(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo quan điểm của những người hiểu biết chữ nghĩa, việc xin, cho chữ đỉnh cao phải đến trong trường hợp “vô tình đi ngang qua” được thầy đồ gọi lại cho chữ. Kiểu “một anh mệnh thiên thượng hoả, ngày đầu năm du Xuân qua Văn Miếu, khi đi qua một quầy cho chữ được thầy đồ gọi lại cho chữ Nhẫn thì thật là phúc lộc quanh năm”. Đấy mới là chữ duyên trong xin, cho chữ. Nhưng có mấy người có được cái may mắn ấy. Việc xin – cho là chuyện bình thường, có điều nhiều năm gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng, có sự dịch chuyển từ xin chữ sang mua chữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xin chữ hay mua chữ?

Theo quan điểm của những người hiểu biết chữ nghĩa, việc xin, cho chữ đỉnh cao phải đến trong trường hợp “vô tình đi ngang qua” được thầy đồ gọi lại cho chữ. Kiểu “một anh mệnh thiên thượng hoả, ngày đầu năm du Xuân qua Văn Miếu, khi đi qua một quầy cho chữ được thầy đồ gọi lại cho chữ Nhẫn thì thật là phúc lộc quanh năm”. Đấy mới là chữ duyên trong xin, cho chữ. Nhưng có mấy người có được cái may mắn ấy. Việc xin – cho là chuyện bình thường, có điều nhiều năm gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng, có sự dịch chuyển từ xin chữ sang mua chữ.

Xin chữ hay mua chữ?

Ngày càng có nhiều người trẻ tham gia viết thư pháp. Ảnh: Trần Đàm

Tục cho chữ ngày xuân đã có rất lâu đời ở Việt Nam. Nó không chỉ chứng tỏ về khát vọng vào tương lai của mọi người mà còn là minh chứng cho truyền thống tôn sư, trọng đạo, lấy nhân, nghĩa, đức, trí, tín để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khi văn minh phương Tây du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, những ông đồ Nho dần “mất giá” và bị thay thế bởi một lớp người Tây học dạy chữ Quốc ngữ. Tục viết chữ, cho chữ hay xin chữ ngày xuân cũng dần mai một theo biến thiên lịch sử, những ông đồ trở thành “những người muôn năm cũ”.

Bước sang thế kỷ 21, khi kỹ thuật công nghệ cao đang dần làm thay đổi bộ mặt cuộc sống, khi thông tin chỉ còn tính trong khoảnh khắc của từng giây phút, khi những người trẻ được gọi là thế hệ @, thế hệ số, thế hệ 4.0..., thì hình như tâm hồn người Việt lại hướng về những nét đẹp truyền thống dân tộc, tục xin chữ – cho chữ đầu năm lại được nhiều người quan tâm.

Trước đây người đến xin chữ trong một tâm thế “an nhiên”, không hề tính toán xin chữ gì cụ thể, ông đồ cho chữ nào thì nhận chữ đó. Nhưng không biết từ bao giờ, người cho chữ và xin chữ đã trở thành người bán chữ và người mua chữ và trong số hàng trăm người đang bán chữ ở các chùa, đình, miếu hiện nay, có phải ai cũng là “ông đồ” am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ viết ra, có “thần”, “lực”, “khí” trong từng nét bút?

Mua chữ, nhiều nhà thư pháp cho rằng: Quá nặng nề. Theo chia sẻ của nhà thư pháp Tô Xuân Bảng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Thanh Hoa: Hiện CLB có 18 thành viên tham gia, người cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Văn Tấn đã ở tuổi 90, người ít tuổi nhất là Hoàng Trọng Tuyển cũng ngoài 30 tuổi. Trong số đó, người trẻ chiếm phần đông, vì thế họ phải lo cơm áo gạo tiền cho gia đình và thực hiện trách nhiệm với xã hội. Còn nhà thư pháp Hà Văn Bôn kịch liệt phản đối: “Dùng chữ “mua” là sai. Ai cũng hiểu để thực hiện nghi thức xin cho, nhà thư pháp, hay các thầy đồ phải mua một tờ giấy 25.000 đồng, đó là giá mua cả thùng, cả kiện đấy. Chưa kể còn mực, còn bút lông và hơn hết là phải gian nan tập luyện, cha mẹ nuôi ăn học bao năm. Trả cho thầy tí công sức coi như chút lòng thành, sao lại nặng nề dùng từ: bán - mua?. Nhãn tiền là làm nghề này có “ông đồ” nào giàu đâu? Phải là người khá trong nghề mới đủ nuôi vợ nuôi con”... Ông Hà Văn Bôn còn chỉ sang “ông đồ” trẻ Hoàng Trọng Tuyển: “Đấy, ngoài chất liệu truyền thống là giấy gió, Hoàng Trọng Tuyển còn cách điệu sáng tác những bức thư pháp trên gỗ, đá, trái cây, vải vóc... Tuyển là người làm nghề chuyên nghiệp đấy, nhưng may ra thì đủ sống”.

Ông Bôn còn chia sẻ thêm: Nếu bạn đến Văn Miếu, trước tiên vào cửa mua một tờ giấy có giá 200.000 đồng, sau đó xin chữ nào thì xin. Có năm, người xếp hàng rồng rắn 2 cây số để chờ xin chữ; có thầy đồ viết chỉ 52 giây/ chữ, nếu tính ngày 8 giờ làm việc, thì thầy “sản xuất” được bao nhiêu chữ? So sánh có thể là khập khiễng vì ở đất kinh kỳ, người thích chữ Nho, quan tâm đến chữ Nho là rất lớn. Nhưng chính sự đông đúc này, cách cho chữ và nhận chữ trong những năm gần đây khiến cộng đồng mạng xã hội từng đặt câu hỏi: Liệu việc xin chữ, cho chữ có bị biến tướng? Tuy vậy, ông Bôn khẳng định, không phải ở đâu cũng có điều kiện để biến tướng.

Kể từ Tết Canh Ngọ (năm 2000), lần đầu tiên Thanh Hóa tổ chức hoạt động cho chữ đầu năm. Cũng từ đó, đến hẹn lại lên, các nhà thư pháp và những người mê thư pháp vào những dịp tết đến xuân về lại nhộn nhịp xin - cho.

Trong số những “ông đồ” thời nay, ngoài một số am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu sa của chữ viết ra, có “thần”, “lực”, “khí” trong nét bút, thì không hiếm những “ông đồ” xem việc viết chữ như một cách kinh doanh kiếm tiền.

Với những người xin chữ khó tính thì cho rằng: Người viết hiện tại hiếm có ai vì cái tâm mà viết chữ, họ viết là để kinh doanh chữ, viết không cần tình mà cần tiền. Còn người đi xin chữ, phần lớn xem như một thứ trang trí ngày tết, ít hiểu được ý nghĩa cao quý của chữ, nên mới có chuyện chữ đắt, chữ rẻ.

Quan điểm xin – cho hay mua – bán suy cho cùng cũng là nhãn quan của mỗi người. Điều quan trọng hơn hết, thiết nghĩ là mỗi người viết chữ cần phải nghiêm túc nâng chất lượng chữ, tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, tránh việc biến một nét đẹp văn hóa trong phong tục truyền thống thành một kiểu công nghệ, hoặc phong trào làm mất đi ý nghĩa đích thực.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]