(vhds.baothanhhoa.vn) - Đổi mới, sắp xếp bộ máy liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người không thể nóng vội “ngày một ngày hai”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt từ tỉnh xuống cơ sở, việc đổi mới, sắp xếp bộ máy trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (Bài 2): Rà soát, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả

Đổi mới, sắp xếp bộ máy liên quan trực tiếp đến tổ chức, con người không thể nóng vội “ngày một ngày hai”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt từ tỉnh xuống cơ sở, việc đổi mới, sắp xếp bộ máy trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể...

Quyết liệt ở cấp thôn

Thanh Hóa là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước với tổng số 5.971 thôn, tổ dân phố và 35.143 người hoạt động không chuyên trách. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động mà còn tạo nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Theo thống kế từ Sở Nội vụ, ngân sách Nhà nước chi trả hàng năm cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố lên đến 614 tỷ đồng.

Để góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã thôn, tổ dân phố, đồng thời nâng cao hiệu quả huy động các nguồn lực của Nhà nước kết hợp với nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi ở cộng đồng dân cư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ động ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25/10/2017 về lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Trên cơ sở đó UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 phê duyệt Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố. Đồng thời thực hiện chức danh bí thư kiêm trưởng thôn, tổ dân phố.

Hà Lĩnh là một trong hai xã đầu tiên của huyện Hà Trung đã thực hiện thành công chức danh nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn ở 100% thôn. Từ năm 2010, thôn 12 là thôn miền núi của xã đi đầu thực hiện thành công nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn. Từ một thôn còn gặp nhiều khó khăn, đến nay đã có bước đột phá đi lên với hơn 50% hộ đạt khá, giàu. Bí thư, trưởng thôn Trịnh Quốc Tùng tâm sự: "Kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng nếu không có sự tâm huyết, năng lực, sức khỏe và sắp xếp công việc hợp lý thì công việc rất vất vả và khó “tròn vai”. Muốn bà con nghe, tin thì phải tạo được uy tín, gương mẫu “lời nói đi đôi với việc làm” từ phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, giữ hòa thuận trong gia đình đến đóng góp các loại quỹ, phí và tham gia các phong trào ở địa phương. Sau khi có chủ trương sáp nhập thôn 11 và 12, đồng nghĩa số hộ tăng lên gấp đôi, địa bàn rộng hơn và trọng trách sẽ lớn hơn. Nhưng tôi luôn tâm niệm, nếu được Đảng phân công, nhân dân tín nhiệm thì sẽ nỗ lực hoàn thành công việc”.

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi vừa là huyện miền núi biên giới, với cư dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đến nay huyện Quan Sơn đã có 100% bản, khu phố có bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng, trưởng thôn. Ông Chu Đình Trọng - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Để chọn được cán bộ đủ điều kiện “2 trong 1” thì những năm qua, huyện luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên trong cộng đồng bản, khu phố. Huyện có 39.000 dân thì có 3.900 đảng viên (cứ 10 người dân có 1 đảng viên). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 phấn đấu mỗi năm kết nạp 200 đảng viên toàn huyện. Như thế không lo nguồn cán bộ cơ sở. Đồng thời, cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã đa phần là cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển, không phải là người địa phương nên có tư duy mới mẻ, không định kiến, hẹp hòi, thoát khỏi tính cục bộ địa phương, dòng họ nên nhìn nhận, đánh giá cán bộ khách quan, theo hướng phát triển.

Qua hai đợt sáp nhập toàn tỉnh còn 4.393 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố (vượt so với mục tiêu của đề án, giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố), tương đương giảm hơn 9.000 cán bộ không chuyên trách. Như vậy, mỗi năm Nhà nước sẽ bớt đi gánh nặng chi trả cho đội ngũ này là con số không phải là nhỏ.

Ông Trần Quốc Huy - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh xác định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Hiệu quả từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian vừa qua cho thấy đây là chủ trương hết sức đúng đắn. Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố sẽ huy động được sức mạnh cộng đồng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá cũng như đóng góp xây dựng đường, trường trạm, nhà văn hoá trong điều kiện sức dân có hạn. Mục đích sáp nhập thôn bản cùng với nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố, ngoài nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tinh gọn bộ máy, còn là cơ sở để sửa phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, tổ trưởng dân phố theo hướng tăng lên.

TTHCC tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động tạo thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. (Ảnh: Đỗ Đức)

Khắc phục sự chồng chéo, dàn trải

Nổi bật là việc đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh (TTHCC) đi vào hoạt động. Đây là đầu mối tập trung để thực hiện việc tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo quy định, chức năng giải quyết 1.236/1.427 TTHCC của 15 cơ quan sở, ban, ngành. Có mặt tại TTHC của tỉnh, chúng tôi cảm nhận thấy các khu vực làm việc thuộc các đơn vị, sở, ngành rất đông người nhưng không ồn ào, các cán bộ đang nhiệt tình hướng dẫn người dân để làm thủ tục một cách nhanh chóng. Anh Nguyễn Văn Công (TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Tôi đến trung tâm làm thủ tục về nhà đất và được cán bộ hướng dẫn các bước hoàn thiện hồ sơ một cách chi tiết. Các bước giải quyết TTHC được thực hiện nhanh chóng bằng sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ hiện đại. Điều này rất thuận tiện giúp người dân giải quyết thủ tục nhanh chóng mà không phải mất nhiều thời gian. Tôi cảm thấy rất hài lòng trước thái độ cũng như cách làm việc cán bộ ở đây".

Có thể nói, sự ra đời của TTHCC có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và tổ chức, công dân, hướng tới một nền hành chính Nhà nước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Bên cạnh đó, hoạt động của TTHCC ở các địa phương đã và đang góp phần phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tăng tính công khai minh bạch, thu hút đầu tư, góp phần phát triển KT-XH của địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Việc thực hiện có hiệu quả mô hình TTHCC từ tỉnh đến cơ sở là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch 73-KH/TU ngày 30/1/2018 của Tỉnh ủy Thanh Hóa nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 18, Kế hoạch 73, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ tỉnh xuống cơ sở đã chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, Ban tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuyển Đảng bộ Trường Đại học Hồng Đức từ trực thuộc Tỉnh ủy về trực thuộc Đảng bộ khối cơ quan tỉnh; Xây dựng phương án hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện (huyện Thạch Thành đã thực hiện hợp nhất); 17/27 huyện, thị, thành phố xây dựng phương án nhập văn phòng HĐND và UBND cấp xã với văn phòng đảng ủy; có 2 địa phương thực hiện thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng Chủ tịch MTTQ là huyện Thường Xuân, Quan Sơn; 27/27 huyện, thị, thành phố đã bố trí xong chức danh Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện...

Trưởng ban Tuyên giáo huyện Nga Sơn, ông Hàn Duy Điều vừa nhận thêm nhiệm vụ mới kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị vào tháng 7/2018, cho biết: Nhận thêm nhiệm vụ đồng nghĩa với việc phải chủ động, sát sao hơn với công việc. Việc nhất thể hóa tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị. Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện không phải mất thời gian xin ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy sẽ triển khai nhanh chóng hơn. Đồng thời giảm được 2 biên chế và nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu của trung tâm.

Giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động

Trong thực hiện tinh giản bộ máy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện sáp nhập nhiều đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Điển hình ngày 20/10/2017, Sở VH,TT&DL công bố quyết định thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trên cơ sở sáp nhập các Đoàn Nghệ thuật: Tuồng, Chèo, Cải lương. Ông Trương Hải Thọ - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa) cho biết: “Việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống của tỉnh là yêu cầu cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của nghệ sỹ. Nhà hát có 4 đoàn nghệ thuật: Tuồng, Chèo, Cải lương và Đoàn Dân ca dân vũ. Việc ra đời Đoàn Dân ca dân vũ với hy vọng sẽ bảo tồn và mang đến công chúng yêu nghệ thuật xứ Thanh những làn điệu dân ca, dân vũ mà trước đó chưa được chú trọng, khai thác hết. Khi sáp nhập các đoàn nghệ thuật có thể bổ trợ lẫn nhau, tập hợp được những ý tưởng hay trong nghệ thuật; tập trung được tài năng, trí tuệ của các nghệ sĩ và người làm quản lý để đưa ra định hướng cho sự phát triển nghệ thuật và thành công của nhà hát trong tương lai. Mặc dù mới đi vào hoạt động gần một năm nhưng đơn vị đã dần đi vào ổn định, luôn hoàn thành tốt việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh và ngành Văn hóa".

Cùng với đó, Sở VH,TT&DL đã hợp nhất được phòng Thể thao thành tích cao và phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao thành phòng Quản lý nghiệp vụ thể thao; giải thể Trường Cao đẳng TDTT, tiếp nhận Ban Quản lý đền Bà Triệu về Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa. Từ 16 đơn vị, nay Sở còn có 12 đơn vị trực thuộc.

Sở VH,TT&DL chỉ là một trong rất nhiều đơn vị thực hiện tốt việc sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Nếu như tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm tháng 5/2015 là 2.459 đơn vị, đến tháng 4/2018 là 2.438 đơn vị; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh còn 268 đơn vị (giảm 15 đơn vị); số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc UBND cấp huyện còn 2.155 đơn vị (giảm 11 đơn vị). Năm 2017, UBND tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại 44 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề thuộc 21 huyện, thị xã, thành phố thành 22 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện, giảm 12 đơn vị...

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh bước đầu đã sắp xếp lại cả về tổ chức bộ máy, nhân lực, đẩy mạnh tự chủ về tài chính; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng càng tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong xác định vị trí việc làm và tổ chức bộ máy, nhân sự... Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 tương ứng 246 đơn vị.

Thu Thủy - Ngọc Huấn


Thu Thủy - Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]