(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiếc gậy thần trao tay chiều xế

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiếc gậy thần trao tay chiều xế

Ký sự của Vương Anh

Tranh minh họa của Ngọc Hiếu.

Anh tôi gần tám chục tuổi. Nay thì tai, mắt, đầu gối và bước chân cứ cãi cọ nhau hoài. Chiếc gậy thường ngày là vị cứu tinh, giải tỏa mọi vướng mắc và còn dẫn đường chỉ lối thực sự tin cậy. Anh tôi nâng niu chiếc gậy từng phút, từng giờ, từng ngày... Có lần anh bảo gặp những chiếc gậy Trường Sơn trong giấc mơ. Chuyện về những năm tháng tòng quân lên đường đánh giặc Mỹ, cứu nước lại như những chiếc lá trầu xếp nếp vào nhau để đếm. Anh đếm ra những dòng ký ức chiến trường nóng bỏng rằng: “Ngày ấy là chuẩn bị chiến dịch tổng phản công mùa xuân 1968, đơn vịđang ém quân ở Động Ông Do thì được lệnh chi viện vào tuyến sâu hơn. Thế là đường Trường Sơn tắc nghẽn các Binh đoàn.

Đường mòn Hồ Chí Minh đón rước quân chủng bộ binh rầm rập trùng điệp với những chiếc gậy Trường Sơn. Gậy cùng người cõng trên lưng ba-lô, súng đạn, lương thực, thuốc men. Bài hát về chiếc gậy Trường Sơn được các chiến sĩ truyền lời hát đồng ca làm náo nức con đường chiến dịch. Tôi và chiếc gậy tre bươn bả leo dốc Tà Rụt. Có ai truyền lại chuyện cái Trạm giao liên này đã từng có kho chứa hàng ngàn, hàng vạn chiếc gậy để hễ ai đi qua cần thay gậy là xuất kho ngay. Tôi thấy gậy của mình đã xước xáp, mềm võng lưng đành xin thay cho cái mới. Cô gái trực trạm kho trao cho một lóng lồ ô. Tôi ngắm vội và lắc đầu định không thay nữa, bởi so với chiếc gậy tre cật gốc tuốt thẳng của tôi thì lồ ô vẫn chưa địch nổi. Cô gái tròn xoe mắt, cười trêu rằng: “Gậy tụi em không cứng bằng gậy của anh hì? Anh ở mô, Nghệ An, Hà Tĩnh hay Thanh Hóa mà chê gậy tụi em? Anh cứ lấy một chiếc cho trạm em ghi thành tích...”. Cô gái cười tóa lên. Đoàn quân ào ạt cười theo. Có ai đó gọi đúng tên cô gái làHơDung, người Vân Kiều. Thế là mình nhận chiếc gậy lồ ô để cái O HơDung kia không thể không chép vào danh mục xuất gậy trong kho giao liên Tà Rụt. Khi đã đi cách xa Trạm Tà Rụt vài cây số tôi được truyền tinthêm rằng ở Trạm Tà Rụt còn có một “Nhà Bảo tàng gậy Trường Sơn” đó là những chiếc gậy đã từng qua ngàn dặm từ hậu phương vào sâu trong tuyến lửa này. Gậy cũ, mòn vẹt, gãy, cong vênh, gậy tre Hòa Bình, gậy trúc Bắc Giang, gậy lụi Sơn La, gậy hèo Thái Bình, gậy song Ninh Bình... đủ thứ họ tre xếp vào ngăn “Bảo tàng” chiến tranh ở Tà Rụt. Thế là chiếc gậy tre ngà đặc ruột, chắc như gỗ lim của mình đã nằm trong “Nhà Bảo tàng gậy Trường Sơn Trạm Tà Rụt”. Đó là chiếc gậy của bố đã săn lùng suốt một ngày đêm trong thung núi Đá Mài, nơi được mệnh danh là Kho tre ngà, nhà tre đực. Bố đã vất vả ngủ lại một đêm trong núi để chờ diệt xong tổ ong Bạc Đầu đang vây quanh bụi tre ngà có những cây tre thẳng tắp. Chính trung tâm tổ ong là bảy cây tre ngà vừa vặn nhỏ hơn cổ tay.Đây đích thực là cây gậy chắc bền, dẻo dai nhất. Ông hun khói, quạt khói vàomọi ngóc ngách, tổ ong dưới đất sâu đã bị khói trùm kín. Sáng hôm sau bố bươn bả từ trên núi chạy về nhà và kịp trao cho con trai ba chiếc gậy tre ngà. Bố dặn hãy mang cả đi lên nhập ngũ, ai chưa có gậy thì đem tặng họ... Thế là hai chiếc gậy một chiếc mình tặng chú Xuân người bạn trong làng, một chiếc trao tay anh Thắng bạn học từ năm lớp ba người làng Bái. Ba chiếc gậy của bố cùng xếp hàng vào đoàn quân lên đường đánh giặc, tạm biệt quê hương làng Lú, làng Khoen. Chiếc gậy mình gửi lại Trạm Giao liên Tà Rụt còn có cả hơi ấm lòng người và niềm tin vào ngày chiến thắng của bố nữa...”. Anh thầm thĩ nói có lúc như đang tâm sự với đồng chí, đồng đội, có lúc lại như hô khẩu lệnh đứng trước đơn vị đang tập trung quân. Chức vụ Đại đội trưởng của anh được cấp trên đề bạt ngay trên đường chiến dịch. Anh lại kể về những kỷ niệm khi vào tuyến lửa sâu hơn rằng “Gậy Trường Sơn vẫn gài trên nóc ba-lô, làm sao mà bỏ nó được. Đi núi thì chọc sâu lối đi phía trước để vịn vào gậy mà đi, đi đường bằng thì chọc phía trước, phía sau dò lầy thụt, hố sâu. Nhớ ngày ấy quá chừng. Lệnh kiểm tra toàn bộ quân số, vũ khí trang bị của đơn vị báo cáo lên Z xong, mình hy vọng hôm nay sẽ không bị sốt như mấy hôm qua đèo Ta Chúk, Ta Lek. Trời ngả nắng. Nắng đẹp vô cùng. Mình vừa gài chiếc gậy lên nóc ba-lô thì pháo từng bầy nã lên ở các căn cứ Kơ-Rếch, Âm Phúc không hiểu sao bắn rất dữ. Máy bay các loại quần đảo cũng nhiều vòng hơn. Trưa ăn cơm xong ai ngờ sốt lại hoành hành mình. AnhPhúc y tá vẫn ngồi cạnh theo dõi nhiệt độ. Mê man thiếp đi thì tiếng bom B. 52 trút xuống đâu đây làm chao chác cả võng tăng. Hành quân đến Phum Sa Koóc thì gặp máy bay L. 19 quay chụp, thoát chết, may nó chưa phát hiện quân mình. Cố gắng lại vịn vào chiếc gậy nghĩa tình để đi đường tắt về Phum Sa La Vênh. Gậy Trường Sơn dìu bước chân ta đi mãi cũng đến Z. Chiều hành quân, sau lại có lệnh hoãn. Ba giờ sáng lại có lệnh đi gấp. Hành quân 5 giờ liền. Gậy băng băng phía trước, lúc thì chèo chống sang bên. Lệnh chiến đấu là bất khả kháng. Mọi người lúc này nắm chắc chiếc gậy Trường Sơn mới vỡ ra rằng: “Đổ mồ hôi trên thao trường càng nhiều thì bớt đổ máu ở chiến trường bấy nhiêu”. Bộ phận trinh sát do Đại đội phó Cầm Bá Nếng dẫn đường cho ém quân ở một căn cứ cũ. Cả đơn vị được lệnh hạ trại, đặt chiếc gậy Trường Sơn nằm nghỉ để sửa lại hầm hố công sự chừng một giờ đồng hồ thì xong. Mình tranh thủ gối tay lên chiếc gậy, tựa vai vào vách công sự nhắm mắt thư giãn thì bùng nổ từng loạt pháo các cỡ của quân ta từ các trận địa cánh bắn tới tấp vào Kơ - Rếch.Đoàn quân tiếp viện chiến trường lại được lệnh cùng chia lửa với đơn vị bạn.Mìnhcùng đơn vị được lệnh bao vây, chia cắt đội hình địch. Toàn bộ khu vực trận địa pháo địch, khu nhà đèn, bãi đỗ xe... đều bị pháo ta ghìm tanh bành không ngóc đầu lên được. Chiến sự tạm lắng thì lệnh lách tuyến lửa để hành quân vào Tây Ninh lại được cấp trên chuyển tới. Gậy Trường Sơn lại đánh thức bàn tay mình nắm chặt quai ba-lô chọc mũi gậy về phía trước, vung chân theo...”.

Anh tôi tựa vào chuôi gậy tre ngà. Chiếc gậy mà con anh đã đẵn trong rừng phía sau núi Đá Mài đem về hun khói ngát thơm. Còn vùng Đá Mài ngày xưa bố tôi phải vật lộn với tổ ong Bạc Đầu thì nay đã là vùng qui hoạch nhà máy chế biến nông sản. Anh tôi từ chiến trường về không bị thương nhưng cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Thân hình ngày càng teo tóp. Đi đứng xiêu viêu, xẹo vẹo. Chiếc gậy quê nhà lại một lần nữa là vị cứu tinh giúp anh tập đi, tập đứng, tập ngồi. Thời gian không cho anh lãng quên kỷ niệm chiến trường xưa. Thế mà ngày không muốn đến nó phải đến. Đó là vào lúc 11 giờ 10 phút, ngày 13/6/2011, anh ra đi thật. Hôm đặt ảnh thờ,tôi chọn tấm ảnh anh tôi chỉnh tề mặc áo nhà binh, đội mũ gắn sao vàng, ngực đeo Huân chương kháng chiến hạng nhất và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Có một kỷ vật bất ly thân là chiếc gậy. Anh tôi không kịp dặn dò trăng trối điều gì sau cơn đau đột qụy. Tuy nhiên, chiếc gậy lại nằm kề vai anh. Điều linh thiêng và thuỷ chung đó đã gián tiếp nói rằng: “Hãy cho chiếc gậy duy nhất và linh nghiệm này đi theo chủ nó!”. Thế là bên mộ táng có chiếc gậy tre ngà hun khói thường ngày theo người đi khắp chiến trường, khắp làng , khắp bản, nay lại được canh giấc ngủ nghìn thu cho người. Quả là chiếc gậy thần trao tay khi chiều xế để cho người siêu thoát, linh thiêng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]