(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sự chủ động, linh hoạt trong từng cách làm, Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh đi đầu của cả nước về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (Bài 2): Triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả

Với sự chủ động, linh hoạt trong từng cách làm, Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh đi đầu của cả nước về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Điều thấy rõ nhất, được cho là khó khi thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thanh Hóa, đó là khi 2 xã sắp xếp lại thành một xã thì sẽ thừa công sở, trạm y tế xã...; thậm chí thừa cả hai vì không thể đáp ứng được yêu cầu của xã mới. Trong phương án lựa chọn, trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, các huyện, thị, thành phố đều chọn lấy cơ sở vật chất ở những xã có điều kiện mở rộng hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là việc sáp nhập lại bao giờ cũng xảy ra tình trạng bất cập là thừa thiếu: Thừa về số lượng và thiếu về quy mô.

Ông Hà Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, cho biết: Hội trường của thị trấn được xây dựng khang trang từ năm 2017 với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng thì đủ cho khoảng 300 người hội họp, đáp ứng được yêu cầu khi chưa nhập xã. Dự kiến khi nhập Thành Vân vào thì số lượng người tăng lên, quy mô không đảm bảo, cơ sở vật chất phòng làm việc còn thiếu thốn...

Nói về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Ngọc Thức cho rằng: “Tất cả các xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành NTM, tức là xã nào cũng có công sở rất đẹp, việc sắp xếp lại thì thừa thiếu là đương nhiên. Thừa về số lượng, ví dụ thị trấn, thị tứ thừa thì có thể khai thác bằng việc cho thuê, dịch vụ thương mại hoặc bán đất nhưng còn nhiều xã không bán được, như vậy rất là lãng phí mặc dù xã mới đầu tư”.

Để tránh tình trạng lãng phí trong việc sử dụng trụ sở làm việc, tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh vào ngày 27/5, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có chỉ đạo: Về trụ sở làm việc, theo phương án giao cho huyện quyết định. Tùy vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, trước mắt có thể vẫn sử dụng cả hai trụ sở hiện tại.

Hiện nay, nhiều huyện đã có cách làm linh hoạt trong sử dụng trụ sở làm việc. Bà Nguyễn Thị Hoài - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, cho biết: Theo phương án đã xây dựng, xã Quảng Tân sẽ sáp nhập với Quảng Phong, thị trấn Quảng Xương thành thị trấn Tân Phong. Quá trình triển khai thực hiện, qua nắm bắt tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã cũng có những băn khoăn tâm tư về nơi đặt trụ sở, cho rằng Quảng Tân là nơi có trụ sở khang trang nên đặt ở nơi đây. Tuy nhiên trên quan điểm của huyện, xã đã tích cực tuyên truyền để nhân dân thấy trước mắt lấy thị trấn là trung tâm của hai xã Quảng Tân và Quảng Phong, sau sáp nhập vẫn sử dụng hiệu quả các công sở khác. Dự kiến thị trấn sẽ là nơi giải quyết các thủ tục hành chính, các đoàn thể tập trung làm việc tại công sở xã Quảng Phong, còn công sở Quảng Tân nằm ở trung tâm có thể chuyển sang bán đấu giá cho doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nhiều vấn đề đã phát sinh được các địa phương đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện các công trình, dự án có tính chuyển tiếp; về việc sử dụng trụ sở...

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần phục vụ người dân tốt hơn.

Để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thời gian qua công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đã được các sở, ngành triển khai thực hiện kịp thời. Về trụ sở làm việc của các trạm y tế sau khi sáp nhập, theo hướng dẫn của Sở Y tế cho biết: Nhập nguyên trạng trạm y tế cấp xã nhưng vẫn duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh tại các vị trí cũ. Sau khi thành lập mới, Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã xem xét, bố trí cơ sở hoạt động của trạm y tế để phục vụ nhân dân thuận lợi nhất. Thực hiện nhập nguyên trạng số lượng người làm việc hiện có của các trạm y tế, căn cứ vào điều kiện thực tế giám đốc trung tâm y tế có phương án bố trí nhân viên xã sau khi sáp nhập, báo cáo Sở Y tế phê duyệt.

Trước băn khoăn của nhiều địa phương về trường hợp hai xã NTM sáp nhập với nhau và xã NTM sáp nhập với xã chưa đạt NTM thì hướng giải quyết như thế nào, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã kịp thời có văn bản hướng dẫn: Đối với công tác xây dựng NTM, trường hợp các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM sáp nhập lại với nhau thực hiện rà soát, đánh giá lại các tiêu chí NTM để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng xã NTM theo Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020 và xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trường hợp xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, sáp nhập với xã được công nhận đạt chuẩn NTM: Trước khi sáp nhập, thực hiện rà soát tổng thể, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí NTM theo Quyết định 1415/2017/QĐ-UBND ngày 3/5/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành bộ tiêu chí NTM tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM theo quy định.

Sở Xây dựng Thanh Hóa cũng có hướng dẫn về công tác lập quy hoạch đô thị để quản lý khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; Sở KH&CN hướng dẫn tiếp tục thực hiện duy trì, cải tiến và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 (9001:2015) tại UBND cấp xã sau khi được sáp nhập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Sở KH&ĐT hướng dẫn chuyển chủ đầu tư đối với các dự án do UBND các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp đang làm chủ đầu tư...

Chủ động đi trước đón đầu

Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra mục tiêu phải thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021, xác định khối lượng xã sắp xếp rất lớn, trong khi tháng 3/2020 bắt đầu chuẩn bị đại hội Đảng bộ cấp xã, nhưng với quyết tâm cao, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động trong mọi công việc, xác định mục tiêu phải hoàn thành trước tháng 12/2019.

Thanh Hóa đã chuẩn bị ngay từ giai đoạn Bộ Nội vụ mới khảo sát xây dựng đề án để báo cáo Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 37. Và trong khi Bộ Chính trị khảo sát, xây dựng hoàn thiện đề án và lấy ý kiến ở Sở Nội vụ, UBND, Thường trực các tỉnh thì Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị kỹ càng về vấn đề này. Cho nên nó không phải là đột xuất, tức là sau khi đề án chưa hình thành, đang trong quá trình xây dựng đề án, Thanh Hóa đã hình dung ra được khả năng sẽ phải triển khai và bám vào dự thảo đề án tập trung vào những xã không đạt 50% hai tiêu chí. Thanh Hóa đã lường được các bước, công việc cụ thể, và Sở Nội vụ đã có sự chuẩn bị xây dựng các phương án, kế hoạch, lộ trình... Tức là Thanh Hóa đã làm sớm và chủ động đi trước đón đầu trong việc sắp các đơn vị hành chính cấp xã.

Song song với những xã không đủ tiêu chí theo nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Thanh Hóa cũng yêu cầu các huyện rà soát để sáp nhập các xã liền kề với thị trấn để mở rộng không gian thị trấn, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa. Vì vậy ngoài 69 đơn vị bắt buộc, Thanh Hóa còn thêm 1 đến 2 xã để sáp nhập thị trấn trên địa bàn các huyện, nên mới có con số giảm 76 xã, phường, thị trấn, con số đó vượt yêu cầu của Chính phủ.

Khẳng định rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không phải trường hợp chia tách nên không làm chia nhỏ, phân tán nguồn lực, làm giảm tiềm năng lợi thế mà còn góp phần làm tăng nguồn lực, quy mô nền kinh tế, hiệu quả đầu tư xã hội của các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; cơ chế chính sách thu hút đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh không thay đổi bất lợi, cản trở quá trình phát triển kinh tế, không ảnh hưởng tới tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần giảm chi phí xây dựng công sở, mua sắm trang thiết bị; tiết kiệm chi thường xuyên; các nguồn lực công này sẽ được tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Chính vì việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số, hình thành đơn vị mới như giai đoạn trước đây đều được người dân đồng thuận cao vì ít xáo trộn đến đời sống dân cư, lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán địa phương; tăng nguồn lực, tiềm năng, hiệu quả đầu tư kinh tế của các địa phương, từ đó tạo điều kiện để đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa... phục vụ người dân. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm tăng quy mô, nguồn lực, hiệu quả đầu tư KT-XH gắn phát triển kinh tế với tăng cường bảo đảm QP-AN.

Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa đã theo đúng lộ trình định sẵn. Tuy nhiên vấn đề đặt là làm như thế nào để lựa chọn được cán bộ tốt, có tâm huyết, có trình độ sau sắp xếp?

Trung Hiếu - Hoàng Lan


Trung Hiếu - Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]