(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc thực hiện đồng bộ giữa sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, “trên rốt ráo, dưới sáng tạo, chủ động”. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu đề ra cần có sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (Bài cuối): Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra

Việc thực hiện đồng bộ giữa sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, “trên rốt ráo, dưới sáng tạo, chủ động”. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu đề ra cần có sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị.

Giảm đầu mối gắn với tinh giản biên chế

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ngày 1/10/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 4162/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cụ thể giảm 1.395 người. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, cơ quan ngang sở rà soát lại chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lắp chưa rõ ràng hoặc bỏ sót của đơn vị mình với các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thị, thành phố. Thực hiện sáp nhập 15 ban quản lý dự án trực thuộc các sở chuyên ngành, để thành lập 5 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực trực thuộc UBND tỉnh; thành lập Viện Nông nghiệp trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở sáp nhập, tổ chức lại 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT và 1 đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở KH&CN.

Toàn tỉnh đã sáp nhập, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố, sáp nhập 30 trường tiểu học thành 15 trường tiểu học; ghép 8 trường tiểu học với 8 trường trung học cơ sở thành 8 trường tiểu học và trung học cơ sở; sắp xếp, tổ chức lại 44 trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của các huyện, thị, thành phố, qua đó giảm 13 đầu mối...

Ông Mai Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Nga Sơn cho biết: Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức theo tinh thần Nghị quyết số 39, đến tháng 6/2018, khối Đảng, đoàn thể của huyện còn 58 biên chế, giảm 4 so với năm 2015; biên chế của cơ quan UBND huyện 74 biên chế, cán bộ công chức cấp xã 547, cán bộ chuyên trách là 267, biên chế sự nghiệp giáo dục là 1.773, các đơn vị sự nghiệp khác là 47. Huyện đã sáp nhập, giảm được 66 thôn, còn 168 thôn… Để thực hiện tốt sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế, trong năm 2018, 2019, huyện thực hiện tốt việc rà soát lại các phòng, ban, sáp nhập các cơ quan, đơn vị Phòng y tế với văn phòng HĐND, UBND, trung tâm VHTT với Đài TT; Trạm thú y, trạm BVTV, trạm Khuyến nông thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp...

Có thể nói quá trình triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được chỉ đạo tiến hành bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình, thẩm quyền theo phân cấp. Các nội dung đều được cụ thể hóa thành các đề án, phương án đảm bảo giải quyết tổng thể các vấn đề về sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ, giải quyết dôi dư và tinh giản biên chế. Thực hiện đồng bộ giữa sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, bố trí, sắp xếp cán bộ đảm bảo hợp lý, đạt kết quả bước đầu tích cực...

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công ở Thanh Hóa.

Và những vấn đề cần quan tâm

Tuy nhiên, quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, bởi nó liên quan đến việc bố trí, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức. Người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Ông Nguyễn Ngọc Hồ - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Yên Định cho rằng: Để quá trình này đạt hiệu quả, không thể thiếu sự công tâm, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong nhận xét đánh giá cán bộ, trong tinh giản biên chế, sử dụng cán bộ, hay nói cách khác là việc “dùng người” cho hiệu quả. Người đứng đầu cần được giao quyền nhiều hơn trong việc tuyển dụng, và cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nói đến vấn đề tinh giản biên chế về đội ngũ CB,CC,VC, một nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng: Lâu nay, vẫn còn thực trạng một bộ phận CB,CC,VC “đi muộn về sớm”, vi phạm Luật Lao động. Nhìn khách quan thì dễ, ở bất cứ một cơ quan nào đó không khó để nhận ra ai là người làm việc và ai không, nhưng để kỷ luật thì không dễ, bởi vẫn còn tình trạng cả nể, sợ mất lòng. Mục đích của tinh giản biên chế thực chất là làm gọn bộ máy, loại bỏ những con người không làm được việc, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC. Muốn thế phải bắt đầu từ việc đánh giá, nhìn nhận lại tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của cá nhân đó tại cơ quan. Và cần có đấu tranh phê, tự phê, với một tinh thần tập thể tích cực để loại bỏ cá nhân tiêu cực, không nghiêm túc trong lao động.

Liên quan đến việc tinh giản biên chế theo Nghị định 108, bác Nguyễn Hoàng, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa bày tỏ: Một số điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo tinh thần Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đang khiến nhiều người dè dặt. Trong đó tại khoản 1, điều 6, nghị định này quy định rõ các trường hợp tinh giản biên chế, trong đó có đối tượng: “Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp” ảnh hưởng không nhỏ đến việc tự nguyện xin về hưu. Nên chăng mở rộng đối tượng tinh giản là chỉ cần cá nhân đó có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu sớm sẽ được giải quyết.

Trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào tháng 8/2018, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự vui mừng, ấn tượng về những kết quả mà Thanh Hóa đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua. Đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chỉ rõ: Cái gì đã “chín”, đã rõ thì phải làm, nhất là khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo trong tổ chức, bộ máy, giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong, đẩy nhanh việc xây dựng vị trí việc làm, việc phân cấp quản lý; phải nghiên cứu, mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình mới để chọn được các mô hình, cách làm tối ưu. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế quyết liệt, tập trunggiải quyết có trọng tâm, trọng điểm.

Theo lộ trình sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập tại Kế hoạch 102 của Tỉnh ủy, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, tương ứng với 246 đơn vị; đến năm 2025 giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập, tương ứng với 213 đơn vị. Về biên chế đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp công lập, tương ứng với 6.057 chỉ tiêu hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; đến năm 2025 giảm 10% biên chế sự nghiệp, tương ứng 5.450 chỉ tiêu hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2021 chấm dứt hợp đồng lao động tương ứng 5.783 người không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện sắp xếp tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2021 đạt 10% đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thanh Hóa tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong việc định hướng nội dung kiện toàn, sắp xếp, đổi mới hoạt động của từng cơ quan hành chính, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa toàn tỉnh. Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội,... tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu mà cơ quan đơn vị, địa phương đề ra.

Để thực hiện tốt lộ trình đề ra trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, các cấp ủy cần có quyết tâm chính trị, có giải pháp đúng, phù hợp điều kiện thực tiễn và kiên trì với giải pháp đó. Đồng thời cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.

Thu Thủy - Ngọc Huấn


Thu Thủy - Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]