(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 13 - PV), ngành nông nghiệp của tỉnh dần ghi nhận những thay đổi tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 13 - PV), ngành nông nghiệp của tỉnh dần ghi nhận những thay đổi tích cực.

Tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá

Theo Nghị quyết 13, tích tụ, tập trung đất đai được xác định là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích tụ, tập trung đất đai có tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ nông dân, ảnh hưởng đến đời sống KT-XH và ổn định tình hình ở khu vực nông thôn. Nghị quyết nhấn mạnh: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc; phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân. Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, của từng huyện, từng xã và định hướng phát triển nông nghiệp của các địa phương và phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng để có cách làm, bước đi hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Mục tiêu của tích tụ, tập trung đất đai là khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Mục tiêu trên sẽ từng bước được hiện thực hóa thông qua 5 nhóm giải pháp lớn mà nghị quyết đã đề ra, đó là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, vận động về thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức tích tụ, tập trung đất đai; xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết.

Ngày 7/3/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 819/QĐ-UBND ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó, năm 2019, toàn tỉnh sẽ triển khai tích tụ thêm 6.000 ha đất nông nghiệp, trong đó trồng trọt 2.500 ha, chăn nuôi 350 ha, thủy sản 150 ha và 5.000 ha đất sản xuất lâm nghiệp. Theo kế hoạch đến năm 2025, sẽ tích tụ thêm 32.000 ha đất nông nghiệp, trong đó 12.000 ha đất trồng trọt, 3.000 ha đất chăn nuôi, 1.000 ha đất nuôi trồng thủy sản và 16.000 ha đất lâm nghiệp. Cùng với đó, Thanh Hóa chú trọng đầu tư và thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất tại các mô hình công nghệ cao trong trồng trọt tại tỉnh Thanh Hóa đạt 500 triệu đồng/ha/năm, trong chăn nuôi đạt 600 triệu đồng/ha/năm, trong nuôi trồng thủy sản đạt 5 tỷ đồng/ha trở lên.

Việc tích tụ, tập trung đất đai mang lại sự thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Kết quả bước đầu

Trên thực tế, công tác tích tụ, tập trung đất đai đã được các địa phương chủ động thực hiện từ rất sớm. Bằng nhiều hình thức, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã phát triển được một số mô hình sản xuất tập trung, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tính đến hết năm 2018, Thanh Hóa có hơn 10.000ha trong tổng gần 250.000ha sản xuất nông nghiệp được sản xuất theo hình thức tập trung. Giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất nhỏ lẻ.

Song, Nghị quyết 13 nhận định việc thực hiện tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Bởi trên thực tế, tỷ lệ diện tích đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao so với tổng diện tích đất sản xuất vẫn còn thấp. Ở nhiều địa phương, tình hình sản xuất còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn mà chủ yếu vẫn là sản xuất nông hộ, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế. Trong khi đó, phần diện tích đất đã tích tụ, tập trung chưa gắn với đổi mới phương thức sản xuất, chưa có phương án sản xuất cụ thể nên chưa phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 13 ra đời đã định hướng rõ ràng và đưa ra giải pháp cụ thể cho ngành nông nghiệp và các địa phương. Kết hợp giữa những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước và qua triển khai các nội dung nghị quyết, nhiều nét chuyển biến được ghi nhận. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 730 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và được khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật. Hầu hết các huyện đã thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất với tổng diện tích trên 10.000ha. Các hình thức tích tụ chủ yếu gồm: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất và góp đất hoặc liên kết sản xuất. Đối tượng tham gia tích tụ, tập trung đất đai gồm các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân, trong đó các hộ gia đình, cá nhân chiếm số lượng lớn.

Được biết đến là một trong những địa phương tiêu biểu trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tính đến hết 5/2019, huyện Thọ Xuân đã tích tụ trên 1.000 ha đất để sản xuất tập trung với sự tham gia của 10 doanh nghiệp, 5 HTX và hơn 300 hộ gia đình. Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Xuân Trường, mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao của Công ty CP Nông sản Phú Gia (xã Xuân Phú), mô hình trồng trọt hiện đại của Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông nghiệp Miền Tây tại 2 xã Hạnh Phúc, Tây Hồ, cùng nhiều mô hình trang trại tổng hợp tại xã Thọ Trường... đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, các mô hình sản xuất tập trung đạt giá trị thu nhập cao hơn 1,4 lần trở lên so với sản xuất thông thường. Để phát huy những kết quả đã đạt được, huyện đề ra kế hoạch năm 2019 sẽ tích tụ thêm 170 ha. Theo đó, Huyện ủy Thọ Xuân chủ trương hỗ trợ nhà đầu tư về vấn đề pháp lý đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân để nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Còn tại huyện Hoằng Hóa, Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã xác định tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu quan trọng. Thông qua các biện pháp vận động nhân dân “đổi điền, dồn thửa”, tích tụ ruộng đất, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Toàn huyện có hàng trăm mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi nhiều ha đất lúa sang trồng các cây trồng khác và cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Những số liệu trên cho thấy, công tác tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 13 đang từng bước đạt kết quả. Tuy mới chỉ là bước đầu, nhưng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, ngành nông nghiệp, các địa phương và đối tượng chủ thể là doanh nghiệp, người dân, việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao hé mở nhiều tín hiệu khả quan.

Được biết, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đang nghiên cứu, hoàn thiện “Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai để phát triển công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, giai đoạn 2019 - 2025”. Trên cơ sở phân tích thực tế, một số chính sách không phù hợp sẽ được xem xét dừng thực hiện; đồng thời đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao là việc làm cần thiết để trực tiếp thúc đẩy quá trình này trong sản xuất nông nghiệp.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]