(vhds.baothanhhoa.vn) - Ẩn trong màn sương thanh xuân xa lắc, giờ tóc pha sương ngắm lại bài thơ thấy lấp lánh, ngỡ như trái tim Mai Linh đang hồi sinh dưới từng câu chữ.

Với Mai Linh và "Hồi ức chuồn chuồn"

Ẩn trong màn sương thanh xuân xa lắc, giờ tóc pha sương ngắm lại bài thơ thấy lấp lánh, ngỡ như trái tim Mai Linh đang hồi sinh dưới từng câu chữ.

Với Mai Linh và “Hồi ức chuồn chuồn”

Nhà thơ Mai Linh.

Bồi hồi nhặt lên/ ... xa xưa năm tháng.

Chúng tôi gặp Mai Linh, người bạn thân quý cùng học trường cấp ba Lam Sơn, Thanh Hoá vào ngày 31-12-2014, ngay tại nơi làm việc của bạn. Khi đó Mai Linh đang là Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng biên tập Báo Tổ quốc, người lập ra trang “Văn học quê nhà”. Đó là cuộc gặp gỡ đầy ắp niềm vui giữa mùa đông Hà Nội, mùa “lá đỏ thay hoa đậu trên vai phố”. Nào có ai ngờ, ngày cuối cùng của năm 2014 cũng là lần cuối cùng, được gặp Mai Linh trong cuộc đời này. Vào ngày 20-9-2015 (tức ngày 8-8 năm Ất Mùi) chọn một ngày mùa thu, bạn đã theo Từ Thức, về lại nơi cuối trời.

Tôi đã đọc lại, đọc chậm những tập thơ “Hồi ức chuồn chuồn” (1995),“Thơ kí gửi” (2000), “Cho” (2004) “Thu” (2006)... Đọc mà cứ như lần đầu được đọc, đọc chậm, đọc sâu. Bỗng muốn được viết đôi lời, thay vì một nén hương thắp cho bạn, người bạn ngày xưa học lớp chuyên văn, nhà thơ tài hoa người xứ Thanh đã về miền mây trắng, đến hôm nay là tròn bảy năm rồi.

“Mực như là máu thấm vào trong”, mình vẫn biết ngòi bút của bạn là thế, chưa kể vốn kiến thức thâm hậu nữa. Ngày trước, dẫu không đọc theo kiểu “dòng sông chảy xiết…” nhưng thơ Mai Linh mộng mơ, lãng đãng như cánh chuồn chuồn cõng nắng, đẹp như tranh, nhưng quả thật, đôi khi mình thấy khó mà nắm bắt được hồn vía của thi nhân. “Thơ là người”, thơ của Mai Linh, những cảm xúc luôn thấm sâu vào trong cách viết phá cách khác lạ, vì thế, cảm nhận hết những vỉa tầng ý nghĩa, quả thật, cũng không hề dễ.

Với Mai Linh và “Hồi ức chuồn chuồn”

Nhà thơ Mai Linh (bên phải) tại nhà nhạc sĩ Văn Cao, năm 1995. (Ảnh tư liệu)

Bài thơ dưới đây của Mai Linh là một dẫn chứng cụ thể cho phong cách Mai Linh:

"Hồi ức chuồn chuồn.

Hồi ức là con chuồn chuồn

đậu lại bay đi

đôi cánh mỏng dính một ngày nắng

con chuồn chuồn cõng cơn mưa qua một ngày ráo tạnh

đã một thời ta đứng ngẩn ngơ

bắt hụt con chuồn chuồn màu đỏ ớt

con chuồn chuồn vụt bay lên như một giọt sáng bất ngờ

Hồi ức là con chuồn chuồn

đậu lại bay đi

Em gần ta những tháng ngày đẹp nhất

niềm vui dòng sông nỗi buồn nước mắt

mỏng manh em yếu đuối

một cánh chuồn em trút lại

tấm áo choàng hạnh phúc

xa vắng làm cỏ mọc nhanh hơn

Hồi ức là con chuồn chuồn hình chiếc lá rơi

xa xưa năm tháng

hồi ức

lúc ta bồi hồi nhặt lên, lúc ta mơ hồ quên lãng

con chuồn chuồn đậu lại bay đi".

(Mai Linh, trích trong tập thơ “Hồi ức chuồn chuồn”, xuất bản năm 1995)

Ẩn trong màn sương thanh xuân xa lắc, giờ tóc pha sương ngắm lại bài thơ thấy lấp lánh, ngỡ như trái tim Mai Linh đang hồi sinh dưới từng câu chữ. Mỗi một câu thơ luôn là một mảnh tâm hồn bạn: mơ mộng, trong sáng, trẻ trung, phóng túng... mà sâu sắc đến không ngờ. Hẳn rằng, chỉ có những gì thật là thơ, xứng đáng với thơ mới có khả năng kì diệu ấy!

Chạm vào khổ thơ đầu tiên, lòng mình bỗng thấy bồi hồi như được gặp lại ấu thơ ở xứ Thanh, những năm tháng rời thị xã Thanh Hoá sơ tán về những làng quê xa thăm thẳm. Những con sông dài thao thiết chảy. Những ngọn núi cao chạm mây trời. Những ngôi làng hiền hòa nép dưới rặng dừa xanh. Những cánh đồng lúa yên ả dưới những bờ ruộng xanh mát bóng kè - những lá kè như những mặt trời xanh mà mỗi lúc nấp dưới hầm trú ẩn, ngửa mặt lên, đám trẻ con đơn độc sợ hãi vì tiếng gầm rít của máy bay Mỹ, tiếng bom rung, đạn nổ ì ầm vọng lại luôn cảm thấy được chở che, vỗ về. Nhưng khi ấy cũng có rất nhiều những khoảnh khắc bình yên, thơ mộng đến khó quên. Ấy là mỗi lúc đi học về, theo triền đê vắng vướng đầy hoa cỏ may với niềm say mê thường trực là rình bắt chuồn chuồn. Chuồn chuồn chúa, chuồn chuồn kim, chuồn chuồn mắm... lúc bắt được, lúc vụt bay, thổn thức mãi. Những kỷ niệm ấu thơ ấy, bay vào thơ Mai Linh, ở lại, trong những câu thơ giàu cảm xúc, mang đường nét, sắc màu hội họa như một bức tranh đẹp đến khó quên:

"đã có một thời ta đứng ngẩn ngơ

bắt hụt con chuồn chuồn màu đỏ ớt

chuồn chuồn vụt bay lên như một giọt sáng bất ngờ!".

Khi tuổi thơ qua đi, thế hệ chúng tôi trở về thị xã sau khi Hiệp định Paris được kí kết. Học hết cấp 2 trong im vắng tiếng bom rồi được vào học ở ngôi trường cấp ba Lam Sơn đầy tự hào - trường tôi là nơi đào tạo bao thế hệ học sinh giỏi tung cánh muôn phương, cũng là nơi cất giấu tuổi trẻ của chúng tôi ở đó, đẹp như một giấc mơ. Với Mai Linh, theo như tôi biết, “giọt sáng” là người bạn gái xinh xinh có nét thanh mảnh, luôn mỉm cười... bạn ấy, Linh nói, như một cánh chuồn cõng nắng đậu lại rồi vụt bay đi, để lại bao buồn nhớ:

"em gần ta những tháng ngày đẹp nhất

niềm vui dòng sông nỗi buồn nước mắt

mỏng manh em yếu đuối

một cánh chuồn em trút lại

tấm áo choàng hạnh phúc

xa vắng làm cỏ mọc nhanh hơn".

Với Mai Linh và “Hồi ức chuồn chuồn”

Những câu thơ lưu dấu những rung động đầu tiên, những rung cảm mong manh như có như không nhưng lại luôn là ngọn nguồn của những nỗi niềm: “niềm vui dòng sông nỗi buồn nước mắt”, niềm vui, nỗi buồn theo đó luôn tràn đầy, chảy mãi theo năm tháng đời người. Trên cánh đồng của tâm hồn, cánh chuồn chuồn đẹp như thơ ấy, đậu lại, bay đi, mất hút: “Xa vắng làm cỏ mọc nhanh hơn”. Bàng bạc một nỗi nhớ buồn xanh biếc màu cỏ giêng hai. Mai Linh đã đem theo nỗi huyền nhớ ấy suốt một trai trẻ - một thời trận mạc, một thời sinh viên ở nước Nga, viết thành những câu thơ nhẹ nhàng, lãng đãng mà chứa chan bao bồi hồi, thiết tha, nuối tiếc: “Hồi ức là con chuồn chuồn đậu lại bay đi...”. Những kỷ niệm luôn có một sự sống riêng, một khả năng đặc biệt như cánh chuồn chuồn cõng cơn mưa qua một ngày ráo tạnh! Ừ Mai Linh, ít ai viết về những vang ngân của những rung động khi vừa chớm thanh xuân với nhiều liên tưởng thơ trẻ dễ thương như cái cách của bạn. Trong Mai Linh luôn có “giọt sáng” ấy, thứ ánh sáng trong khiết không hiện diện thường xuyên trong cuộc sống thường nhật đầy lo toan nhưng vào những khoảnh khắc vui buồn, ý nghĩa nhất của cuộc đời thường hiện ra như một ánh hồi quang dịu dàng, rực rỡ. Vẫn “roi rói bông hồng vụng dại”, dù thời gian đã khiến chàng thi sĩ bạc đầu:

"anh cầm ba mươi năm tươi mãi

qua chiến tranh

đổ vỡ

hạnh phúc

những gai hồng mưng mủ giọt sương".

(“Xưa”, trích trong tập thơ “Cho”, xuất bản năm 2004)

Vẫn thế, vẫn chỉ như là “giọt”- “giọt sương” đọng trên bông hồng ban mai nhưng đầy khắc khoải...

Dòng thời gian cứ trôi đi, vào cái tuổi cổ thụ của đời người, chùm rễ năm tháng lại bật mầm dào dạt:

"Chùm rễ tuổi hai mươi bật hết lộc non lên

ta có bốn ba năm mưa phùn và hơi sương trong kí ức

những dòng sông như đã ngừng trôi

cây lá quẫy héo tàn miền sinh lực

(...) Em trẻ trung như vừa mới đến.

Mưa hoa râm trên tóc tuổi đôi mươi".

(“Không đề”, trích trong tập thơ “Cho”, xuất bản năm 2004)

Tâm hồn Mai Linh luôn đi ngược tháng ngày giúp độc giả hiểu vì sao “Hồi ức là con chuồn chuồn, đậu lại bay đi...”, là một câu thơ có cấu trúc vòng tròn, lặp liên hoàn ở vị trí đầu tiên của cả ba đoạn thơ. Đó chính là một nốt nhấn, nốt nhạc lòng cho những gì không thể quên, không thể xoá nhòa. Chỉ có những rung cảm tuyệt đẹp, những hồi ức từng khiến con người ta ngẩn ngơ, tiếc nuối khi đánh rơi mới có thể đem lại cái cảm giác bồi hồi như thế mỗi lúc nhặt lên.

Vậy là, từ rất trẻ, thay vì cách sử dụng vần điệu, thán từ trong thơ như một phương tiện không thể thiếu của thế hệ chúng tôi ngày ấy, Mai Linh không đi trên những lối mòn như thế, bạn đã vẽ nỗi tiếc nuối bằng hình ảnh, man mác nỗi người bằng tâm hồn một hoạ sĩ:

"Hồi ức là con chuồn chuồn

hình chiếc lá rơi

xa xưa năm tháng".

Cách viết của bạn không câu nệ vần điệu, phóng túng trong câu chữ, sử dụng những hình ảnh cụ thể để kí gửi những cảm xúc thẳm sâu mà có lẽ lời lẽ không bao giờ nói hết:

"hồi ức

lúc ta bồi hồi nhặt lên lúc mơ hồ quên lãng

con chuồn chuồn đậu lại bay đi".

Quả là một định nghĩa rất hay trong lối viết vừa cụ thể vừa khái quát, rất Mai Linh. Những câu thơ khác người nhưng đi qua tuổi học trò soi vào, ai cũng thấy mình ở đó. Những tình cảm như nắng vương trên sân trường, vẫn thấy đấy mà không thể nào lấy lại được - giọt sáng đọng lại, tỏa nắng vĩnh cửu trong thơ Mai Linh.

Mai Linh là thế, hồn hoạ sĩ ẩn trong hồn thi sĩ, lý trí trái tim đã làm nên những câu thơ giàu chất hội họa, chất thơ và cả chất triết lý. Giờ đọc lại, thấy thơ Mai Linh vừa rất trẻ trung, phóng túng vừa già dặn, uyên thâm. Giấu dưới vẻ ngoài lãng đãng, hào hoa, tài tử là một Mai Linh rất son sắt, thuỷ chung với... chính mình.

Đáng quý hơn cả là Mai Linh đi nhiều, đâu như 130 nước, nhưng những bài thơ hay nhất trong thơ bạn vẫn là những bài thơ viết về bà, về mẹ, về quê nhà - xứ Thanh yêu quý, nơi để lại hồn vía, cốt cách trong thơ Mai Linh. Như thế là sống thật đầy rồi bạn ơi! Ừ, “Buồn vui dòng sông nỗi buồn nước mắt”... mà đã là dòng sông thì không ngừng chảy...

Cảm ơn vì Mai Linh đã tặng cho mình những tập thơ của bạn, để hôm nay, bảy năm kể từ ngày bạn về miền ánh sáng, mình lại bồi hồi nhặt lên cùng với tiếng mưa thu thầm thĩ. Mình rất nhớ những câu này của bạn:

"...Ngước mắt nhìn bầu trời xanh, tán lá xanh, con chim xanh

Chỉ màu xanh mới không rụng xuống!".

Hẳn thế, mái trường Lam Sơn mến yêu và bạn bè thân thiết (khoá 1973- 1976) mãi nhớ và tự hào về bạn!

Ừ Mai Linh, thơ là những gì còn lại sau tất cả.

Bạn luôn đúng, thi sĩ ạ!

Nguyễn Thị Lan Phương


Nguyễn Thị Lan Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]