp. Nhiều nơi lúng túng khi thực hiện quy định phải có ít nhất một nữ lãnh đạo ở cấp xã, nảy sinh tâm lý đối phó để đạt tiêu chí NTM hoặc chờsửa đổi, điều chỉnh.

Lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương đôi khi quá quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành cũng nảy sinh những phản ứng không thuận chiều và nhiều khi mối quan hệ dòng họ, tộc người tác động không nhỏ tới kết quả bầu nhân sự chủ chốt ở địa phương, nhất là những chức danh dân bầu. Ngược lại, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lãnh đạo, điều hành, quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, kịp thời khắc phục biểu hiện gia trưởng, độc đoán, vi phạm nguyên tắc dân chủ. Cũng có ý kiến cho rằng, đôi khi bố trí các chức danh chủ chốt đều là cán bộ trẻ, nảy sinh tâm lý “dàn hàng ngang”. Quy hoạch, bố trí cán bộ hợp lý, khoa học ở ba độ tuổi sẽ tạo sự tương hỗ, trợ giúp lẫn nhau, nhất là tranh thủ uy tín, kinh nghiệm của thế hệ cao niên trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cùng chức trách được giao.

Điều động, luân chuyển cán bộ cũng nảy sinh thiếu đại biểu HĐND cấp xã, phường và một số cán bộ chấp nhận không tiếp tục hưởng phụ cấp đại biểu HĐND. Nhiều cán bộ đang công tác tại các xã 30a, 135, vùng bãi ngang ven biển, chấp nhận thiệt thòi một phần khi không tiếp tục được thụ hưởng chính sách thu hút hiện hành theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Phần lớn các huyện, thị xã, thành phố không có chính sách đãi ngộ riêng, trừ số ít cấp huyệnđiều kiện ngân sách cho phép đã ban hành chính sách hỗ trợ một lần đối với cán bộ điều động, luân chuyển. Ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện ủy Quan Hóa bộc bạch: Với cán bộ điều động, luân chuyển khó khăn rất nhiều nhưng mỗi cá nhân phải cố gắng vượt qua, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước, huyện không có chính sách, chế độ riêng đối với cán bộ điều động, luân chuyển. Người đứng đầu phải luôn mệt hơn anh em một chút, trăn trở, chăm lo gánh vác trọng trách được giao, phải “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ” vì sự phát triển của địa phương, đơn vị. Riêng trong công tác cán bộ, đòi hỏi người đứng đầu và các bộ phận liên quan phải khách quan, dân chủ, công tâm nhằm quy hoạch, đào tạo được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trao đổi, làm việc với các địa phương, bộ phận liên quan còn cho thấy việc góp ý kiểm điểm tự phê bình, phê bình, đánh giá cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu còn mức độ. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong đánh giá cán bộ còn biểu hiện nể nang, chưa thật sự khách quan. Đến thời điểm này, Thanh Hóa chưa thực hiện chủ trương thí điểm chế độ thực tập và tập sự lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm, xây dựng phương án thi tuyển cạnh tranh cũng hạn chế phần nào khả năng lựa chọn người có đức, có tài, tạo thêm nguồn cho công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng. Hiện một số địa phương mở rộng, tiếp thu nhiều kênh nhận xét, đánh giá tập thể, lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Thanh Hóa kiên quyết bố trí, sắp xếp lại hoặc cho thôi giữ chức vụ đối với những cán bộ hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, để cơ quan, đơn vị trì trệ kéo dài, mất đoàn kết nội bộ, xảy ra tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng. Những cán bộ xung phong đảm nhiệm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, gian khổ, công việc hiểm nguy, đòi hỏi hy sinh, vất vả cao mà có kết quả công việc tốt, được quần chúng tín nhiệm, có thể được bổ nhiệm vượt cấp. Căn cứ Quy định 89/QĐ-TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định 132/QĐ-TW về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị của Bộ Chính trị mới ban hành, Thanh Hóa đang cập nhật, sửa đổi hai quy chế 488 và 489 theo hướng vẫn xây dựng các thang bảng điểm, chấm điểm. Nguyên tắc chung là lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến thông tin thêm: Đánh giá và điều động, luân chuyển cán bộ gắn vớibố trí các vị trí lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương được tỉnh Thanh Hóa xác định là hai khâu đột phá, đẩy mạnh thực hiện từ năm 2012 đến nay. Chủ trương lãnh đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cán bộ, đảng viên. Từ chỗ thí điểm diện hẹp, Thanh Hóa nhân rộng và liên thông trong công tác cán bộ trở thành việc làm thường xuyên từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố và cấp cơ sở, đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tỉnh đang nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho cán bộ luân chuyển, điều động. Những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua là cơ sở vững chắc để Thanh Hóa tiếp tục thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phươngnhư tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XII) đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành bố trí cả bí thư cấp ủy và chủ tịch UBNDkhông phải người địa phương ở cấp huyện và cấp xã.

Viễn Phương


Viễn Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]