(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, các cấp ủy, chính quyền ở Thanh Hóa đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện và cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (Bài 1): Tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện

Trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, các cấp ủy, chính quyền ở Thanh Hóa đã vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện và cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Cũng như ở nhiều địa phương trong cả nước, thực trạng bộ máy ở Thanh Hóa còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Trong khi đó số lượng biên chế hưởng lương trong bộ máy lớn là gánh nặng cho ngân sách. Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Thanh Hóa đã đẩy mạnh sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Từ thực trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả

Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích tự nhiên 11.116 km2 (đứng thứ 5 cả nước); với 102 km bờ biển, 193 km biên giới giáp nước bạn Lào; dân số gần 3,6 triệu người (đứng thứ 3 cả nước), trong đó, có hơn 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 17,6% dân số toàn tỉnh; 250.000 đồng bào có đạo, chiếm 7,3% dân số toàn tỉnh; 27 huyện, thị, thành phố (trong đó có 11 huyện miền núi nhưng có tới 6 huyện nghèo thuộc chương trình 30a); 635 xã, phường, thị trấn (33 xã bãi ngang ven biển, 115 xã đặc biệt khó khăn); 5.971 thôn, bản, tổ dân phố.

Những năm gần đây, Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ về KT-XH, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi xuất phát điểm là tỉnh nghèo, nguồn lực tiềm năng kinh tế còn hạn chế, công nghiệp phát triển chưa đồng đều. Quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng xã hội còn thiếu; mặt bằng dân trí không đồng đều; một số sở, ngành, UBND cấp huyện còn chậm trong đổi mới phong cách, lề lối làm việc; năng lực, hiệu quả lãnh đạo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ... làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, bộ máy chính trị hoạt động từ tỉnh đến cơ sở còn cồng kềnh, phức tạp việc, dẫn đến công tác quản lý điều hành nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước. Tình trạng quy mô thôn, tổ dân phố không đồng đều, nhưng vẫn được bố trí số lượng cán bộ không chuyên trách như nhau diễn ra khá phổ biến tại nhiều thôn, bản, tổ dân phố. Tổng số công chức hành chính, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2015 và 2016 được giao theo Quyết định số 2957/QĐ-UBND ngày 10/8/2015 của UBND tỉnh là 64.933 người; Tổng số cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, phố được giao 62.543 người, trong đó có 35.143 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Theo số liệu của Sở Nội vụ, trước thời điểm sáp nhập thôn, tổ dân phố (30/6/2017), Thanh Hóa có 5.971 thôn; trung bình mỗi thôn, bản có 162 hộ, 628 nhân khẩu. Mặc dù có số lượng thôn, tổ dân phố lớn, nhưng toàn tỉnh có tới 3.773/5.971 thôn, tổ dân phố (trong đó có 2.870 thôn, tổ dân phố ở đồng bằng và 863 thôn, tổ dân phố ở vùng miền núi) chưa đảm bảo tiêu chí số hộ theo quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Thực tế cho thấy, số lượng thôn, bản, tổ dân phố nhiều làm phát sinh tổ chức, tạo ra nhiều đầu mối, làm tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, gây áp lực lên chi ngân sách địa phương. Quy mô các thôn, tổ dân phố giữa các khu vực và ngay cả trong cùng một xã cũng không đồng đều, đặc biệt là thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, nhất là trong xây dựng mới đường giao thông, hội trường - nhà văn hóa, khu thể thao là những công trình có ý nghĩa quan trọng ở thôn, tổ dân phố, nơi thực hiện quy chế dân chủ trực tiếp đến nhân dân; làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Số lượng thôn, tổ dân phố cao cũng tạo ra nhiều đầu mối trong quản lý của chính quyền cơ sở, làm giảm khả năng nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách.

Ở cấp xã, thôn là vậy còn ở cấp tỉnh, huyện tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, có mặt trùng lặp, chồng chéo, cùng một việc nhưng có nhiều cơ quan, đơn vị chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, nhưng khi quy trách nhiệm thì không thuộc cơ quan nào; nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản trong các sở, ngành làm cho bộ máy không giảm mà cồng kềnh, phức tạp, giảm hiệu lực và trách nhiệm của người đứng đầu; ngân sách được cấp phân tán, số người làm hành chính, phục vụ tăng lên. Giảm đầu mối, nhưng về tổ chức bộ máy, biên chế không giảm, có đơn vị còn tăng lên. Ví dụ như Sở NN&PTNT có 9 chi cục (nhiều hơn hai đơn vị so với quy định), 8 ban quản lý, 6 trung tâm; Sở Y tế có 2 chi cục, 27 trung tâm; Sở Nội vụ có 2 ban tương đương chi cục...

Tại Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã diễn ra tình trạng bổ nhiệm trái quy định của tỉnh.

Thực tế cho thấy, hệ thống các đơn vị công lập còn cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh. Hiệu quả hoạt động thấp, thậm chí một số đơn vị hoạt động không hiệu quả, gây lãnh phí, thất thoát, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế; có nhiều đơn vị sự nghiệp trong cùng một ngành, lĩnh vực, trên cùng một địa bàn dẫn đến lãng phí trong sử dụng cơ cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và không hiệu quả. Quá trình thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến sắp xếp, bố trí cán bộ, biên chế, chế độ chính sách và quyền lợi, trách nhiệm của công chức, viên chức. Vì vậy chưa đảm bảo việc tinh giản biên chế theo quy định. Mặc dù số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được giao năm 2017 tăng 7.858 chỉ tiêu so với năm 2011 (giao bổ sung biên chế do chuyển 525 trường mầm non bán công thành công lập), tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, định mức quy định của các bộ, ngành về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục khối mầm non, sự nghiệp y tế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công của một số ngành, địa phương chưa thực sự sát sao, còn kém hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp, vẫn còn tình trạng vừa “thừa”, vừa “thiếu”, năng lực công tác của không ít cán bộ còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao; việc thu hút nhân tài còn hạn chế, chính sách chưa hợp lý. Ngoài ra, công tác quy hoạch đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo ở một số đơn vị chưa đúng quy trình; thiếu dân chủ, công khai trong quá trình thực hiện; một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, độ tuổi, điều kiện, hồ sơ thủ tục vẫn thực hiện bổ nhiệm; có tình trạng sở, ngành, UBND cấp huyện bổ nhiệm quá số lượng cấp phó của các phòng, ban chuyên môn, cơ quan, đơn vị trực thuộc so với quy định trong cơ cấu tổ chức...

Liên quan đến công tác quy hoạch đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo ở một số đơn vị, địa phương chưa đúng quy trình, một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, độ tuổi, điều kiện, hồ sơ thủ tục vẫn thực hiện bổ nhiệm. Có thể dẫn chứng, tại Sở NN&PTNT Thanh Hóa, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở đã bổ nhiệm trái quy định 4 trường hợp và 19 trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo phòng, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc sở chưa đảm bảo tiêu chuẩn trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên theo quy định tại Quyết định 1138/QĐ-UB ngày 16/4/2002 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đến thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Nhận thức rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan của công tác xây dựng đảng hiện nay, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Quyết định số 489 ngày 5/6/2012 về Quy chế đánh giá cán bộ quản lý, lãnh đạo, trong đó đưa ra bộ tiêu chí cụ thể, có thang điểm... Đánh giá theo quy chế mới, trung bình mỗi năm có từ 5 đến 7% số cán bộ có sự thay đổi mức độ xếp loại so với tự xếp loại. Đặc biệt, Tỉnh ủy Thanh Hoá ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU, ngày 30/1/2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kế hoạch số 102 ngày 23/7/2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; tiếp tục thực hiện về chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tại các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch hành động, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình, thời gian phù hợp, hiệu quả cao.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ Thanh Hóa thì việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ tinh gọn được tổ chức bộ máy, khắc phục tình trạng trùng lặp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, giảm đáng kể số đầu mối, biên chế công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Kết quả đó sẽ tác động tích cực đến phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới.

Ngọc Huấn - Thu Thủy


Ngọc Huấn - Thu Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]