(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lấy cảm hứng từ một tứ thơ được phổ nhạc với hình ảnh vừa lãng mạn, vừa hào hùng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”, “Lá đỏ”, vở opera thuần Việt đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, đã đến với khán giả xứ Thanh vào tối 25/7. Đây là tác phẩm hùng tráng về thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, đã lay động người xem bởi tinh thần cách mạng và tình yêu cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

‘Lá đỏ’ - bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ

(VH&ĐS) Lấy cảm hứng từ một tứ thơ được phổ nhạc với hình ảnh vừa lãng mạn, vừa hào hùng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”, “Lá đỏ”, vở opera thuần Việt đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, đã đến với khán giả xứ Thanh vào tối 25/7. Đây là tác phẩm hùng tráng về thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, đã lay động người xem bởi tinh thần cách mạng và tình yêu cuộc sống.

“Lá đỏ” xoay quanh câu chuyện bi tráng của 8 chiến sĩ Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Trong một trận cứu hàng, tránh bom, họ đã bị vùi lấp trong hang và hy sinh. Đến nay, địa điểm lịch sử ở Quảng Bình có tên gọi là “Hang Tám cô” đã được lưu truyền và thờ phụng. Trên thực tế lịch sử, trong 8 người thanh niên đó có cả nam và nữ nhưng tác giả đã hư cấu, chuyển thành 8 cô gái để có điều kiện thể hiện trên sân khấu hình tượng đẹp, xúc động, dễđi vào lòng người. Để đến phần vĩ thanh 8 cô biến thành 8 vị nữ thần.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngay từ đầu đêm diễn đã chia sẻ: Tôi vui mừng vì sau khi trình diễn ở Hà Nội, Lá đỏ đã đến được với Thanh Hóa, và hy vọng rằng tác phẩm còn được đi lưu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đặc biệt là các tỉnh thành miền núi ven Trường Sơn, những vùng gắn với Trường Sơn thời chống Mỹ.

Với việc sử dụng nhiều các điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Văn Dung viết về Trường Sơn thời kháng chiến; hay những lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi, Lá đỏ không cho người xem cảm giác nặng nề của thứ âm nhạc bác học mà rất gần gũi và dễ đi vào lòng người. Người xem rất xúc động với vở nhạc kịch vừa mang tính bi hùng, vừa có tính lãng mạn, huyền ảo, trên một sân khấu ước lệ. Không có những hình ảnh khốc liệt mờ ảo bởi khói lửa bom đạn, những hình ảnh đẹp nhất có lẽ chính ở sự vui vẻ hồn nhiên của các cô gái. Các tuyến nhân vật được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia rõ ràng, đồng thời âm thanh cao độ cho mỗi tuyến cũng có sự khác nhau, khiến người nghe phải dõi theo câu chuyện.

Thời lượng 2 giờ đồng hồ, 2 màn, 6 cảnh những câu chuyện đời thường được các diễn viên thể hiện sống động chân thực và đầy sức thuyết phục. Hình ảnh của những chiếc lá đỏ xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, khi là những chiếc lá được thả rơi rơi, khi là hình ảnh trên phông nền sân khấu, lúc lại ở những câu ca, hành động của nhân vật, có sức biểu cảm lớn. Đến phần kết, với khúc ca “Trường Sơn lộng gió, ào ào lá đỏ” cùng với “trận mưa” lá đỏ, vở kịch tạo nên một không gian nghệ thuật vừa thực, vừa ảo, dẫn người xem tới khung cảnh hào hùng của những đoàn quân đi rầm rập để tới ngày chiến thắng, đồng thời giúp người xem hình dung tới sự đâm chồi nảy lộc của cuộc sống sau những mất mát, hi sinh. Người xem liên tưởng tới lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, giữa túi bom, vẫn yêu đời, chịu gian khổ, vất vả và dám cháy hết mình như những chiếc lá đỏ để làm nền cho những mầm xanh vươn lên.

Cảnh trong vở opera “Lá đỏ”.

Khác với một vở kịch xuyên suốt vở diễn là âm nhạc chứ không phải là lời nói. Bởi thế, ngoài sự lôi cuốn về cảm xúc, vở diễn buộc người nghe phải tư duy, phải tưởng tượng.

Vở diễn không chỉ dành cho khán giả hôm nay mà còn cho những lứa tuổi đã từng tham gia cuộc chiến, những cựu TNXP, những cựu chiến binh đã từng có mặt trên những chiến trường khốc liệt nhất. Nhiều người xúc động thấy đúng là hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa. Hơn nữa, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật âm nhạc, bằng ca từ, giai điệu, hiệu quả của dàn nhạc giao hưởng nên cho hiệu quả mà ít người được thưởng thức, vượt qua thể loại thông thường như những ca khúc, những bài hát đơn giản mà chúng ta đã quá no đủ. Một bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Câu chuyện tưởng như của ngày hôm qua ấy nhưng vẫn rất phù hợp với ngày hôm nay, tuổi trẻ lúc nào cũng đẹp, cũng đầy mộng mơ, nhưng không thiếu những gian khổ.

Nghệ sỹ nhân dân Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, biên đạo múa vở nhạc kịch “Lá đỏ”, cho biết: “Thế hệ trẻ không tham gia chiến tranh thì qua vở nhạc kịch này họ cũng hiểu được về cuộc sống gian khổ của những người đã gửi tuổi thanh xuân của mình trong Trường Sơn”.

Vở diễn được gửi đến khán giả xứ Thanh đúng vào dịp 27/7 không chỉ là tri ân những người đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước; mà còn là tiếng ca ngân vang để những người trẻ tuổi hôm nay bỏ bớt đi những vị kỉ cá nhân, sống sao cho xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc mình.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]