(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, nhiều bản người Mông của huyện Mường Lát đã thực hiện tang ma theo nếp sống mới đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, còn nhiều trưởng dòng họ, người có uy tín, thậm chí có cả đảng viên kiên quyết không từ bỏ hủ tục. Bên cạnh đó, 24 bản Mông (trừ 7 bản xã Pù Nhi) tham gia Đề án chưa có nghĩa địa và đường giao thông từ bản đến nghĩa địa sẽ giải quyết như thế nào để đạt mục tiêu: 100% đám tang thực hiện tang ma theo nếp sống mới và 100% bản có nghĩa địa tập trung và đường giao thông từ bản đến nghĩa địa đi lại thuận lợi cả 4 mùa trong năm... vào năm 2020 đang là khó khăn lớn đối với huyện nghèo Mường Lát.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóa hủ tục lạc hậu trong tang ma đồng bào Mông Mường Lát: Gian nan cuộc hành trình (Kỳ cuối) Để những bản Mông không còn hủ tục trong tang ma

Gần 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, nhiều bản người Mông của huyện Mường Lát đã thực hiện tang ma theo nếp sống mới đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, còn nhiều trưởng dòng họ, người có uy tín, thậm chí có cả đảng viên kiên quyết không từ bỏ hủ tục. Bên cạnh đó, 24 bản Mông (trừ 7 bản xã Pù Nhi) tham gia Đề án chưa có nghĩa địa và đường giao thông từ bản đến nghĩa địa sẽ giải quyết như thế nào để đạt mục tiêu: 100% đám tang thực hiện tang ma theo nếp sống mới và 100% bản có nghĩa địa tập trung và đường giao thông từ bản đến nghĩa địa đi lại thuận lợi cả 4 mùa trong năm... vào năm 2020 đang là khó khăn lớn đối với huyện nghèo Mường Lát.

Xóa hủ tục... còn đó những khó khăn

Nằm trong số 16 bản Mông của huyện Mường Lát tham gia Đề án Tuyên truyền thực hiện văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay, bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu vẫn chưa thực hiện tang ma theo nếp sống mới.

Về thực trạng này, Bí thư Đảng ủy, đồng thời là Trưởng ban Tuyên truyền, Vận động xã Quang Chiểu - ông Lương Văn Làn giãi bày: Sở dĩ các đám tang ở bản Pù Đứa đến nay vẫn còn giữ nguyên hủ tục do các trưởng dòng họ, người có uy tín còn mang nặng tư tưởng “bảo thủ”. Vì vậy, họ sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình để “cố giữ” cho được những hủ tục mà họ coi đó là “báu vật” của tổ tiên bao đời truyền lại. Và cụ Lâu Văn Hự là điển hình cho lớp người “cố thủ” ở bản kiên quyết không chịu bỏ hủ tục.

Ông Làn cho hay: Khi nghe tin vợ của cụ Hự là bà Thao Thị Dợ qua đời, Ban Tuyên truyền, vận động của xã và Tổ Tuyên truyền, vận động của bản đã đến gia đình vận động, thuyết phục cụ Hự: Đưa thi thể cụ bà vào quan tài, không để lâu ngày trong nhà nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tốt cho sức khỏe. Đồng thời, vận động cụ không giết mổ nhiều trâu, bò gây tốn kém và lãng phí... nhưng cụ kiên quyết không nghe. Địa phương đành “nhờ” Ban Tuyên truyền, vận động của huyện cùng vào cuộc hỗ trợ. Tuy mất khá nhiều thời gian để vận động, thuyết phục nhưng cụ không nghe và còn tuyên bố: “Nếu cán bộ cứ ép, bắt ta phải từ bỏ, ta sẽ chết... cho cán bộ vui lòng. Và khi ta về với Giàng, muốn tổ chức tang ma như thế nào là do cán bộ. Còn một khi ta đang sống, ta kiên quyết không cho phép bất kỳ ai được thay đổi truyền thống tang ma của người Mông”.

Trong tình cảnh này, ông Làn cho biết: Chúng tôi đành chấp nhận chịu thua vì “lực bất tòng tâm”. Vì vậy, đám tang của bà Thao Thị Dợ kéo dài tới 5 ngày; giết mổ 5 con trâu, bò và nhiều lợn, gà khác. Đặc biệt thi thể của cụ Dợ không được bỏ vào quan tài mà bó chặt rồi treo lên vách. Trước ngày đưa cụ Dợ đi chôn, cụ Hự còn tổ chức cho con cháu phơi xác cụ bà một ngày. Đủ 5 ngày để cụ Dợ ở nhà cúng bái và ăn uống linh đình, cụ Hự mới đồng ý để con cháu khênh xác cụ bà đem đi chôn cất.

“Rào cản” trong việc xóa hủ tục tang ma không dừng lại ở những con người là trưởng dòng họ hay người có uy tín trong bản còn mang nặng tư tưởng “bảo thủ” như cụ Hự mà còn do những đảng viên không làm tròn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cách đây chưa lâu, bà con bản Tà Cóm, xã Trung Lý còn xầm xì, bàn tán việc Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền, vận động của bản - ông Sùng A Tông tổ chức tang ma cho bố là ông Sùng A Dơ theo hủ tục cũ. Ngoài việc không đưa xác ông Dơ vào quan tài; tổ chức tang ma kéo dài 5 ngày, đám tang của ông Dơ còn giết mổ 5 con trâu, bò... và cũng tổ chức cúng bái, ăn uống linh đình ngay cạnh xác chết.

Không chỉ có Sùng A Tông, ngày 10/06 vừa qua, Bí thư, Trưởng bản Ma Hát, xã Trung Lý - ông Vàng A Dìn đã tổ chức tang ma cho con trai là Vàng A Hải tới 3 ngày. Tuy đám tang này, ông Dìn đã đưa thi thể con trai vào quan tài nhưng do để ở nhà quá 1 ngày và không chôn ở nơi quy định nên ông Dìn bị cấp ủy nhắc nhở và không nhận được mức hỗ trợ 8 triệu đồng (trong đó, 5 triệu hỗ trợ mua quan tài và 3 triệu hỗ trợ gia đình tổ chức tang ma) theo quy định của tỉnh.

Đang là người đi tuyên truyền, vận động người dân, nhưng ông Tông và ông Dìn không gương mẫu chấp hành tang ma theo nếp sống mới, không những đã tác động tiêu cực đến việc vận động bà con từ bỏ hủ tục mà còn làm giảm lòng tin, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục tang ma. Vì lẽ đó, nên thực hiện tang ma theo nếp sống mới 2 bản này luôn yếu nhất so với 6 bản cùng tham gia đề án.

Khó khăn trong xóa hủ tục tang ma của người Mông không dừng lại ở những con người không muốn từ bỏ hủ tục mà việc quy hoạch và xây dựng nghĩa địa tập trung cũng đang gặp trở ngại lớn. Do người Mông từ bao đời, người chết không được chôn cất đúng nơi quy định nên tất cả các bản đều không có nghĩa địa tập trung. Do đó, việc quy hoạch nghĩa địa để người chết được chôn cất đúng nơi quy định... đang là vấn đề nan giải. Ngoài không còn quỹ đất, việc quy hoạch nghĩa địa ở đâu để phù hợp và thuận lợi cho bà con là vấn đề không hề đơn giản. Bởi, người Mông vốn dĩ họ không sống quần tụ mà sống rải rác trên những đồi cao, núi cao. Hơn nữa, bản chất thích thể hiện sự nổi trội của dòng họ đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Vậy nên, khi đã vận động được gia đình tang chủ đưa người chết chôn cất đúng nơi quy định thì họ cũng không muốn dòng họ của mình đặt dưới dòng họ khác... Gỡ “nút thắt” này như thế nào đảm bảo đến năm 2020, tất cả các bản Mông tham gia đề án có 100% đám tang thực hiện tang ma theo nếp sống mới và có nghĩa địa tập trung để người chết được chôn đúng nơi quy định... đang là bài toán khó chưa tìm được lời giải.

Xóa bỏ hủ tục trong tang ma nhằm làm cho cuộc sống bà con ấm no, bản làng trở nên văn minh, hiện đại.

Để Mường Lát không còn hủ tục trong tang ma

Giải quyết vướng mắc trong việc xóa hủ tục tang ma, đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương, ông Lương Văn Làn - Bí thư Đảng ủy (xã Quang Chiểu) và ông Phạm Văn Tôn - Phó Bí thư Đảng ủy (xã Trung Lý) cho biết: Địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con từng bước loại bỏ hủ tục, thực hiện tang ma theo nếp sống mới qua các buổi hội nghị của xã, của bản. Riêng đối với những trường hợp “cố thủ” cỡ như ông Hự ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu hay những trường hợp khiến cho 20% đám tang chưa thực hiện tang ma theo nếp sống mới ở một số bản xã Trung Lý... cần phải có cách tuyên truyền riêng. Phải trực tiếp đến tại gia đình kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục để họ nhận thấy rằng: Từ bỏ hủ tục không chỉ giúp cuộc sống của họ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu mà còn được sống trong môi trường trong lành, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nên tổ chức cho các đối tượng đi tham quan, học hỏi những mô hình tiêu biểu thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong tang lễ. Có như vậy, mới thay đổi tư tưởng bảo thủ ở những con người “thủ cựu” này. Tuy nhiên, để tổ chức những buổi tuyên truyền, vận động trực tiếp đến nhà đối tượng, hay những đợt tham quan học tập mô hình đem lại hiệu quả, với khả năng của địa phương không thể tổ chức được vì không có kinh phí. Bên cạnh đó, việc quy hoạch nghĩa địa cũng như làm đường giao thông từ bản đến nghĩa địa đảm bảo thuận lợi cả 4 mùa trong năm như mục tiêu đề án phải huy động nguồn kinh phí rất lớn nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên.

Về những vướng mắc trên, ông Lương Văn Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Huyện đã và đang chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể phối hợp, vào cuộc tích cực cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con từ bỏ hủ tục. Việc tuyên truyền này theo ông Thông, phải kiên trì vì thuộc yếu tố tâm linh nên không thể một sớm, một chiều bà con có thể hiểu và chấp nhận. Trường hợp đảng viên không gương mẫu trong xóa hủ tục như: Thao Văn Tông, Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm và Vàng A Dìn, Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng bản Ma Hát (xã Trung Lý), huyện đã chỉ đạo địa phương mời các đảng viên này kiểm điểm trách nhiệm và cuối năm xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Về kiến nghị của các địa phương mong được hỗ trợ kinh phí quy hoạch, xây dựng nghĩa địa và đường giao thông từ bản đến nghĩa địa, ông Thông trần tình: Sẽ rất khó, bởi ngoài 7 bản xã Pù Nhi được hỗ trợ quy hoạch xây dựng nghĩa địa và đường giao thông từ bản ra nghĩa địa, 33 bản còn lại, (trong đó có 16 bản tham gia đề án) đều chưa có. Đầu tư cho tất cả các bản này, nguồn kinh phí huy động rất lớn và quá sức đối với một huyện nghèo nên rất mong đươc tỉnh quan tâm hỗ trợ.

Về vấn đề này, ông Lương Văn Tưởng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đồng thời là cơ quan chủ trì Đề án cho biết: Mục tiêu đề án chỉ hỗ trợ cho mô hình điểm là xã Pù Nhi. Từ mô hình này, các bản Mông tham gia Đề án giai đoạn (2016-2020) đến để học tập. Tuy nhiên, tỉnh đã có chính sách khuyến khích hỗ trợ trực tiếp cho gia đình tang chủ thực hiện tang ma theo nếp sống mới với mức 8 triệu đồng, ngoài ra hỗ trợ một phần kinh phí tuyên truyền. Còn kinh phí hỗ trợ xây dựng nghĩa địa cũng như đường giao thông ra nghĩa địa không có. Vì vậy, chính quyền, người dân các địa phương có bản Mông tham gia Đề án phải xác định rằng: Xóa hủ tục là làm cho cuộc sống bà con ấm no, bản làng, địa phương trở nên văn minh, hiện đại, tự người dân, chính quyền phải phát huy hết nội lực vươn lên là chính, không thể trông chờ, ỷ lại.

“Phải đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phải làm thường xuyên, liên tục không được đứt quãng. Với cách tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” này, người có tư tưởng “bảo thủ” đến mấy cũng nhận thức được rằng xóa hủ tục tang ma là cần thiết. Khi nhận thức người dân được nâng lên, chính quyền các cấp vào cuộc, xóa hủ tục tang ma, hay quy hoạch xây dựng nghĩa địa tập trung đảm bảo như mục tiêu đề án sẽ không còn khó đối với những bản Mông này” - Ông Lương Văn Tưởng nhấn mạnh.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]