(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau mùa gặt, cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ, không còn nhiều người để ý đến nó nữa. Phải khi nào ruộng được phơi ải xong mới bắt đầu vụ mới, bởi thế đó là không gian lý tưởng cho lũ trẻ nông thôn trong kỳ nghỉ hè cảm xúc.

Về cánh đồng làng để nhớ những ngày tuổi thơ đáng sống

Sau mùa gặt, cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ, không còn nhiều người để ý đến nó nữa. Phải khi nào ruộng được phơi ải xong mới bắt đầu vụ mới, bởi thế đó là không gian lý tưởng cho lũ trẻ nông thôn trong kỳ nghỉ hè cảm xúc.

Về cánh đồng làng để nhớ những ngày tuổi thơ đáng sống

Cánh đồng làng sau mùa gặt thật nhiều cảm xúc. Ảnh: HĐ

Khi lúa đã về bồ nhà, người lớn vui theo cách của người lớn, còn những đứa trẻ lại thích thú theo kiểu riêng của chúng. Trẻ em ở nông thôn có những kỹ năng được rèn ngày từ khi mới biết đi. Chúng không sợ đuối nước, cũng chẳng sợ những sinh vật không mong muốn trên cánh đồng. Vậy nên, có thả lũ trẻ ra những cánh đồng làng, thì người lớn cũng không quá lo lắng.

Vì nhà tôi ăn cơm tem phiếu nên không có ruộng, cũng chẳng có trâu. Muốn ra cánh đồng làng để chơi tôi phải bắt thân với những đứa trẻ trong xóm để được chúng cho ra đồng chăn trâu cùng.

Ra đồng, ngoài chăn trâu còn được bắt cá, công việc dù quen thuộc hàng ngày nhưng đứa nào cũng thích. Cuối chiều lại nhóm lửa nướng cá. Những chú cá đắp bùn đốt bằng rơm mới, chín từ từ, bùn khô tróc ra là ăn được. Chúng tôi thường ăn kèm với rau má vặt từ bờ ruộng hoặc với ngó cây sen.

Về cánh đồng làng để nhớ những ngày tuổi thơ đáng sống

Ảnh minh họa.

Thằng Đại hơn tôi một tuổi nhưng học kém mấy lớp. Vì phải học với những đứa ít tuổi hơn nên nó xấu hổ, bỏ đi chăn vịt thuê cho Trại vịt của huyện. Mỗi mùa gặt Trại vịt lại đưa mấy nghìn con vịt về cánh đồng làng để thả. Thằng Đại học kém nhưng giỏi chăn vịt và bắt cá. Nó chỉ lội xuống cánh đồng dùng tay không loáng một hồi đã bắt được những con cá to. Nó cầm những con cá quả to như cổ tay người lớn vừa chạy trên cánh đồng vừa hét đầy phấn khích. Đúng là ông trời chẳng để cho ai thiệt. Thằng Đại không giỏi việc học những những việc cần đến chân tay thì không ai bằng. Tôi nằn nì mua nợ cá của nó đem về nhà nói dối là mình bắt được như một chiến tích. Không có tiền trả, tôi phải lấy cắp gạo đưa cho nó nhưng bị phát hiện. Bố mẹ không yêu cầu tôi phải bắt cá nhưng vì tôi tự thấy mình kém cỏi hơn những đứa trẻ trong làng, nên không chịu.

Những lần sau thì tôi phải trả cho nó bằng công. Thằng Đại bắt tôi đuổi vịt cùng, quần dính đầy cỏ may, ướt sũng, sặc mùi phân vịt. Cuối buổi tôi nhảy xuống sông Hoạt tắm, xong phơi quần trên bờ đến lúc nhan nhát khô mới mặc để về nhà. Có lần bị lũ trẻ trong xóm giấu mất, chỉ biết ngồi khóc, may có đứa tốt bụng về báo mẹ tôi đem quần ra để mặc mà về nhà.

Chăn vịt là công việc không hề nhẹ nhàng, nhưng đủ để những đứa trẻ như tôi thích thú. Lũ vịt sợ bùi nhùi nên chúng tôi quản lý bằng cách đặt những con bùi nhùi rơm ở những bờ ruộng ngăn cho vịt không sang cánh đồng khác dễ lạc đàn.

Có lần bị đứa nào xấu bụng nhổ hết bùi nhùi, thế là lũ vịt đi hết sang trại vịt bên cạnh, phải mấy ngày sau mới đuổi chúng trở lại chuồng. Chúng tôi bị người quản lý trại vịt phạt, dọa bắt lên công an xã. Sợ quá chúng tôi xin chuyển sang nuôi vịt con. Những chú vịt xinh xắn như cục bông, ngoan hiền, chỉ bơi trong cánh đồng, kệ chúng tôi ngồi trên bờ để chơi đùa hoặc đi bắt cá. Có lần một chú vịt con chết, chúng tôi bàn nhau chôn cất. Thằng Đại cắt bẹ chuối làm quan tài, còn tôi thì dùng gậy đuổi vịt đào huyệt, lấy cỏ may làm hương, quỳ vái lạy…

Về cánh đồng làng để nhớ những ngày tuổi thơ đáng sống

Ảnh minh họa

Những câu chuyện con trẻ cứ thế trôi đi một cách hồn nhiên quên vất vả, quên cả cái đói nghèo. Tôi may mắn được học lên cao, thoát ly khỏi lũy tre làng, cánh đồng và dòng sông Hoạt gắn bó với tuổi thơ mình.

Bận việc nên cứ mãi lỡ hẹn với cánh đồng làng. Hôm rồi về quê, tôi dẫn lũ trẻ đến cánh đồng nơi có trại vịt cũ gắn với những ký ức tuổi thơ mình. Tôi đứng nhìn xa xăm ra cánh đồng sau mùa gặt, những gốc rạ chỏng chơ, lòng nặng trĩu. Nghe kể thằng Đại đi nghĩa vụ quân sự, phục viên về làng lại tiếp tục theo nghề nuôi vịt, nhưng không may dính dịch bệnh khiến nó thất bát, mất nhà phải bỏ đi biệt xứ. Những đứa khác cùng lứa cũng mỗi đứa một việc, nhưng cơ bản không được ưng ý. Nghề nông ở làng dù đã hiện đại hóa rất nhiều nhưng cũng chỉ khiến thoát đói, chưa thể hết nghèo ngay được. Một làng quê chỉ hai vụ lúa khó để cho nông dân mơ xa. Đã thấp thoáng những gia trại trên những gò đất cao giữa cánh đồng, nhưng tương lai còn phụ thuộc nhiều điều lắm.

Về cánh đồng làng để nhớ những ngày tuổi thơ đáng sống

Lúa trên cánh đồng làng dù gặt rồi vẫn để lại rơm thơm, để người đi xa vẫn luôn nhớ về. Ảnh: HĐ

Trên cánh đồng làng sau mùa gặt không còn ai đi bắt cá như thời chúng tôi nữa. Đồng làng bị lạm dụng trong việc phun thuốc trừ sâu khiến cho cua, cá chết dần, dai như con đĩa cũng chết. Tôi cố để kể về đàn chuồn kim bay lượn như thế nào trên những triền cỏ may kia cho con tôi, nhưng chúng không thể hình dung ra. Tôi cũng mô tả những bước chân mình tất tả trên cánh đồng làng. Mô tả cả những vui buồn của tuổi thờ một cách cặn kẽ, nhưng rất khó để chúng hiểu ra.

Vốn sống, sự hiểu biết của chúng về nông thôn là quá ít, nhất là khi nông thôn những năm gần đây đã thay đổi chóng mặt. Mọi thứ phải thay đổi để thích ứng với nhịp sống của người làng. Đó là tất yếu, nhưng vẫn khiến tôi - một đứa trẻ sinh ra từ làng, lớn lên từ làng thấy tiếc nuối.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]