(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần được nhập, chia, điều chỉnh, thành lập... phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhưng cũng nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 15/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư KT-XH; hiệu lực hoạt động hệ thống chính trị. Sau một thời gian chủ động, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (Bài 1): Chủ động đưa nghị quyết vào cuộc sống

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần được nhập, chia, điều chỉnh, thành lập... phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhưng cũng nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 15/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư KT-XH; hiệu lực hoạt động hệ thống chính trị. Sau một thời gian chủ động, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Lãnh đạo xã trao đổi với người dân thôn Tân Hậu, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương về việc nhập xã.

Thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 15/3/2019của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 58 ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp xã hội...

Tạo sự đồng thuận

Thanh Hóa là tỉnh có số dân đông thứ 3 cả nước và đặc biệt có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập nhiều nhất (chiếm hơn 10%) trong số 63 tỉnh, thành của cả nước. Các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp do có hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đạt 50% gồm 69 đơn vị (62 xã, 7 thị trấn). Các đơn vị hành chính cấp xã liền kề sắp xếp với đơn vị chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích gồm 77 đơn vị (56 xã, 18 thị trấn, 3 phường); 1 đơn vị hành chính cấp xã thành lập mới. Để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cần có sự thống nhất, đồng thuận của các cấp, các ngành; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trên tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, sâu rộng, nhiều địa phương trong tỉnh, bằng những cách làm năng động, linh hoạt, đã tạo sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện.

Thọ Xuân là huyện có số lượng đơn vị cấp xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa với 20 xã, thị trấn. Đây cũng là huyện được đánh giá làm tốt của tỉnh với những cách làm hay. Ông Nguyễn Ngọc Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định số lượng xã sáp nhập lớn như thế thì rất khó khăn về cách làm. Càng đông thì càng khó, tác động đến tư tưởng tâm lý không chỉ người dân mà còn tác động rất lớn đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, đặc biệt là cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sẽ lan tỏa nếu làm không tốt. Huyện đã tập trung xây dựng phương án sắp xếp trên cơ sở các yếu tố về lịch sử truyền thống, điều kiện về địa lý tự nhiên, kết cấu hạ tầng kết nối giữa các xã có liên quan với nhau, từ đó để xây dựng phương án. Quá trình xây dựng phương án, huyện cũng đã tranh thủ ý kiến của Sở Xây dựng về kết cấu hạ tầng, Sở Nội vụ về định hướng, đặc biệt là huyện tranh thủ ý kiến của Chi hội lịch sử Thọ Xuân - Yên Định để xác định yếu tố lịch sử, xem xét những xã này trước đây từ những xã nào tách ra, trên cơ sở tự nhiên, kết cấu hạ tầng kết nối để xây dựng phương án.

Để chủ động triển khai các phương án sắp sếp, UBND huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy là Trưởng ban. Đồng thời thành lập 9 tổ chỉ đạo đối với 9 cụm xã phải sáp nhập do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng. Sau khi xây dựng phương án sơ bộ, huyện đã mời những cán bộ chủ chốt của các xã thuộc diện sắp xếp để họp, thống nhất. Trong quá trình triển khai, huyện đã tiếp thu các ý kiến và điều chỉnh cho phù hợp để tạo sự đồng thuận cho người dân. Đầu tiên phải là sự đồng thuận của cán bộ chủ chốt, sau đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền mới lan tỏa đến với người dân. Qua hệ thống triển khai từ trong cán bộ chủ chốt, chi bộ, đảng bộ và người dân đã có sự đồng thuận rất cao.

Chủ tịch UBND xã Xuân Tân Nguyễn Quang Hà, chia sẻ: Thực hiện phương án sáp nhập các xã Xuân Tân, Xuân Vinh, Thọ Trường, với tên gọi là Trường Xuân, cũng có một số ý kiến bà con còn tâm tư. Bản thân là lãnh đạo phải làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt ngay trong Đảng bộ, tới mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết cả ba xã trước kia cùng chia tách ra từ một đơn vị hành chính xã Thọ Trường nên có sự tương đồng về truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa, điều kiện tự nhiên, KT-XH... Việc lấy tên gọi Trường Xuân là hoàn toàn phù hợp và tên gọi rất có ý nghĩa với người dân. Trong tuyên truyền luôn luôn nhấn mạnh được lợi ích của việc sắp xếp đối với đời sống của người dân, cũng như sự phát triển của địa phương, khingười dân đã hiểu thì mọi việc đều đơn giản hơn rất nhiều.

Tránh tư tưởng xã chính, xã phụ

Đồng thuận trong việc sắp xếp nhưng câu chuyện đặt tên xã mới cũng là câu chuyện được nhiều người dân quan tâm. Ông Lê Huy Kỳ - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Quảng Xương chia sẻ: Khi mới bắt tay vào triển khai sắp xếp các xã, vẫn còn tâm tư trong một bộ phận nhỏ nhân dân về câu chuyện đặt tên xã mới. Tuy nhiên quan điểm của huyện là việc đặt tên dựa trên truyền thống lịch sử của địa phương và nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đơn cử khi sáp nhập xã Quảng Vọng với xã Quảng Phúc, phương án lấy tên đơn vị hành chính mới là Quảng Phúc thì một số người dân ở Quảng Vọng chưa thống nhất cao, nhiều người đề xuất lấy tên là Phúc Vọng. Tuy nhiên, dựa trên truyền thống lịch sử của địa phương, trong tuyên truyền phải giải thích cho bà con hiểu việc lấy tên Quảng Phúc là phù hợp, vì Quảng Vọng trước đây cũng tách từ Quảng Phúc, tên Quảng Phúc cũng là cái tên đẹp, có ý nghĩa. Sau khi được giải thích, tuyên truyền, cơ bản nhân dân xã Quảng Vọng đã thống nhất lấy tên gọi mới là Quảng Phúc.

Xung quanh chuyện đặt tên sau sắp xếp, ông Nguyễn Văn Ấp - Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cho rằng: Trong sắp xếp đừng đặt vấn đề xã nhỏ ghép với xã to, xã nào là chính, xã nào phụ, cần tránh tư tưởng đó trong lãnh đạo. Tên gọi căn cứ vào lịch sử chia tách xưa kia, quan điểm khi đặt tên dứt khoát phải có từ Lộc ở trước hoặc ở sau, phải là 2 từ. Quan điểm của huyện là khi đặt tên phải đảm bảo tính hệ thống đặt tên xưa kia.

Bà Nguyễn Thị Thơm - Trưởng thôn Yên Thường, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: "Sau khi tiếp thu chủ trương từ xã, về việc sáp nhập xã Thuần Lộc và xã Văn Lộc thành một xã, bản thân tôi đã đi tuyên truyền để người dân hiểu rõ tên gọi ngày xưa của hai xã là Thuần Lộc, vì vậy quay lại tên truyền thống Thuần Lộc là hợp lý. Tuy nhiên trụ sở chính lại lấy ở Văn Lộc, điều này cũng gây một số ý kiến trái chiều trong nhân dân. Vì vậy tiếp tục làm công tác tuyên truyền để nhân dân biết khi đặt trụ sở làm việc của các tổ chức chính trị và chính quyền tại xã Văn Lộc (cũ), sinh hoạt theo cụm, việc đi lại giao dịch cũng tương đối thuận tiện, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao".

Nếu như ở nhiều địa phương như Hậu Lộc, Thọ Xuân, Quảng Xương việc đặt tên phải bắt đầu bằng chữ đặc trưng của địa phương như chữ Lộc, Thọ, Quảng... thì ở huyện Thiệu Hóa lại có cách làm khác. Huyện Thiệu Hóa sắp xếp 6 xã, thị trấn thành 3 xã, thị trấn, sau khi sắp xếp còn 25 đơn vị hành chính trực thuộc. Xã Thiệu Minh, Thiệu Tâm thành xã Minh Tâm vì trước đây xã Thiệu Minh, Thiệu Tâm, Thiệu Hòa là xã Đại Đồng, cho nên bây giờ không còn chữ Thiệu được nhân dân ủng hộ rất cao; xã Thiệu Châu sắp xếp với xã Thiệu Tân có tên mới là xã Tân Châu; xã Thiệu Đô vào thị trấn Vạn Hà, đổi tên thành thị trấn Thiệu Hóa.

Ông Lê Văn Ngọc - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thiệu Hóa cho biết: Phương án của huyện không nhất thiết phải gắn chữ Thiệu mà xuất phát từ lịch sử Đảng bộ đã có của các đơn vị trước khi chia tách ra. Quy trình các bước được Ban Thường vụ Huyện ủy rất quan tâm để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân. Các đoàn công tác của Ban Thường vụ thường xuyên làm việc với các đơn vị sắp xếp, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của địa phương và kịp thời giải quyết thấu đáo những vấn đề mà người dân quan tâm. Quan trọng là phải tuyên truyền về chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thông qua nhiều hình thức như các hội nghị, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; cổng thông tin điện tử, truyền thanh lưu động... để dân thấy được lợi ích sau sắp xếp.

“Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cụ thể toàn tỉnh có số cử tri tham gia lấy ý kiến đạt 97,22% và tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 93,81% đã thể hiện sự đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả, hiệu lực, góp phần phát huy các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân” - ông Nguyễn Giang Nam - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Sở Nội vụ Thanh Hóa khẳng định.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa sẽ sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính của 3 xã thành 67 xã, phường, thị trấn và thành lập thị trấn mới trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Sau khi sắp xếp, Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 496 xã, 34 phường, 29 thị trấn; giảm 76 đơn vị (tương ứng 11,9%) so với thời điểm trước khi sắp xếp. Về lộ trình, phấn đấu đến ngày 1/12/2019, sẽ công bố nghị quyết về thành lập các đơn vị hành chính mới, sớm ổn định tổ chức để tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]